Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Carnets. Nguyên tắc khoan dung

Trong triết học và thuật hùng biện, nguyên tắc khoan dung đòi hỏi sự diễn giải duy lý một ý kiến của người nói và trong trường hợp của bất kỳ lý lẽ nào, đều phải xem xét các diễn giải tốt nhất và thuyết phục nhất có thể có. Theo một cảm thức hẹp nhất, mục tiêu của nguyên tắc thuộc phương pháp học này là để bác bỏ sự quy kết phản duy lý, các lỗi lo-gic hay sự sai lầm đối với phát biểu của người khác. Theo Simon Blacburn: “nó buộc kẻ diễn giải phải làm tối đa hóa sự thật hay tính duy lý trong lời nói của người nói”. Triết gia Donald Davidson đôi khi coi nguyên tắc này là nguyên tắc của sự thích nghi duy lý. Ông tóm tắt như sau: ”ta sẽ tối đa hóa sự hiểu câu và tư tưởng của người khác khi ta diễn giải nó theo cách nhìn lạc quan về sự đồng thuận”. Nguyên tắc này có lẽ được đưa ra để hiểu phát ngôn của người nói vào lúc ta không chắc chắn về nghĩa của nó-ND.

(Trích Gadamer và khoa học nhân văn, (hay làm thế nào để hiểu người/cái khác. Charles Taylor, Như Huy dịch)

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020

Carnets. Tha hóa

"Cá nhân cảm thấy không thể ảnh hưởng tới hoàn cảnh xã hội đang sống, không tìm được chuẩn mực đúng đắn cho mọi hành vi của bản thân và tự nhiên cuộc đời mất đi khá nhiều ý nghĩa đáng lẽ phải có. Khi nhận ra mọi giá trị đảo lộn, họ vẫn cảm thấy chỉ có thể đạt tới mục đích của mình bằng những con đường bất hợp pháp. Trong khi trở nên càn rỡ hư hỏng, họ vẫn cảm thấy cô đơn và không ai hiểu hết cho mình...".
Đó là nội dung của khái niệm tha hóa được các nhà xã hội học hiện đại miêu tả, và được ghi lại trong cuốn Từ điển xã hội học do nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Viện chủ biên.
(Những chấn thương tâm lý hiện đại)
Cứ chăm chú vào tinh tấn, lời nói vừa vặn với việc làm thì những chấn thương có thể sẽ vượt qua được chăng?

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2020

Ghi chép về dịch Covid-19. Cái rất nhỏ và điều rất lớn

Có 2 phương diện: rất nhỏ và rất lớn để suy nghĩ về dịch Covid-19. Là một con virus, nó rất nhỏ, coi như vô hình trước mắt người. Vì việc lây nhiễm virus vừa qua khí dung vừa qua tiếp xúc nên việc giữ được cho mình khỏi các nguy cơ lây nhiễm đòi hỏi phải tập trung rất chuyên chú và từng hành vi của mình trong môi trường xung quanh. Nó dựa trên những xác tín từ kiến thức và sau đó là óc quan sát, tưởng tượng và ý chí giữ kỉ luật để thực hành. Tỉnh thức từng khoảnh khắc với ý thức đến từng bộ vị...thật giống như những mô tả của người thực hành võ đạo, thiền đạo. Trang Tử nói đại ý người thường thở đến ngực, chân nhân thở đến gót chân cũng là ý này. Con tôi vốn có theo học karate, kiểu học cho biết chứ cũng không có ý thức sâu xa gì, nên tôi có gợi ý rằng giống như thầy giáo dạy con cách tự ý thức từng động tác của mình trong không gian khi luyện quyền thuật, nếu con coi việc giữ gìn phòng ngừa lây nhiễm từ các hành động nhỏ nhất giống như một phép chủ động luyện tâm chí và cách kiểm soát cơ thể thì đó là một trải nghiệm rất tốt. Nếu chỉ bị động và đối phó bằng sự qua quýt hời hợt kèm với tâm trạng thấp thỏm mơ hồ mang màu sắc cầu may, chờ vận mệnh thì sẽ thấy mệt mỏi rã rời.
(Có 2 cuốn sách mô tả những kinh nghiệm đào luyện thân tâm theo chiều hướng này một cách rất hay và giản dị là cuốn ''Thiền trong nghệ thuật bắn cung'' của Eugen Herrigel và ''Cái Dũng của Thánh nhân'' của Thu Giang Nguyễn Duy Cần).
Ở phía ngược lại, với một dịch bệnh truyền nhiễm có khả năng lan truyền mạnh mẽ như Covid-19, thì ở quy mô rất lớn, đó là vấn đề của loài người, trên bình diện cả địa cầu. Đứng trước một bề chiều lớn lao như vậy, mỗi cá nhân dễ có cảm giác rằng mình quá nhỏ bé, và quá khó để có thể gây được tác động đáng kể nào đến sự việc chung. Nhưng không phải như thế, trên thực tế, người ta đã ghi nhận được những rung chấn của vỏ trái đất đã giảm đi rất nhiều khi hầu như toàn cầu đình trệ các hoạt động ngày thường để thực hiện giãn cách xã hội. Môi trường sinh thái cũng ngay lập tức cho thấy những dấu hiệu chuyển biến tốt do sự giảm thiểu tác động từ hoạt động của nhân loại: giảm phát thải CO2, giảm khói bụi, động vật hoang dã tràn vào khu vực đô thị...Tất cả những dấu hiệu hiếm hoi ấy có được là nhờ vì một tình thế bắt buộc chung mà loài người hành xử như một khối thống nhất toàn cầu - và chỉ có quy mô chủng loài toàn cầu như thế mới có thể làm được hiệu ứng đó - và nó cũng có biểu hiện rất giống với bề ngoài của một hành động đoàn kết nhất trí vì mục tiêu chung. Và mỗi người chỉ cần làm tốt cái mà hoàn cảnh của họ cần làm, nên làm.
''Việc làm của người quân tử, đều là gom nhặt những cái nhỏ thành thứ lớn, nếu vì việc thiện nhỏ cho là vô ích mà chẳng làm, đấy là hành động của kẻ tiểu nhân thôi. Chỉ mong làm những việc cao xa, là điều ta không thích vậy.''. Câu nói của phu nhân mẹ của nhân vật Chung Hội thời Tam Quốc trong Tam Quốc Chí có thể dùng để minh họa cho cái ý rất lớn và rất nhỏ này được vậy.
---------
Viết cái này cũng là để biện bạch với các bạn hữu là mình chưa hết giãn cách xã hội, không phải việc nhất thiết, thì mình không đi ra ngoài đâu. Ra ngoài dễ, ở nhà mới khó. Muốn mình ra ngoài thì chỉ cần chứng minh đấy là việc nhất thiết là xong.
Ngày xưa đọc Cổ Long mình vẫn nhớ mãi một nhân vật phụ (hình như tên là Vương Động), cả năm chỉ thấy nằm ườn một chỗ. Nhưng hễ đứng dậy thì xách kiếm đi vạn dặm làm một vụ việc mà theo đạo lý của y là việc nhất định cần làm. Rồi lại về nằm ườn bất động. Mình rất lấy làm ngưỡng mộ y, vì nửa vế đầu mình làm rất tốt. Nửa vế sau thì tu mãi không ra dáng nên vẫn phải gắng gỏi suốt ^^

