Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Lạc

In Bed by Ron Mueck. 


Liên tưởng rất giống blogger và commenter nhỉ :D

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Nhiều lúc

muốn nói 1 câu rất ngu: "Mình đang theo đuổi cái gì vậy?"

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Điệu thù du

Tiết Trùng Cửu là tục của người xưa nước lạ. Cây thù du cũng chưa thấy bao giờ. Nhưng sao mỗi năm lại không thể quên được dịp này. 9-9 là tiết Từ Thanh, lúc người xưa gia đình tụ tập, bạn hữu "đăng cao xứ" uống rượu ngâm thơ. Là mong lánh nạn hay nhắc đời cũng phù du?

Chẳng phải cô đơn tịch mịch. Chẳng phải thê thiết não nùng. Với cháu nó là cớ để nhìn lại mình, nghĩ những chuyện không đâu. Tri kỷ tri âm đâu phải chuyện để nói ra nhắc đến. Trong lòng tự có hoa cúc, tự có rượu nồng. Trong đời tự biết đã từng như thế như thế.

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Viết lại không quên mất

Khi anh bạn nhỏ 4 tuổi hỏi "Sao bố lại to lớn và tài giỏi thế?" thì đó là bằng chứng hiển nhiên nhất về tầm quan trọng của anh ấy với mình :)

Chỉ trong mắt trẻ thơ chúng ta mới cảm nhận được sự liên đới nhân vị không-có-sự-phán-xét. Lớn lên 1 tý, tích cóp được tý bản ngã nào thì tích tụ chừng ấy nỗi sợ bị đánh giá.

Về nhà mà cảm nhận được sự tin tưởng từ gia đình đã là tài sản quá lớn cho 1 đời người. Dẫu cũng chỉ là phù du.

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

Khi tôi bắt đầu viết

1.
Là lúc có 1 mình, ít sức ép những chuyện hàng ngày; và nhân 1 ngẫu hứng ngắn. Ngắn vì phàm những gì mình suy nghĩ quá lâu rồi thì mình sẽ thấy nó phức tạp và các ranh giới cứ bị mở rộng ra mãi đến bất lực.

2.
Ngay lập tức sẽ ý thức viết ra là để lại cho nhau 1 điều gì đó có_ích.

3.
Ngay lập tức là cái nhìn và cảm giác về sự vong thân. Điều tôi viết chỉ là điều tôi đã viết - viết ra để vượt quá thời điểm đó. (có lẽ vì vậy) Luôn luôn là cảm giác vừa mong đợi vừa không hy vọng gì về 1 tương giao mới mẻ và trù mật. Khi ta kỳ vọng điều gì đó ở người khác tức là ta đang khó khăn để đối diện với sự thiếu thốn ở mình.

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Mười phút trước nửa đêm.

Phiêu bồng

Phiêu bồng như thể thệ như phiêu
Lạc diệp tòng thu thuỷ thuận triều
Anh giận bà trời sương bách bội
Em thù mặt đất mộng nguyên tiêu
Cái gì như thể xuân đi mất
Ký ức xuân đầu đất nướng thiêu
Quay quắt có chừng em chóng mặt
Bình minh tan rã giữa sương chiều.
(BG)


Hôm trước tự nhiên muốn đọc lại "Những bài thơ không bình một mình". Có một cái gì đó đang ngày càng khô cạn đi. Có phải là tình thương không? Tình thương của tuổi trẻ cao vọng. Những bài viết từ thuở ban đầu. Dè dặt, thân mến và trang trọng. Những lỗi font cũng lấm tấm như bụi trên trang giấy, phải lần giở và ngó coi.

Có những bài thơ không phải lúc nào cũng cảm được. Nhưng bỗng đâu, có thể một chốc lát nào đấy ta đột nhiên đứng giữa nó-một khu vườn yên lặng. Như lúc nọ, tôi thấy mình có thể cảm được bài thơ "Mời trầu" của Hồ Xuân Hương, theo một cách của riêng mình. Một điều gì đó như là nội lực, là cái hoài vọng còn mãi trong lòng người ta từ khi còn trẻ; không chịu để ba đào làm xao xác. Tuổi ba mươi nhìn cuộc đời vừa rộng vừa hẹp. Đôi khi buồn, ngồi ngó quanh trơ trọi. Tất thảy đều như thế sao? Thấy thương mình thương người ngày càng xơ xác chua chát. Thấy mến phục những nghị lực và sức sống lặng lẽ đầy tình thương tiềm tàng trong những trải nghiệm trơ đáy đời thường.

Khung cảnh thật hẹp, thật tối thiểu. Những lời tưởng như không còn có gì hàm chứa được nữa. Làm sao để không chao chát, khinh mạn? Làm sao đi quá sa mạc hư vô? Đấy có lẽ là khi ta chân thực và lặng lẽ đi quả quyết qua những xao xác, để lại đó khu vườn nhỏ - Không hoài niệm, không hối tiếc những chân thành đã trao?


“...Brice Parain thường cho rằng tập sách nhỏ này đựng trọn hết mọi điều tốt đẹp nhất tôi đã viết ra. Parain lầm. Biết rõ lòng chính trực của ông, tôi không bảo vậy do sự áy náy của người nghệ sỹ đứng trước những kẻ đã cả gan chuộng dĩ vãng hơn là hiện tại của mình. Không, ông lầm là bởi ở tuổi hai mươi hai, trừ phi là thiên tài xuất chúng, người ta chỉ biết bập bẹ viết văn.

Nhưng tôi hiểu rõ Parain muốn nói gì. Ông vừa là kẻ thù uyên bác của nghệ thuật, vừa là nhà triết học nghiên cứu lòng trắc ẩn. Ông muốn nói rằng, và như vậy là chí lý, trong mấy trang sách vụng về này, có hun đúc nhiều tình thương hơn là trong những trang sách kế tiếp về sau của tôi.”.

Albert Camus - Tiểu luận: Giao cảm - Bề trái bề mặt. Tựa.
---------------------


Thử xem lại bài viết cuối trên 1 forum thì ra bài này khoảng hơn 2 năm trước.

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Tưởng tượng

1.
Ngày trước blog bác Gauxx có dẫn bài "The birth of a word", trong đó nổi bật nhất là ý tưởng thiết lập một mô hình dựa trên hàm liên kết các thông số không gian, thời gian và một số sự kiện tương tác đặc thù của một chủ thể. Kết quả là những vòm những lũng "địa hình" số tuyệt đẹp.

Bây giờ thử tưởng tượng kiểu biểu diễn này theo 1 hướng khác: Thế giới khoảng 7 tỷ người, nhưng thực ra mỗi cá nhân chúng ta chỉ tương tác trực tiếp với cỡ quy mô từ hàng nghìn cho đến hàng vạn người. Cứ cho là ước định được tiêu chuẩn cho khái niệm tương tác trực tiếp này rồi thì sẽ sang bước tiếp theo.

Mỗi cá nhân lại có những tương tác loại khác - âm bản - nữa với những thứ phi hình thể từ đơn giản là thế giới cyber cho đến trừu tượng rồi tâm linh...Giả thử cũng ước định được một số loại "tương tác trực tiếp" kiểu này nữa là sang bước thứ ba.

Giả sử thiết lập được (chả bao giờ được vì chỉ để tiện liên tưởng) 01 mô hình của mỗi chủ thể theo quy tắc:
- Phân bổ theo mặt phẳng XoY địa điểm không gian tương tác tương ứng với thời điểm.
- Phân bổ theo chiều cao oZ tần suất tương tác.

Như vậy biểu diễn hàm sẽ cũng là dạng núi đồi và thung lũng hùng vĩ. Tương tác ảo sẽ là dạng những hang động kiểu núi lửa hoặc hang sông...

Mỗi người sẽ có 1 dạng thức núi đồi và thung lũng rất khác nhau. Ngọn núi đầu tiên, "tổ sơn của long mạch" bản ngã sẽ là những tương tác trong gia đình cha mẹ. Nó có phải là ngọn núi cao nhất? Rất có thể vì tương tác đầu đời thường sẽ rất mạnh vì đứa trẻ phải học rất nhiều và được bao bọc rất nhiều.

Mỗi mô hình gia đình sẽ cho 1 dạng thức núi đồi khác nhau. Sẽ có những đỉnh giống đảo trên vịnh Hạ Long, cao mà không rộng với những lòng hang sâu đến bất ngờ.

Mỗi cá nhân sẽ có 1 mạch núi rất khác nhau, khí thế khác nhau. Nghĩ tưởng đến cũng đáng cảm khái lắm chứ!

2.
Nhưng đấy chỉ là giả lập cho 1 chủ thể. Nếu lại đổi sang hàm biểu diễn của 1 chủ thể khác có tương tác thì data của chủ thể cũ chỉ còn là vài điểm. Tức là với một tổng số data nhất định sẽ có vô số thế giới hùng vĩ trùng chập, chất chứa, giao hoán nhau mà không ngăn ngại. Lúc này chắc phải dùng hình ảnh các sóng và hàm sóng để liên tưởng mới chuẩn.

HẢI TRIỀU ÂM: là âm thanh của sóng biển, tiếng nói của sóng biển, là tiếng nói sinh động phát ra từ pháp giới trùng trùng duyên khởi. Nên, tiếng nói nầy, không làm trở ngại tiếng nói kia, tiếng nói kia không làm trở ngại tiếng nói nầy, chúng tương tác lên nhau mà âm thanh phát ra liên tục và vô tận (kinh Pháp Hoa).

3.


Và cuối cùng ta sẽ nói thương nhau
Sau những thung lũng núi đồi của hiểu và không hiểu
(thơ HY)

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Ngoại đạo - Đọc lại

Post lại 1 bài cũ để gần entry về E.F - minh họa ý tưởng về tôn giáo (không comment vụ Thái Hà).
Thêm món "đọc lại"  vào thực đơn loanh quanh ^ ^


 -----------
Dạo này nhân việc xử phúc thẩm vụ Thái Hà, trên các diễn đàn lại thấy rộ lên những tranh luận liên quan đến tôn giáo. Và như thông lệ, những tranh luận thường rất nhanh chóng rơi vào cảm tính và định kiến. Ngay cả những người có ý định tranh luận nghiêm túc cũng nhanh chóng mất bình tĩnh. Một lần nữa cho thấy những tranh luận trên diễn đàn thường là chẳng đi đến đâu. Vì sao vậy? Tôi nghĩ có mấy ý sau:


- Bản chất của những hình thức forum-diễn đàn phổ biến (trừ một số ít rất chuyên sâu trong những lĩnh vực dễ định lượng đúng sai kiểu như về vấn đề toán học hay kỹ thuật) là 1 loại sân chơi để "nhàn đàm"-như Lâm Ngữ Đường từng mô tả trong cuốn "Sống đẹp" (NHL dịch). Tức là nó không nặng về đúng sai bằng việc chia sẻ, khơi gợi và dựa trên sự thông cảm nhau ít nhiều. Không thông cảm được thì sẽ có thành viên ra đi. Nên nói chung rồi một ngày các forum cũng sẽ chìm lắng xuống trong một không khí "cộng thông" nhàn nhạt bạn bầy.

Hiện tượng này theo tôi xuất phát từ đặc điểm của internet: nó hình thành quá nhanh và trước hết là để giao tiếp, chia sẻ thông tin. Nếu người ta thực sự nghiên cứu và tranh luận học thuật thì sản phẩm sẽ là những cuốn sách hay những bài báo trên tạp chí chuyên sâu. Nên lẽ tự nhiên đến với các forum người ta chủ yếu chỉ dừng lại ở hành trang là những ý tưởng cùng những cảm xúc-thường mang đậm tính thất thường của đời sống từng ngày. Hệ quả tự nhiên những người "chơi 4rum" đều đồng ý rằng "để thư giãn"-để lại sau vô số ví dụ về những rắc rối do đồng nhất net với life. Một số ít đủ tự tin thì lui về làm hot blogger. Hot 1 thời gian rồi khăn đóng áo the lên báo lên sách :P

- Một điểm cũng phải nhắc tới nữa là khía cạnh tâm lí của các "công dân mạng"-từ trỏ những người thường xuyên lang thang trên net, tất nhiên là có làm việc :D Người ta đã nhận thấy ở nhóm đối tượng này những biểu hiện vấn đề tâm lí của chứng nghiện: bồn chồn, mất khả năng tập trung, khó kiểm soát cảm xúc...Trong một bối cảnh người ta mặc định phải "cộng thông" mà lại muốn kèm thêm ý định tranh luận-thường lại là những vấn đề to tát vĩ mô (chính trị-tôn giáo-triết lý)-gay gắt nhưng gói gọn trong vài dòng, vài trang thì việc không đi đến đâu là dễ hiểu. Nhất là khi hành trang chỉ là những ý tưởng, luận chứng rời rạc nặng cảm tính.


Quay trở lại với chủ đề tôn giáo. Muốn minh bạch thì phải có một sự rõ ràng về định nghĩa từ đầu. Nếu lấy cơ sở là đức tin (hiển nhiên tôn giáo gắn với đức tin-cho dù nó mang sắc thái và được đưa đến bằng con đường nào) thì thậm chí người ta có thể nói về một tôn giáo mà ở đó người ta "không tin gì". Cho rằng mình không tin gì thì cũng chỉ là một niềm tin mà thôi! Nhưng từ "đức tin", "xác tín"...đến "mê tín" là cả một phổ rất dài. Cơ hồ định nghĩa như trên cái được cũng ngang với những cái mất nếu chẳng may nổ ra 1 cuộc tranh luận giữa các giáo dân.

Nói về đặc điểm tâm lí của những người "có tôn giáo thực sự" Karl Jasper có đề cập đến một đặc điểm-chính ông cũng né tránh cái bẫy logic luẩn quẩn của việc 1 định nghĩa (như trên) không loại trừ cái gì này bằng cách nói "dường như"-là sự phổ biến và tương đồng trong các mô tả về những "trải nghiệm tâm linh" của họ. Một cảm giác "đồng nhất", "hiệp thông", "tràn ngập", "thấu thoát"...vượt qua khỏi giới hạn của nhân ngã nhỏ nhoi (*). (Mô tả tốt nhất cho điều này có lẽ xin giới thiệu cuốn sách của Eckhart Tolle "The power of Now-Sức mạnh của hiện tại"). Bất chấp việc những từ như từ "thẩm quyền" đã bị ô nhiễm khỏi ngữ cảnh tâm linh đến thế nào thì cũng có thể tạm dùng nó ở đây như thế này: Chỉ khi xuất phát từ những thẩm quyền tâm linh như thế, những bàn luận tâm linh-hay tôn giáo, một khái niệm cũng đã bị suy thoái trầm trọng-mới có thực chất và ích lợi. Và những bậc Thầy như Eckhart cũng luôn thống nhất ở một điểm: luôn phủ nhận việc thông điệp chỉ đơn giản nằm trong lời nói hay ngữ pháp của chữ viết. Ngón tay trỏ mặt trăng không phải là mặt trăng. Lĩnh vực tâm linh là lĩnh vực của trải nghiệm. Và việc hoằng đạo là việc khơi mở những trải nghiệm tâm linh tự thân chứ không phải là "rao giảng".


Có điều oái oăm là: một khi đã tự tách mình ra khỏi lĩnh vực cứng nhắc của logic thì sẽ rơi vào cái cảnh huống trớ trêu: mở miệng đã là sai rồi. Bạn sẽ dễ dàng phản công tôi bằng chỉ một câu ngắn ngủi: nói nhiều thế làm gì? Hình như với những người có cùng trải nghiệm họ có thể nhận biết được nhau nên không cần nói. Ví dụ như những mô tả trong cuốn "Thiền trong nghệ thuật bắn cung" (NTB dịch)-một bậc Thầy sẽ nhận ra khả năng của người khác qua động tác giương cung của anh ta. Nhưng những mức độ phân biệt vi tế nông sâu, nghi ngờ, khảo nghiệm, ấn chứng...trong vấn đề trải nghiệm tâm linh này thì Thiền sử cũng tràn ngập các câu chuyện ví dụ.


Đến đây mới nhận thấy cách phân chia định vị khái niệm "Tôn giáo" như của Erich Fromm trong cuốn "Phân tâm học và Tôn giáo" là có ích lợi nhất-cho những người có ý định tìm hiểu nội tâm mình: mình có tôn giáo không? Tôn giáo nào?

E.F phân biệt tôn giáo thành 2 loại: Tôn giáo chối bỏ tiềm năng nhân bản cuả con người để thừa nhận những thẩm quyền phi lí và thứ Tôn giáo tin vào thứ thẩm quyền duy nhất là thẩm quyền của chính bản thân con người tiềm tàng bên trong mỗi cá nhân. Và như vậy, con đường đúng đắn là con đường tự soi vào chính nội tâm mình, không tìm kiếm đâu xa ngoài chính bản tâm mình.

Ở VN người ta hay dùng từ "ngoại đạo" để chỉ kẻ không trong lĩnh vực, tôn giáo với mình. Tuỳ từng tôn giáo mà có thể là những kẻ từ bàng quan đáng thương hay thậm chí là "phải đoạ địa ngục". May mà chúng ta chưa gặp mấy bạn Hồi giáo kiểu Thái Lan cho mình cái quyền chặt đầu người khác! Một lần tôi đọc 1 tài liệu cố gò cái nghĩa "ngoại đạo" thành ra là "đạo tìm kiếm ở bên ngoài" để đối lập với con đường của Phật giáo "đạo tìm ở trong chính mình"-Đạo nội. Tôi không am tường Hán văn nhưng cảm thấy việc gán ghép này không theo ngữ pháp thông thường. Vả lại nói rốt ráo, chân tâm linh nào chẳng phát xuất từ bên trong? Nhưng khi theo dõi những tranh luận về tôn giáo, tôi thường nhớ đến từ "ngoại đạo" như là một phản nghĩa của cái cảm giác thiếu vắng những trải nghiệm tâm linh đích thực. Sinh ra trong một tôn giáo đâu có nghĩa là sẽ sống tâm linh trong tôn giáo đó? Chẳng phải Phật, Jesu, Mohamed...đều như thế sao. Và con đường nội tâm là con đường bấp bênh gian nan khắc khoải sinh tử quan đầu chứ có phải thứ quà tặng dễ dãi được ban phát trưởng giả, phách lối đâu.

Đời sống nội tâm và ngoại cảnh bồng bềnh
Đều như cây cầu khỉ đối với người mù
Mà kẻ dẫn đường tốt nhất là tinh thần quyết vượt

(Bạch Ẩn Huệ Hạc)
---------------

(*) Thực ra cái nhu cầu hiệp nhất, cảm thông, đồng nhất hoá, trở về với bản lai...vốn là xuất phát điểm chân thực, suối nguồn duy nhất của đời sống tinh thần và không phải độc quyền của riêng Tôn giáo. Mọi Triết lý nói chung đều xuất phát từ đấy. Bởi "Khổ", "Bất An", "cảm thức chia cắt", "những câu hỏi về vô hạn, toàn thể", "mong muốn dự đoán được, kiểm soát được"...là cái SỰ THẬT thứ nhất, căn bản và hiển nhiên của mọi thân phận con người trong mọi thời đại.

Thường xã hội quy ước cứ 18 tuổi thì có quyền công dân, 30 tuổi ở phương Đông là lập thân, lập chí. Nhưng không đơn giản như vậy: người ta có quyền không đồng nghĩa với có khả năng. Các nhà Phân tâm học nhận thấy một cách có phần chua chát rằng về mặt tâm lí, đại đa số nhân sinh mắc kẹt lại ở khoảng tuổi 16 mà không lớn thêm được bao nhiêu suốt chặng đời còn lại. Nhưng cũng phải thôi, làm bất cứ việc nhỏ nhoi nào cũng phải học nhưng có đại sự nhân sinh lớn nhất thì tuyệt đại đa số lại học không được bài bản lắm.

Một cách hình ảnh, nếu mỗi một chu trình hoài thai của một sinh linh đều lặp lại hình ảnh tiến hoá của loài thì sau khi sinh ra cũng vậy: người ta bắt buộc phải đi lại bằng đấy đoạn trường để trưởng thành. Để trở thành "người_thật_là_người" như cách Nhượng Tống dịch chữ "chân nhân" của Trang Tử. Và trên con đường này, một cách cá nhân, tôi cho rằng bản sắc là thứ tầm phào, không cần phải cố.

Nó cứ lòi ra

Mặc dù hết sức kiềm chế nhưng rồi thì nó vẫn lòi ra :p

Cái tag nhiều nhất của blog này hóa ra vẫn cứ là về chủ đề thơ. Từ hồi đọc "Đường vòng và lối vào" của F.J mình đã có ý định thu vén lại những ý nghĩ về món thịt chó này; nhưng cuối cùng tình trạng vẫn là loanh quanh.

Nhặt lại ở đây 1 đoạn ngắn theo 1 cách tùy tiện.
-----------
Thế thơ thì buồn hay vui mới nên? Theo mình cái đó tuỳ tạng. Như mình buồn buồn lẩn thẩn thì có tí thơ chứ vui là hết chuyện. Lo âu chộn rộn cũng khỏi thơ đi. Nhưng với mình, tình tự của thơ nó đã như thế nào nhỉ?

Thường thì thế này: đó là bột phát của 1 tâm trạng đã lẩn khuất đâu đó trong tâm trí từ bao lâu rồi. Phảng phất, mơ hồ hay đăm đắm cũng có. 1 lúc chùng lòng xuống, 1 sự thả lỏng và...có cái gì đó như là thơ. Tức là cảm xúc nó gọi lên 1 giai điệu, giai điệu gợi về những hình ảnh miên man, lý trí lê la bên cạnh góp vui kể lể 1 bố cục. Tất cả như những khung hình xé dán chồng lớp. Và không đứa nào đứng lên kêu gọi 1 đường hướng gì cả. Mình thường dừng lại ở chỗ 1 di âm nhạt nhoà vô vị băn khoăn vô định vô hạn. Tức là lúc đó mình đã thoát ra khỏi chỗ vừa rồi rồi. Cũng không muốn người khác diễn nôm lại những gì đã qua. Cái mà người ta có thể chia sẻ là cái cách mà tâm tình đã ứng hoạ với tình cảnh chứ không phải câu chuyện tình tiết li kỳ nào cả.
-------------



Để trỏ những chỗ không có hình dạng thì thơ là một thứ tiện dùng. Rốt cuộc, tag thơ có thể đổi thành vớ vỉn, linh tinh lang tang cũng được :D

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

Mai luận

Sách “Trân hương bảo thụ” của Phí Cung Ấn đời Minh chép: “Đắc Kỷ ái lãm hàn mai, Trụ tằng ngự tuyết đồng lãm chi” nghĩa là “Đắc Kỷ thích ngắm mai trong giá lạnh, Trụ vương thường đội tuyết mà ngắm cùng…”.

Mai có cốt cách cổ nhã, hương thơm mộc mạc; nhất là mai cũng như tùng, trúc thuộc nhóm “tuế hàn tam hữu”, chịu được tuyết lạnh, chẳng khác bậc trượng phu xưa, khí tiết vững vàng chịu đựng mọi nghịch cảnh và không bao giờ khuất phục bạo quyền.

Mai là loại cây càng già dáng dấp càng đẹp. Gốc mai khúc khuỷu, cành mai vặn vẹo hiên ngang, vỏ mai xù xì điểm mốc…

Tuy dạng giống nhau, nhưng mai có nhiều chủng loại, màu hoa khác biệt. Bạch Mai sắc trắng như tuyết, khi hoa tàn kết quả màu xanh, quả chín chuyển sang màu vàng; Hồng Mai sắc đỏ như máu hoặc màu hồng phấn, quả chưa chín có màu xanh, khi chín màu đỏ như máu; Thanh Mai màu trắng ánh xanh, khi hoa tàn kết quả màu xanh, quả chín màu vàng cam. Còn nghe, có loài hoa màu đen hay tím đen gọi là Mặc Mai; nhưng chưa từng thấy phổ biến.

Cây mai, hoa mai đẹp nhưng quả mai rất chua. Quả mai chín vào tháng tư, tháng năm âm lịch. Khi ấy thường có mưa nhỏ, người xưa gọi là mưa mai (Mai Vũ).

Sách “Nhĩ nhã” luận về hương thơm của hoa mai: “Hoa mai quý ở mùi hương…” Sách “Thôi dụng nhật thi” có câu:

“Khúc trì đài sắc băng tiến dịch
Thượng uyển mai hương tuyết lý phiêu”
Tạm dịch:
“Ven ao rêu lóng lánh băng
Vườn vua mai thoảng hương làn tuyết rơi”

Theo “Mai phổ”, mai có sáu cánh, tròn đẹp như thuỷ tiên được gọi là Thuỷ Tiên Mai; loại mai hoa mọc thành cặp có tên là Uyên Ương Mai; loại mai hoa màu đỏ hồng gọi là Yên Chi Mai; mai có đài hoa màu xanh đậm gọi là Lục Ngạc Mai rồi Hạc Đính Mai; Ngọc Điệp Mai, Quý Phi Mai…

Lại có Dã Mai tức mai rừng nên trồng trong rừng trúc, ven bờ nước; loại Hạc Đính Mai nên trồng trong vườn, dọc theo đường mòn; Uyên Ương Mai nên trồng sát bên song cửa sổ có hoạ mi bên vì mai rất hợp với hoạ mi.

Võ học có Mai hoa thung, Mai hoa quyền, Mai hoa kiếm…Điển hình của những Mai Si có sủng phi Mai Thái Tần của Đường Minh Hoàng - gọi là “Mai Tinh”. Lâm Bô tự Quân Phục, người đất Tiền Đường, danh sỹ đời Tống ở ẩn tại Cô Sơn bên Tây Hồ suốt đời với hạc, mai người đời tặng bốn chữ “Mai thê, hạc tử”. Ông có câu thơ bất hủ:

“Sơ ảnh hoành tà thuỷ thâm thiển
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn”
Tạm dịch:
“Nhập nhoà cảnh đẹp in làn biếc
Mơ hồ hương thoảng ánh trăng lên”

Về phép thưởng mai, sách “Hân thưởng bá pháp” của Bốc Quán Ân chép: “Muốn tận nhã thú, chỉ nên: ngắm Bạch Mai sau đêm tuyết bắt đầu rơi – Ngắm Thanh Mai trong cơn mưa phùn - Ngắm Hoàng Mai trong ánh nắng sớm - Ngắm Hồng Mai trong nắng chiều hôm - Ngắm cảnh mai lồng bóng trăng - Ngắm cảnh mai nở bên song - Ngắm mai nở đêm giao thừa - Ngắm mai và hạc yên tĩnh - Ngắm mai có bướm vờn trên - Ngắm mai rung cánh trước làn gió xuân lành - Ngắm mai có giai nhân yểu điệu vin cành tựa gốc - Ngắm lão mai có bậc lão trượng tỉa lá thăm hoa - Ngắm Bạch Mai trong đêm trăng thanh để thấy rõ vẻ trắng ngần - Ngắm Lão Mai mọc cheo leo trên triền núi cao - Ngắm Lão Mai mọc nghiêng bên đầu cầu gỗ nhỏ…”

Lại chú, khi đi ngắm cảnh mai nở, tuyết rơi nên cưỡi lừa đen mới thật ý vị.

Có thơ:
“Kinh vũ bất tuỳ sơn điểu tán
Ỷ phong như cộng lộ nhân ngôn”
Nghĩa là:
“Trải qua mưa, không tan tác theo chim núi
Tựa vào gió, tưởng chừng như đang trò chuyện với kẻ bên đường”

(trích Mỹ thuật thời nay – 1-96) (không nhớ tác giả).

carnets - Luận ngữ XIII, 24 - F.J


- Toàn bộ đức hạnh của con người là ở con người và biểu lộ ra hễ có hai người: “Nhân”
- Thấy mình phù hợp với bản tính của mình: “Thành”
- Phán xét ý thức của người xuất phát từ ý thức của chính mình – xúc tiến giác quan về đức nhân của mình và mở rộng tới những người khác: “Thứ”
- Tình cảm nhân đức thật lòng: “Trung”
- Nỗi lo lắng nội tâm: “Ưu”
- Nỗi lo xoay xở đến từ cuộc đời, chỉ liên quan đến những phúc lợi bên ngoài: “Hoạn”.
- Vượt qua lợi ích của cá nhân và vì phúc lợi của mọi người “Đồng”/”Công”
- Một tính nhậy cảm dồi dào tràn trề: “Khí hạo nhiên”
- Đại nhân đứng ra cải hoá cho đời: “Bậc Thánh”
- Khi đạo đức chân chính đạt tới “sung mãn”, “chắc thiệt” thì gọi là “Mỹ”. Khi mỹ đức toả sáng thì gọi là “Đại”.
- Đến lúc bậc Thánh sở hành và trí huệ “không ai hay ai biết” thì vị thánh hoà lẫn với sự “hiệu quả vô hình”: “Thần” – nó điều khiển thế giới.

- Trung Hoa: đọc là để cho văn bản “tiêu tan” trong tâm trí, thấm vào ý thức, là “thưởng thức”. Đọc không phải như một sự kết cấu lý thuyết (do đó có tính chất giả thuyết – như là hành động có suy nghĩ) mà được sống như là một quá trình (tập cho quen và đồng hoá)

Luận ngữ XIII, 24

Tử Cống vấn viết: ”Hương nhân giai hiếu chi, hà như?”. Tử viết: “Vị khả dã” – “Hương nhân giai ố chi, hà như?” Tử viết: “Vị khả dã, bất như hương nhân chi thiện giả hiếu chi, kỳ bất thiện giả ố chi”.

- Tử Cống hỏi: “Mọi người trong làng đều ưa, người đó ra sao?”. Khổng tử đáp: “Chưa hẳn là người tốt”. (Lại hỏi) “Mọi người trong làng đều ghét, người đó ra sao?” Khổng tử đáp: “Chưa hẳn là người xấu. Không bằng người mà người tốt trong làng đều ưa, những người xấu trong làng đều ghét”.

Erich Fromm, Phân tâm học và tình yêu. 6

- Một yếu tố khác để xác định bản chất của tình yêu Chúa là trình độ trưởng thành mà cá nhân đạt được từ đó.
            - ...chúng ta có thể đánh dấu sự phát triển của một tình yêu thuần thục ngay trong sự phát triển của tôn giáo phụ hệ.
                        +...Khởi thủy, chúng ta tìm thấy một Thượng Đế chuyên chế, đố kỵ, coi con người mình tạo ra như là những tư hữu của mình và được phép làm những gì mình thích.
                        +...Một giai đoạn mới bắt đầu: Chúa ký một hiệp ước với Noah, trong đó ngài hứa không bao giờ hủy diệt loài người nữa; một hiệp ước mà ngài đã ràng buộc mình vào đó.
            > Không những ngài bị ràng buộc bởi những lời hứa của mình, mà ngài cũng bị ràng buộc bởi nguyên tắc của chính mình: nguyên tắc công bằng. (Từ biểu tượng nhân hình đến nguyên tắc).
            > Đà phát triển còn đi xa hơn nữa là biến đổi Thượng Đế từ khuôn mặt của 1 tộc trưởng chuyên chế thành người cha yêu thương - thành người cha tự ràng buộc mình bởi những nguyên tắc mà mình chấp nhận. Nó đi vào chiều hướng từ khuôn mặt người cha thành 1 biểu tượng của những nguyên tắc của người: những nguyên tắc công bằng, chân lý và tình yêu - Chúa là sự thật. Chúa là lẽ công bằng.
            > Thượng Đế thôi là một nhân cách, một con người, một ông cha; ngài trở thành biểu tượng của nguyên lý nhất quán đằng sau những hiện tượng đa thù, biểu tượng của cái nhìn về đóa hoa sẽ nảy nở từ hạt giống tâm linh ở trong con người.
                        > Thượng Đế không thể có 1 tên gọi. (coi Thượng Đế thành nguyên lý, biểu tượng là từ phương Tây, còn phương Đông?)
            > (Mặc khải của chúa cho Moise)
            - Cái "ta-đang-trở-thành" có ý nghĩa rằng Thượng Đế không phải là hữu hạn, không phải là một người, không phải là một hiện thể.
            > Sự cấm chỉ không được tạo thành hình tượng nào về Chúa...nhắm đến giải thoát con người khỏi ý tưởng rằng Thượng Đế là một người cha, là một con người.
                                                                                    Ý tưởng ấy được đẩy xa thêm trong nguyên tắc người ta cũng không được gán cho Thượng Đế một thuộc tính thực tại nào cả.
            > Nói về Thượng Đế là một cái gì đó cũng hàm ngụ nói về cái gì mà Thượng Đế chẳng phải là - tôi càng có nhận thức về Thượng Đế.
- Ý niệm trưởng thành của nhất thần giáo đưa đến một kết luận duy nhất: hoàn toàn không đề cập đến tên gọi của Thượng Đế, không nói về Thượng Đế - ngài là những gì mà ngài đang tự tiềm thể, đấng độc nhất, một sự ngượng ngập không thể diễn tả, quan hệ đến lẽ nhất quán làm nền tảng cho vũ trụ hiện tượng, căn bản của tất cả hiện hữu, Thượng Đế là tôi, bởi vì tôi là một con người. (Tự nhiên xét lại: khi cho tình yêu chân chính là một hoạt động tính, nó đòi hỏi hành động theo các nguyên tắc chứ không theo chủ thể - liệu điều này có dẫn đến sự quy kết rằng đây là cách diễn đạt của truyền thống suy lý trong đó cho là có các nguyên tắc bao hàm lên mọi sự? Vậy từ phương Đông thì sao?).
- Thật rõ ràng, dòng tiến hóa từ nguyên lý nhân hình đến nhất thần thuần túy tạo ra sự sai biệt hoàn toàn đối với bản chất của tình yêu chúa.
            > Chúa từ chỗ có thể được yêu, có thể được sợ - từ chỗ tôi không hoàn toàn vươn ra khỏi ước vọng ích kỷ nhắm đến sự toàn trí, toàn năng; tôi chưa thâu đạt được khách quan tính để thỏa nhận những giới hạn của tôi như một con người, chưa nhận được sự ngu dốt và yếu đuối của tôi...(tự do là tất yếu khách quan nhận thức được?)
                        +...như một đứa trẻ, tôi vẫn yêu sách là phải có một người cha cứu rỗi tôi, cảnh tỉnh tôi, trách phạt tôi...phần lớn mọi người đã không vượt qua được giai đoạn ấu trĩ này và do đó đức tin là niềm tin ở một người cha cứu giúp -> một ảo tưởng trẻ con.
- Sự phê bình về ý niệm Thượng Đế, như đã được Freud diễn tả, hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, điều sai lầm là ở chỗ ông không biết đến các khía cạnh khác của nhất thần giáo khi nó đi đến chỗ phủ nhận khái niệm về Thượng Đế đó một cách minh bạch.
            > Kẻ thực sự có Đạo, nếu kẻ ấy theo dõi yếu tính của ý niệm Nhất thần thì không cầu nguyện cho cái gì cả, kẻ ấy không yêu Chúa như một đứa con yêu cha hay mẹ của nó -> kẻ ấy đã đạt đến được tính khiêm tốn là cảm nhận những giới hạn của mình, đến độ biết rằng mình không biết được gì về Thượng Đế.
                        > Đối với nó, Thượng Đế trở thành 1 biểu tượng mà trong đó, con người vào giai đoạn sơ thủy trong dòng tiến của nó, đã diễn tiến toàn thể tính của cái mà con người phấn đấu cho - cái đó là lĩnh vực tâm linh, của tình yêu, chân lý và công bằng.
                                    > Nó có niềm tin ở những nguyên tắc mà "Thượng Đế"  biểu hiện cho, nó nghĩ về chân lý.
                                    - Sống bằng tình yêu và công bằng, và xét rằng tất cả sự sống của mình chỉ có giá trị khi nào nó mang lại cho mình cơ hội để đạt đến chỗ triển nở trọn vẹn hơn những quyền năng nhân tính của mình - như là thực tại duy nhất trọng yếu, như là đối tượng duy nhất "phải theo đuổi đến cùng" và sau hết, nó không nói gì về Thượng Đế - cả đến tên họ của ngài. (Đến đây, tình yêu chúa đã trở thành 1 mẫu cho tình yêu hoạt động tính chưa?)
                                                > Yêu Chúa, nếu nó dùng từ ngữ này, có nghĩa là khát vọng đạt thành năng tính yêu thương toàn vẹn...khát vọng thể nhận cái mà "Thượng Đế" biểu hiện cho trong chính mình.
            > Từ quan điểm này, hậu quả hợp lý của tư tưởng nhất thần là phủ nhận tất cả "thần học", phủ nhận tất cả "nhận thức về Thượng Đế".

- Song le, vẫn còn sai biệt giữa 1 quan điểm phi thần luận như thế - là 1 hệ thống phi hữu thần luận, như chúng ta thấy trong Phật giáo Nguyên Thủy hay trong Lão giáo chẳng hạn.
            - Trong tất cả những hệ thống hữu thần, ngay cả 1 hệ thống phi thần luận có sự mặc nhận về thực tại của lĩnh vực tâm linh, như là một thực tại siêu việt con người, mang lại cho con người những năng lực tâm linh và mang cho sự phấn đấu cho giải thoát và cho sinh khởi nội tại của nó có ý nghĩa và có hiệu lực.
- Trong 1 hệ thống vô thần, không có lĩnh vực tâm linh nào tồn tại bên ngoài con người hay siêu việt con người.
            > Lĩnh vực của tình yêu, lý tính và công bằng tồn tại như là 1 thực tại chỉ vì, và duy chỉ vì, con người đã có thể phát triển những năng lực trong chính mình ấy xuyên qua quá trình tự tiến hóa của mình.
            > Trong quan điểm này, sự sống không có ý nghĩa gì cả, ngoại trừ ý nghĩa mà chính con người mang lại cho nó - con người hoàn toàn đơn độc trừ ra khi nào nó trợ giúp kẻ khác. (Sắc thái sai biệt Đông/Tây: không cần viện dẫn đến nguyên tắc như là cái bên trên sự vật - khi khẳng định là không-có-ý-nghĩa).

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Vật vã

Ôi giời ôi tôi nhớ anh í quá :D

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

Nhớ thời con gái thuốc lào say

Buồn buồn lục lại nhật ký ảnh thời Y360. 
Chính ra kiểu có cả blast message này hay: bật preview lên thấy bà con như cái chợ :P

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Ở nhà chủ nhật

 Toàn Đảng
 Toàn Dân
 và toàn Quân
 của cả xóm
 hăng hái
 thi đua
 làm gỏi cá
cho anh í XEM!

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

???

