Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

"Phố vô lý" và "Chiều vô nghĩa" của Trần Dần

Tiện tay nhấc comment về thơ Trần Dần bên blog bạn Lê về đây vì trót viết dài, với lại để bớt hình trên giao diện entry blog. Thật lòng cụ này mình không tâm đắc nhiều nhưng không hiểu sao lại rất thích bài thơ 1 câu sau:

Mỗi người
------------thăm thẳm
-------------------------một
------------------------------chiêm bao.

=========

Phố vô lý

Hai chân chọ chẹ
Vườn hoa vô lý
Cặp đùi vô ý
Ngôi sao vô vị
Phố dài vô lễ
Chiều xanh vô nghĩa ...
Ôi chao! Thu rồi! ... Bất tử
Đại - lộ - thi - sĩ
Sương sa lia lịa
Hành trình

Chiều Vô Nghĩa

Gió thổi qua tay
Lạnh cây Bàng bé
Chiều thu cổ lỗ sĩ
Công viên đông chí
Sương sa cà khịa
Cho tôi một ngày chức năng vô lý!
Để tôi ngồi vô nghĩa nhất
Vô tri...


Đọc bài "Phố vô lý", mình thấy tất cả đều liên tục, không hề gián đoạn. Điểm quán xuyến toàn bộ là cảm thức xao xuyến, bất an đi cùng với tâm thế suy tư, phản tỉnh. Đi-trên 1 con phố-đáng ra phải đến 1 đích nào đó như phàm lệ. Nhưng khi đi chỉ để đi và dội lại trong tâm thức sự tư lự về Con Đường thì rời rạc nhắc nhở liên lỉ, trần trụi nhắc nhớ cao xanh. Hoài vọng tuyệt đối-bất tử. Nhưng cũng chỉ là Đi mà thôi. Ảnh hưởng của tinh thần tượng trưng vẫn còn nhiều nhưng tiết chế và tinh tế hơn. Cái thêm vào theo mình chính là sự trung thực với tâm thế-cảm xúc khi mà sự phản tỉnh, cái nhìn theo-rõi từng ý niệm, có hơi hướng "giễu nhại" riết róng theo từng nếp mòn tiềm tàng của tư tưởng-điều mà sẽ phát triển hơn trong bài Chiều Vô Nghĩa. Câu "Đại-lộ-thi-sĩ" nếu bỏ đi các dấu gạch sẽ nhẹ hều! Những dấu gạch tích tụ lại những vang vọng của từng ý niệm ngổn ngang từ cái vô cùng. View cuối hơi thu lại ở cái tượng trưng độc hành trong sương táp. Từ "lia lịa" láy lại cái tương quan thực tại-lý tưởng-phản tỉnh, làm cân bằng cả đoạn cuối để không bị hút vào cái đơn nghĩa về Tuyệt đối.

Chữ "Thu rồi" quả có gợi lại tính chu kỳ nhưng trong 1 tâm thế riết róng với chính sự bất an thì mình nghĩ tính chu kỳ không phải là cảm hứng chủ đạo của bài thơ-nhà thơ-này. Từng từ, từng hình ảnh, ý niệm đều dội vọng cặp đôi tâm thức bất an-hoài vọng vĩnh cửu nên tính chu kỳ trong thơ TD gần như không cần nói vì đã có rồi!


Bài "Chiều Vô Nghĩa" là sự tiếp nối cái tâm thức xếp lớp bộ 3 thực tại-siêu hình-phản tỉnh ở trên đã nói (cái siêu hình đôi khi gần như trùng nấp sau cái thực tại có tính tượng trưng). Có điều mặc dù đã có 1 thực tại cụ thể "Gió thổi qua tay " để mở đầu và ý niệm "Vô tri" để giải toả cho sự đơn điệu 1 chiều chung của cả bài nhưng ở đây khác với Lê, mình chỉ thấy toàn bài là 1 sự xoay sở mỏi mệt với thực tại và lý tưởng của tác giả. Chữ "vô tri" thậm chí còn phản lại dụng ý xoay sở của tác giả-nó chỉ đem lại cho mình cảm giác trơ cứng, vật vạ. Bảo là tác giả dụng tâm tái tạo lại trong người đọc cảm xúc của mình thì đúng là ông thành công. Nhưng điểm chung của cả 2 bài thơ này làm mình không thích lắm chính là gờn gợn cái cảm giác đối diện với 1 con người mệt mỏi với chính mình trong quyết liệt. Cái thiêu thiếu của tính thơ-như thông thường-điều làm cho những bài thơ của TD có nguy cơ giống những bức hoạ hoặc những băng ghi âm chính là sự hé lộ cho thấy sự thoát vượt của tinh thần nội tâm TD-trong khi về mặt kỹ thuật quả thực có những nỗ lực rất ghê gớm.

Nhưng cũng phải nói, điều làm cho bài "Phố vô lý" thơ hơn bài sau (theo mình thôi) chính vì nó hình thức gần với thể Hứng trong thơ cổ (Kinh Thi). Mặc dù sự liên tục trong logic cảm xúc làm cho nó có bản chất gần với thể Tỷ nhưng chính sự đứt đoạn hình thức làm nó giống thể Hứng-khi mà cảnh có vẻ không ăn nhập với tình. Bảo mới thì Kinh Thi cũng có cái mới ấy. Cho nên mình không hứng thú lắm với những khái quát quá to lớn về những thứ như thơ chẳng hạn. Bình về 1 bài thơ tốt nhất hãy hoạ lại 1 bài-hoặc 1 cái gì đó như thơ.

Phê bình thơ có cái gì đó "đúng nhưng mà không hay" :P

Không có nhận xét nào: