Thứ Hai, 13 tháng 4, 2020

Carnets. TÌNH YÊU KIỂU PLATO

Nguồn: Fb Nguyen Nhu Huy TÌNH YÊU KIỂU PLATO
Karl Jaspers
Như Huy d(ngh)ịch
Plato khai mở ba phương diện không thể tách rời của sự hành triết (philosophizing): Suy tư xét như một con đường đi từ sự biết về việc mình không biết để đạt tới sự biết có thể chỉ lối: tính có thể truyền thông xét như một điều kiện của chân lý đáng tin cậy và gắn kết mọi thứ: phép biện chứng của một dạng suy tư cao cấp nhất, tức điều vừa luôn tạo ra các chân đế vững chắc vừa luôn làm tan rã chúng, và là điều không bao giờ thường trú tại một địa chỉ cục bộ, mà mãi luôn nhắm hướng tới Cái Một, tức cái thường hằng và vĩnh cửu
Ở sự hành triết đó, cả ta và tha nhân đều có được sự tự do trong một vận động đi lên. Đây chính là một sự tự do được tình yêu duy dưỡng và đáp ứng. Sự biết triết học chính là sự biết có tính yêu thương, và để yêu được thì ta phải biết. Nhận thức trở nên điều gì có thể đem ra dạy được chính là nhờ vào sự truyền thông có tính yêu thương. Plato là triết gia đầu tiên về tình yêu. Với ông, các huyền thoại cụ thể trước đó về một Tình yêu kiểu vũ trụ chỉ là các truyện ngụ ngôn, bởi ông đạt tới ngọn nguồn trong chính thực tại của bản thân Tình yêu, có nghĩa là, trong sự hiện thực hoá của con người triết học. Thậm chí bản thân chữ Philosophy (triết học) là nói về một vận động của tình yêu thương-một “philein” (tiếng Hy lạp: Tình yêu) đối với “sophia” (tiếng Hy lạp: sự khôn ngoan)
Suy tư của Plato bắt nguồn từ tình yêu ông dành cho Socrates. Chưa có một tình yêu nào từng để lại dấu vết lớn lao như thế. Tình yêu của Plato là có thật: Nó được minh hoạ bằng thực tại, nó trở nên tình yêu cho mọi điều cao quý ông gặp gỡ trên con đường suy tư của mình.
Song với câu hỏi tình yêu là gì, tức một câu hỏi sâu thẳm khôn dò; Thì Plato, (cụ thể trong hai tác phẩm “Symposium” và “Phaedrus”), -kẻ đặt bản thân mình trong thực tại, lại chỉ trả lời bằng huyền thoại. Tình yêu xuất hiện qua nhiều hình thù và sự tưởng tượng, song tất cả đều hướng tới Cái Một, tức tới  Tình yêu tuyệt đối và đúng đắn giúp con người hướng thượng
Trong thảo luận của Plato về tình yêu, tình dục được xem vừa như nguồn gốc, vừa như biểu trưng, vừa như kẻ thù. Sức mê hoặc của nó chính là nguồn gốc, bởi việc nhìn thấy cái đẹp sẽ làm ta hồi nhớ về cái vĩnh cửu và sự hướng thượng khởi đầu từ cái đẹp nhục thể; Song khi tình dục đứng một mình, thì nó biến thành  cám dỗ, và trở nên điều gì xấu xa và thấp hèn. Thiếu đi nguồn gốc nhục dục thì sẽ không có Tình yêu, và tư tưởng sẽ trống rỗng. Song nếu tình dục hiện hữu độc lập, thì nó lại làm tê liệt Tình yêu triết học và trở nên mù loà trước tình yêu ấy.  Sự hành triết của Plato biết rõ sức mạnh của tình dục và vừa chung sống vừa xung đột với nó. Sự hành triết ấy chung sống với tình dục khi, - được tình dục khơi lên, - nó đạt tới nguồn mạch của tình dục; Sự hành triết ấy xung đột với tình dục khi tình dục trở nên độc lập và hạ thấp tính cao quý của con người, và theo đó, che lấp tuệ kiến của họ vào chân lý của tồn tại. Theo huyển thoại ( trong tác phẩm “phaedrus”), linh hồn (soul) chính là cỗ xe ngựa cho lý tính, được hai con ngựa có cánh kéo, một con thì có kỷ luật và tuân phục, sở hữu sức mạnh kéo xe lên trên, còn con kia thì ngang bướng , chỉ truy tìm các dục vọng thuộc cảm gíác, không nghe lời, và luôn  kéo xe xuống dưới. Bằng hai con ngựa này, lý tính phải đi tới nơi mà toàn thể tri thức đạt tới mục đích sau cuối, vì thế, sẽ đạt tới được sự chỉ dẫn, -tức nơi chốn vượt lên khỏi mọi cảm gíác
Suy tư triết học là sự đam mê tình dục có xu hướng đi lên. Song trong quá trình suy tư đó, ta cũng trải nghiệm sự chao đảo lên lên xuống xuống. Ta ngã, ta thất bại, rồi ta lại gượng dậy từ đầu trong vận động của tình yêu. Bởi tình yêu giống như triết học vậy-là một sự ở-giữa. Nó vừa có, mà lại vửa không có. Nó đạt tới sự không đạt tới. Trong một huyền thoại khác (Ở tác phẩm “Symposium”), Tình yêu là con trai của cả sự giàu có lẫn sự đói nghèo, “Nó sẽ sống và hưng thịnh tột bậc, và chết đi trong cùng một ngày, để rồi trở lại cuộc đời nhờ vào sức mạnh mà nó có được từ cha mình; Song nó sẽ luôn mất đi chính điều mà nó vừa thắng được…”. Tình yêu triết học thuộc về sự hiện hữu hữu hạn của chúng ta và bên ngoài sự hiện hữu đó nó không tồn tại. Các vị thần không làm triết học và họ không yêu, vì họ đã đạt tới sự hiểu biết cuối cùng
Trong suy tư kiểu Plato, giờ đây, Tình yêu được trình bày ra, lúc thì như một thực tại với muôn ngàn dáng vẻ khác nhau, lúc thì như một biểu trưng cho sự vận động hướng lên cái Hằng cửu, lúc thì như ánh sáng chỉ đường, lúc thì nằm trong sự phân biệt tình yêu đích thực khỏi các hình thức suy đồi của tình yêu. Nói về tình yêu tức là sự nói đồng thời vừa nhắc nhớ, vừa đánh thức. Bên dưới tính sáng rõ của sự thảo luận duy lý, Plato đặt một chiếc gương: tình yêu. Nhờ chiếc gương ấy, kẻ hiểu biết sẽ nhận ra hoặc không nhận ra chính mình. Việc soi vào chiếc gương ấy có thể làm xuất hiện niềm đam mê sẽ ban ý nghĩa cho sự hiểu, sự biết, và sự sống
Doc cuộc thào luận duy lý sẽ xuất hiện nhiêu tấm gương về các mẫu khác nhau của tình yêu. Và sai lầm sẽ luôn xảy ra. Thậm chí cả khi gần sát tới đỉnh rồi, thì mọi thứ vẫn có thể đổ nhào

Không có nhận xét nào: