Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

Mười phút trước nửa đêm

Phiêu bồng


Phiêu bồng như thể thệ như phiêu

Lạc diệp tòng thu thuỷ thuận triều

Anh giận bà trời sương bách bội

Em thù mặt đất mộng nguyên tiêu

Cái gì như thể xuân đi mất

Ký ức xuân đầu đất nướng thiêu

Quay quắt có chừng em chóng mặt

Bình minh tan rã giữa sương chiều.

(BG)

Hôm trước tự nhiên muốn đọc lại "Những bài thơ không bình một mình". Có một cái gì đó đang ngày càng khô cạn đi. Có phải là tình thương không? Tình thương của tuổi trẻ cao vọng. Những bài viết từ thuở ban đầu. Dè dặt, thân mến và trang trọng. Những lỗi font cũng lấm tấm như bụi trên trang giấy, phải lần giở và ngó coi.

Có những bài thơ không phải lúc nào cũng cảm được. Nhưng bỗng đâu, có thể một chốc lát nào đấy ta đột nhiên đứng giữa nó-một khu vườn yên lặng. Như lúc nọ, tôi thấy mình có thể cảm được bài thơ "Mời trầu" của Hồ Xuân Hương, theo một cách của riêng mình. Một điều gì đó như là nội lực, là cái hoài vọng còn mãi trong lòng người ta từ khi còn trẻ; không chịu để ba đào làm xao xác. Tuổi ba mươi nhìn cuộc đời vừa rộng vừa hẹp. Đôi khi buồn, ngồi ngó quanh trơ trọi. Tất thảy đều như thế sao? Thấy thương mình thương người ngày càng xơ xác chua chát. Thấy mến phục những nghị lực và sức sống lặng lẽ đầy tình thương tiềm tàng trong những trải nghiệm trơ đáy đời thường.

Khung cảnh thật hẹp, thật tối thiểu. Những lời tưởng như không còn có gì hàm chứa được nữa. Làm sao để không chao chát, khinh mạn? Làm sao đi quá sa mạc hư vô? Đấy có lẽ là khi ta chân thực và lặng lẽ đi quả quyết qua những xao xác, để lại đó khu vườn nhỏ - Không hoài niệm, không hối tiếc những chân thành đã trao?


“...Brice Parain thường cho rằng tập sách nhỏ này đựng trọn hết mọi điều tốt đẹp nhất tôi đã viết ra. Parain lầm. Biết rõ lòng chính trực của ông, tôi không bảo vậy do sự áy náy của người nghệ sỹ đứng trước những kẻ đã cả gan chuộng dĩ vãng hơn là hiện tại của mình. Không, ông lầm là bởi ở tuổi hai mươi hai, trừ phi là thiên tài xuất chúng, người ta chỉ biết bập bẹ viết văn.

Nhưng tôi hiểu rõ Parain muốn nói gì. Ông vừa là kẻ thù uyên bác của nghệ thuật, vừa là nhà triết học nghiên cứu lòng trắc ẩn. Ông muốn nói rằng, và như vậy là chí lý, trong mấy trang sách vụng về này, có hun đúc nhiều tình thương hơn là trong những trang sách kế tiếp về sau của tôi.”.




Albert Camus - Tiểu luận: Giao cảm - Bề trái bề mặt. Tựa.

Không có nhận xét nào: