Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

Đọc Tam quốc chí. Truyện về mẹ của Chung Hội

Thời Tam Quốc có cái may của nhu cầu đại tự sự về tính chính thống mang màu sắc quốc gia thời Nguyên-Minh mà nhờ bộ Tam quốc diễn nghĩa cho tầng lớp bình dân đọc mà phổ biến. Nhờ nhà Thanh cai trị theo lối khéo léo, xiển dương mấy nhân vật cách đời không bị vướng víu về lý lịch mà một số nhân vật như Quan Vũ được phong thần hiển hách hết cỡ. Cái nhu cầu của thị dân trung lưu ngày càng đông đúc càng khiến cho người ta quên mất một sự thực hiển nhiên là thời Tam quốc nó cũng na ná mấy trăm năm sau: vẫn loạn lạc như thế, vẫn thay triều đổi đại, lúc hàng lúc phản...đại khái là chả có gì hay ho hay đẹp đẽ hơn. Bài học rút ra là chả rút ra được bài học gì ra hồn. Chỉ trong bộ Tam quốc diễn nghĩa, khi có một cái đại tự sự lớn về "Ủng Lưu phản Tào'' với vai phe Thục Hán được coi là kế thừa chính thống của 300 năm Đại Hán (thêm thời Tam quốc thì được thành cỡ 400 năm) thì chính cái chiều hướng có tính cấu trúc của đại tự sự làm nên sự thu hút cho đại chúng về thời kỳ này (dưới góc độ tiểu thuyết hóa). (*)

Đọc Tam quốc chí thấy những nhân vật như Chung Hội là một ví dụ sinh động của lịch sử để xem xét nhiều khía cạnh. Nhưng trong bình diện tiểu thuyết thì lãng xẹt, vì nó không phải yếu tố chính tạo thành đại tự sự. Nhân vật này chỉ còn là minh họa cho cái đà cuối mang tính định mệnh của tuyến nhân vật từ Gia Cát Lượng sang Khương Duy. (Nói đi thì cũng phải nói lại là xét cho cùng thì cũng vì Tam quốc diễn nghĩa và hệ sinh thái của nó, dù phê phán nó, thì tôi cũng mới có hứng thú mà gõ những dòng này). Đang hình thành cái khung ý tưởng về góc độ ảnh hưởng của tự sự tới nhận thức của chúng ta nó hiển nhiên hay đáng phản tư nên lược chép tạm phần truyện về mẹ của Chung Hội trong Tam quốc chí (Trần Thọ). Truyện do chính ông con lập; cũng là cái đáng bàn.

''Phu nhân Trương thị, tự Xương Bồ, người huyện Tư Thị quận Thái Nguyên, là mệnh phụ của Thái phó Định Lăng Thành hầu. Gia thế nối đời là trưởng lại ăn lộc hai nghìn hộ. Phu nhân từ nhỏ mất cha mẹ, được sung nạp vào nhà Thành hầu, giữ mình đứng đắn, điều trái lễ không theo, người trên kẻ dưới đều khen ngợi.

Thiếp yêu của Thành hầu là Tôn thị, lấn át chính thất, chuyên quyền việc nhà, ý hại người hiền, nhiều lần gièm pha vu hãm, không gì không dám làm. Tôn thị biện bác xảo trá, lời nói đủ để tô vẽ biến không thành có, nhưng rút cục không hại được phu nhân. Lúc phu nhân có mang, Tôn thị lại càng ghen ghét đố kỵ hơn nữa, bèn bỏ thuốc độc vào đồ ăn, phu nhân ăn bị trúng độc, phát giác được thổ ra hết, mê mẩn hoa mắt mấy ngày. Có người nói:
- Sao chẳng đem việc này nói ra với tướng công?
Phu nhân đáp:
- Đích thứ hại nhau, phá nhà nguy nước, xưa nay lấy đó làm điều răn. Ví thử Công tin ta, chúng nhân ai rõ việc này? Kẻ kia trong bụng liệu xét ta, cho là ta tất nói ra, cho nên sẽ nói việc ấy trước ta; việc do kẻ kia nói ra, yên lặng chẳng sướng hơn sao!
Bèn xưng bệnh không tới gặp. Tôn thị quả nhiên nói với Thành hầu rằng:
- Thiếp mong phu nhân sinh con trai, cho nên đưa thuốc sinh con trai, lại bị nói là cho thuốc độc!
Thành hầu nói:
- Cho thuốc sinh con trai là việc tốt, nhưng ngầm để thuốc vào đồ ăn đưa cho người khác, là việc không hợp tình hợp lí vậy!
Bèn tra hỏi người hầu, người hầu kể lại hết, Tôn thị bởi đắc tội bị đuổi.
Thành hầu hỏi phu nhân sao chẳng nói gì, phu nhân nói rõ nguyên cớ, Thành hầu cả kinh, vì thế càng cho phu nhân là hiền. Năm Hoàng sơ thứ sáu, phu nhân sinh Hội, lại càng được sủng ái. Thành hầu đã đuổi Tôn thị, bèn nạp Giả thị làm chính thất.''

''Phu nhân tính tình thanh cao giữ mình nghiêm cẩn, sáng suốt về việc giáo huấn, Hội dẫu còn bé, vẫn khuyên răn rất nghiêm khắc. Năm Hội lên bốn tuổi, phu nhân sai đọc sách Hiếu Kinh, bảy tuổi cho đọc Luận ngữ, tám tuổi đọc Kinh Thi, mười tuổi đọc Kinh Thượng thư, mười một tuổi đọc Kinh Dịch, mười hai tuổi đọc Xuân thu Tả thị truyện, Quốc ngữ, mười ba tuổi đọc Chu lễ, Lễ ký, mười bốn tuổi đọc Dịch ký do Thành hầu soạn, mười lăm tuổi sai vào nhà Thái học để học lời văn hay ở bốn phương và những điều giáo huấn lạ.
Phu nhân bảo Hội rằng:
- Học nhiều thì mỏi mệt, mỏi mệt sẽ sinh lười biếng; ta sợ mày có ý lười, cho nên dạy dỗ dần dần, nay mày có thể học một mình được rồi vậy.
Phu nhân rất thích thư tịch, đọc qua nhiều sách, đặc biệt thích Chu dịch, Lão tử, mỗi khi đọc Chu dịch đến chỗ Khổng tử giảng nghĩa câu ''Minh hạc tại âm, lao khiêm quân tử, tịch dụng bạch mao, bất xuất hộ đình'' (1), phu nhân thường sai Hội đọc đi đọc lại, nói rằng:
- Dịch có hơn ba trăm hào, nhưng Trọng Ni đặc biệt giải thích hào này, đấy là dạy người ta khiêm cung cẩn thận, nắm vững thời cơ mà hành động, lập thân hành sự phải xét rất kỹ lưỡng, vinh thân từ đấy mà ra, ứng thuận theo cái thuật ấy, là đủ để làm người quân tử rồi.

Năm Chính Thủy thứ tám, Hội làm Thượng thư lang, phu nhân cầm tay Hội dạy rằng:
- Mày mới hai mươi tuổi được vào triều làm quan, con người ta chẳng biết thế nào là đủ thì tổn hại đến thân mình thôi, hãy cố suy nghĩ để tự răn mình!
Bấy giờ Đại tướng quân Tào Sảng nắm quyền triều chính, ngày ngày buông thả đắm chìm trong men rượu, anh của Hội là Thị trung Chung Dực nghỉ việc quan về nhà, nói chuyện ấy. Phu nhân nói:
- Tiếng nhạc thì vui rồi, nhưng khó nghe lâu vậy. Giữ ngôi cao mà không kiêu, biết kiềm chế mình cẩn thận, thì sau này mới không lo họa nạn. Nay xa hoa lấn át người như thế, không phải con đường giữ được sự phú quý lâu dài vậy.

Năm Gia Bình nguyên niên, xa giá đến bái yết ở Cao Bình lăng, Hội là Trung thư lang, đi theo. Tướng quốc Tuyên Văn hầu khởi binh, mọi người lo sợ không yên nhưng phu nhân vẫn tự nhiên như thường. Gia quyến bọn Trung thư lệnh Lưu Phóng, Thị lang Vệ Quán, Hạ Hầu Hòa đều thấy quái lạ hỏi:
- Một người con của phu nhân ở giữa chỗ nguy hiểm, sao lại không lo lắng gì vậy?
Phu nhân đáp:
- Đại tướng quân kiêu xa vô độ, ta thường ngờ rằng ông ấy sẽ không được yên lành. Thái phó nhất định chẳng làm nguy hại cho nước, tất vì Đại tướng quân mà cử sự thôi. Con ta bên cạnh vua thì có gì phải lo lắng? Vả lại nghe nói Thái phó xuất binh không mang theo nhiều vũ khí, xem thế tất không đánh nhau lâu.
Quả đúng như lời ấy, chúng đều khen là sáng suốt.

Hội coi việc quân cơ mật hơn chục năm, nhiều lần dự mưu chính sự. Phu nhân bảo rằng:
- Xưa kia người con nhỏ của Phạm thị là Triệu Giản tử bày kế chặt cây, thu được lòng dân, có thể gọi là khéo rồi. Nhưng mẹ của Giản tử cho là ông ấy đặt điều giả dối làm việc trí trá, vốn làm việc hèn mọn, tất không thể tồn tại lâu dài. Đấy nhất định là lời của người có hiểu biết sâu xa, không phải là điều mà kẻ thiển cận có thể nói được, ta thường muốn làm người như thế. Mày biết giữ lòng chính trực, thì có thể tránh được họa rồi. Chỉ nên tu dưỡng tâm chí làm việc có ích cho chính sự đương thời, là chẳng nhục đến tiền nhân vậy. Người đời thường nói là có ai xét hết được vạn việc, chỉ nên gắng sức làm không biết mệt, tiếp nữa là cố nén mình. Dẫu tiếp xúc với kẻ ti tiện, vẫn phải nói lời tín nghĩa. Trong lúc giúp đỡ người, phải vạch rõ đúng sai.
Có người nhân đấy hỏi:
- Đó há chẳng phải việc nhỏ sao?
Phu nhân đáp:
- Việc làm của người quân tử, đều là gom nhặt những cái nhỏ thành thứ lớn, nếu vì việc thiện nhỏ cho là vô ích mà chẳng làm, đấy là hành động của kẻ tiểu nhân thôi. Chỉ mong làm những việc cao xa, là điều ta không thích vậy.

Phu nhân từ lúc Hội còn nhỏ, mặc áo vá giản dị, tự mình làm việc nhà, lại khiêm cung cần kiệm. Phàm là việc có lợi thì suy xét kỹ đạo nghĩa, đối diện với tiền của nhất định chối nhường. Hội trước sau tặng phu nhân vàng lụa tính kể mấy trăm vạn, phu nhân đưa hết vào kho chung của gia đình chi dùng, không lấy cho mình thứ gì.

Năm phu nhân năm mươi chín tuổi, là năm Cam Lộ thứ hai tháng hai mắc bạo bệnh chết. Đến lúc táng, thiên tử tự tay thảo chiếu, sai Đại tướng quân Cao Đô hầu phúng viếng rất hậu, chi phí táng lễ bất kể lớn nhỏ, hết thảy đều chu cấp.''.

(1): Đây là các quẻ trong Kinh Dịch: Phong Trạch Trung Phu (Trung phu là có đức tin ở trong lòng)

(Tam quốc chí, Trần Thọ. Bản dịch Bùi Thông, hiệu đính Phạm Thành Long, nxb Văn học, 2016)

Đọc xong thấy nổi rõ lên có 2 ý chính được truyền thông trong diễn ngôn này: Chung Hội thông minh, nhiều mưu sâu là có nòi, một kiểu không phải người thường cố mà được - xem mẹ anh ấy thì biết. Nhưng anh tâm chí đoan chính, chỉ lo giúp ích cho triều chính. Không tà vạy.

Chung Hội vào triều lúc hai mươi tuổi mà đến đoạn tả coi việc quân cơ mật hơn chục năm được phu nhân dạy bảo "giữ lòng chính trực và tu dưỡng tâm chí làm việc có ích cho chính sự đương thời'' tức là ít ra cũng quãng giữa tuổi tầm ba lăm. Hội chết lúc bốn mươi tuổi. Vậy truyện này Chung Hội phải lập lúc sau khi phu nhân mất và rất gần thời điểm cầm quân đi đánh Thục. Phu nhân như thế nào chưa rõ nhưng chắc chắn có thể đọc thấy ý mượn truyện bày tỏ sự trung thành với họ Tư Mã lúc đó rồi. Hội là người hay bày mưu tính kế cho nhà Tư Mã, đương thời gọi là Trương Tử Phòng thì kẻ trên tất cũng phải đề phòng. Nên Hội cũng phải tìm cách mà biện bạch. Tuy nhiên xem ra bản tính của Hội đúng như Chung Dục là anh nhận xét ''cậy tài thuật, khó tín nhiệm'', vốn dĩ không có cái kín đáo của Tử Phòng, thích bày tỏ cái thông minh, tự phụ là cái mầm họa đã có từ sớm.

Tư Mã Chiêu cũng ghê gớm, phái kẻ đơn thân một mình không có gia thất vướng víu lãnh chục vạn quân vào Thục mà không e ngại. Vì Chiêu tự phân tích đi chinh phạt cần kẻ trí dũng và quyết tâm lập công danh như Hội. Còn như làm phản? Vốn liếng lực lượng chính trị không đủ, thời thế lòng người cũng không có, nổi dã tâm là chỉ tự rước họa. Chung Hội giỏi nhất là mưu kế nhưng mưu kế chiến thuật chưa thành tài năng cầm quân của đại tướng như Hàn Tín. Đến như Hàn Tín còn không tự biết lượng về vốn chính trị thì Chung Hội lại càng kém. Quyết làm phản mà phải lập mưu úp sọt toàn bộ tướng lĩnh quan viên từ Hộ quân, Quận thú, Nha môn kỵ đốc trở lên thì gần như tay không bắt giặc. Manh động, lỗ mãng. Đến lúc bị quân sĩ xông vào thì cùng lắm giết được năm, sáu binh sĩ. Làm chính trị để vào thế đánh nhau tay đôi thì coi như xong. (Đọc những đoạn này rồi không hiểu sao đời sau vẫn thích mê cái trò tướng cầm đao thương phi vào trăm vạn quân như không của Tam quốc diễn nghĩa được).

Mà kể có đủ chiến công to lớn như Vương Tuấn, Đỗ Dự thu Đông Ngô, không làm phản, giữ được mệnh và phú quý thì rồi cũng như họ, không có được màu sắc truyền kỳ thú vị như mấy ông thua trận mất đầu kiểu Quan Vũ, Trương Phi. Những nhân vật như vậy, giở sử ra đọc, nhặt từ tiêu chí nào cũng kiếm được vô số nhân vật, bình bình đạm đạm ẩn hiện trong dòng chảy lịch sử. Cái mà tôi chú ý nhiều không phải là lịch sử mà cách nhận thức của chúng ta bị chi phối thao túng tâm trí theo kiểu tự sự nhiều đến như thế nào, làm thiên lệch óc phán đoán và tinh thần phản tư ra sao. Việc này sẽ từ từ bàn dần thành mạch chính.

Nói sang chuyện đời nay, tính cách và chuyên môn của Chung Hội là tạng tham mưu, tư vấn, đầu tư tài chính...các loại. Đầu tư tài chính quyết xong vài hôm tính được lãi lỗ. Nhưng làm sản xuất thì khác. Sản xuất là đầu tư dài hạn. Quyết xong xắn tay vào, đổ bao mồ hôi công sức, lao lực, tứ bề thọ địch, toàn tâm toàn ý mãi rồi mới thành công. Nhưng thành công thì thường bền chắc hơn. Có điều thường những người ở ngoài cuộc, cho dù có vốn liếng mà không đi lên từ sản xuất, nhìn cũng chẳng hiểu hết được. Xớ rớ bắt chước vác mai đi đào khoai có ngày vỡ mồm. Chung Hội xét cho cùng là thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào nên vỡ mồm vậy. Dân buôn hay thích bàn mưu kế chiến tranh làm ẩn dụ cho thương trường nên so sánh thế cho trực quan và có tính cà khịa cao.

Nhưng nếu truyện về phu nhân tuy là do Chung Hội biên ra nhằm làm truyền thông thì xét kĩ ra chắc hẳn phần nhiều lời phu nhân là thật - không có bột sao gột nên hồ. Thấm thía như vậy mà thằng con có chịu nghe đâu. Chứ phu nhân không dạy, nó tự biên ra được đến thế thì chắc không vong mạng phơi thây. Đáng tiếc!
-------

(*) Gần đây thì lại có một trào lưu chuyển hẳn sang phê bình dạng ủng Tào phản cả thiên hạ. Xét từ góc độ nhu cầu thời đại thì hoàn toàn dễ hiểu đối với bối cảnh TQ hay VN đương thời. Từ cuối Nguyên sang Minh rồi Thanh, nhu cầu của đại chúng là hoài nhớ và cộng đồng tưởng tượng về một thứ quốc gia có nguồn gốc sâu xa bao trùm toàn bộ cương thổ, có tính chính thống mà Hán triều là chuẩn mực. Nhu cầu đại tự sự lúc đó là cái mà Tam quốc diễn nghĩa xiển dương và hợp tạng giải trí bình dân. Nhưng đương thời hiện nay, nhu cầu đó không phải ưu tiên của xã hội TQ nữa. Việc chuyển pha sang ủng Tào chỉ đơn giản phản ánh nhu cầu và tinh thần của thời toàn trị ngày nay mà thôi!

Còn gì nữa, Tào Tháo chính là hình mẫu điển hình của tự sự về đại gia tư bản đỏ thân hữu khởi nghiệp thành công nhất. Trong nền kinh tế chính trị tù đọng toàn trị bị trùm lợp cái định hướng không tưởng thì cũng chả khác gì các quân phiệt dùng cái vỏ tôn Hán để lũng đoạn Trung Nguyên. Tất nhiên, nhìn nhận như vậy không có ý quy kết rằng các cách tiếp cận khác là sai. Lại trích 1 đoạn tiểu luận của Charles Taylor về sự hiểu của Gadamer (bản dịch của anh Như Huy):

"Lý lẽ của Gadamer trong Sự thật và Phương Pháp đã ứng xử với sự hiểu của chúng ta đối với truyền thống của chính chúng ta, tức lịch sử văn minh của chúng ta, và các văn bản và biến cố thuộc về nó. Điều này có nghĩa rằng những gì chúng ta nghiên cứu sẽ bằng cách này hay cách khác nằm chính trong bản sắc của chúng ta. Thậm chí cả ở các công trình khi chúng ta định nghĩa bản thân mình chống lại các đặc trưng nào đó của quá khứ, như thời Khai minh hiện đại chống lại thời Trung cổ, thì thời Trung cổ ấy vẫn thuộc về bản sắc của chúng ta như thể một cực phủ định, tức điều chúng ta sẽ vượt qua hay thoát khỏi. Chúng ta là bộ phận của cái “lịch sử tạo hiệu lực” (Wirkungsgeschicte) và do đó, lịch sử ấy cũng tạo hiệu lực lên chúng ta [Note: Nói vắn tắt, theo Gadamer, lịch sử tạo hiệu lực là dạng lịch sử mà ở đó bao gồm cả chính lịch sử của sự nghiên cứu lịch sử của chúng ta, tức những gì tạo ra thói quen, văn hóa và truyền thống hiểu lịch sử của chúng ta, và lẽ dĩ nhiên sẽ tạo hiệu lực, hay làm nên, một cách vô thức, hoặc ý thức lên cách nhìn nhận thực tại của chúng ta, và thậm chí cả chính chúng ta, trong hiện tại-ND]"

Không có nhận xét nào: