Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Tại sao gặp nhau cứ phải ăn uống một cái gì?

Nghĩ ra thì cũng buồn cười, có lẽ chỉ có một đôi đang yêu nhau hoặc là những đứa bạn đang độ cấp 1, cấp 2 (lũ chưa có tiền riêng để vào cafe) mới có thể vô tư lựa chọn nói chuyện, trao đổi, chia sẻ mà không cần phải ăn một cái gì đó. Tức là hai trạng thái trên nó không cần môi giới xã hội nào khác - nó bỏ qua một số nghi thức xã hội.

Khía cạnh không gian công cộng dành cho xã hội (VN) hiện nay hầu như đi kèm với việc ăn/uống một cái gì đó (ngoại trừ các hoạt động chính trị ra). Thậm chí có thể đi xa hơn: để chứng minh một sự kiện gặp gỡ không phải chính trị, không phải luyến ái thì nhất thiết phải có đặc điểm sau: (a) một không gian công cộng hay bán công cộng và (b) có chỗ ăn uống. Nếu chỉ bán chỗ ngồi thì hơi kỳ - chắc là không biết tính phí thế nào. (Hãy liên hệ đến các core-working space và câu chuyện ấm trà của các nhóm đa cấp. Thực ra còn có thể nghĩ đến các vườn hoa có thu phí kiểu ở ngoài bãi sông Hồng).

Quay lại câu chuyện: nếu không ăn uống mà ngồi nói chuyện với nhau thì tức là câu chuyện đó phải có đủ sức nặng cho sự tụ hợp của (ít nhất) 2 người. Chúng ta có thể có nhu cầu gì để phải gặp gỡ và thảo luận mà không ăn uống? Học nhóm là một ví dụ. Hội chợ nghệ thuật cũng là một ví dụ. Nhưng hội chợ lại có khía cạnh của việc phải mua/bán một cái gì đấy. Tức là không gian cần chi phí và hội nhóm hay cá nhân cũng cần chi phí.

Nhưng rõ ràng là sẽ có thể có những không gian công cộng miễn phí được thiết kế dành cho cộng đồng và ở đây cụ thể là cho nhiều quy mô nhóm cộng đồng khác nhau. Vấn đề là việc quy hoạch có lẽ là thứ đến sau. Các không gian mở sẽ có trước. Các hoạt động xã hội sẽ có trước. Các thiết chế văn hóa sẽ dần hình thành và được củng cố bằng quy định (quy hoạch) (cái Đình) hay bằng văn hóa (các địa điểm).

Các thiết chế bị mất dần vai trò của mình. Hay vì nó bị biến tướng, không giữ được chức năng của nó? Đây sẽ dẫn đến câu hỏi về cấu trúc xã hội hiện nay.

Trở lại từ đầu: vậy là tôi chán ghét sự tụ họp ăn uống vì nó không có nghị sự rõ ràng, lại sa vào thức nghiện ngập phè phỡn của ăn uống vô tội vạ. Tôi cần trao đổi, trò chuyện chứ không phải ăn uống. Vấn đề là anh/bạn có gì để trao đổi hay không. Nếu có, tôi chấp nhận vừa ăn uống vừa tìm hiểu. Nhưng nếu không phải ăn uống thì tốt hơn.

Kể ra còn có các seminar, các phòng họp, thư viện hay không gian mạng thì sao? Không gian mạng đúng ra là không gian lý tưởng cho các nhóm hội thảo luận và đối thoại nhưng sự thực thì lại đáng nản. Tại vì sao? Liệu có gì liên quan đến bản chất giao tiếp của con người hay không? Ví dụ như các vấn đề xã hội cần bối cảnh xã hội, cần các thành viên, cơ chế thảo luận, sự ràng buộc và cam kết đạo đức, sự thông hiểu giữa các cá nhân...Tất nhiên là còn có môi trường kinh viện của học thuật: các hội thảo, tạp chí khoa học...Nhưng học thuật không bao trùm được đời sống xã hội. Ở tầm mức các nhóm xã hội nhỏ như vậy có thể thấy không khí méo mó, bị chèn ép của một xã hội không có tự do lập hội, tự do ngôn luận.

Câu hỏi chính thành ra phụ, chuyện ăn uống ấy mà - tại sao lại cứ phải là ăn uống? Nó là tập quán xã hội từ thời nguyên thủy? Hay vì xã hội Á Đông lễ lạt, chè chén là truyền thống? Cũng có thể đó là phản ánh nhu cầu làm bận rộn tâm trí, làm bận rộn môi miệng - nghiện ngập là mặt trái của mất kết nối xã hội.

Không có nhận xét nào: