Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

Ngoại đạo

Dạo này nhân việc xử phúc thẩm vụ Thái Hà, trên các diễn đàn lại thấy rộ lên những tranh luận liên quan đến tôn giáo. Và như thông lệ, những tranh luận thường rất nhanh chóng rơi vào cảm tính và định kiến. Ngay cả những người có ý định tranh luận nghiêm túc cũng nhanh chóng mất bình tĩnh. Một lần nữa cho thấy những tranh luận trên diễn đàn thường là chẳng đi đến đâu. Vì sao vậy? Tôi nghĩ có mấy ý sau:


- Bản chất của những hình thức forum-diễn đàn phổ biến (trừ một số ít rất chuyên sâu trong những lĩnh vực dễ định lượng đúng sai kiểu như về vấn đề toán học hay kỹ thuật) là 1 loại sân chơi để "nhàn đàm"-như Lâm Ngữ Đường từng mô tả trong cuốn "Sống đẹp" (NHL dịch). Tức là nó không nặng về đúng sai bằng việc chia sẻ, khơi gợi và dựa trên sự thông cảm nhau ít nhiều. Không thông cảm được thì sẽ có thành viên ra đi. Nên nói chung rồi một ngày các forum cũng sẽ chìm lắng xuống trong một không khí "cộng thông" nhàn nhạt bạn bầy.

Hiện tượng này theo tôi xuất phát từ đặc điểm của internet: nó hình thành quá nhanh và trước hết là để giao tiếp, chia sẻ thông tin. Nếu người ta thực sự nghiên cứu và tranh luận học thuật thì sản phẩm sẽ là những cuốn sách hay những bài báo trên tạp chí chuyên sâu. Nên lẽ tự nhiên đến với các forum người ta chủ yếu chỉ dừng lại ở hành trang là những ý tưởng cùng những cảm xúc-thường mang đậm tính thất thường của đời sống từng ngày. Hệ quả tự nhiên những người "chơi 4rum" đều đồng ý rằng "để thư giãn"-để lại sau vô số ví dụ về những rắc rối do đồng nhất net với life. Một số ít đủ tự tin thì lui về làm hot blogger. Hot 1 thời gian rồi khăn đóng áo the lên báo lên sách :P

- Một điểm cũng phải nhắc tới nữa là khía cạnh tâm lí của các "công dân mạng"-từ trỏ những người thường xuyên lang thang trên net, tất nhiên là có làm việc :D Người ta đã nhận thấy ở nhóm đối tượng này những biểu hiện vấn đề tâm lí của chứng nghiện: bồn chồn, mất khả năng tập trung, khó kiểm soát cảm xúc...Trong một bối cảnh người ta mặc định phải "cộng thông" mà lại muốn kèm thêm ý định tranh luận-thường lại là những vấn đề to tát vĩ mô (chính trị-tôn giáo-triết lý)-gay gắt nhưng gói gọn trong vài dòng, vài trang thì việc không đi đến đâu là dễ hiểu. Nhất là khi hành trang chỉ là những ý tưởng, luận chứng rời rạc nặng cảm tính.


Quay trở lại với chủ đề tôn giáo. Muốn minh bạch thì phải có một sự rõ ràng về định nghĩa từ đầu. Nếu lấy cơ sở là đức tin (hiển nhiên tôn giáo gắn với đức tin-cho dù nó mang sắc thái và được đưa đến bằng con đường nào) thì thậm chí người ta có thể nói về một tôn giáo mà ở đó người ta "không tin gì". Cho rằng mình không tin gì thì cũng chỉ là một niềm tin mà thôi! Nhưng từ "đức tin", "xác tín"...đến "mê tín" là cả một phổ rất dài. Cơ hồ định nghĩa như trên cái được cũng ngang với những cái mất nếu chẳng may nổ ra 1 cuộc tranh luận giữa các giáo dân.

Nói về đặc điểm tâm lí của những người "có tôn giáo thực sự" Karl Jasper có đề cập đến một đặc điểm-chính ông cũng né tránh cái bẫy logic luẩn quẩn của việc 1 định nghĩa (như trên) không loại trừ cái gì này bằng cách nói "dường như"-là sự phổ biến và tương đồng trong các mô tả về những "trải nghiệm tâm linh" của họ. Một cảm giác "đồng nhất", "hiệp thông", "tràn ngập", "thấu thoát"...vượt qua khỏi giới hạn của nhân ngã nhỏ nhoi (*). (Mô tả tốt nhất cho điều này có lẽ xin giới thiệu cuốn sách của Eckhart Tolle "The power of Now-Sức mạnh của hiện tại"). Bất chấp việc những từ như từ "thẩm quyền" đã bị ô nhiễm khỏi ngữ cảnh tâm linh đến thế nào thì cũng có thể tạm dùng nó ở đây như thế này: Chỉ khi xuất phát từ những thẩm quyền tâm linh như thế, những bàn luận tâm linh-hay tôn giáo, một khái niệm cũng đã bị suy thoái trầm trọng-mới có thực chất và ích lợi. Và những bậc Thầy như Eckhart cũng luôn thống nhất ở một điểm: luôn phủ nhận việc thông điệp chỉ đơn giản nằm trong lời nói hay ngữ pháp của chữ viết. Ngón tay trỏ mặt trăng không phải là mặt trăng. Lĩnh vực tâm linh là lĩnh vực của trải nghiệm. Và việc hoằng đạo là việc khơi mở những trải nghiệm tâm linh tự thân chứ không phải là "rao giảng".


Có điều oái oăm là: một khi đã tự tách mình ra khỏi lĩnh vực cứng nhắc của logic thì sẽ rơi vào cái cảnh huống trớ trêu: mở miệng đã là sai rồi. Bạn sẽ dễ dàng phản công tôi bằng chỉ một câu ngắn ngủi: nói nhiều thế làm gì? Hình như với những người có cùng trải nghiệm họ có thể nhận biết được nhau nên không cần nói. Ví dụ như những mô tả trong cuốn "Thiền trong nghệ thuật bắn cung" (NTB dịch)-một bậc Thầy sẽ nhận ra khả năng của người khác qua động tác giương cung của anh ta. Nhưng những mức độ phân biệt vi tế nông sâu, nghi ngờ, khảo nghiệm, ấn chứng...trong vấn đề trải nghiệm tâm linh này thì Thiền sử cũng tràn ngập các câu chuyện ví dụ.


Đến đây mới nhận thấy cách phân chia định vị khái niệm "Tôn giáo" như của Erich Fromm trong cuốn "Phân tâm học và Tôn giáo" là có ích lợi nhất-cho những người có ý định tìm hiểu nội tâm mình: mình có tôn giáo không? Tôn giáo nào?

E.F phân biệt tôn giáo thành 2 loại: Tôn giáo chối bỏ tiềm năng nhân bản cuả con người để thừa nhận những thẩm quyền phi lí và thứ Tôn giáo tin vào thứ thẩm quyền duy nhất là thẩm quyền của chính bản thân con người tiềm tàng bên trong mỗi cá nhân. Và như vậy, con đường đúng đắn là con đường tự soi vào chính nội tâm mình, không tìm kiếm đâu xa ngoài chính bản tâm mình.

Ở VN người ta hay dùng từ "ngoại đạo" để chỉ kẻ không trong lĩnh vực, tôn giáo với mình. Tuỳ từng tôn giáo mà có thể là những kẻ từ bàng quan đáng thương hay thậm chí là "phải đoạ địa ngục". May mà chúng ta chưa gặp mấy bạn Hồi giáo kiểu Thái Lan cho mình cái quyền chặt đầu người khác! Một lần tôi đọc 1 tài liệu cố gò cái nghĩa "ngoại đạo" thành ra là "đạo tìm kiếm ở bên ngoài" để đối lập với con đường của Phật giáo "đạo tìm ở trong chính mình"-Đạo nội. Tôi không am tường Hán văn nhưng cảm thấy việc gán ghép này không theo ngữ pháp thông thường. Vả lại nói rốt ráo, chân tâm linh nào chẳng phát xuất từ bên trong? Nhưng khi theo dõi những tranh luận về tôn giáo, tôi thường nhớ đến từ "ngoại đạo" như là một phản nghĩa của cái cảm giác thiếu vắng những trải nghiệm tâm linh đích thực. Sinh ra trong một tôn giáo đâu có nghĩa là sẽ sống tâm linh trong tôn giáo đó? Chẳng phải Phật, Jesu, Mohamed...đều như thế sao. Và con đường nội tâm là con đường bấp bênh gian nan khắc khoải sinh tử quan đầu chứ có phải thứ quà tặng dễ dãi được ban phát trưởng giả, phách lối đâu.

Đời sống nội tâm và ngoại cảnh bồng bềnh

Đều như cây cầu khỉ đối với người mù

Mà kẻ dẫn đường tốt nhất là tinh thần quyết vượt

(Bạch Ẩn Huệ Hạc)
---------------

(*) Thực ra cái nhu cầu hiệp nhất, cảm thông, đồng nhất hoá, trở về với bản lai...vốn là xuất phát điểm chân thực, suối nguồn duy nhất của đời sống tinh thần và không phải độc quyền của riêng Tôn giáo. Mọi Triết lý nói chung đều xuất phát từ đấy. Bởi "Khổ", "Bất An", "cảm thức chia cắt", "những câu hỏi về vô hạn, toàn thể", "mong muốn dự đoán được, kiểm soát được"...là cái SỰ THẬT thứ nhất, căn bản và hiển nhiên của mọi thân phận con người trong mọi thời đại.

Thường xã hội quy ước cứ 18 tuổi thì có quyền công dân, 30 tuổi ở phương Đông là lập thân, lập chí. Nhưng không đơn giản như vậy: người ta có quyền không đồng nghĩa với có khả năng. Các nhà Phân tâm học nhận thấy một cách có phần chua chát rằng về mặt tâm lí, đại đa số nhân sinh mắc kẹt lại ở khoảng tuổi 16 mà không lớn thêm được bao nhiêu suốt chặng đời còn lại. Nhưng cũng phải thôi, làm bất cứ việc nhỏ nhoi nào cũng phải học nhưng có đại sự nhân sinh lớn nhất thì tuyệt đại đa số lại học không được bài bản lắm.

Một cách hình ảnh, nếu mỗi một chu trình hoài thai của một sinh linh đều lặp lại hình ảnh tiến hoá của loài thì sau khi sinh ra cũng vậy: người ta bắt buộc phải đi lại bằng đấy đoạn trường để trưởng thành. Để trở thành "người_thật_là_người" như cách Nhượng Tống dịch chữ "chân nhân" của Trang Tử. Và trên con đường này, một cách cá nhân, tôi cho rằng bản sắc là thứ tầm phào, không cần phải cố.

Không có nhận xét nào: