Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Tư duy kinh tế Vn 1975-1989 (tiếp).

3.
Đối tượng khảo cứu của cuốn sách là về "tư duy kinh tế VN". Xét trên phương diện phương pháp luận nghiên cứu KH, tôi không rõ là liệu trong ngành kinh tế học thì khái niệm trên có trở thành một đối tượng nghiên cứu được không nữa? Sẽ dễ chịu hơn nhiều nếu xếp công trình này vào phân mục lịch sử - mặc dù bản thân sử học cũng lại là một thứ rất khó để phân loại. Bỏ lại vấn đề phân loại duy danh (có phần dễ dãi) sang một bên, ta lại thấy chính từ độ vênh này phạm trù "tư duy kinh tế VN" tìm được sự thích nghi cho hoàn cảnh chính trị - kinh tế - xã hội đặc thù của mình.

Như chính trong cuốn sách đã ghi lại, nhiều ý kiến từ quan điểm kinh tế học phương Tây đã cho rằng tiền ở VN giai đoạn bao cấp không thực sự là tiền tệ (vì nó gắn với vô số thủ tục, giấy tờ, tem phiếu...khác) nên những khái niệm kinh tế học chẳng biết gò vào đâu cho vừa thực tế VN lúc đó. Một đằng thì đến bản thân khái niệm chủ chốt là "tư duy kinh tế" cũng phải loay hoay tìm kiếm một uyển ngữ cho mình, đằng kia là cái cấm kị về hệ tư tưởng CS đã chốt chặt tại bổ ngữ "muôn năm", ở giữa hai đằng hai nẻo đó mới thấy được việc lựa chọn đối tượng trình bày là "tư duy kinh tế VN" trở nên vô cùng thích đáng. Trong phạm trù này đồng thời vừa bao hàm các tư tưởng, lý luận, lại vừa bao hàm các chủ thể của nó từ các cá nhân chính trị gia đến các cơ cấu ban ngành của thể chế cũng như hệ thống các chuyên gia, các think tank.

Trong bài tựa của GS Trần Phương - một nhân vật chính được đề cập nhiều lần trong cuốn sách - hầu như không hề chạm đến một điều gì cụ thể của tác phẩm. Tất cả chỉ là những câu hỏi rất cơ bản, rất hiển nhiên về mô hình kinh tế của VN. Một người trong cuộc nêu lại những câu hỏi căn bản - tự điều này cũng nói lên được khá nhiều điều: nếu chúng ta đã làm được rất nhiều điều trong Đổi Mới, vậy thì vị trí của những đổi mới ấy là ở đâu trong tiến trình chung của lịch sử? Đứng từ ngoài để nhận xét thì hầu như chỉ có thể rút gọn lại một câu "đổi mới chẳng qua là cải lùi!". Từ đó chuyển sang phủ nhận vai trò lịch sử cũng chẳng xa là mấy. Trong công trình của mình, ĐP đã phần nào chuyển tải được bối cảnh chính trị - kinh tế - xã hội của VN một thời kỳ trong sự liên tục và không thể tách rời từng mặt của nó bằng lối ghi chép riêng trong đó các chứng từ của lịch sử xuất hiện một cách chi tiết và sống động không ngờ so với những ấn tượng thông thường về chúng. Nhìn nhận lịch sử bằng cái nhìn từ những vận động nội kết thường giúp đem lại những kiến thức có nhiều ích lợi hơn là những phán xét suông "if what".

4.
Một điểm thú vị khác của cuốn sách là dưới sức căng của tình huống kinh tế đất nước thời kỳ đặc biệt này, những sinh hoạt chính trị ở cấp cao nhất ở Vn hiện ra rất sinh động đến từng cá nhân một. Nó giới thiệu cho công chúng một loạt những chuyên gia còn ít được biết đến đứng đằng sau cuộc cải cách. Những chính khách nổi tiếng trở lên cụ thể sinh động hơn trong từng tình huống câu chuyện cụ thể. Hầu như tác phẩm chỉ ghi lại những sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến tiến trình cải cách, đổi mới. Nhưng chính từ cách ghi chép chi tiết cụ thể với nhiều chứng từ lịch sử đã làm nổi bật lên những điều, những việc của những người trong cuộc nhưng không được nói đến! Những hình ảnh đen trở lên bớt đen hơn và những hình ảnh sáng quá trở lên có hình khối hơn.

Thông qua những chi tiết, người đọc có thể phác dựng lên được lề lối hoạt động, cơ chế ảnh hưởng và ra quyết định của cơ quan quyền lực cao nhất là BCT. Những diễn tiến thay đổi cung cách sinh hoạt chính trị trong nội bộ, những xu thế cân bằng mới dần xuất hiện sau thời kỳ của các lãnh tụ. Trong một cái nhìn kéo dài, nó sẽ giúp ta hình dung phần nào về cơ chế của những sinh hoạt chính trị giai đoạn gần đây.

5.
Từ những đặc điểm của mình, có lẽ đúng hơn cuốn sách thuộc loại hình lịch sử giống như nó tự nhận "Nhật ký thời bao cấp". Sự sống động của tư liệu giúp người đọc như cùng quay lại một thời kỳ để theo dõi tiến thoái của nó. Một điều khá đặc biệt với tôi là sau khi đọc cuốn này bỗng nhận thấy hơn 20 năm không phải là quá dài. Những gì đang diễn ra là sự kéo dài của những sự kiện của thời kỳ trước. Những đòi hỏi cải cách thay đổi một mặt vừa rất cấp thiết một mặt cần có đủ thời gian cho nó diễn ra. Những vấn đề kinh tế cần một pha thời gian của nó, những vấn đề xã hội khác cũng sẽ cần một pha khác để thay đổi.

Nhưng nếu những vấn đề kinh tế của giai đoạn 1975-1989 là rất cấp bách tạo ra tình thế không thể không đổi mới để từ đó chính cũng những cá nhân như Trường Chinh có thể thay đổi để tác động vào tiến trình thì đối với những vấn đề xã hội hiện nay sức căng của tính huống sẽ xác lập từ đâu? Chúng ta vẫn đang còn hân hoan vì hàng trăm năm nay chưa bao giờ cuộc sống dễ chịu như vậy (như báo Mỹ nói) thì tương lai những yếu tố nào, những ai sẽ là người thức tỉnh những vấn đề cấp bách ở một bình diện khác, ở những tầng trên của tháp Maslow?

Không có nhận xét nào: