Cầu siêu ở chợ 19/12.
Chỉ cần google với từ khoá "cầu siêu" sẽ điểm lại 1 loạt "đại lễ" trong 1, 2 năm vừa qua. Việc không có gì đáng nói nếu nó không được hậu thuẫn từ chính quyền và báo chí gây cho người ta cảm giác đấy là 1 việc đương nhiên của PG.
Trong thời đại khủng hoàng niềm tin, có vẻ ĐCS muốn đồng nhất với những giá trị tôn giáo chăng, cụ thể ở đây là PG. Người ta xưng tụng Hương Vân Đầu Đà, Trúc Lâm Đầu Đà, Điều Ngự Giác Hoàng thành Phật Hoàng. Tôi không hiểu tường tận nghĩa Hán tự của từ này lắm nhưng điều đó cho thấy người ta vô tình hoặc cố ý muốn nhấn mạnh cái khía cạnh vua-phật phật-vua của ngài. Một đại lễ hoàng tráng kỷ niệm 700 năm ngày mất của "Phật Hoàng". Trăm người biết vạn người hay. Không biết liệu có bao nhiêu người muốn và có tìm hiểu về những ngày cuối đời của "Phật Hoàng" còn ghi lại rõ ràng trong chính sử cũng như phật sử? Đọc đối chiếu giữa những ghi chép trong "Đại Việt sử ký" và trong "Thánh đăng ngữ lục" (theo Trần Nhân Tông toàn tập-Lê Mạnh Thát) gợi ra nhiều điều thú vị đáng suy nghĩ.
Các nhà Phật học nhiệt tình thường rất ủng hộ những Thiền phả liên tục và lâu dài được ghi trong các tài liệu Phật sử. Ví dụ như hầu hết các vua và đại thần triều Lý đều nằm trong dòng truyền thừa "tâm truyền tâm" của các thiền phái bắt rễ đến tận Lục tổ Huệ Năng (coi như chưa kể 28 chư Tổ truyền đăng từ Bồ đề Đạt Ma). Căn cứ vào hành trạng của họ (vua quan triều Lý) còn ghi trong sử, lại đối chiếu với những gian nan sinh tử để giác ngộ còn ghi trong Thiền sử (Trung Hoa và Nhật Bản) tôi hoài nghi sâu sắc mức độ giác ngộ của những Thiền sư-hành chính này. Có thể đó là sự giảm nhẹ tiêu chuẩn giác ngộ trong thời Tượng pháp. Có thể là sự tô vẽ của những môn đồ nhiệt tâm cuồng tín đời sau. Có thể sự tỏ ngộ là phổ biến, nhưng giác ngộ sâu sắc để được đưa vào mạng mạch truyền đăng thì tôi hoài nghi những điều ghi chép đó.
Lẽ tự nhiên khi mới tìm hiểu về Trần Nhân Tông tôi cũng tiếp tục giữ sự hoài nghi như vậy về yếu tố chính trị-tôn giáo trong giới cầm quyền. Trong khi thực sự tôi lại rất tin tưởng vào những tri kiến của Trần Thái Tông còn ghi trong ngữ lục-vị vua khá thầm lặng khi so với Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Nhưng khi đọc về những ngày cuối đời của Trúc Lâm Đầu Đà được ghi trong sử và trong ngữ lục thì chính từ những độ vênh của 2 văn bản lại đem cho tôi thêm nhiều tin tưởng nhiệt tình. Bỏ qua những chi tiết tô vẽ trong Thánh đăng ngữ lục đượm màu huyền thoại hoá của đời sau thì ít nhất ta biết được mấy sự kiện này:
- Từ sau khi xuất gia, hành trạng của Thượng hoàng Trần Nhân Tông ngày càng ít can thiệp vào việc triều chính và chuyên chú trong hạnh đầu đà. Người ngày nay khi trèo lên sườn Tây của dãy Yên Tử (chính là khu vực mới phát lộ gần đây bên phía tỉnh Bắc Giang, cũng chính là cơ sở chính thời Trần của Trúc lâm phái) còn thấy cheo leo thế nào thì hẳn chúng ta thêm kính mộ việc Trúc Lâm Đầu Đà thực hiện thệ nguyện chỉ đi bộ, từ bỏ võng kiệu, ngựa xe.
- Hoạt động của Trúc Lâm thiền phái không hẳn được triều đình và giới trí thức Nho gia thông hiểu hoàn toàn cũng như ủng hộ sâu xa. Một mặt PG vẫn giữ ảnh hưởng lên đời sống quốc gia nhưng ở bình diện 1 thứ tôn giáo hình thức chứ không phải người người thâm chứng, nhà nhà giác ngộ như mô tả đời Lý. Một mặt trong thiền phái những mô tả còn lại cho thấy thực sự tồn tại 1 đời sống đào luyện tâm linh rất miên mật khắt khe theo đúng tông phong.
- Pháp Loa và các đệ tử thậm chí đã hoả thiêu vị Trúc Lâm Đầu Đà theo đúng các nghi thức PG trước khi thông báo về triều đình. Thật là 1 sự kiện kỳ lạ và khá tự tiện! Chính sử còn ghi lại sự giận dữ và nghi ngờ của triều đình trước hành vi của Pháp Loa và chỉ khi có 1 sự kiện có tính chất mầu nhiệm (thấy xá lợi trong áo hoàng tử Mạnh-Trần Minh Tông sau này) mới hoá giải được tình thế. Dù thế nào ta cũng ghi nhận 1 sự kiện là giới PG Trúc Lâm đã hành xử trên 1 thái độ rất xuất thế gian! Và cũng không khí của những sự kiện này cho thấy bắt đầu bàng bạc dấu hiệu suy tàn của thời "tâm truyền tâm" trong thiền phái.
Thời mạt pháp vạn sự đảo điên. Với cái nhìn của người học Phật, tôi thực sự nghĩ rằng nếu Đầu Đà có biết được, ngài cũng bó tay với sự màu mè vô lối của hậu thế. Heidegger đã từng nói đại ý "khi 1 tư tưởng bị ngộ nhận và mọi việc trở lên đảo điên thị phi thì duy nhất chỉ có thể sửa chữa chính bằng 1 lối tư tưởng chân chính và tận căn nguyên". Dầu sao đi nữa phải nhận rằng thời đại này là thời đại mà "tác giả đã chết!" đó sao?
Quay lại chuyện chính quyền và tôn giáo ở VN ngày nay, đừng nói tại sao Công giáo VN lại có phản ứng mặc cảm thiểu số với chính quyền. Gần đây những việc tưởng như đương nhiên này có phần bị lạm dụng. PG đang có vẻ muốn trở thành 1 thứ quốc giáo chăng. Nhẹ nhàng hơn thì người ta gọi là PG "mặt trận", sư "mặt trận". Trong cuốn "Nguồn gốc văn minh" của W.Durant, tác giả có nhận xét rằng một nền văn minh muốn ổn định và phát triển thì cần có tôn giáo, để người ta tin vào những điều cao siêu, huyền bí-để đạo đức được tuân thủ như là 1 nghĩa vụ chứ không phải là kết quả của toan tính. Nhìn lâu vào giữa 2 hàng chữ, khi mà tôn giáo đồng nhất với mê tín dân gian, khi mà cả xã hội phải đồng thanh học tập gương đạo đức của 1 cá nhân cụ thể thay vì những nguyên tắc công chính-thì phải chăng xã hội đó đã xuất hiện những chỉ dấu đáng lo ngại về sự khủng hoảng và suy tàn từ trong căn cốt?
.....
Bèn đứng lên nói:
- Đại tôn đức lừa người để làm gì?
Điều Ngự bèn thở dài. Vị tăng ngẫm nghĩ. Điều Ngự liền đánh. Vị tăng lại định đi ra hỏi. Điều Ngự liền hét. Vị tăng cũng hét.
Điều Ngự nói:
- Lão tăng bị ngươi hét một tiếng, thì hét hai tiếng rốt ráo thế nào? Nói mau, nói mau.
Tăng ngẫm nghĩ.
Điều Ngự lại hét một tiếng, nói:
- Con hồ tinh hoang kia vừa mới đến liến thoắng, nay ở chỗ nào rồi?
(trích Bài giảng tại chùa Sùng Nghiêm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét