Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

ta tưởng tượng từ một tương lai nào đó nhìn về hiện tại

mắt ngày xưa trong sáng
ngậm đa tình dấu duyên
một cười như chờ đợi
hai nỗi buồn tan vơi

bàn tay xưa đếm tháng
bàn tay giờ kể năm
một bên trời mưa hạ
một bên trời phiêu phong

mưa giông giấu lũ trong lòng
gió reo góp gió ru dòng lũ xa...

mắt ngày xưa trong sáng
ngậm đa tình dấu duyên

Khi chúng ta còn đôi mươi, ta tưởng tượng từ một tương lai nào đó nhìn về hiện tại. Khi chúng ta đi qua hầu hết những tháng năm tuổi trẻ, ta tưởng tượng về một ký ức hầu như không có thật. Ký ức hầu hết là tự huyễn. Không hề đáng tin.

Buổi sáng, ngồi một mình trong vườn trường cũ, chỉ một thoáng rất hiếm hoi tôi nhận thấy chút mềm lòng. Điều mỉa mai là từ khi nhận ra tình thế cuộc đời mình, tuyệt đối chưa bao giờ tôi có nhu cầu lưu luyến gì với quá khứ hay tương lai. Điều đó đã giúp tôi đứng vững nhiều năm. Nhưng cũng nhiều năm tôi lờ mờ cay đắng nhận ra sao mà mình lại cứng lòng đến thế.

Việc tổ chức một buổi hội khóa sao cho khỏi vô vị - ở đời nhiều việc biết là vô vị mà vẫn phải ở đó với nó, thành ra là một việc chế tạo ý nghĩa. Nó sử dụng thuần túy các chất liệu của hiện tại nhưng vẽ ra một cảnh tượng hồi cố giả tạo - kiểu tranh bờ hồ. Tất nhiên vẫn có thể dẫn dụ mọi chuyện thoát khỏi tình trạng khánh kiệt tư tưởng này. Nhưng lựa chọn đi với đám đông là lựa chọn chấp nhận thủ đoạn. Và chỉ có thể biện minh bằng kết quả.

Sau cùng, câu chuyện quay về vấn đề nguồn lực của mỗi cá nhân. Cuộc đời này mình có bao nhiêu mà đánh đổi được quá nhiều đến thế. Ngoài ba mươi là anh đã phải lựa chọn. Anh chợt nhận ra quả tình anh có thể làm bất cứ điều gì nhưng anh sẽ không thể làm tất cả mọi thứ. Anh phải lựa chọn, và chấp nhận hệ quả từ hành động lựa chọn này. Anh được chủ động trong hành vi lựa chọn của mình.

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

về một cuốn sách

- Khi chúng ta viết, hầu như là một quá trình dần dần định hình. Trước đó không hẳn nó - cái được viết ra - là như thế. Còn sau đó thì sao?

Cũng vậy, đừng hy vọng gì vào một sự "hiểu". Đấy là một ảo tưởng. Qua sự đọc, chúng ta mở rộng giới hạn bản ngã của chúng ta - hay đúng hơn là chúng ta trải qua sự trở thành cái gì đó khác đi. Chúng ta viết và chúng ta thay đổi. Chúng ta đọc, chúng ta cũng thay đổi.

- Nhìn chính là một hành vi lựa chọn (J.Berger, từ giờ sẽ in nghiêng). Cái tôi thấy là cái mà tôi bị quy định.

- Sự hiện diện của một phụ nữ luôn thể hiện thái độ của cô ta với bản thân (có tính nội chiếu), và cho thấy mong muốn của cô ta về việc người khác nên đối xử với cô ta thế nào...

- Một phụ nữ sẽ luôn phải hình dung về bản thân, cô ta sống mà luôn phải ý thức về hình ảnh của chính mình.

- Và như thế, cô tiến đến việc coi kẻ quan sát và kẻ bị quan sát tồn tại trong chính bản thân cô như thể hai yếu tố, tuy luôn trái nghịch về chức năng, song lại cùng nhau cấu thiết nên căn tính phụ nữ của cô.

- Chạy đi chạy lại (có ý thức về điều đó hoặc không) giữa hai vai nhưng cùng trong một mối bận tâm thiết thân: mình phải được trông thấy như thế nào?

Tài sản của cô là một vẻ đẹp. Nhiều người nói thế. Cô biết thế. Và cũng biết thế là không đủ. Nhưng mỗi khi tự nhìn nhận mình, cô chỉ thấy riêng điều đó có vẻ chắc chắn. Mọi thứ khác cô không rõ ràng nó là gì, và chúng thường thách thức sự bình an của cô.

- Viết ra là để an cái tâm của mình. Một sự thanh tẩy nhờ nỗ lực thăng hoa qua việc nghệ thuật hóa những mẩu vụn hiện sinh của mình. "Bình an" là vấn đề cảm giác. Khía cạnh chủ yếu được trình bày ra cũng là về phương diện cảm giác. Cái tên là những tính từ của cảm giác.

- Một trật tự của các mảnh ghép. Tuy được cấu tứ lại nhất định cho hợp với hình thức của một tập truyện ngắn, nó có logic trật tự thời gian rất rõ của hành trình trưởng thành của một cô gái. Cô gái ấy (tôi thấy) với mối bận tâm thường trực của mình, xoay xở bời các tình thế nhân sinh - theo hầu như cùng một lối: thấy và bị thấy.

- Khung cảnh chỉ là cái giá treo mối bận tâm. Khung cảnh luôn là các mã-văn hóa khá điển hình. Điển hình của sự đã từng độc đáo (và đã bị bỏ qua).

- Không những thế, với cô tổn thương là có thực. Nó đã xảy ra dẫu từ trước khi nó cụ thể ra là cái gì thì nó đã có hình hài riêng trong một sự e ngại vô cớ kiểu ấu thời.

- Ngược lại bản thân cô, thân thể cô lại rất cụ thể, thường trực tồn tại trong các mô tả trải nghiệm xúc giác.

- Cô vừa sống vừa tìm kiếm. Mỗi khả năng vừa hiện ra cho cô ướm thử thì lập tức cái con mắt của kẻ quan sát lại viện dẫn ra những khả thể khác một cách mỉa mai. Cô sợ sự mỉa mai - nó gây tổn thương ghê gớm vì nó đối lập triệt để với sự tinh khôi bản nguyên.

Dù không thừa nhận, quả thực phần lớn thời gian cô vô thức đẩy cái đẹp về phía bản chất. Tiếc thay, lý trí thông minh và mỉa mai của cô nó canh chừng điều đó.

- Thoạt đầu, có sự ám tả về trưởng thành. Truyện ngắn đầu tiên có cái tên là một mã kép: một đằng là về thái độ, một đằng là về sự thanh tẩy của trật tự hình thức. Con đường có thể là biểu trưng của sự trưởng thành, cũng có thể là của sự chạy trốn thực tại. May thay thực tại của cô gái ấy càng lúc càng đỡ có tính chất mã-văn hóa hơn. Cô từ từ lớn lên với những liên tưởng, chất vấn và xoay xở của mình. Tìm cách định vị mình trong nội tâm, qua người khác rồi dần dần cô đến được với thế gian của những người khác. Hành trình này ai biết nó thế nào.



Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Tại sao gặp nhau cứ phải ăn uống một cái gì?

Nghĩ ra thì cũng buồn cười, có lẽ chỉ có một đôi đang yêu nhau hoặc là những đứa bạn đang độ cấp 1, cấp 2 (lũ chưa có tiền riêng để vào cafe) mới có thể vô tư lựa chọn nói chuyện, trao đổi, chia sẻ mà không cần phải ăn một cái gì đó. Tức là hai trạng thái trên nó không cần môi giới xã hội nào khác - nó bỏ qua một số nghi thức xã hội.

Khía cạnh không gian công cộng dành cho xã hội (VN) hiện nay hầu như đi kèm với việc ăn/uống một cái gì đó (ngoại trừ các hoạt động chính trị ra). Thậm chí có thể đi xa hơn: để chứng minh một sự kiện gặp gỡ không phải chính trị, không phải luyến ái thì nhất thiết phải có đặc điểm sau: (a) một không gian công cộng hay bán công cộng và (b) có chỗ ăn uống. Nếu chỉ bán chỗ ngồi thì hơi kỳ - chắc là không biết tính phí thế nào. (Hãy liên hệ đến các core-working space và câu chuyện ấm trà của các nhóm đa cấp. Thực ra còn có thể nghĩ đến các vườn hoa có thu phí kiểu ở ngoài bãi sông Hồng).

Quay lại câu chuyện: nếu không ăn uống mà ngồi nói chuyện với nhau thì tức là câu chuyện đó phải có đủ sức nặng cho sự tụ hợp của (ít nhất) 2 người. Chúng ta có thể có nhu cầu gì để phải gặp gỡ và thảo luận mà không ăn uống? Học nhóm là một ví dụ. Hội chợ nghệ thuật cũng là một ví dụ. Nhưng hội chợ lại có khía cạnh của việc phải mua/bán một cái gì đấy. Tức là không gian cần chi phí và hội nhóm hay cá nhân cũng cần chi phí.

Nhưng rõ ràng là sẽ có thể có những không gian công cộng miễn phí được thiết kế dành cho cộng đồng và ở đây cụ thể là cho nhiều quy mô nhóm cộng đồng khác nhau. Vấn đề là việc quy hoạch có lẽ là thứ đến sau. Các không gian mở sẽ có trước. Các hoạt động xã hội sẽ có trước. Các thiết chế văn hóa sẽ dần hình thành và được củng cố bằng quy định (quy hoạch) (cái Đình) hay bằng văn hóa (các địa điểm).

Các thiết chế bị mất dần vai trò của mình. Hay vì nó bị biến tướng, không giữ được chức năng của nó? Đây sẽ dẫn đến câu hỏi về cấu trúc xã hội hiện nay.

Trở lại từ đầu: vậy là tôi chán ghét sự tụ họp ăn uống vì nó không có nghị sự rõ ràng, lại sa vào thức nghiện ngập phè phỡn của ăn uống vô tội vạ. Tôi cần trao đổi, trò chuyện chứ không phải ăn uống. Vấn đề là anh/bạn có gì để trao đổi hay không. Nếu có, tôi chấp nhận vừa ăn uống vừa tìm hiểu. Nhưng nếu không phải ăn uống thì tốt hơn.

Kể ra còn có các seminar, các phòng họp, thư viện hay không gian mạng thì sao? Không gian mạng đúng ra là không gian lý tưởng cho các nhóm hội thảo luận và đối thoại nhưng sự thực thì lại đáng nản. Tại vì sao? Liệu có gì liên quan đến bản chất giao tiếp của con người hay không? Ví dụ như các vấn đề xã hội cần bối cảnh xã hội, cần các thành viên, cơ chế thảo luận, sự ràng buộc và cam kết đạo đức, sự thông hiểu giữa các cá nhân...Tất nhiên là còn có môi trường kinh viện của học thuật: các hội thảo, tạp chí khoa học...Nhưng học thuật không bao trùm được đời sống xã hội. Ở tầm mức các nhóm xã hội nhỏ như vậy có thể thấy không khí méo mó, bị chèn ép của một xã hội không có tự do lập hội, tự do ngôn luận.

Câu hỏi chính thành ra phụ, chuyện ăn uống ấy mà - tại sao lại cứ phải là ăn uống? Nó là tập quán xã hội từ thời nguyên thủy? Hay vì xã hội Á Đông lễ lạt, chè chén là truyền thống? Cũng có thể đó là phản ánh nhu cầu làm bận rộn tâm trí, làm bận rộn môi miệng - nghiện ngập là mặt trái của mất kết nối xã hội.