Carnets. TÌNH YÊU KIỂU PLATO

Nguồn: Fb Nguyen Nhu Huy TÌNH YÊU KIỂU PLATO
Karl Jaspers
Như Huy d(ngh)ịch
Plato khai mở ba phương diện không thể tách rời của sự hành triết (philosophizing): Suy tư xét như một con đường đi từ sự biết về việc mình không biết để đạt tới sự biết có thể chỉ lối: tính có thể truyền thông xét như một điều kiện của chân lý đáng tin cậy và gắn kết mọi thứ: phép biện chứng của một dạng suy tư cao cấp nhất, tức điều vừa luôn tạo ra các chân đế vững chắc vừa luôn làm tan rã chúng, và là điều không bao giờ thường trú tại một địa chỉ cục bộ, mà mãi luôn nhắm hướng tới Cái Một, tức cái thường hằng và vĩnh cửu
Ở sự hành triết đó, cả ta và tha nhân đều có được sự tự do trong một vận động đi lên. Đây chính là một sự tự do được tình yêu duy dưỡng và đáp ứng. Sự biết triết học chính là sự biết có tính yêu thương, và để yêu được thì ta phải biết. Nhận thức trở nên điều gì có thể đem ra dạy được chính là nhờ vào sự truyền thông có tính yêu thương. Plato là triết gia đầu tiên về tình yêu. Với ông, các huyền thoại cụ thể trước đó về một Tình yêu kiểu vũ trụ chỉ là các truyện ngụ ngôn, bởi ông đạt tới ngọn nguồn trong chính thực tại của bản thân Tình yêu, có nghĩa là, trong sự hiện thực hoá của con người triết học. Thậm chí bản thân chữ Philosophy (triết học) là nói về một vận động của tình yêu thương-một “philein” (tiếng Hy lạp: Tình yêu) đối với “sophia” (tiếng Hy lạp: sự khôn ngoan)
Suy tư của Plato bắt nguồn từ tình yêu ông dành cho Socrates. Chưa có một tình yêu nào từng để lại dấu vết lớn lao như thế. Tình yêu của Plato là có thật: Nó được minh hoạ bằng thực tại, nó trở nên tình yêu cho mọi điều cao quý ông gặp gỡ trên con đường suy tư của mình.
Song với câu hỏi tình yêu là gì, tức một câu hỏi sâu thẳm khôn dò; Thì Plato, (cụ thể trong hai tác phẩm “Symposium” và “Phaedrus”), -kẻ đặt bản thân mình trong thực tại, lại chỉ trả lời bằng huyền thoại. Tình yêu xuất hiện qua nhiều hình thù và sự tưởng tượng, song tất cả đều hướng tới Cái Một, tức tới  Tình yêu tuyệt đối và đúng đắn giúp con người hướng thượng
Trong thảo luận của Plato về tình yêu, tình dục được xem vừa như nguồn gốc, vừa như biểu trưng, vừa như kẻ thù. Sức mê hoặc của nó chính là nguồn gốc, bởi việc nhìn thấy cái đẹp sẽ làm ta hồi nhớ về cái vĩnh cửu và sự hướng thượng khởi đầu từ cái đẹp nhục thể; Song khi tình dục đứng một mình, thì nó biến thành  cám dỗ, và trở nên điều gì xấu xa và thấp hèn. Thiếu đi nguồn gốc nhục dục thì sẽ không có Tình yêu, và tư tưởng sẽ trống rỗng. Song nếu tình dục hiện hữu độc lập, thì nó lại làm tê liệt Tình yêu triết học và trở nên mù loà trước tình yêu ấy.  Sự hành triết của Plato biết rõ sức mạnh của tình dục và vừa chung sống vừa xung đột với nó. Sự hành triết ấy chung sống với tình dục khi, - được tình dục khơi lên, - nó đạt tới nguồn mạch của tình dục; Sự hành triết ấy xung đột với tình dục khi tình dục trở nên độc lập và hạ thấp tính cao quý của con người, và theo đó, che lấp tuệ kiến của họ vào chân lý của tồn tại. Theo huyển thoại ( trong tác phẩm “phaedrus”), linh hồn (soul) chính là cỗ xe ngựa cho lý tính, được hai con ngựa có cánh kéo, một con thì có kỷ luật và tuân phục, sở hữu sức mạnh kéo xe lên trên, còn con kia thì ngang bướng , chỉ truy tìm các dục vọng thuộc cảm gíác, không nghe lời, và luôn  kéo xe xuống dưới. Bằng hai con ngựa này, lý tính phải đi tới nơi mà toàn thể tri thức đạt tới mục đích sau cuối, vì thế, sẽ đạt tới được sự chỉ dẫn, -tức nơi chốn vượt lên khỏi mọi cảm gíác
Suy tư triết học là sự đam mê tình dục có xu hướng đi lên. Song trong quá trình suy tư đó, ta cũng trải nghiệm sự chao đảo lên lên xuống xuống. Ta ngã, ta thất bại, rồi ta lại gượng dậy từ đầu trong vận động của tình yêu. Bởi tình yêu giống như triết học vậy-là một sự ở-giữa. Nó vừa có, mà lại vửa không có. Nó đạt tới sự không đạt tới. Trong một huyền thoại khác (Ở tác phẩm “Symposium”), Tình yêu là con trai của cả sự giàu có lẫn sự đói nghèo, “Nó sẽ sống và hưng thịnh tột bậc, và chết đi trong cùng một ngày, để rồi trở lại cuộc đời nhờ vào sức mạnh mà nó có được từ cha mình; Song nó sẽ luôn mất đi chính điều mà nó vừa thắng được…”. Tình yêu triết học thuộc về sự hiện hữu hữu hạn của chúng ta và bên ngoài sự hiện hữu đó nó không tồn tại. Các vị thần không làm triết học và họ không yêu, vì họ đã đạt tới sự hiểu biết cuối cùng
Trong suy tư kiểu Plato, giờ đây, Tình yêu được trình bày ra, lúc thì như một thực tại với muôn ngàn dáng vẻ khác nhau, lúc thì như một biểu trưng cho sự vận động hướng lên cái Hằng cửu, lúc thì như ánh sáng chỉ đường, lúc thì nằm trong sự phân biệt tình yêu đích thực khỏi các hình thức suy đồi của tình yêu. Nói về tình yêu tức là sự nói đồng thời vừa nhắc nhớ, vừa đánh thức. Bên dưới tính sáng rõ của sự thảo luận duy lý, Plato đặt một chiếc gương: tình yêu. Nhờ chiếc gương ấy, kẻ hiểu biết sẽ nhận ra hoặc không nhận ra chính mình. Việc soi vào chiếc gương ấy có thể làm xuất hiện niềm đam mê sẽ ban ý nghĩa cho sự hiểu, sự biết, và sự sống
Doc cuộc thào luận duy lý sẽ xuất hiện nhiêu tấm gương về các mẫu khác nhau của tình yêu. Và sai lầm sẽ luôn xảy ra. Thậm chí cả khi gần sát tới đỉnh rồi, thì mọi thứ vẫn có thể đổ nhào

Carnets. Nghệ thuật thy ca. Aristote (2)

...Nhiệm vụ của nhà thơ không phải ở chỗ nói về sự việc đã thực sự xảy ra, mà là nói về cái có thể xảy ra theo quy luật xác suất hay quy luật tất nhiên. Chính thế, nhà sử học và nhà thơ khác nhau không phải ở chỗ một người thì dùng cách luật, còn người kia thì không dùng: có thể đem trước tác của Hérodote đổi thành văn vần, nhưng trước sau chúng vẫn là lịch sử, có vần hay không vần cũng vậy; họ khác nhau ở chỗ: nhà sử học nói về những điều đã xảy ra thực sự, còn nhà thơ thì nói về những gì có thể xảy ra. Vậy thơ ca có ý vị triết học và nghiêm chỉnh hơn lịch sử, vì thơ ca* nói về cái chung, mà lịch sử lại nói về cái cá biệt. Cái chung thể hiện ở chỗ con người, với tính cách như thế, sẽ nói hoặc sẽ làm theo quy luật xác suất hay quy luật tất nhiên, - thơ ca chính là muốn đạt tới chỗ đó, khi nó đặt tên cho [các nhân vật], còn cái cá biệt thì thí dụ như Alcibiade đã làm gì và cái gì đã xảy ra với ông ta.
(Nghệ thuật thy ca, Aristote)
(*) Thời Aristote, thơ ca ở đây chỉ văn học nói chung.
Các nhà nghệ sĩ có thể suy tư về một vài trường hợp đặc biệt trong lựa chọn cách thế ứng xử cá nhân với đại dịch. Tuy nhiên nhà chính trị và quản lí xã hội sẽ không được nhiều tự do như thế khi phải lựa chọn ra quyết định chính sách cho toàn xã hội. Đôi khi ý kiến khác biệt không thể và không phải để quy về lựa chọn bài trừ nhau. Mà để có thể thấu hiểu tình thế

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

Đọc Tam quốc chí. Truyện về mẹ của Chung Hội

Thời Tam Quốc có cái may của nhu cầu đại tự sự về tính chính thống mang màu sắc quốc gia thời Nguyên-Minh mà nhờ bộ Tam quốc diễn nghĩa cho tầng lớp bình dân đọc mà phổ biến. Nhờ nhà Thanh cai trị theo lối khéo léo, xiển dương mấy nhân vật cách đời không bị vướng víu về lý lịch mà một số nhân vật như Quan Vũ được phong thần hiển hách hết cỡ. Cái nhu cầu của thị dân trung lưu ngày càng đông đúc càng khiến cho người ta quên mất một sự thực hiển nhiên là thời Tam quốc nó cũng na ná mấy trăm năm sau: vẫn loạn lạc như thế, vẫn thay triều đổi đại, lúc hàng lúc phản...đại khái là chả có gì hay ho hay đẹp đẽ hơn. Bài học rút ra là chả rút ra được bài học gì ra hồn. Chỉ trong bộ Tam quốc diễn nghĩa, khi có một cái đại tự sự lớn về "Ủng Lưu phản Tào'' với vai phe Thục Hán được coi là kế thừa chính thống của 300 năm Đại Hán (thêm thời Tam quốc thì được thành cỡ 400 năm) thì chính cái chiều hướng có tính cấu trúc của đại tự sự làm nên sự thu hút cho đại chúng về thời kỳ này (dưới góc độ tiểu thuyết hóa). (*)

Đọc Tam quốc chí thấy những nhân vật như Chung Hội là một ví dụ sinh động của lịch sử để xem xét nhiều khía cạnh. Nhưng trong bình diện tiểu thuyết thì lãng xẹt, vì nó không phải yếu tố chính tạo thành đại tự sự. Nhân vật này chỉ còn là minh họa cho cái đà cuối mang tính định mệnh của tuyến nhân vật từ Gia Cát Lượng sang Khương Duy. (Nói đi thì cũng phải nói lại là xét cho cùng thì cũng vì Tam quốc diễn nghĩa và hệ sinh thái của nó, dù phê phán nó, thì tôi cũng mới có hứng thú mà gõ những dòng này). Đang hình thành cái khung ý tưởng về góc độ ảnh hưởng của tự sự tới nhận thức của chúng ta nó hiển nhiên hay đáng phản tư nên lược chép tạm phần truyện về mẹ của Chung Hội trong Tam quốc chí (Trần Thọ). Truyện do chính ông con lập; cũng là cái đáng bàn.

''Phu nhân Trương thị, tự Xương Bồ, người huyện Tư Thị quận Thái Nguyên, là mệnh phụ của Thái phó Định Lăng Thành hầu. Gia thế nối đời là trưởng lại ăn lộc hai nghìn hộ. Phu nhân từ nhỏ mất cha mẹ, được sung nạp vào nhà Thành hầu, giữ mình đứng đắn, điều trái lễ không theo, người trên kẻ dưới đều khen ngợi.

Thiếp yêu của Thành hầu là Tôn thị, lấn át chính thất, chuyên quyền việc nhà, ý hại người hiền, nhiều lần gièm pha vu hãm, không gì không dám làm. Tôn thị biện bác xảo trá, lời nói đủ để tô vẽ biến không thành có, nhưng rút cục không hại được phu nhân. Lúc phu nhân có mang, Tôn thị lại càng ghen ghét đố kỵ hơn nữa, bèn bỏ thuốc độc vào đồ ăn, phu nhân ăn bị trúng độc, phát giác được thổ ra hết, mê mẩn hoa mắt mấy ngày. Có người nói:
- Sao chẳng đem việc này nói ra với tướng công?
Phu nhân đáp:
- Đích thứ hại nhau, phá nhà nguy nước, xưa nay lấy đó làm điều răn. Ví thử Công tin ta, chúng nhân ai rõ việc này? Kẻ kia trong bụng liệu xét ta, cho là ta tất nói ra, cho nên sẽ nói việc ấy trước ta; việc do kẻ kia nói ra, yên lặng chẳng sướng hơn sao!
Bèn xưng bệnh không tới gặp. Tôn thị quả nhiên nói với Thành hầu rằng:
- Thiếp mong phu nhân sinh con trai, cho nên đưa thuốc sinh con trai, lại bị nói là cho thuốc độc!
Thành hầu nói:
- Cho thuốc sinh con trai là việc tốt, nhưng ngầm để thuốc vào đồ ăn đưa cho người khác, là việc không hợp tình hợp lí vậy!
Bèn tra hỏi người hầu, người hầu kể lại hết, Tôn thị bởi đắc tội bị đuổi.
Thành hầu hỏi phu nhân sao chẳng nói gì, phu nhân nói rõ nguyên cớ, Thành hầu cả kinh, vì thế càng cho phu nhân là hiền. Năm Hoàng sơ thứ sáu, phu nhân sinh Hội, lại càng được sủng ái. Thành hầu đã đuổi Tôn thị, bèn nạp Giả thị làm chính thất.''

''Phu nhân tính tình thanh cao giữ mình nghiêm cẩn, sáng suốt về việc giáo huấn, Hội dẫu còn bé, vẫn khuyên răn rất nghiêm khắc. Năm Hội lên bốn tuổi, phu nhân sai đọc sách Hiếu Kinh, bảy tuổi cho đọc Luận ngữ, tám tuổi đọc Kinh Thi, mười tuổi đọc Kinh Thượng thư, mười một tuổi đọc Kinh Dịch, mười hai tuổi đọc Xuân thu Tả thị truyện, Quốc ngữ, mười ba tuổi đọc Chu lễ, Lễ ký, mười bốn tuổi đọc Dịch ký do Thành hầu soạn, mười lăm tuổi sai vào nhà Thái học để học lời văn hay ở bốn phương và những điều giáo huấn lạ.
Phu nhân bảo Hội rằng:
- Học nhiều thì mỏi mệt, mỏi mệt sẽ sinh lười biếng; ta sợ mày có ý lười, cho nên dạy dỗ dần dần, nay mày có thể học một mình được rồi vậy.
Phu nhân rất thích thư tịch, đọc qua nhiều sách, đặc biệt thích Chu dịch, Lão tử, mỗi khi đọc Chu dịch đến chỗ Khổng tử giảng nghĩa câu ''Minh hạc tại âm, lao khiêm quân tử, tịch dụng bạch mao, bất xuất hộ đình'' (1), phu nhân thường sai Hội đọc đi đọc lại, nói rằng:
- Dịch có hơn ba trăm hào, nhưng Trọng Ni đặc biệt giải thích hào này, đấy là dạy người ta khiêm cung cẩn thận, nắm vững thời cơ mà hành động, lập thân hành sự phải xét rất kỹ lưỡng, vinh thân từ đấy mà ra, ứng thuận theo cái thuật ấy, là đủ để làm người quân tử rồi.

Năm Chính Thủy thứ tám, Hội làm Thượng thư lang, phu nhân cầm tay Hội dạy rằng:
- Mày mới hai mươi tuổi được vào triều làm quan, con người ta chẳng biết thế nào là đủ thì tổn hại đến thân mình thôi, hãy cố suy nghĩ để tự răn mình!
Bấy giờ Đại tướng quân Tào Sảng nắm quyền triều chính, ngày ngày buông thả đắm chìm trong men rượu, anh của Hội là Thị trung Chung Dực nghỉ việc quan về nhà, nói chuyện ấy. Phu nhân nói:
- Tiếng nhạc thì vui rồi, nhưng khó nghe lâu vậy. Giữ ngôi cao mà không kiêu, biết kiềm chế mình cẩn thận, thì sau này mới không lo họa nạn. Nay xa hoa lấn át người như thế, không phải con đường giữ được sự phú quý lâu dài vậy.

Năm Gia Bình nguyên niên, xa giá đến bái yết ở Cao Bình lăng, Hội là Trung thư lang, đi theo. Tướng quốc Tuyên Văn hầu khởi binh, mọi người lo sợ không yên nhưng phu nhân vẫn tự nhiên như thường. Gia quyến bọn Trung thư lệnh Lưu Phóng, Thị lang Vệ Quán, Hạ Hầu Hòa đều thấy quái lạ hỏi:
- Một người con của phu nhân ở giữa chỗ nguy hiểm, sao lại không lo lắng gì vậy?
Phu nhân đáp:
- Đại tướng quân kiêu xa vô độ, ta thường ngờ rằng ông ấy sẽ không được yên lành. Thái phó nhất định chẳng làm nguy hại cho nước, tất vì Đại tướng quân mà cử sự thôi. Con ta bên cạnh vua thì có gì phải lo lắng? Vả lại nghe nói Thái phó xuất binh không mang theo nhiều vũ khí, xem thế tất không đánh nhau lâu.
Quả đúng như lời ấy, chúng đều khen là sáng suốt.

Hội coi việc quân cơ mật hơn chục năm, nhiều lần dự mưu chính sự. Phu nhân bảo rằng:
- Xưa kia người con nhỏ của Phạm thị là Triệu Giản tử bày kế chặt cây, thu được lòng dân, có thể gọi là khéo rồi. Nhưng mẹ của Giản tử cho là ông ấy đặt điều giả dối làm việc trí trá, vốn làm việc hèn mọn, tất không thể tồn tại lâu dài. Đấy nhất định là lời của người có hiểu biết sâu xa, không phải là điều mà kẻ thiển cận có thể nói được, ta thường muốn làm người như thế. Mày biết giữ lòng chính trực, thì có thể tránh được họa rồi. Chỉ nên tu dưỡng tâm chí làm việc có ích cho chính sự đương thời, là chẳng nhục đến tiền nhân vậy. Người đời thường nói là có ai xét hết được vạn việc, chỉ nên gắng sức làm không biết mệt, tiếp nữa là cố nén mình. Dẫu tiếp xúc với kẻ ti tiện, vẫn phải nói lời tín nghĩa. Trong lúc giúp đỡ người, phải vạch rõ đúng sai.
Có người nhân đấy hỏi:
- Đó há chẳng phải việc nhỏ sao?
Phu nhân đáp:
- Việc làm của người quân tử, đều là gom nhặt những cái nhỏ thành thứ lớn, nếu vì việc thiện nhỏ cho là vô ích mà chẳng làm, đấy là hành động của kẻ tiểu nhân thôi. Chỉ mong làm những việc cao xa, là điều ta không thích vậy.

Phu nhân từ lúc Hội còn nhỏ, mặc áo vá giản dị, tự mình làm việc nhà, lại khiêm cung cần kiệm. Phàm là việc có lợi thì suy xét kỹ đạo nghĩa, đối diện với tiền của nhất định chối nhường. Hội trước sau tặng phu nhân vàng lụa tính kể mấy trăm vạn, phu nhân đưa hết vào kho chung của gia đình chi dùng, không lấy cho mình thứ gì.

Năm phu nhân năm mươi chín tuổi, là năm Cam Lộ thứ hai tháng hai mắc bạo bệnh chết. Đến lúc táng, thiên tử tự tay thảo chiếu, sai Đại tướng quân Cao Đô hầu phúng viếng rất hậu, chi phí táng lễ bất kể lớn nhỏ, hết thảy đều chu cấp.''.

(1): Đây là các quẻ trong Kinh Dịch: Phong Trạch Trung Phu (Trung phu là có đức tin ở trong lòng)

(Tam quốc chí, Trần Thọ. Bản dịch Bùi Thông, hiệu đính Phạm Thành Long, nxb Văn học, 2016)

Đọc xong thấy nổi rõ lên có 2 ý chính được truyền thông trong diễn ngôn này: Chung Hội thông minh, nhiều mưu sâu là có nòi, một kiểu không phải người thường cố mà được - xem mẹ anh ấy thì biết. Nhưng anh tâm chí đoan chính, chỉ lo giúp ích cho triều chính. Không tà vạy.

Chung Hội vào triều lúc hai mươi tuổi mà đến đoạn tả coi việc quân cơ mật hơn chục năm được phu nhân dạy bảo "giữ lòng chính trực và tu dưỡng tâm chí làm việc có ích cho chính sự đương thời'' tức là ít ra cũng quãng giữa tuổi tầm ba lăm. Hội chết lúc bốn mươi tuổi. Vậy truyện này Chung Hội phải lập lúc sau khi phu nhân mất và rất gần thời điểm cầm quân đi đánh Thục. Phu nhân như thế nào chưa rõ nhưng chắc chắn có thể đọc thấy ý mượn truyện bày tỏ sự trung thành với họ Tư Mã lúc đó rồi. Hội là người hay bày mưu tính kế cho nhà Tư Mã, đương thời gọi là Trương Tử Phòng thì kẻ trên tất cũng phải đề phòng. Nên Hội cũng phải tìm cách mà biện bạch. Tuy nhiên xem ra bản tính của Hội đúng như Chung Dục là anh nhận xét ''cậy tài thuật, khó tín nhiệm'', vốn dĩ không có cái kín đáo của Tử Phòng, thích bày tỏ cái thông minh, tự phụ là cái mầm họa đã có từ sớm.

Tư Mã Chiêu cũng ghê gớm, phái kẻ đơn thân một mình không có gia thất vướng víu lãnh chục vạn quân vào Thục mà không e ngại. Vì Chiêu tự phân tích đi chinh phạt cần kẻ trí dũng và quyết tâm lập công danh như Hội. Còn như làm phản? Vốn liếng lực lượng chính trị không đủ, thời thế lòng người cũng không có, nổi dã tâm là chỉ tự rước họa. Chung Hội giỏi nhất là mưu kế nhưng mưu kế chiến thuật chưa thành tài năng cầm quân của đại tướng như Hàn Tín. Đến như Hàn Tín còn không tự biết lượng về vốn chính trị thì Chung Hội lại càng kém. Quyết làm phản mà phải lập mưu úp sọt toàn bộ tướng lĩnh quan viên từ Hộ quân, Quận thú, Nha môn kỵ đốc trở lên thì gần như tay không bắt giặc. Manh động, lỗ mãng. Đến lúc bị quân sĩ xông vào thì cùng lắm giết được năm, sáu binh sĩ. Làm chính trị để vào thế đánh nhau tay đôi thì coi như xong. (Đọc những đoạn này rồi không hiểu sao đời sau vẫn thích mê cái trò tướng cầm đao thương phi vào trăm vạn quân như không của Tam quốc diễn nghĩa được).

Mà kể có đủ chiến công to lớn như Vương Tuấn, Đỗ Dự thu Đông Ngô, không làm phản, giữ được mệnh và phú quý thì rồi cũng như họ, không có được màu sắc truyền kỳ thú vị như mấy ông thua trận mất đầu kiểu Quan Vũ, Trương Phi. Những nhân vật như vậy, giở sử ra đọc, nhặt từ tiêu chí nào cũng kiếm được vô số nhân vật, bình bình đạm đạm ẩn hiện trong dòng chảy lịch sử. Cái mà tôi chú ý nhiều không phải là lịch sử mà cách nhận thức của chúng ta bị chi phối thao túng tâm trí theo kiểu tự sự nhiều đến như thế nào, làm thiên lệch óc phán đoán và tinh thần phản tư ra sao. Việc này sẽ từ từ bàn dần thành mạch chính.

Nói sang chuyện đời nay, tính cách và chuyên môn của Chung Hội là tạng tham mưu, tư vấn, đầu tư tài chính...các loại. Đầu tư tài chính quyết xong vài hôm tính được lãi lỗ. Nhưng làm sản xuất thì khác. Sản xuất là đầu tư dài hạn. Quyết xong xắn tay vào, đổ bao mồ hôi công sức, lao lực, tứ bề thọ địch, toàn tâm toàn ý mãi rồi mới thành công. Nhưng thành công thì thường bền chắc hơn. Có điều thường những người ở ngoài cuộc, cho dù có vốn liếng mà không đi lên từ sản xuất, nhìn cũng chẳng hiểu hết được. Xớ rớ bắt chước vác mai đi đào khoai có ngày vỡ mồm. Chung Hội xét cho cùng là thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào nên vỡ mồm vậy. Dân buôn hay thích bàn mưu kế chiến tranh làm ẩn dụ cho thương trường nên so sánh thế cho trực quan và có tính cà khịa cao.

Nhưng nếu truyện về phu nhân tuy là do Chung Hội biên ra nhằm làm truyền thông thì xét kĩ ra chắc hẳn phần nhiều lời phu nhân là thật - không có bột sao gột nên hồ. Thấm thía như vậy mà thằng con có chịu nghe đâu. Chứ phu nhân không dạy, nó tự biên ra được đến thế thì chắc không vong mạng phơi thây. Đáng tiếc!
-------

(*) Gần đây thì lại có một trào lưu chuyển hẳn sang phê bình dạng ủng Tào phản cả thiên hạ. Xét từ góc độ nhu cầu thời đại thì hoàn toàn dễ hiểu đối với bối cảnh TQ hay VN đương thời. Từ cuối Nguyên sang Minh rồi Thanh, nhu cầu của đại chúng là hoài nhớ và cộng đồng tưởng tượng về một thứ quốc gia có nguồn gốc sâu xa bao trùm toàn bộ cương thổ, có tính chính thống mà Hán triều là chuẩn mực. Nhu cầu đại tự sự lúc đó là cái mà Tam quốc diễn nghĩa xiển dương và hợp tạng giải trí bình dân. Nhưng đương thời hiện nay, nhu cầu đó không phải ưu tiên của xã hội TQ nữa. Việc chuyển pha sang ủng Tào chỉ đơn giản phản ánh nhu cầu và tinh thần của thời toàn trị ngày nay mà thôi!

Còn gì nữa, Tào Tháo chính là hình mẫu điển hình của tự sự về đại gia tư bản đỏ thân hữu khởi nghiệp thành công nhất. Trong nền kinh tế chính trị tù đọng toàn trị bị trùm lợp cái định hướng không tưởng thì cũng chả khác gì các quân phiệt dùng cái vỏ tôn Hán để lũng đoạn Trung Nguyên. Tất nhiên, nhìn nhận như vậy không có ý quy kết rằng các cách tiếp cận khác là sai. Lại trích 1 đoạn tiểu luận của Charles Taylor về sự hiểu của Gadamer (bản dịch của anh Như Huy):

"Lý lẽ của Gadamer trong Sự thật và Phương Pháp đã ứng xử với sự hiểu của chúng ta đối với truyền thống của chính chúng ta, tức lịch sử văn minh của chúng ta, và các văn bản và biến cố thuộc về nó. Điều này có nghĩa rằng những gì chúng ta nghiên cứu sẽ bằng cách này hay cách khác nằm chính trong bản sắc của chúng ta. Thậm chí cả ở các công trình khi chúng ta định nghĩa bản thân mình chống lại các đặc trưng nào đó của quá khứ, như thời Khai minh hiện đại chống lại thời Trung cổ, thì thời Trung cổ ấy vẫn thuộc về bản sắc của chúng ta như thể một cực phủ định, tức điều chúng ta sẽ vượt qua hay thoát khỏi. Chúng ta là bộ phận của cái “lịch sử tạo hiệu lực” (Wirkungsgeschicte) và do đó, lịch sử ấy cũng tạo hiệu lực lên chúng ta [Note: Nói vắn tắt, theo Gadamer, lịch sử tạo hiệu lực là dạng lịch sử mà ở đó bao gồm cả chính lịch sử của sự nghiên cứu lịch sử của chúng ta, tức những gì tạo ra thói quen, văn hóa và truyền thống hiểu lịch sử của chúng ta, và lẽ dĩ nhiên sẽ tạo hiệu lực, hay làm nên, một cách vô thức, hoặc ý thức lên cách nhìn nhận thực tại của chúng ta, và thậm chí cả chính chúng ta, trong hiện tại-ND]"

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

Hình thức phim (tiếp)

Khái niệm hình thức phim:

- Hình thức là một hệ thống đặc thù của các mối quan hệ mang tính khuôn mẫu mà chúng ta nhận thấy trong tác phẩm nghệ thuật.
- Kinh nghiệm của chúng ta về tác phẩm nghệ thuật cũng rất cụ thể. Lựa chọn những gợi ý trong những tác phẩm, chúng ta tạo ra những mong đợi đặc trưng, những mong đợi này có thể nổi lên, hướng dẫn, trì hoãn, sai lầm, thỏa mãn hay xáo trộn. Chúng ta phải trải qua những tâm trạng hiếu kỳ, hồi hộp chờ đợi và ngạc nhiên. Chúng ta so sánh những mặt đặc thù của tác phẩm nghệ thuật với các quy ước chung mà chúng ta được biết từ cuộc sống và nghệ thuật. Bối cảnh cụ thể của tác phẩm nghệ thuật biểu hiện và khơi dậy cảm xúc và làm cho ta có thể tạo dựng một số dạng ý nghĩa khác nhau. Và thậm chí khi chúng ta áp dụng tiêu chí chung để đánh giá tác phẩm nghệ thuật, chúng ta nên sử dụng những tiêu chí giúp chúng ta phân biệt rõ hơn, và hiểu sâu hơn nữa về các mặt đặc thù của tác phẩm nghệ thuật.

(Phim tự sự như một hệ thống hình thức)
Nguyên tắc cấu trúc phim tự sự:

- Bao quanh chúng ta là những câu chuyện.
- Thậm chí khi yêu cầu giải thích một điều gì đó ta có thể nói "Có chuyện gì vậy?"
- Ngay cả khi mơ, ta thường trải qua giấc mơ như các câu chuyện ngắn, và ta thường nhớ và kể lại những giấc mơ dưới dạng các câu chuyện.
- Tự sự chính là một phương thức căn bản để con người hiểu thế giới.

- Khán giả luôn tiếp cận với một bộ phim tự sự với một sự mong chờ nhất định:
+ Ta giả sử rằng sẽ có một số nhân vật và một số hành động có thể làm cho nhân vật đó liên quan đến nhân vật và hành động khác.
+ Ta chờ đợi một loạt các biến cố mà chúng có thể gắn kết với nhau theo một cách nào đó.
+ Ta cũng có thể chờ đợi rằng các vấn đề hay các xung đột trong quá trình hành động sẽ đạt được trạng thái cuối cùng - hoặc chúng được giải quyết, hoặc ít nhất một tia sáng mới sẽ rọi vào chúng. Khán giả sẵn sàng để hiểu được một phim tự sự.

Thế nào là tự sự?

- Tự sự là một chuỗi những sự kiện trong một mối liên hệ nhân quả xảy ra trong không gian và thời gian.
- Một tự sự thường bắt đầu với một hoàn cảnh: một loạt các biến đổi xảy ra theo mô hình nguyên nhân và kết quả; cuối cùng một hoản cảnh mới lại nổi lên dẫn tới kết cục của tự sự.

Cốt truyện/kịch bản và câu chuyện (Plot and Story)

- Ta hiểu tự sự bằng cách xác định các sự kiện và liên kết chúng bằng nguyên nhân và kết quả, thời gian và không gian.
- Ta thường giả thiết và phán đoán về các sự kiện trong một tự sự.
- Một tổ hợp của tất cả các sự kiện trong một tự sự, cả những sự kiện được biểu hiện ra bên ngoài và những sự kiện mà người xem phán đoán đều tạo nên câu chuyện.
- Toàn bộ thế giới của hành động trong chuyện đôi khi gọi là ranh giới chuyện kể (diegesis - từ Hy Lạp có nghĩa là thuật lại câu chuyện).
- Thuật ngữ cốt truyện được sử dụng để mô tả bất cứ sự hiện diện một cách có thể nhìn thấy hoặc nghe thấy trên phim trước chúng ta:
+ Thứ nhất, tất cả các sự kiện của câu chuyện được mô tả trực tiếp.
+ Thứ hai, cốt truyện của phim có thể bao hàm các tư liệu nằm ngoài thế giới câu chuyện: danh sách người tham gia, tiếng nhạc...Những yếu tố không phải là ranh giới truyện kể, bởi chúng được mang tới từ bên ngoài thế giới câu chuyện. (Các nhân vật không thể đọc danh sách hay nghe bản nhạc đó)

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Lược ghi từ Phân tâm học và Tình yêu (hết)

- Điều kiện chủ yếu để tựu thành tình yêu là vượt qua óc tự tôn. Đối cực của óc tự tôn là khách quan tính; đó là khả năng nhìn mọi người và mọi vật được xem xét nó như là nó, một cách khách quan, và có thể phân tách khuôn hình khách quan này khỏi khuôn hình do ham muốn và sợ hãi tạo ra.

- Cái khả năng để suy tưởng một cách khách quan là lý tính; thái độ cảm xúc đằng sau lý tính là thái độ khiêm tốn. Chỉ khi nào ta thành tựu thái độ khiêm tốn, chỉ khi nào ta vươn ra khỏi những giấc mộng toàn trí và toàn năng ta có như một đứa trẻ, ta mới khách quan được, mới sử dụng được lý tính của mình.

