Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

về tình yêu hay là về tuổi trẻ của chúng ta

(...)
Nẻo đường xa
Em có đi cùng tôi?
Như ngày xưa em bảo:
Hạnh phúc là chi
Cùng làm việc bên người yêu dấu
Tựa vai nhau tin tới một thiên đàng..

Nói đi em nơi ấy ở đâu
Để tôi lại cười vui hạnh phúc
Như ngày xưa trong sáng
Uống giọt sương lành
Nhìn đắm say..
Ta làm sao có được?

Em lặng im.
Cái lặng im kỳ lạ
Giục tôi đi tới tận chân trời

Trái đất này rộng lớn
Nếu đi xa đây sẽ hoá chân trời
Chân lý giản đơn
Tôi trở về rồi ư?
Ngày giản dị ngày vui độ lượng
Say đắm nhìn
Cuộc đời ghê gớm ta yêu..

Vịn câu thơ đi trong ngày nắng gắt
Kẽ mắt dấu buồn
(...)

Ngày của tình yêu, đọc lại những mẩu thơ chân thành ngày trước, viết trước hết cho chính mình (nỗi riêng tư ấy) và từ hồi tình yêu cũng đồng nghĩa với trọn vẹn lẽ sống và khát vọng.

Tuổi thanh niên đã thực sự ở lại phía sau. Mà có lẽ tuổi thanh niên đích thực là khi ta trong độ vài năm xoay quanh tuổi 20. Mấy năm sinh viên là một chặng đời. 

[Tôi thấy bóng dáng của mình trong đó. Tôi thương tuổi trẻ của tôi bơ vơ không người chỉ dẫn. Hay chính nghĩa của trưởng thành là phải trải qua những ngày tháng như vậy? Như D.T.Suzuki đã miêu tả - "(...)bắt đầu trịnh trọng quan sát quanh mình, và tra hỏi về ý nghĩa của cuộc sống. Tất cả nguồn năng lực siêu hình, bấy lâu vùi kín trong tiềm thức, bỗng dưng như cùng một lúc trào vọt ra. Nếu chúng bùng ra dồn dập và bạo quá, tâm trí có thể mất thăng bằng một thời gian, lâu hoặc mau; trên thực tế, nhiều trường hợp kiệt quệ thần kinh như vậy đã được ghi nhận trong tuổi trẻ, mà nguyên do chánh không ngoài sự đổ vỡ thế quân bình nội tại. Thường thì hậu quả không vết tích gì sâu đậm; nhưng ở đôi căn tạng thì khác hẳn; hoặc vì những khuynh hướng nội tại, hoặc vì sức tác động mạnh của những luồng ảnh hưởng xung quanh vào bản chất dễ cảm kích, cơn thức tỉnh tâm linh ấy chấn động họ đến tận cùng cá thể. Đó là lúc phải dứt khoát chọn giữa cái “vĩnh viễn có” và “vĩnh viễn không(...)"]

Mười mấy năm đi làm là một chặng đời. 

[Nhưng ở giữa độ tuổi ba mươi hơn khi nào hết tôi cảm nhận sâu xa sự lạc lõng với những gì xung quanh mình. Nó không đơn giản như thời thanh niên bế tắc (Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ/Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào/Bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao/Giữa sự thông minh của đông vui bè bạn/Vứt sách xuống gầm bàn đi ra mặt trận/Tôi là người lính cô đơn ở giữa trung đoàn/Bao lâu rồi vẫn chỉ có thế thôi/Nỗi cô đơn hoàn toàn nỗi cô đơn khủng khiếp/Trước và sau trong và ngoài cuộc đời và trang sách...). Nó khác. Nó như là một sự lưu vong ngược. Nhờ internet và tại vì trót sinh ra ở một nước đang kỳ hậu thuộc địa. Chúng tôi có quá nhiều truy cập và toan tính đi vòng qua vấn đề căn tính bằng các mối liên hệ. Nhưng liệu có thể nói trơn tuột đi như thế không? Lịch sử cá nhân của tôi với những người khác, tôi có cố gắng giữ riết róng lấy nó như thế nào, người khác vẫn cứ sẽ xếp nó vào ngăn kéo của một kiểu nhìn căn tính học. 

Thật khó khăn để chấp nhận sự thực là sẽ phải thực hành một tiếp cận khác - chống lại mọi diễn giải bằng cách vui chơi với mọi diễn giải, một cách tùy thuận.]

Bây giờ tôi lại bắt đầu đặt cho mình một chặng đường nữa: sống sao cho thật hay. 

[Có những người họ khác hẳn đám đông xung quanh ở chỗ có thể truyền cho ta nguồn cảm hứng sống. Họ có thể sai lầm, đạo đức chưa chắc toàn hảo, tài năng không hẳn xuất chúng...nhưng ở họ có vẻ gì đó toàn vẹn của một phong cách sống khiến ta thấy hứng thú với cuộc đời, cũng làm ta thoáng chút ngậm ngùi thấy mình nhạt nhẽo vô vọng. Mặc dù ta cũng chẳng muốn theo bước họ.

Nhưng họ cũng như ta, không phải là những thần tượng. Họ hẳn cũng nhiều trắc trở, buồn vui, bệnh tật, lem nhem...Nhưng càng sống ta càng thấy nao núng khi không thể có được cái vẻ sống động ấy, cái khí chất ấy.]

Vậy thôi.

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

thệ giả như tư phù


Ngày tháng trôi chảy, tâm nổi trôi.
Bắt đầu định hình rõ vài ý tưởng cho những ngày tiếp theo.
Dẫu mình đã thôi hy vọng vào người khác nhưng vẫn quyết giữ lòng tin vào chính mình như một khả thể.