Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Ngoại đạo - Đọc lại

Post lại 1 bài cũ để gần entry về E.F - minh họa ý tưởng về tôn giáo (không comment vụ Thái Hà).
Thêm món "đọc lại"  vào thực đơn loanh quanh ^ ^


 -----------
Dạo này nhân việc xử phúc thẩm vụ Thái Hà, trên các diễn đàn lại thấy rộ lên những tranh luận liên quan đến tôn giáo. Và như thông lệ, những tranh luận thường rất nhanh chóng rơi vào cảm tính và định kiến. Ngay cả những người có ý định tranh luận nghiêm túc cũng nhanh chóng mất bình tĩnh. Một lần nữa cho thấy những tranh luận trên diễn đàn thường là chẳng đi đến đâu. Vì sao vậy? Tôi nghĩ có mấy ý sau:


- Bản chất của những hình thức forum-diễn đàn phổ biến (trừ một số ít rất chuyên sâu trong những lĩnh vực dễ định lượng đúng sai kiểu như về vấn đề toán học hay kỹ thuật) là 1 loại sân chơi để "nhàn đàm"-như Lâm Ngữ Đường từng mô tả trong cuốn "Sống đẹp" (NHL dịch). Tức là nó không nặng về đúng sai bằng việc chia sẻ, khơi gợi và dựa trên sự thông cảm nhau ít nhiều. Không thông cảm được thì sẽ có thành viên ra đi. Nên nói chung rồi một ngày các forum cũng sẽ chìm lắng xuống trong một không khí "cộng thông" nhàn nhạt bạn bầy.

Hiện tượng này theo tôi xuất phát từ đặc điểm của internet: nó hình thành quá nhanh và trước hết là để giao tiếp, chia sẻ thông tin. Nếu người ta thực sự nghiên cứu và tranh luận học thuật thì sản phẩm sẽ là những cuốn sách hay những bài báo trên tạp chí chuyên sâu. Nên lẽ tự nhiên đến với các forum người ta chủ yếu chỉ dừng lại ở hành trang là những ý tưởng cùng những cảm xúc-thường mang đậm tính thất thường của đời sống từng ngày. Hệ quả tự nhiên những người "chơi 4rum" đều đồng ý rằng "để thư giãn"-để lại sau vô số ví dụ về những rắc rối do đồng nhất net với life. Một số ít đủ tự tin thì lui về làm hot blogger. Hot 1 thời gian rồi khăn đóng áo the lên báo lên sách :P

- Một điểm cũng phải nhắc tới nữa là khía cạnh tâm lí của các "công dân mạng"-từ trỏ những người thường xuyên lang thang trên net, tất nhiên là có làm việc :D Người ta đã nhận thấy ở nhóm đối tượng này những biểu hiện vấn đề tâm lí của chứng nghiện: bồn chồn, mất khả năng tập trung, khó kiểm soát cảm xúc...Trong một bối cảnh người ta mặc định phải "cộng thông" mà lại muốn kèm thêm ý định tranh luận-thường lại là những vấn đề to tát vĩ mô (chính trị-tôn giáo-triết lý)-gay gắt nhưng gói gọn trong vài dòng, vài trang thì việc không đi đến đâu là dễ hiểu. Nhất là khi hành trang chỉ là những ý tưởng, luận chứng rời rạc nặng cảm tính.


Quay trở lại với chủ đề tôn giáo. Muốn minh bạch thì phải có một sự rõ ràng về định nghĩa từ đầu. Nếu lấy cơ sở là đức tin (hiển nhiên tôn giáo gắn với đức tin-cho dù nó mang sắc thái và được đưa đến bằng con đường nào) thì thậm chí người ta có thể nói về một tôn giáo mà ở đó người ta "không tin gì". Cho rằng mình không tin gì thì cũng chỉ là một niềm tin mà thôi! Nhưng từ "đức tin", "xác tín"...đến "mê tín" là cả một phổ rất dài. Cơ hồ định nghĩa như trên cái được cũng ngang với những cái mất nếu chẳng may nổ ra 1 cuộc tranh luận giữa các giáo dân.

Nói về đặc điểm tâm lí của những người "có tôn giáo thực sự" Karl Jasper có đề cập đến một đặc điểm-chính ông cũng né tránh cái bẫy logic luẩn quẩn của việc 1 định nghĩa (như trên) không loại trừ cái gì này bằng cách nói "dường như"-là sự phổ biến và tương đồng trong các mô tả về những "trải nghiệm tâm linh" của họ. Một cảm giác "đồng nhất", "hiệp thông", "tràn ngập", "thấu thoát"...vượt qua khỏi giới hạn của nhân ngã nhỏ nhoi (*). (Mô tả tốt nhất cho điều này có lẽ xin giới thiệu cuốn sách của Eckhart Tolle "The power of Now-Sức mạnh của hiện tại"). Bất chấp việc những từ như từ "thẩm quyền" đã bị ô nhiễm khỏi ngữ cảnh tâm linh đến thế nào thì cũng có thể tạm dùng nó ở đây như thế này: Chỉ khi xuất phát từ những thẩm quyền tâm linh như thế, những bàn luận tâm linh-hay tôn giáo, một khái niệm cũng đã bị suy thoái trầm trọng-mới có thực chất và ích lợi. Và những bậc Thầy như Eckhart cũng luôn thống nhất ở một điểm: luôn phủ nhận việc thông điệp chỉ đơn giản nằm trong lời nói hay ngữ pháp của chữ viết. Ngón tay trỏ mặt trăng không phải là mặt trăng. Lĩnh vực tâm linh là lĩnh vực của trải nghiệm. Và việc hoằng đạo là việc khơi mở những trải nghiệm tâm linh tự thân chứ không phải là "rao giảng".


Có điều oái oăm là: một khi đã tự tách mình ra khỏi lĩnh vực cứng nhắc của logic thì sẽ rơi vào cái cảnh huống trớ trêu: mở miệng đã là sai rồi. Bạn sẽ dễ dàng phản công tôi bằng chỉ một câu ngắn ngủi: nói nhiều thế làm gì? Hình như với những người có cùng trải nghiệm họ có thể nhận biết được nhau nên không cần nói. Ví dụ như những mô tả trong cuốn "Thiền trong nghệ thuật bắn cung" (NTB dịch)-một bậc Thầy sẽ nhận ra khả năng của người khác qua động tác giương cung của anh ta. Nhưng những mức độ phân biệt vi tế nông sâu, nghi ngờ, khảo nghiệm, ấn chứng...trong vấn đề trải nghiệm tâm linh này thì Thiền sử cũng tràn ngập các câu chuyện ví dụ.


Đến đây mới nhận thấy cách phân chia định vị khái niệm "Tôn giáo" như của Erich Fromm trong cuốn "Phân tâm học và Tôn giáo" là có ích lợi nhất-cho những người có ý định tìm hiểu nội tâm mình: mình có tôn giáo không? Tôn giáo nào?

E.F phân biệt tôn giáo thành 2 loại: Tôn giáo chối bỏ tiềm năng nhân bản cuả con người để thừa nhận những thẩm quyền phi lí và thứ Tôn giáo tin vào thứ thẩm quyền duy nhất là thẩm quyền của chính bản thân con người tiềm tàng bên trong mỗi cá nhân. Và như vậy, con đường đúng đắn là con đường tự soi vào chính nội tâm mình, không tìm kiếm đâu xa ngoài chính bản tâm mình.

Ở VN người ta hay dùng từ "ngoại đạo" để chỉ kẻ không trong lĩnh vực, tôn giáo với mình. Tuỳ từng tôn giáo mà có thể là những kẻ từ bàng quan đáng thương hay thậm chí là "phải đoạ địa ngục". May mà chúng ta chưa gặp mấy bạn Hồi giáo kiểu Thái Lan cho mình cái quyền chặt đầu người khác! Một lần tôi đọc 1 tài liệu cố gò cái nghĩa "ngoại đạo" thành ra là "đạo tìm kiếm ở bên ngoài" để đối lập với con đường của Phật giáo "đạo tìm ở trong chính mình"-Đạo nội. Tôi không am tường Hán văn nhưng cảm thấy việc gán ghép này không theo ngữ pháp thông thường. Vả lại nói rốt ráo, chân tâm linh nào chẳng phát xuất từ bên trong? Nhưng khi theo dõi những tranh luận về tôn giáo, tôi thường nhớ đến từ "ngoại đạo" như là một phản nghĩa của cái cảm giác thiếu vắng những trải nghiệm tâm linh đích thực. Sinh ra trong một tôn giáo đâu có nghĩa là sẽ sống tâm linh trong tôn giáo đó? Chẳng phải Phật, Jesu, Mohamed...đều như thế sao. Và con đường nội tâm là con đường bấp bênh gian nan khắc khoải sinh tử quan đầu chứ có phải thứ quà tặng dễ dãi được ban phát trưởng giả, phách lối đâu.

Đời sống nội tâm và ngoại cảnh bồng bềnh
Đều như cây cầu khỉ đối với người mù
Mà kẻ dẫn đường tốt nhất là tinh thần quyết vượt

(Bạch Ẩn Huệ Hạc)
---------------

(*) Thực ra cái nhu cầu hiệp nhất, cảm thông, đồng nhất hoá, trở về với bản lai...vốn là xuất phát điểm chân thực, suối nguồn duy nhất của đời sống tinh thần và không phải độc quyền của riêng Tôn giáo. Mọi Triết lý nói chung đều xuất phát từ đấy. Bởi "Khổ", "Bất An", "cảm thức chia cắt", "những câu hỏi về vô hạn, toàn thể", "mong muốn dự đoán được, kiểm soát được"...là cái SỰ THẬT thứ nhất, căn bản và hiển nhiên của mọi thân phận con người trong mọi thời đại.

Thường xã hội quy ước cứ 18 tuổi thì có quyền công dân, 30 tuổi ở phương Đông là lập thân, lập chí. Nhưng không đơn giản như vậy: người ta có quyền không đồng nghĩa với có khả năng. Các nhà Phân tâm học nhận thấy một cách có phần chua chát rằng về mặt tâm lí, đại đa số nhân sinh mắc kẹt lại ở khoảng tuổi 16 mà không lớn thêm được bao nhiêu suốt chặng đời còn lại. Nhưng cũng phải thôi, làm bất cứ việc nhỏ nhoi nào cũng phải học nhưng có đại sự nhân sinh lớn nhất thì tuyệt đại đa số lại học không được bài bản lắm.

Một cách hình ảnh, nếu mỗi một chu trình hoài thai của một sinh linh đều lặp lại hình ảnh tiến hoá của loài thì sau khi sinh ra cũng vậy: người ta bắt buộc phải đi lại bằng đấy đoạn trường để trưởng thành. Để trở thành "người_thật_là_người" như cách Nhượng Tống dịch chữ "chân nhân" của Trang Tử. Và trên con đường này, một cách cá nhân, tôi cho rằng bản sắc là thứ tầm phào, không cần phải cố.

Nó cứ lòi ra

Mặc dù hết sức kiềm chế nhưng rồi thì nó vẫn lòi ra :p

Cái tag nhiều nhất của blog này hóa ra vẫn cứ là về chủ đề thơ. Từ hồi đọc "Đường vòng và lối vào" của F.J mình đã có ý định thu vén lại những ý nghĩ về món thịt chó này; nhưng cuối cùng tình trạng vẫn là loanh quanh.

Nhặt lại ở đây 1 đoạn ngắn theo 1 cách tùy tiện.
-----------
Thế thơ thì buồn hay vui mới nên? Theo mình cái đó tuỳ tạng. Như mình buồn buồn lẩn thẩn thì có tí thơ chứ vui là hết chuyện. Lo âu chộn rộn cũng khỏi thơ đi. Nhưng với mình, tình tự của thơ nó đã như thế nào nhỉ?

Thường thì thế này: đó là bột phát của 1 tâm trạng đã lẩn khuất đâu đó trong tâm trí từ bao lâu rồi. Phảng phất, mơ hồ hay đăm đắm cũng có. 1 lúc chùng lòng xuống, 1 sự thả lỏng và...có cái gì đó như là thơ. Tức là cảm xúc nó gọi lên 1 giai điệu, giai điệu gợi về những hình ảnh miên man, lý trí lê la bên cạnh góp vui kể lể 1 bố cục. Tất cả như những khung hình xé dán chồng lớp. Và không đứa nào đứng lên kêu gọi 1 đường hướng gì cả. Mình thường dừng lại ở chỗ 1 di âm nhạt nhoà vô vị băn khoăn vô định vô hạn. Tức là lúc đó mình đã thoát ra khỏi chỗ vừa rồi rồi. Cũng không muốn người khác diễn nôm lại những gì đã qua. Cái mà người ta có thể chia sẻ là cái cách mà tâm tình đã ứng hoạ với tình cảnh chứ không phải câu chuyện tình tiết li kỳ nào cả.
-------------



Để trỏ những chỗ không có hình dạng thì thơ là một thứ tiện dùng. Rốt cuộc, tag thơ có thể đổi thành vớ vỉn, linh tinh lang tang cũng được :D

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

Mai luận

Sách “Trân hương bảo thụ” của Phí Cung Ấn đời Minh chép: “Đắc Kỷ ái lãm hàn mai, Trụ tằng ngự tuyết đồng lãm chi” nghĩa là “Đắc Kỷ thích ngắm mai trong giá lạnh, Trụ vương thường đội tuyết mà ngắm cùng…”.

Mai có cốt cách cổ nhã, hương thơm mộc mạc; nhất là mai cũng như tùng, trúc thuộc nhóm “tuế hàn tam hữu”, chịu được tuyết lạnh, chẳng khác bậc trượng phu xưa, khí tiết vững vàng chịu đựng mọi nghịch cảnh và không bao giờ khuất phục bạo quyền.

Mai là loại cây càng già dáng dấp càng đẹp. Gốc mai khúc khuỷu, cành mai vặn vẹo hiên ngang, vỏ mai xù xì điểm mốc…

Tuy dạng giống nhau, nhưng mai có nhiều chủng loại, màu hoa khác biệt. Bạch Mai sắc trắng như tuyết, khi hoa tàn kết quả màu xanh, quả chín chuyển sang màu vàng; Hồng Mai sắc đỏ như máu hoặc màu hồng phấn, quả chưa chín có màu xanh, khi chín màu đỏ như máu; Thanh Mai màu trắng ánh xanh, khi hoa tàn kết quả màu xanh, quả chín màu vàng cam. Còn nghe, có loài hoa màu đen hay tím đen gọi là Mặc Mai; nhưng chưa từng thấy phổ biến.

Cây mai, hoa mai đẹp nhưng quả mai rất chua. Quả mai chín vào tháng tư, tháng năm âm lịch. Khi ấy thường có mưa nhỏ, người xưa gọi là mưa mai (Mai Vũ).

Sách “Nhĩ nhã” luận về hương thơm của hoa mai: “Hoa mai quý ở mùi hương…” Sách “Thôi dụng nhật thi” có câu:

“Khúc trì đài sắc băng tiến dịch
Thượng uyển mai hương tuyết lý phiêu”
Tạm dịch:
“Ven ao rêu lóng lánh băng
Vườn vua mai thoảng hương làn tuyết rơi”

Theo “Mai phổ”, mai có sáu cánh, tròn đẹp như thuỷ tiên được gọi là Thuỷ Tiên Mai; loại mai hoa mọc thành cặp có tên là Uyên Ương Mai; loại mai hoa màu đỏ hồng gọi là Yên Chi Mai; mai có đài hoa màu xanh đậm gọi là Lục Ngạc Mai rồi Hạc Đính Mai; Ngọc Điệp Mai, Quý Phi Mai…

Lại có Dã Mai tức mai rừng nên trồng trong rừng trúc, ven bờ nước; loại Hạc Đính Mai nên trồng trong vườn, dọc theo đường mòn; Uyên Ương Mai nên trồng sát bên song cửa sổ có hoạ mi bên vì mai rất hợp với hoạ mi.

Võ học có Mai hoa thung, Mai hoa quyền, Mai hoa kiếm…Điển hình của những Mai Si có sủng phi Mai Thái Tần của Đường Minh Hoàng - gọi là “Mai Tinh”. Lâm Bô tự Quân Phục, người đất Tiền Đường, danh sỹ đời Tống ở ẩn tại Cô Sơn bên Tây Hồ suốt đời với hạc, mai người đời tặng bốn chữ “Mai thê, hạc tử”. Ông có câu thơ bất hủ:

“Sơ ảnh hoành tà thuỷ thâm thiển
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn”
Tạm dịch:
“Nhập nhoà cảnh đẹp in làn biếc
Mơ hồ hương thoảng ánh trăng lên”

Về phép thưởng mai, sách “Hân thưởng bá pháp” của Bốc Quán Ân chép: “Muốn tận nhã thú, chỉ nên: ngắm Bạch Mai sau đêm tuyết bắt đầu rơi – Ngắm Thanh Mai trong cơn mưa phùn - Ngắm Hoàng Mai trong ánh nắng sớm - Ngắm Hồng Mai trong nắng chiều hôm - Ngắm cảnh mai lồng bóng trăng - Ngắm cảnh mai nở bên song - Ngắm mai nở đêm giao thừa - Ngắm mai và hạc yên tĩnh - Ngắm mai có bướm vờn trên - Ngắm mai rung cánh trước làn gió xuân lành - Ngắm mai có giai nhân yểu điệu vin cành tựa gốc - Ngắm lão mai có bậc lão trượng tỉa lá thăm hoa - Ngắm Bạch Mai trong đêm trăng thanh để thấy rõ vẻ trắng ngần - Ngắm Lão Mai mọc cheo leo trên triền núi cao - Ngắm Lão Mai mọc nghiêng bên đầu cầu gỗ nhỏ…”

Lại chú, khi đi ngắm cảnh mai nở, tuyết rơi nên cưỡi lừa đen mới thật ý vị.

Có thơ:
“Kinh vũ bất tuỳ sơn điểu tán
Ỷ phong như cộng lộ nhân ngôn”
Nghĩa là:
“Trải qua mưa, không tan tác theo chim núi
Tựa vào gió, tưởng chừng như đang trò chuyện với kẻ bên đường”

(trích Mỹ thuật thời nay – 1-96) (không nhớ tác giả).

carnets - Luận ngữ XIII, 24 - F.J


- Toàn bộ đức hạnh của con người là ở con người và biểu lộ ra hễ có hai người: “Nhân”
- Thấy mình phù hợp với bản tính của mình: “Thành”
- Phán xét ý thức của người xuất phát từ ý thức của chính mình – xúc tiến giác quan về đức nhân của mình và mở rộng tới những người khác: “Thứ”
- Tình cảm nhân đức thật lòng: “Trung”
- Nỗi lo lắng nội tâm: “Ưu”
- Nỗi lo xoay xở đến từ cuộc đời, chỉ liên quan đến những phúc lợi bên ngoài: “Hoạn”.
- Vượt qua lợi ích của cá nhân và vì phúc lợi của mọi người “Đồng”/”Công”
- Một tính nhậy cảm dồi dào tràn trề: “Khí hạo nhiên”
- Đại nhân đứng ra cải hoá cho đời: “Bậc Thánh”
- Khi đạo đức chân chính đạt tới “sung mãn”, “chắc thiệt” thì gọi là “Mỹ”. Khi mỹ đức toả sáng thì gọi là “Đại”.
- Đến lúc bậc Thánh sở hành và trí huệ “không ai hay ai biết” thì vị thánh hoà lẫn với sự “hiệu quả vô hình”: “Thần” – nó điều khiển thế giới.

- Trung Hoa: đọc là để cho văn bản “tiêu tan” trong tâm trí, thấm vào ý thức, là “thưởng thức”. Đọc không phải như một sự kết cấu lý thuyết (do đó có tính chất giả thuyết – như là hành động có suy nghĩ) mà được sống như là một quá trình (tập cho quen và đồng hoá)

Luận ngữ XIII, 24

Tử Cống vấn viết: ”Hương nhân giai hiếu chi, hà như?”. Tử viết: “Vị khả dã” – “Hương nhân giai ố chi, hà như?” Tử viết: “Vị khả dã, bất như hương nhân chi thiện giả hiếu chi, kỳ bất thiện giả ố chi”.

- Tử Cống hỏi: “Mọi người trong làng đều ưa, người đó ra sao?”. Khổng tử đáp: “Chưa hẳn là người tốt”. (Lại hỏi) “Mọi người trong làng đều ghét, người đó ra sao?” Khổng tử đáp: “Chưa hẳn là người xấu. Không bằng người mà người tốt trong làng đều ưa, những người xấu trong làng đều ghét”.

Erich Fromm, Phân tâm học và tình yêu. 6

- Một yếu tố khác để xác định bản chất của tình yêu Chúa là trình độ trưởng thành mà cá nhân đạt được từ đó.
            - ...chúng ta có thể đánh dấu sự phát triển của một tình yêu thuần thục ngay trong sự phát triển của tôn giáo phụ hệ.
                        +...Khởi thủy, chúng ta tìm thấy một Thượng Đế chuyên chế, đố kỵ, coi con người mình tạo ra như là những tư hữu của mình và được phép làm những gì mình thích.
                        +...Một giai đoạn mới bắt đầu: Chúa ký một hiệp ước với Noah, trong đó ngài hứa không bao giờ hủy diệt loài người nữa; một hiệp ước mà ngài đã ràng buộc mình vào đó.
            > Không những ngài bị ràng buộc bởi những lời hứa của mình, mà ngài cũng bị ràng buộc bởi nguyên tắc của chính mình: nguyên tắc công bằng. (Từ biểu tượng nhân hình đến nguyên tắc).
            > Đà phát triển còn đi xa hơn nữa là biến đổi Thượng Đế từ khuôn mặt của 1 tộc trưởng chuyên chế thành người cha yêu thương - thành người cha tự ràng buộc mình bởi những nguyên tắc mà mình chấp nhận. Nó đi vào chiều hướng từ khuôn mặt người cha thành 1 biểu tượng của những nguyên tắc của người: những nguyên tắc công bằng, chân lý và tình yêu - Chúa là sự thật. Chúa là lẽ công bằng.
            > Thượng Đế thôi là một nhân cách, một con người, một ông cha; ngài trở thành biểu tượng của nguyên lý nhất quán đằng sau những hiện tượng đa thù, biểu tượng của cái nhìn về đóa hoa sẽ nảy nở từ hạt giống tâm linh ở trong con người.
                        > Thượng Đế không thể có 1 tên gọi. (coi Thượng Đế thành nguyên lý, biểu tượng là từ phương Tây, còn phương Đông?)
            > (Mặc khải của chúa cho Moise)
            - Cái "ta-đang-trở-thành" có ý nghĩa rằng Thượng Đế không phải là hữu hạn, không phải là một người, không phải là một hiện thể.
            > Sự cấm chỉ không được tạo thành hình tượng nào về Chúa...nhắm đến giải thoát con người khỏi ý tưởng rằng Thượng Đế là một người cha, là một con người.
                                                                                    Ý tưởng ấy được đẩy xa thêm trong nguyên tắc người ta cũng không được gán cho Thượng Đế một thuộc tính thực tại nào cả.
            > Nói về Thượng Đế là một cái gì đó cũng hàm ngụ nói về cái gì mà Thượng Đế chẳng phải là - tôi càng có nhận thức về Thượng Đế.
- Ý niệm trưởng thành của nhất thần giáo đưa đến một kết luận duy nhất: hoàn toàn không đề cập đến tên gọi của Thượng Đế, không nói về Thượng Đế - ngài là những gì mà ngài đang tự tiềm thể, đấng độc nhất, một sự ngượng ngập không thể diễn tả, quan hệ đến lẽ nhất quán làm nền tảng cho vũ trụ hiện tượng, căn bản của tất cả hiện hữu, Thượng Đế là tôi, bởi vì tôi là một con người. (Tự nhiên xét lại: khi cho tình yêu chân chính là một hoạt động tính, nó đòi hỏi hành động theo các nguyên tắc chứ không theo chủ thể - liệu điều này có dẫn đến sự quy kết rằng đây là cách diễn đạt của truyền thống suy lý trong đó cho là có các nguyên tắc bao hàm lên mọi sự? Vậy từ phương Đông thì sao?).
- Thật rõ ràng, dòng tiến hóa từ nguyên lý nhân hình đến nhất thần thuần túy tạo ra sự sai biệt hoàn toàn đối với bản chất của tình yêu chúa.
            > Chúa từ chỗ có thể được yêu, có thể được sợ - từ chỗ tôi không hoàn toàn vươn ra khỏi ước vọng ích kỷ nhắm đến sự toàn trí, toàn năng; tôi chưa thâu đạt được khách quan tính để thỏa nhận những giới hạn của tôi như một con người, chưa nhận được sự ngu dốt và yếu đuối của tôi...(tự do là tất yếu khách quan nhận thức được?)
                        +...như một đứa trẻ, tôi vẫn yêu sách là phải có một người cha cứu rỗi tôi, cảnh tỉnh tôi, trách phạt tôi...phần lớn mọi người đã không vượt qua được giai đoạn ấu trĩ này và do đó đức tin là niềm tin ở một người cha cứu giúp -> một ảo tưởng trẻ con.
- Sự phê bình về ý niệm Thượng Đế, như đã được Freud diễn tả, hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, điều sai lầm là ở chỗ ông không biết đến các khía cạnh khác của nhất thần giáo khi nó đi đến chỗ phủ nhận khái niệm về Thượng Đế đó một cách minh bạch.
            > Kẻ thực sự có Đạo, nếu kẻ ấy theo dõi yếu tính của ý niệm Nhất thần thì không cầu nguyện cho cái gì cả, kẻ ấy không yêu Chúa như một đứa con yêu cha hay mẹ của nó -> kẻ ấy đã đạt đến được tính khiêm tốn là cảm nhận những giới hạn của mình, đến độ biết rằng mình không biết được gì về Thượng Đế.
                        > Đối với nó, Thượng Đế trở thành 1 biểu tượng mà trong đó, con người vào giai đoạn sơ thủy trong dòng tiến của nó, đã diễn tiến toàn thể tính của cái mà con người phấn đấu cho - cái đó là lĩnh vực tâm linh, của tình yêu, chân lý và công bằng.
                                    > Nó có niềm tin ở những nguyên tắc mà "Thượng Đế"  biểu hiện cho, nó nghĩ về chân lý.
                                    - Sống bằng tình yêu và công bằng, và xét rằng tất cả sự sống của mình chỉ có giá trị khi nào nó mang lại cho mình cơ hội để đạt đến chỗ triển nở trọn vẹn hơn những quyền năng nhân tính của mình - như là thực tại duy nhất trọng yếu, như là đối tượng duy nhất "phải theo đuổi đến cùng" và sau hết, nó không nói gì về Thượng Đế - cả đến tên họ của ngài. (Đến đây, tình yêu chúa đã trở thành 1 mẫu cho tình yêu hoạt động tính chưa?)
                                                > Yêu Chúa, nếu nó dùng từ ngữ này, có nghĩa là khát vọng đạt thành năng tính yêu thương toàn vẹn...khát vọng thể nhận cái mà "Thượng Đế" biểu hiện cho trong chính mình.
            > Từ quan điểm này, hậu quả hợp lý của tư tưởng nhất thần là phủ nhận tất cả "thần học", phủ nhận tất cả "nhận thức về Thượng Đế".

