Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Thân tình vong niên

Từ những gì xung quanh mình và cả trên mạng, tôi để ý thấy có một tuýp giao tình có thể gọi là thân tình vong niên ("Bạn vong niên" thì hơi quá và không hẳn là như vậy). Khoảng cách thường là khoảng gần 30 tuổi, tức là tương đương một thế hệ - một 9 giờ sáng một 3 giờ chiều của cuộc đời.

Cũng dễ hiểu tại sao 9-giờ-sáng thường nhanh chóng đặt trọn tin tưởng và thân thiết vào 3-giờ-chiều: đó là từ nhu cầu phóng chiếu vào tương lai ở chừng độ còn có thể hiểu được. Thường thì 3-giờ-chiều, một cách không cố ý, sẽ thân thiện, tương đối cởi mở và độ lượng trong tương quan này. Không còn trẻ nữa thường kín đáo nuôi một hy vọng sẽ được trao y bát mật nghĩa cuộc đời từ đã toan già. Quả tình, hy vọng kín đáo này cũng thường được nâng đỡ từ một khoảng cách uyển chuyển.

Vào lúc 3 giờ chiều tôi thường cảm thấy rất khó xử: làm việc thì sẽ rất hiệu quả cho đến khoảng 8 giờ tối; đi chơi sẽ rất thảnh thơi rộng rãi. Ở giữa hai lựa chọn thực tế đa số lần lại làm mình thấy cô độc. Thật hay nếu ngẫu nhiên được rủ đi uống cafe vào những lúc như vậy. Vừa đẹp.

Từ bên trong

Mỗi dòng ngắn ngủi đều tự tại trong thinh không
Yên tĩnh, khép kín như thể đã thản nhiên.

Nếu sự im lặng đã cũng được thưởng thức như một phẩm chất
Thì ai là người sẽ ra đi trong thế giới blog này?

Điều đó chỉ hé lộ trong khoảnh khắc
Cũng đủ để chúng ta nói mãi với nhau về những di âm bất tận.

Nếu thực ra chúng ta chưa hề nói với nhau về điều đó
Thì ai là người sẽ ra đi trong thế giới này?

viết cho 1 người bạn blog

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

và không được đọc kỹ

Có những đêm khuya không muốn ngủ, tôi trở dậy, sục sạo trong chính ngôi nhà của mình như chó đói lục cơm nguội, tìm kiếm một cách tuyệt vọng một cuốn sách nào đó có khả năng đã bị quên lãng; thậm chí chỉ cần là một ghi chép vụn vặt từ những ngày trước kia-từ hồi còn chưa có thói quen lên internet-cầu may chạm được lại một điều gì thâm thiết giờ đã khô kiệt không khốc ngay cả trước một đêm không muốn ngủ.

Tập thơ mới của LQV được trình bày đẹp, nhưng những trang bản thảo đính kèm phản bội nó bằng những chữ không viết hoa, những chỗ bôi đen cho kiệt nét sai lầm; cả bằng cách viết nắn nót-cách của việc chép lại để dành in; và đáng tiếc nhất là lối minh họa chẳng còn để cho thơ một chút dư vị gì của một không gì hơn chỉ là những khuynh hướng mơ hồ và nhất thiết không nên rạch ròi đến thế.

Con chỉ hình bìa sách hỏi "Ông gì đây?" và "Bố đọc ông Lê đi!" - thằng bé gần 3 tuổi thì biết gì đến một câu dài quá chục từ mà mình thận trọng đọc cho nó nghe đoạn đám ma mẹ ông Lê thiếu mất ba gậy; để mà mình nghe nghèn nghẹn không đâu chuyện bốn mươi năm sau thì mất dấu mộ người thân trong lúc thằng bé gần 3 tuổi chỉ cốt được dựa vào lòng cùng chơi một trò chơi với_nhau trước lúc đi ngủ rồi thấy cuốn hồi ký ở đó vì lúc nãy mình đọc thấy trên mạng bài của ĐHN nhớ NHL - thành thực; và cảm động chuyện người già xa quê nhớ Hà Nội mấy mươi năm dâu bể đổi thay như mây khói-vạn sự vân yên hốt quá, đâu đâu chẳng là khói sương mê?