1.
Từ hôm qua đến giờ đăng nhập vào blogspot bằng Firefox không được. Các bác có bị thế không?

2.
Nhận tin của bạn thấy cuộc sống mong manh quá.
Làm gì với đời mình là một câu hỏi rất khó chịu.

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Không có gì đâu ạ

và "Đừng khách sáo"
là 2 câu đối đáp rất thường xuyên của Gấu với bố mẹ
mỗi khi được cảm ơn :)

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Không đỡ được


sự đẹp trai của anh ấy.

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Kiểm duyệt

      Trong các cử động vô ý thức là hao tổn khí lực hơn hết, chỉ có sự thổ lộ chân tình là nên trừ khử trước nhất.
      Bất kỳ là ở vào trường hợp nào, tốt hơn ta hãy lặng lẽ làm thinh. Ta phải gắng sức, vì đó là một sức mạnh không phải dễ gì kềm thúc.
      Ví như mỗi một lời nói, mỗi một cử động, mỗi cái múa tay, múa chân vô ích mà kềm lại được, là thêm cho mình khí lực đó.
      Đừng lãng phí khí lực của ta trong như câu chuyện vụn vặt: bàn tán công chuyện hằng ngày, là thêm cho mình khí lực đó.
      Đừng lãng phí khí lực của ta trong những câu chuyện vụn vặt: bàn tán câu chuyện hằng ngày, phê bình người kia kẻ nọ... Đừng tưởng đó là mất vẻ giao thiệp, chính đó là cách bớt những cử động vô ích cho mình và cho người.
      Khi nào cần phải nói, thì hãy nói. Nói một cách có ý thức: lựa lọc từng lời. Phải thay vào những câu ngớ ngẩn bằng những câu có ý nghĩa. Đừng cãi lẫy vô ích với ai cả. Nếu ta biết trước rằng không có ích gì cho hai bên, thì hãy làm thinh và  để cho bên địch cho phung phí khí lực của họ; còn ta, ta hãy giữ gìn củng cố nó lại. Nhất là  đừng bao giờ vô tình để cho người ta bắt buộc mình phải nói.
      Trong khi nói, đừng hấp tấp, vội vàng. Thủng thỉnh mà nói. Nói cho rõ ràng, quả quyết. Trong ngày, hãy kiểm soát và thâu rút lời nói lại. Được nhiều chừng nào hay chừng nấy. Đừng lẫn lộn sự nói nhiều và nói ít.
      Có người suốt đời nói mãi, mà vẫn như chưa từng có nói. Có kẻ suốt đời rất ít nói, nhưng mà nói rất nhiều.
      Không lạ, một thánh nhân, dẫu nói suốt đời, cũng vẫn còn là nói thiếu... Còn lắm kẻ, một ngày không nói một lời, mà hễ nói ra toàn là những lời vô ý nghĩa, hoặc đi gieo sự ngờ vực, sự tan rã, sự cừu thù giữa con người... Họ chính là kẻ nói rất nhiều
      Cũng đừng sa vào thái quá. Nhiều kẻ tâm trí sâu hiểm, họ thấy hại cho kẻ khác, cũng vẫn làm thinh. Cái đó, không phải họ thu nhập khí lực, mà họ tiêu tan khí lực bằng sự dày vò của ghen ghét, giữa ác tâm... Ở ngoài, thấy hòa hoãn nhưng nơi trong là một sức phá hoại ghê gớm mà ta không ngờ. Cái không nói của người điềm đạm không có ẩn một ác ý gì cả.

(trích Cái Dũng của Thánh nhân - Nguyễn Duy Cần)
--------------

Giật tít câu khách. Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ :)

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

Những người bạn blog khác

Tôi lập blog từ hồi năm 2006, khởi đầu với Y360, bây giờ chót lại là blogspot và Facebook như đa số mọi người. Trong cơn say của thời khởi thuỷ, mọi người bộc lộ bản thân nhiều, giao tiếp nhiều hơn bây giờ. Giai đoạn giải thể Y360 mọi người tứ tán, bạn bè cũ hầu như thất tung. Tôi chọn blogspot vì nó giống với cái cũ và vì có 1 số người bạn đã lựa chọn như vậy. Bây giờ sót lại hình như chỉ còn nhớ là có chị HY và bác Đông A từ mạng cũ sang. Bác Đông A thì vững như bàn thạch kiên kiên cố cố ở đâu cũng vẫn vậy. Chị HY thì ở trên mạng đã như một cây cù tùng nghìn năm phơ phất thành tinh rồi :P Còn lại là bạn mới. Giờ cũng đã thành ra người cũ cả.

Hồi bên Y360 có trào lưu tag bạn blog, rồi thấp thoáng chỗ này chỗ kia cũng đủ phác hoạ các mối quan hệ trao đổi với một số blog bạn. Nhưng cũng từ lâu lâu tôi có ý định viết vài lời về những bạn blog khác của trang này, những người hầu như không xuất hiện bao giờ. Vài lời ở đây là những cảm nhận ban đầu, là để cho trọn những khởi đầu đã qua. Ý là như vậy - là sẽ viết về những người khác :)

Blogspot có điểm dở là khó theo dõi những người theo dõi mình. Hồi đầu còn ít thì hầu như ai theo mình thì mình theo họ hoặc ngược lại. Nhưng một hồi sau đó khi số người chỉ ghi danh mà không có blog nhiều lên thì chịu và dần thành ra khó biết ai là người mới xuất hiện. Do vậy thỉnh thoảng tôi hay rà lại xem ai là người mới và suy đoán xem sao họ lại "biết" mình. Xung quanh chuyện này có nhiều điều cũng hay hay.

Đầu tiên là tôi thấy có một số bác blogger ở nước nước ngoài, hầu như không có mối liên hệ trực tiếp nào ghi danh follow. Đọc những blog đó thấy hầu hết các bác khác cả thế hệ lẫn môi trường xã hội, biết thêm nhiều điều hay. Nói chung thì cả hai bên đều kín tiếng, cũng chỉ đọc chứ không comment gì. Khả năng cao nhất là do blog này được hưởng sái từ một blogroll của người nổi tiếng :D

Một blog bạn tôi hay đọc nhưng chưa comment bao giờ là blog Chị Ba Đậu. Một Việt kiều vừa phải, tôi nghĩ thế :) Vẫn Việt Nam nhưng đọc được nhiều chuyện về xã hội bên đó. Thanks bạn về bài tập chơi chú tâm với con 10p mỗi ngày. Rất hiệu quả.

Có một bạn rất ít viết (hoặc viết chỗ khác), tôi rất khó khăn và nhờ tình cờ mà tìm ra tung tích bạn :) Tôi muốn bạn biết cảm giác của tôi khi đọc được một đoạn bạn trích dẫn đôi dòng hoang mang vớ vẩn của tôi hồi lâu lắc. Chúng ta sẽ tiếp tục giữ sự đồng cảm về sự vớ vẩn này trong im lặng sau cả những dòng này nhé.

Tôi theo dõi rất chăm chú blog của bác giangle để đoán giá vàng (lol).

Một blogger rất khác biệt mà tôi hay đọc nữa là blog cavenui. Bậc nữ lưu chính hiệu. Tư duy rành mạch, cập nhật. Khúc chiết và dí dỏm. Điểm đặc biệt là sự chừng mực. Gần đây hình như có gì đó làm ảnh hưởng nên hơi thay đổi tâm tính những vẫn rất hấp dẫn - để theo dõi :-)

Một blog khác, do tình cờ mà biết, tôi hay theo dõi để xem ảnh, cũng rất phong cách và ổn định. Đó là blog GLiTeRpAraDISe. Bạn này chắc không đọc tiếng Việt.

Như thị.

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Đọc "Du hành cùng Herodotus". Ryszard Kapuscinski.

Những cuốn sách tôi đọc được trong khoảng 1-2 tháng gần đây đều được đọc theo kiểu tranh thủ. Khởi đầu là cố gắng thu xếp để cầm nó lên đọc một chút, với tư tưởng nếu nó hay thì sẽ còn đọc lại, kỹ hơn; còn không ít ra cũng là đọc cho xong, để khuây khoả. "Du hành cùng Herodotus" đã từng được nâng lên đặt xuống vài lần để có thể bắt đầu, lần này thì đã có thể đọc đều đặn đến tận cuối với một dư vị riêng.

"Một cuốn du ký" - bây giờ hoá ra vẫn còn có thể gấp lại một cuốn du ký để lắng nghe trong tâm trí mình những cảm giác bồi hồi. Như thể mình vừa rời khỏi một chặng đường nhiều ký ức, biến cố. Như thể mình đã để lại một phần ở đâu đó; cũng như thể những ký ức đã là một phần cũ kỹ trong mình. Hay rốt cuộc đây chỉ là mỗi lần đọc du ký, tự truyện thì sẽ có kiểu cảm giác như vậy - một kiểu quy ước đã ẩn sâu trong tiềm thức?

"Rú mọi" (Rừng người Thượng) là một cuốn du ký. "Nhiệt đới buồn" cũng là du ký. Nhưng "Rú mọi" thì bị cắt hết phần cá nhân để chỉ còn lại những thông tin đọc cho biết. "Nhiệt đới buồn" thì còn chưa lội được quá chương 1. Có lẽ cuốn du ký của R.K ăn nhập vào tâm trí tôi là do những ký ức được biểu hiện cùng một cái cách mà tác giả rất tâm đắc trong cách viết "Sử ký" của Herodotus - lối viết như trong phóng sự "xuất phát từ những con người và mối liên hệ tôi - anh ta, tôi - những người khác...". Lịch sử ở đây là lịch sử của một ai đó - một sử lịch theo cách dùng từ của Bùi Giáng.

Giống như cái cách mà R.K diễn đạt về mối nguy sa vào cái bẫy của "chủ nghĩa địa phương của thời gian" (từ T.S.Eliot), tôi nghĩ rằng mỗi khi chúng ta cảm thấy ham thích tìm tòi về quá khứ, trước hết chúng ta bắt đầu từ một ý thức tiềm tàng rằng "hiện thực đã luôn tồn tại", "lịch sử chỉ là một chuỗi không ngừng của hiện tại"; và trong mối cảm khái về kích thước hiện hữu của đời mình, chúng ta gặp lại những nỗi thúc bách tàn dư của niềm tin rằng có thể mô tả được thế giới.

Thực tế cả cuốn sách của R.K là sự kết hợp khéo léo và lỏng lẻo những địa điểm, những câu chuyện theo những bước nhảy thường xuyên vượt thời gian từ ký ức. Những bước nhảy làm nền cho những câu chuyện, làm chúng ta có được cái cảm giác về một tổng thể. Mô tuýp điển hình là: tôi (R.K) rơi vào chỗ đó, hoàn cảnh đó - những hoàn cảnh thời đại đáng ngưỡng mộ đối với người khác - tôi đương đầu với sự bất ổn của thời sự bằng những đào luyện từ lịch sử và chiêm nghiệm từ chính những chiều kích nhỏ bé của một cá nhân phất phơ trong sóng gió thế sự và cả tâm thế bơ vơ giữa 2 bờ văn hoá xa lạ. Tôi ở đó, thấy như vậy và nghĩ rằng...đó là một mô tuýp chân thực và sống động, nhưng làm thế nào R.K đã thoát ra được khỏi lối mòn của sự chân phương? (Lần này, sự thiếu hiểu biết của tôi về tác giả này đem lại sự may mắn thoát ra khỏi những gợi ý của sự nổi tiếng sẵn có).

Sẽ có phần dễ dàng nếu quy kết sức hấp dẫn của cuốn sách cho văn phong của tác giả. Phảng phất xuyên suốt tác phẩm là tâm tính rộng mở kiên nhẫn - của R.K và của Herodotus: trong nhãn quan về một thế giới đa văn hoá, sự khác biệt là để nhấn mạnh tính tổng thể rộng mở. Từ cái nhìn này, những chi tiết được thu xếp, những sự kiện, những nhân vật được ghi nhận và mô tả trong tương quan và chiều kích của chúng; và những câu hỏi để ngỏ bổ khuyết những gì cần thiết của một cảm xúc tổng thể về một thế giới, một lịch sử mà "tính đa văn hoá của thế giới là một mô sống đang đập, không có cái gì của nó được đưa ra và xác định vĩnh viễn, mà thay vào đó nó không ngừng biến hình, thay đổi, tạo ra các mối tương quan và phạm vi mới".

Lựa được cho mình một tâm thế với thế giới và lịch sử, trung thành với chiều kích và tương quan hiện hữu cá nhân của mình và trọn vẹn trong những đào luyện của trải nghiệm xê dịch giữa thời cuộc biến động. Phải chăng đó chính là mấu chốt để trong phạm vi nhỏ bé của một cuộc đời - không - thể - biết - tất - cả - mọi - sự, ta có thể trung thực, tự tin và say mê đối diện với bể kiến thức, thông tin khổng lồ của quá khứ, với sự vô tận đầy bất trắc của các không gian văn hoá?

-------
Nhưng khi nhìn thấy cả Hellespont bị các chiến thuyền phủ kín, cả bờ biển và bình nguyên Abydus đầy ngập quân lính, Xerxes tự gọi mình là một người hạnh phúc rồi sau đó bật khóc.


(...) "Phải, nỗi buồn xâm chiếm ta khi ta nghĩ rằng toàn bộ cuộc sống của con người mới ngắn ngủi làm sao, vì trong số người đông đúc kia sau một trăm năm sẽ không ai còn lại trên đời".


(Du hành cùng Herodotus - R.K).

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

carnets - cử chỉ - nhịp điệu

- Người xa xưa luôn canh chừng những nguy hiểm hay thú vui tiềm ẩn trong môi trường.
- Tính thiếu chính xác của giác quan (thông qua da và sờ mó). (Chính xác: tại sao lại chính xác - chính xác chỉ là khái niệm của trí tuệ!)
- Chúng ta không thể hiểu được bất cứ điều gì nếu điều đó không làm liên tưởng tới một trong những ký ức của chúng ta. -> Mọi cảm giác đều làm nổi lên trên bề mặt của ý thức 1 cấu trúc tâm thức đã bị lãng quên, một dấu hiệu trùng hợp với những ấn tượng đã có.

- Cử chỉ tồn tại song song với cuộc sống và trước lời nói.
 -> Con người diễn đạt bằng cử chỉ.
 -> Sau đó trở thành dấu hiệu với những người xung quanh.
 -> Các cử chỉ tạo cho họ cùng 1 cảm xúc - vì người ta chỉ thực sự hiểu cái mà người ta có thể nhắc lại.

- Cử chỉ/hành động liên quan đến nhịp thở. -> Nhịp độ có trước tiên: Nhịp độ cá nhân quy định hình thức của cá nhân đó.
- Để diễn đạt con người dùng các dấu hiệu bằng cử chỉ. -> Cử chỉ diễn giải thông tin từ thị giác và thính giác thành những thể hiện của trải nghiệm xúc giác.
- (từ khởi điểm xa xưa) cách diễn đạt ý nghĩ trừu tượng nhất được bắt đầu từ một hành động phản xạ.
- Từ chỗ là sự biểu đạt chủ quan, sau nhiều lần lặp đi lặp lại, cử chỉ trở thành dấu hiệu mang tính quy ước, cách trao đổi 1 khái niệm và sau đó là gợi ý về 1 suy nghĩ, bởi vì trong quan hệ nguồn gốc của cử chỉ có sự giống nhau rất rõ ràng giữa việc hình thành thói quen/cách hiểu hiện tượng/và sự ra đời của biểu trưng.

*Ý nghĩa của từ "cử chỉ": đó là cách nhìn nhận chủ yếu, có thể sử dụng nhiều giác quan khác nhau: thính giác, thị giác, khứu giác và xúc giác (R.P.Jousse).
- "Mọi tạo vật đều có xu hướng tái tạo ra cái giống như nó, cái mà nó thể hiện và cái đồng nghĩa với nó".
- Cử chỉ thể hiện quyền lực của cái tôi mà hình ảnh bên trong chính là cuộc sống của ý thức.
- [Cái tôi nội tâm, trung tâm của cử chỉ, chủ thể và đối tượng của nhận thức trực quan] -> Luật phối cảnh thu nhỏ lại tất cả những gì ở xa chúng ta -> nuôi dưỡng ảnh hưởng xu nịnh của lòng tự cao tự tại.
-> Tính tự mê làm chúng ta tiếp thu tất cả những thứ mà ta nhìn thấy như ánh phản cái tôi của chúng ta trong chiếc gương sự vật.
   -> Cho là mọi đối tượng đều phụ thuộc vào mình
   -> Trao cho chúng sự sống và ý thức
   -> Trao tâm hồn mình cho mọi thứ có hình thể.

- Cử chỉ xác định giới hạn của 1 cách đo đạc thể chất và đặt mốc giới cho khả năng biểu đạt của chúng ta.
---------------------------------
(1) Sinh tồn: luôn chú ý đến những dấu hiệu của sự hiện diện của các sinh vật và sự vật xung quanh - thông qua các giác quan. (a) trực tiếp: mù quáng, đa trị, ít chọn lọc; (b) gián tiếp: thông tin ngoài tầm tay.
(2) Trí tuệ: chúng ta hiểu bằng việc liên tưởng tới ký ức - như "in chồng xếp": hình ảnh mới tác động mới nhưng đồng thời làm sống lại cảm nhận cũ.
(3) Phản xạ: hành động/diễn đạt bằng cử chỉ = thể hiện trải nghiệm trước tiên của xúc giác ->diễn giải có hiệu quả những thông tin từ thị giác và thính giác.
- Nhịp độ/sự lặp lại/sự cùng trải nghiệm -> cùng hiểu cử chỉ/thông tin.


(4) dấu hiệu = thông tin từ cử chỉ = trải nghiệm xúc giác -> thông tin thị giác, thính giác <-> trải nghiệm xúc giác => ý nghĩ trừu tượng có khởi nguồn từ 1 hành động phản xạ.
(5) Chúng ta giao tiếp với thực tại không gian 3 chiều bằng ngôn ngữ thân thể. (xây dựng cái tôi trong thời gian bằng tích lũy kinh nghiệm/trải nghiệm).
(6) Luật phối cảnh thu nhỏ thế giới ở xa - lòng tự cao tự đại.
(7) Tính tự mê: nhìn mọi vật là phản ánh cái tôi.
(8) Sự đồng cảm xạ ảnh là nguồn gốc của thuyết vật linh: ngay cả khi con người đã tiến vào lĩnh vực tư duy trừu tượng, cách nhìn thế giới vấn tiếp tục gắn với hệ thống quy tắc vận động của bàn tay, đã được ghi nhận trong khuôn khổ 3 chiều không thể vượt ra của không gian.
---------------------------
Tiếng kêu là nguồn gốc của tiếng hát.
- Tiếng nói sinh ra cùng với con người.
- Tiếng nói được sinh ra khi tiếng kêu và hơi thở tạo thành âm tiết.
- Có mối liên hệ giữa cảm xúc và âm thanh: sự tương đồng huyền bí kết hợp âm nhạc và đời sống nội tâm.
- Chó và mèo vẫn chứng minh cho ta thấy rằng giọng điệu có tác dụng hơn lời nói.
- Tiếng nói được sinh ra từ sự ăn khớp ngẫu nhiên, được công nhận và được chấp nhận, giữa cảm xúc và 1 âm thanh tương ứng từ miệng phát ra, nhờ thanh điệu của giọng nói kết hợp với cảm xúc ấy.
- Tiếng kêu được sinh ra dưới sức ép của 1 cảm xúc mạnh mẽ thể hiện 1 mong muốn, truyền đạt 1 mệnh lệnh, đưa ra 1 cử chỉ cần làm hoặc yêu cầu giúp đỡ, được người nghe hiểu như 1 cách giao tiếp khá dễ hiểu để làm theo; còn tiếng nói được sinh ra cùng lúc với biểu tượng khi cảm xúc kết hợp với nhịp điệu của giọng nói.
   -> vai trò của nhịp điệu - lặp đi lặp lại: có thể làm lại/kết hợp nhịp thở.

Từ tên riêng đến từ chung

- Ở tất cả các sinh vật, động vật cũng như con người, luôn thường trực nhu cầu tụ tập thành nhóm để tránh bị cô đơn, mà cô đơn ở thời xa xưa là rất nguy hiểm, để cùng tham gia vào các hoạt động tập thể cùng làm 1 việc khó, hay chỉ để quây quần với nhau, nhìn thấy nhau theo bản năng gắn bó. (mà các nhà tập tính học đương đại muốn thay thế cho dục năng - libido nổi tiếng của Freud vì nó chỉ là 1 dạng thức khác mà thôi).
- Sự cần thiết phải nói đúng, phải luôn hiểu rõ về ngôn ngữ bảo đảm đem lại cho ngôn ngữ tầm quan trọng của 1 nghi lễ bộ tộc.
-> Lao động tập thể tạo điều kiện cho biến đổi từ riêng - từ chung.

Những biến đổi của cử chỉ
- Khởi đầu từ ấn tượng cảm xúc tác động tức khắc bằng giao cảm.
- Hành động,mang tính tức thì theo định nghĩa, lần lượt gây ra tác động và chỉ thoát ra khỏi tình trạng tạm thời nhờ nhịp của cử động, nghi lễ và các biểu trưng.

Vai trò tối cao của nhịp điệu
- Lời nói được coi như 1 thần khải gắn liền với nhịp điệu, vì chính nhịp điệu đã truyền cho con người sự sống mà họ là 1 biểu hiện, mọi hình thái đều bắt nguồn từ sự lặp lại của 1 cử chỉ.
- Vần điệu của thơ không chỉ giúp ghi nhớ, học thuộc lòng và truyền đạt Kinh Thánh, mà còn điều hòa các yếu tố vô thức và thiếu phối hợp ở người đọc nhờ những rung động đồng thời lan tỏa trong những tiếp nối tâm thân và tâm linh của cá tính.
- Nhịp điệu - cốt lõi thiên nhiên -> con người có khả năng cảm nhận và hiểu được -> hành động thoát khỏi tính tức thì!
- Nhịp điệu điều khiển việc thực hiện công việc -> chuyển nỗ lực thành nhiệm vụ của vô thức và thói quen qua nhịp thở -> sự mã hóa chính xác các cử chỉ.

Ba ngôi của động từ
- Các đại từ thay thế danh từ riêng và biểu thị người là những yếu tố bị đứng riêng rẽ sớm nhất, đặc biệt đại từ sở hữu đã xuất hiện trước cả đại từ nhân xưng.
- Óc sở hữu vốn thuộc bản năng giữ gìn và không phải là kết quả của 1 nền văn minh tiên tiến.
- Mọi cuộc chuyện trò hay mọi thông điệp đều có thể là mối quan hệ giữa 3 thực thể.

36 hành động và động tác
- Mối liên hệ nào đó, quan hệ đồng âm, giữa âm và nghĩa, giữa cử chỉ và cách thể hiện bằng lới nói:
  +Platon: bột phát/dựa trên bản chất sự vật.
  +Aritstote: tùy tiện/ước lệ.
- Khi phải đánh giá 1 cảm giác không thể nhận biết bằng xúc giác như màu sắc, mùi vị, họ phải thông qua các ẩn dụ xúc giác nhờ vốn từ vựng phong phú và nhất là nhờ hệ thống biểu trưng của bàn tay.
- Luật tượng trưng dựa trên nguyên tắc không bám sát sự vật mà từ ngữ chỉ; mà bám vào nền chung gắn với chức năng của từ -> nắm lấy cái người ta muốn = có óc thông minh.
- Động từ và đại từ - sinh ra các bộ phận khác của câu.
- 36 tình huống bi kịch, 36 nhóm động từ.

Sự tương đồng kiểu hình học tô pô
- Để thể hiện ý nghĩ của mình, con người đã dùng đến những cách thể hiện dưới dạng sự vật và các vận động của các sinh vật xung quanh, mà không hề quan tâm đến bản chất nội tại của chúng. -> Con người chỉ chú trọng vào bề ngoài của chúng và hướng di chuyển của chúng vì nó có thể trở thành tham chiếu vào biểu trưng gần đúng đối với anh ta.
---------------------------------------

Chép lại từ mấy trang sổ tay xé rời. Chưa rõ là từ cuốn nào nữa :)

20s

1.

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

Nêm

Thức trắng đêm để tìm cách thêm vào 1 ngày bình thường 2 khoảng thời gian cho trống rỗng và màu mè :)

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Thiên nhai vô tửu đối Thanh Minh

Thanh Minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh...

Tôi luôn ấn tượng với tiết Thanh Minh.
Không phải là lý do nhưng thấy vui vì mình đã sinh ra giữa tiết trong sáng, trong 1 ngày trăng tròn :)

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

Nam moi binh an

Chuc moi nguoi nam moi binh an :)

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Trùm chăn luận kiếm ^_^

1.
Vợ vắng nhà.
Con đã gửi ở quê.
Đêm đông lạnh, khoá chặt cửa phòng, ngồi trong giường mở máy tính nghe ngâm thơ và viết blog thì còn cái thú nào hơn!

Lúc chiều ghé hiệu sách cũ chơi, tình cờ thấy mấy cuốn Anh hùng xạ điêu thế là nổi hứng phi một mạch lên Nguyễn Xí mua cho đủ bộ về đọc. Vụ này thực ra đã toan tính từ lâu. Cứ mỗi lần ốm đau chán chường thì vấn đề lớn nhất là nhìn cả kệ sách to đùng mà không tìm nổi một cuốn muốn đọc. Những lúc ấy chỉ muốn có cuốn truyện chưởng trong nhà để đọc một mạch cho rỗng rang đầu óc. Nhưng mỗi lần đi mua sách lại tiếc tiền, còn bao nhiêu thứ muốn mang về nhà. Haizz mới hay dẫu biết nhân sinh nhược đại mộng mà cái gì là quan trọng cũng có rành mạch được đâu! Em thân yêu, anh quyết định rồi, cứ hết một chương anh lại quay sang viết blog rồi lại một chương nữa. Cho tan nát cái u sầu tương tư dằng dặc này mới thôi :)

2.
Mấy hôm trước cho Gấu về quê trước với ông bà xong tự nhiên hai vợ chồng thấy hoang mang kinh khủng. Ngày thường thì cứ đùn cho nhau chơi với Gấu để bố mẹ còn...chơi. Gấu đi vắng rồi mới thấy cuộc sống của mình ngổn ngang lổn nhổn chả đâu vào đâu. Chính Gấu làm cho cuộc sống của mình trở thành chấp nhận được mà mình còn không biết điều nữa. Con là cái dây, vợ là ống sáo cho lá diều đời ta vi vu lãng đãng là đây chứ còn gì nữa!

3.
Trên facebook có một bác hiệu là Thái Phong Quyền, võ lâm cao thủ lại kể chuyện rất duyên, thâm sâu mạc trắc. Hôm nay đọc thấy bác ấy bình về chuyện luyện quyền thuật trong võ thuật nên tôi cũng phát sinh tình cảm tự nhiên muốn mặc kệ bác ĐHP, thản nhiên tung ra vài chiêu luận kiếm cho thoả :D

4.
Giống như bộ phận khá đông đảo các thanh niên Việt Nam khác, tôi cũng có một thời trẻ (đẹp) trai, cũng từng thích đọc truyện chưởng. Tôi thấy những người không thích đọc truyện chưởng (ví dụ như cụ Nguyễn Hiến Lê chẳng hạn) có một điểm rất khác với những người thích đọc truyện chưởng: họ không chia sẻ được cái kiểu tâm thế "tin là thiêng". Đọc truyện chưởng là phải có cái tâm thế ấy - tin là thiêng - không so đo gì sất. Tức là mình thuộc cái nòi cảm tính, ưa làm theo ý thích, thường thì lười nhưng nhiều cao vọng nên mộng toàn chuyện viển vông thôi :P

Trong hàng tác gia cao thủ kiếm hiệp thì nổi bật là Kim Dung và Cổ Long. Hai người họ nổi lên theo hai thái cực khác hẳn nhau. Kim Dung viết theo thủ pháp biên kịch điện ảnh, giàu bố cục tình điệu lớp lang, dựng phim rất dễ. Nhân vật sung mãn, kiến văn dồi dào, phong cảnh hùng vĩ, võ thuật bác đại tinh thâm chiêu chiêu thức thức đều độc đáo li kỳ mà vẫn gắn liền với những triết lý thâm sâu của phương đông. Cổ Long bắt chước lối viết truyện trinh thám hiện đại, tránh sở đoản học thức của mình nên ưa đặc tả tâm lý, tình huống, suy luận. Có khi đọc cả chục trang giấy thì dễ nhưng bảo dựng thành phim thì đố mà dựng nổi. Võ công các nhân vật của Cổ Long không có lộ số nhất định, đặc kiểu choảng nhau đường phố (Cổ cũng xuất thân từ đây), miễn giết được đều là võ nên ai đọc Cổ Long thì phải tin ngay vào chất võ tả mồm này thì mới thiêng. Bằng không đang quen từng chiêu từng thức tinh kỳ của Kim Dung sang gặp Cổ Long thấy cứ tức anh ách.