- Khả năng yêu thương dựa trên năng tính theo đó, ta vươn ra khỏi óc tự tôn; (...) năng tính khai triển một chiều hướng phong phú trong mối quan hệ của chúng ta nhắm vào thế giới và chính mình. Tiến trình thoát vượt, sinh thành, tỉnh thức này đòi hỏi một phẩm cách coi như là điều kiện tất yếu: đức tin.

- Ta cần phân biệt tin hữu lý và tin phi lý. Tin phi lý là đức tin y cứ trên sự phục tùng của mình đối với thẩm quyền phi lý. Trái lạ, đức tin hữu lý là một xác tín bắt rễ trong chiính kinh nghiệm suy tư và cảm thức của mình. Đức tin hữu lý thực ra không phải là niềm tin ở một cái gì đó, nhưng là phẩm cách xác thực và xác quyết mà những xác tín của chúng ta có. Tin là một nét đặc trưng thấm nhuần toàn thể nhân cách, chứ không phải là một niềm tin riêng biệt.

- Đức tin hữu lý bắt rễ trong hoạt động trí năng và xúc cảm phong phú.

- Chúng ta có đức tin ở chính mình. Chúng ta ý thức về hiện hữu của một bản ngã, của một tâm điểm trong nhân cách chúng ta, nó bất biến và tồn tại suốt cả đời sống chúng ta dù có những biến đổi nào đó trong quan điểm và cảm thức. Chính tâm điểm ấy là thực tại đằng sau thế giới "Cái Tôi", và sự xác tín của chúng ta về đồng nhất tính của chính ta được đặt trên đó.

- Chỉ kẻ nào tin ở chính mình mới thành thực với những kẻ khác. Tin ở chính mình là điều kiện để ta có thể hứa hẹn, và vì, như Nietzsche đã nói, con người có thể xác định bằng khả năng hứa hẹn của nó, đức tin là một trong những điều kiện hiện hữu của con người.

- Có đức tin cần phải có dũng cảm, cái khả năng nhận lãnh mộ hiểm nghèo, sự sẵn sàng chấp nhận cả đến đau khổ và thất vọng. Ai mà chú trọng trên sự an toàn và bảo đảm, coi như là điều kiện chủ yếu của đời sống thì không thể có đức tin; ai mà khép trong một hệ thống bảo thủ, ở đó sự lánh xa và chiếm hữu là phương tiện cầu an của mình, thì kẻ đó biến mình thành một tù nhân.

- Tích cực trong tư tưởng, cảm thức, với đôi mắt và đôi tai của mình, trọn cả ngày, tránh sự biếng nhác bên trong, tích cực trong hình thức tiếp nhận, tàng trữ, hay tiêu phí sòng phẳng thời gian của mình, là một điều kiện bất ly cho sự thực hành của nghệ thuật về tình yêu.

- Không có sự ''phân công'' giữa tình yêu đối với chính mình và đối với những kẻ lạ.

- Tin ở khả tính của tình yêu, xét như một hiện tượng xã hội chứ không chỉ như một hiện tượng cá biệt ngoại lệ, là một đức tin hữu lý dựa trên cái nhìn nhắm vào bản chất đích thực của con người.

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

Tội mây viễn xứ, tội gió giang hà

Ở chỗ mà chúng ta buông tay rơi vỡ chiếc bình
Long lanh giọt nước tình duyên
...Nơi đó sau này thành sông thành biển
Ai đã chèo thuyền vào cõi vô biên.

Ở chỗ mà hương thơm của làn hơi thở
Làm nở bừng tất cả những bông hoa
Chiều nay là mây viễn xứ
Một mai là gió giang hà.

Ở chỗ mà chiếc chìa khóa vàng
Rơi từ đỉnh tháp xuống mù tăm
Tôi một mình cúi xuống
Từ vực sâu lời gọi âm thầm.

Ở chỗ mà chúng ta buông tay rơi vỡ chiếc bình
Long lanh giọt nước tình duyên
Nơi này thành sông thành biển...

Nơi này anh đã yêu em.


(Dạo khúc 27 - Nguyễn Quang Tấn)

Nếu thơ mà có thể tóm tắt thì bài thơ này chỉ cần tóm tắt bằng 2 câu mở đầu và kết thúc: Ở chỗ mà chúng ta buông tay rơi vỡ chiếc bình; nơi này anh đã yêu em. Thấy ngay là ĐÃ có một tình yêu tan vỡ, bài thơ về một nội tâm ĐANG trong di âm tan vỡ của một tình yêu. Nhưng thơ là để bày tỏ những chỗ tinh tế mơ hồ của tình cảm, vượt lên trên hình thức của bề ngoài ngôn ngữ. Là để khơi dẫn đến những chỗ không thể nghĩ bàn; có đồng điệu hay không mà thôi.

Tổng thể bài thơ là một thứ nhịp điệu man mác, khoáng đạt mà dìu dặt của âm điệu và hình ảnh tương đồng. Một phong thái đã từng tiêu sái đang trầm sa trong di âm của dang dở. Thứ tình cảm chỉ đàn ông mới có, chỉ đàn ông mới hiểu thấm thía.

Hình tượng hai người buông tay rơi vỡ chiếc bình là một ẩn dụ đẹp về sự rời xa nhau của đôi lứa trong một tình yêu không thành. Tình yêu đã không còn giữ được hình hài mà cả hai cùng kì vọng và vun đắp. Nhưng sự tan vỡ đấy vốn không phải vì những điều rõ ràng, cụ thể. Cũng như khi chiếc bình tan vỡ thì không phải cái còn lại là những mảnh vỡ, mà là những giọt nước long lanh của tình duyên, như hương như mật xưa, bây giờ thành khói sương về đâu. Một giấc mộng đẹp tan rã hình hài sẽ không mất đi mà chuyển di vào vô vàn giấc mộng khác. Sau khi khởi đi từ câu thơ đầu thì từ đó tất cả là những mộng cảnh ước lệ để ẩn dụ về tâm tình của người_đang_biết_kể_lể_cùng_ai.

Em có định sẽ cùng ai kể lể
Một nỗi đời hư huyễn giữa chiêm bao
Vừng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ
Một mùi hương nồng tụ ở nơi nào
Câu chuyện ấy một lần em đã rõ
Để bây giờ không thể lại phanh phơi


Tưởng như ngay tại khoảnh khắc chiếc bình tan vỡ đó, trên kẽ tay vương lại giọt nước long lanh của tình duyên đang nhòa đi; thì lúc đó trong thăm thẳm cõi linh hồn cũng vọng ra tiếng tách mơ hồ của một vũ trụ tinh thần mà pháp tắc bắt đầu suy biến. Sông biển biến dời...

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Không chắc ai là người cô đơn hơn giữa hai kẻ đó; người chèo thuyền vào cõi vô biên, hay kẻ đứng đó, mắc kẹt giữa một thời-không vĩnh cửu rõi mắt theo: Ở_Chỗ chiếc bình tan vỡ, Ở_Lúc nhập vào một cõi linh hồn điêu đứng, ngại ngùng. Lúc đó là ngay tại thời điểm đó, mà cũng là vô cùng vô tận tháng năm sau trong bề chiều của ngộ nhận và xa lìa tinh thần. Cái nỗi lòng của kẻ_tự_mình ngay lập tức và vô điều kiện, ươm nỗi đau mơ hồ ấy bằng một thời gian vĩnh hằng: Nơi ấy SAU NÀY thành sông thành biển; ai ĐÃ chèo thuyền vào cõi vô biên. Cũng vội vàng và bất lực như khép kẽ tay có giữ được giọt nước rơi. Luống cuống vội vàng thất thố là để cánh hoa có rơi cũng còn dáng vẻ. Để những kỷ niệm được chập chờn trong êm đềm của ngộ nhận mà không thành chao chát đắng cay.

Màu phương cảo pha mờ trên nét ngọc
Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai


Từ đó nói không gian là để tưởng niệm thời gian đã qua. Tả thời gian là để vọng tưởng xa cách vô cùng của không gian đôi lứa.

Ở chỗ mà hương thơm của làn hơi thở
Làm nở bừng tất cả những bông hoa
Chiều nay là mây viễn xứ
Một mai là gió giang hà.

Tình yêu hương mật tựa khói sương đã tan. Gió không hình tướng, mây tụ mây tan vô thường. Ở chỗ là một vũ trụ lứa đôi của hơi thở kề mắt môi, nơi mà TẤT CẢ những bông hoa đều nở bừng, cũng đã từ thuở đó dự cảm đến một mai phiêu bạt. Cội nguồn có lẽ cũng không phải vì những điều cụ thể, mà chỉ vì như gió như mây, cõi tinh thần này không_phải_theo_lối_như_thế mà nắm bắt thôi. Cũng như thể tưởng chừng cùng nhau leo vạn bậc thang trời lên đỉnh tháp, cách một lần khung cửa là tới cõi khung trời mộng tưởng; chiếc chìa khóa vàng vì đâu buông bỏ, ai người một mình nấn ná trông ngóng lời gọi mời của vực sâu cho thêm một lần nữa cố gắng. Có cách nào cố được đâu. Biết vậy mà không đành lòng.

Sau tất cả, dừng ở đó là vừa độ, như  chạm nhẹ vào bông hoa. Dầu gì, nơi này anh đã yêu em

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Mây trên trời xuống phủ ở trên vai
Màu phương cảo pha mờ trên nét ngọc
Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai.
Em có định sẽ cùng ai kể lể
Một nỗi đời hư huyễn giữa chiêm bao
Vừng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ
Một mùi hương nồng tụ ở nơi nào
Câu chuyện ấy một lần em đã rõ
Để bây giờ không thể lại phanh phơi
Đường đi xuống khung trời sương lổ đổ
Hờn dung nhan em có sợ bên người?
Con mắt ấy vì sao em khép lại
Làn mi kia em thử ghé lên nhìn
Vòng tay đẹp như cành xuân thơ dại
Ngón la đà sao chẳng chịu đưa tin
Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Lùa chân mây về ở dưới chân trời
Bước vội vã một lần nghe gót ngọc
Giẫm trang đời lá rụng uá thu phai.


(Một buổi trưa - Bùi Giáng)

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Lược ghi từ Phân tâm học và tình yêu (tiếp)

- Được tập trung trong tương quan với những kẻ khác chính yếu có nghĩa là có thể nghe. Hầu hết người ta nghe theo những kẻ khác, hay còn đưa ra cả khuyến dụ nữa, nhưng không đang nghe thực sự. Họ không nói chuyện nghiêm chỉnh với kẻ khác, họ cũng không trả lời nghiêm chỉnh. Do đó câu chuyện làm cho họ mệt mỏi.
- Bất cứ một hoạt động nào, nếu được thực hiện trong một tư thái tập trung, khiến người ta tỉnh táo hơn, dù sau đó thường có sự mệt mỏi tự nhiên nhưng thoải mái, trong khi mọi hoạt động tán tâm khiến người ta buồn ngủ - và đồng thời nó cũng làm cho người ta khó ngủ vào lúc chấm dứt một ngày.
- Được tập trung có nghĩa là sống trọn vẹn trong hiện tại, trong cái bây giờ và ở đây, và không suy nghĩ về sự thể sắp được thực hiện, trong khi tôi đang làm một điều gì chân chính lúc bấy giờ (...) Điều gì mà người lớn chẳng hoàn thành được nếu người ta có sự kiên nhẫn của đứa bé và sự tập trung của nó trong những mục đích quan trọng đối với mình!
- Người ta không thể học cách tập trung mà không tự cảm. (Giống khi người lái xe cảm nhận tình trạng chiếc xe đang lái của mình; giống bà mẹ đối với đứa con của bà: bà đang đảm nhận tất cả những biểu lộ về sự sống của trẻ; bà không lo lắng hay buồn phiền, mà trong một trạng thái quân bình cảnh giác, bà nhận bất cứ một cảm thông có ý nghĩa nào nảy ra từ con trẻ.). Người ta xúc cảm về chính mình cũng như thế. Điều quan trọng là ý thức về chúng (cảm giác tiêu cực), chứ không phải lý sự chúng theo hàng nghìn lối.
- Người bình thường có một xúc cảm về diễn tiến thân xác của mình. Nhưng khi hướng đến diễn tiến của tâm lý thì khó khăn hơn. Có nhiều người chưa từng thấy một kẻ yêu thương, hoặc một kẻ có đức liêm khiết, dũng cảm, hay sự tập trung.  Để có xúc cảm về chính mình, người ta phải có một hình ảnh về hoạt động toàn vẹn, đầy chất người - và làm thế nào để một người thâu nhận được một cảm nghiệm như thế nếu người ta đã không có nó từ tuổi ấu thơ của mình, hay về sau này trong đời sống?

Vấn đề nền giáo dục của chúng ta:
- Trong khi giảng dạy kiến thức, chúng ta đang đánh mất cái điều giảng dạy quan trọng đối với các sự phát triển của con người, cái điều giảng dạy chỉ có thể thi hành được do một người trưởng thành, hay yêu thương.
- Trong thời trước, con người có giá trị cao nhất là những kẻ có phẩm cách tinh thần lỗi lạc. Ông thầy không những là, mà còn chính là, một nguồn suối truyền thông; nhiệm vụ của ông là truyền trao những thái độ nào đó của con người.
- Nếu chúng ta mà không thể giữ nổi tính cách sống động của một quan điểm về đời sống trưởng thành thì quả thực chúng ta phải đứng trước điều có thể xảy ra là toàn thể truyền thống văn hóa của chúng ta sẽ sụp đổ.