- Song le, vẫn còn sai biệt giữa 1 quan điểm phi thần luận như thế - là 1 hệ thống phi hữu thần luận, như chúng ta thấy trong Phật giáo Nguyên Thủy hay trong Lão giáo chẳng hạn.
            - Trong tất cả những hệ thống hữu thần, ngay cả 1 hệ thống phi thần luận có sự mặc nhận về thực tại của lĩnh vực tâm linh, như là một thực tại siêu việt con người, mang lại cho con người những năng lực tâm linh và mang cho sự phấn đấu cho giải thoát và cho sinh khởi nội tại của nó có ý nghĩa và có hiệu lực.
- Trong 1 hệ thống vô thần, không có lĩnh vực tâm linh nào tồn tại bên ngoài con người hay siêu việt con người.
            > Lĩnh vực của tình yêu, lý tính và công bằng tồn tại như là 1 thực tại chỉ vì, và duy chỉ vì, con người đã có thể phát triển những năng lực trong chính mình ấy xuyên qua quá trình tự tiến hóa của mình.
            > Trong quan điểm này, sự sống không có ý nghĩa gì cả, ngoại trừ ý nghĩa mà chính con người mang lại cho nó - con người hoàn toàn đơn độc trừ ra khi nào nó trợ giúp kẻ khác. (Sắc thái sai biệt Đông/Tây: không cần viện dẫn đến nguyên tắc như là cái bên trên sự vật - khi khẳng định là không-có-ý-nghĩa).

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Vật vã

Ôi giời ôi tôi nhớ anh í quá :D

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

Nhớ thời con gái thuốc lào say

Buồn buồn lục lại nhật ký ảnh thời Y360. 
Chính ra kiểu có cả blast message này hay: bật preview lên thấy bà con như cái chợ :P