Nhờ lối đặc tả võ công thâm thuý của mình nên các tuyến nhân vật của Kim Dung được khắc hoạ tính cách rất đặc sắc sống động. Nhân vật của Cổ Long thì được đặc tả thiên về tâm tính, triết lý rồi dựa vào tình tiết mà biến ảo. Nếu bảo là thích thì tôi thích đọc Kim Dung hơn, nhưng nếu nói về phân tích bút pháp thì tôi từ lâu rất muốn thu xếp một phen những suy nghĩ của mình về trường hợp Cổ Long. Nhưng hãy để dành vào dịp khác, hôm nay là muốn luận bàn chuyện luyện quyền, luyện khí, luyện tâm trong võ thuật theo mạch của bác Thái Phong Quyền đã nêu ở trên: quyền thuật (kata) chả có ích lợi gì rõ ràng trong đối kháng thực chiến cả!

Tôi tuy không phải loại tiên thiên bất túc nhưng xin trình bày ngay đầu tiên là thân thể hư nhược, tính tình dát chết ngại va chạm chứ đừng nói chuyện đã từng tập võ. Vậy nên luận kiếm ở đây là đánh võ mồm cho thoả đêm đông, không sợ sai không cầu đúng làm một phiên mãi võ mua vui cuối năm.

5.
Người đọc Kim Dung đều biết đến võ công của Lệnh Hồ Xung học được là thứ võ công vô địch thiên hạ. "Vô chiêu thắng hữu chiêu" của y được người đời nhắc đi nhắc lại trong nhiều cảnh huống khác nhau, phần vì nó cũng bàng bạc như đạo lý vi vô vi của Lão Tử khó hiểu dễ dùng trong cõi đời bung xung thường nhật. Trước đây tôi cũng không nghĩ ngợi gì nhiều cho đến khi có một lần tự nhiên nằm nghĩ ra một ý: người tập quyền thì đánh theo lộ số, án chiếu vào mình trong khi thực chiến là đánh vào đối phương. Đối phương thì gầy béo cao thấp bất định, nhảy nhót biến hoá liên tục. Vậy thì đạo lý của thực chiến phải là án vào tình thế chứ! Đến đây thì vỡ lẽ ra cái món Độc Cô Cửu Kiếm của Kim Dung cũng không đến nỗi không tài nào hiểu được. Cũng giống như thi đấu thể thao, đánh nhau theo quy củ, đối thủ đánh đòn gì đều có ước định, chỉ còn lại là chuyện nhanh chậm biến hoá thêm thắt nữa thôi. Đến hồi thực chiến gặp phải đối phương không thèm quy củ gì cả, chiêu nào cũng độc địa tất sát thì có mà quy củ vào mắt. Đạo lý này thực ra rất bình thường nhưng lâu nay cái bầu không khí mê ảo ngập tràn các từ Hán Việt nó làm ý thức của mình bị gấp nếp, không để ý hay suy nghĩ gì nữa.

Nhưng vậy các tác gia như Kim Dung có biết việc này không, tả như vậy có phải là sai hay không thì xét về phương diện văn học lại chẳng sai tý nào cả. Cũng giống như võ thuật trên phim ảnh, chúng là thứ ngôn ngữ trình diễn để truyền tải. Chúng tuân theo luật tượng trưng là chính. Khán giả cần theo dõi được, hiểu được diễn tiến, đủ để cảm thụ được các động tác theo kiểu thưởng thức màn vũ đạo (ở đây là múa thôi :) Ví dụ như trong chụp ảnh thể thao, chụp ảnh trình diễn thời trang, các bức ảnh đẹp đều là những bức ảnh nắm bắt được khoảnh khắc điển hình nhất, mô tả rõ nhất thần thái đặc trưng của bộ môn. Thô thiển hơn, kỹ thuật thuần tuý thì các nhiếp ảnh gia tổng kết lại rằng chụp ảnh phải chụp đúng được lúc người mẫu đang chân vung tay quăng thì ảnh thể nào cũng đẹp. Có một sự hội tụ ở đây: tính thẩm mỹ của động tác, tính có thể nắm bắt, tính triết lý trong biểu tượng...tất cả đóng vai trò như những đơn vị nghĩa trong một diễn ngôn. Nó dùng để "đọc" theo nghĩa rộng nhất của từ này. Muốn choảng nhau ngoài phố ngàn vạn lần không nên học theo kiểu Kim Dung!

(còn tiếp)

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Đêm tháng chạp ở quê nghe ngâm thơ trên đài

Nhân tìm được một chỗ nghe ngâm thơ :)
-----------------

Có lẽ khoảng thời gian từ ngoài 23 tháng chạp đến giáp tết là nhiều ý vị nhất. Mọi thứ vừa hối hả chộn rộn lại vừa bâng khuâng tản mạn. Sang năm mới rồi thì phong vị ngày xuân nó lại khác hẳn: dãn ra, vừa lặng vừa rộn lại mênh mang. Khoảng thời gian trước tết lòng người theo lẽ tự nhiên thường nghĩ ngợi nhiều chuyện, tưởng nhớ nhiều thứ linh tinh. Kẻ xa xứ tha hương thì khỏi nói, dẫu muốn về quê hay không thì cũng không khỏi tư lự lòng lữ khách. Trong những ngày đông rét mướt thì lại càng quay quắt bần thần.

Nếu nghĩ đến những đêm lạnh ở quê thì điều thường trực nhất trong ký ức của tôi là khoảng trời đen thẫm thưa ánh đèn của thôn xóm. Mình ngồi nghe nghé trong nhà hoặc thấp thỏm ngoài hiên mà nhìn vào màn đêm hun hút. Sẽ vọng từ đâu đó tiếng đài phát thanh. Có thể là của một nhà hàng xóm vì người nhà quê hầu như đều nghe đài cả. Cũng có thể là tiếng đài phát ra từ cái loa công cộng treo cao đầu thôn. Đài tiếng nói Việt Nam có một đặc sản rất quý, cần bảo tồn thật lâu đó là những giọng đọc của chương trình văn nghệ lúc khoảng 10giờ tối. Giọng đọc truyện đêm khuya và nhất là những chương trình ngâm thơ về đêm, chúng thấm vào tâm trí mình đến rợn người.

Từ Trường Sơn về, bố tôi đem theo hai thứ cho đến tận già: thói quen nằm võng và thói quen nghe đài phát thanh gần như 24/24. Kể cả bật ti vi, đọc báo hay đi loanh quanh ngoài vườn ngoài ngõ thì vẫn cứ phải bật đài. Tôi thì hầu như không chủ ý theo dõi gì trên đài - mà thực ra thì hình như bố tôi cũng thế - nhưng riết bao nhiêu năm rồi tiếng đài cũng thành một vùng ký ức đáng kể. Tất cả ký ức đấy chỉ gom lại trong một đặc điểm: giọng đọc của chương trình văn nghệ buổi tối. Nó với ánh đèn vàng vọt ở những sân ga xép lúc nào cũng bất hủ trong một góc tâm trí mình; không sợ sến, không sợ thời gian và sự thay đổi bấp bênh của lòng người.

Nằm ghé một góc của câu chuyện tiếng nói đài phát thanh là những chương trình ngâm thơ. Tôi thích nghe ngâm thơ và phát hiện ra là chỉ đơn giản là thích giọng ngâm, điệu ngâm, còn ra chẳng quan trọng là bài gì, ai ngâm! Giá kể văn kiện đại hội mà ngâm được thì mình vẫn thấy hay. Một mặt tôi quan niệm thơ là để đọc, và đọc hay nhất là đọc bình thường thì mới diễn đạt được tính gợi, sự kín đáo miên man vô định của thơ. Nhưng mặt khác thì tôi thấy ngâm thơ rất có giá trị âm nhạc :) Vậy chứ âm nhạc của điệu ngâm thơ là thứ âm nhạc gì mà nhảy tọt vào lòng người ta như thế?

Hẳn là điệu ngâm thơ có nguồn gốc từ mấy câu ngâm trong điệu ca trù ngày trước. Hẳn là còn trong nhạc điệu của chèo xưa nữa. Có nghĩa chúng là một bộ phận trong một làn điệu. Tuy lênh đênh vô định dễ rời ra khỏi làn điệu tổng thể nhưng vẫn cứ là một bộ phận. Giống như một khoảng nghỉ, một đoạn dạo đầu của làn điệu. Cái tính chất phụ hoạ, phác gợi này thế là tự nhiên rất gần gũi với yếu tính của thơ. Nhưng tôi nhất quyết cho rằng nếu muốn thưởng thức bài thơ thì không nên ngâm mà chỉ nên đọc thôi. Khi nghe ngâm thơ thì mình xác định thưởng thức điệu ngâm, giọng ngâm là chính.

Mưa gió phai ai, xớn xác trong dòng chảy hiện đại, ở cái tuổi lừng khừng lỡ cỡ này, nói thì hay vậy nhưng bảo tôi nghe ngâm thơ thì hãy nhất định là trong một đêm lạnh cuối tháng chạp, mình về quê ra hiên ngó rồi nghe từ đâu ngẫu nhĩ vọng lại giọng ngâm xưa đó kìa. Giờ ngồi viết mấy dòng này lại tưởng đến ngày thằng bé lớp 7 đọc thơ Nguyễn Bính mơ những chiều biên tái xa quê loang khói lam chiều nhớ quê. Giấc mơ của tuổi trẻ là cứ đi mãi, đi và nhớ về một quê xứ chưa bao giờ rời xa.

Chiều lại buồn rồi em vẫn xa
Lá rừng thu đổ nắng sông tà
Chênh vênh quán rượu mờ sương khói
Váng vất thôn sâu quạnh tiếng gà

Viên tướng


Tôrei (1721-1792)
Ensô
Mực trên giấy, 32,5 x 44,3
Sưu tập tư nhân.
(Trích từ Nghệ thuật Zen).

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Tư duy kinh tế Vn 1975-1989 (tiếp).

3.
Đối tượng khảo cứu của cuốn sách là về "tư duy kinh tế VN". Xét trên phương diện phương pháp luận nghiên cứu KH, tôi không rõ là liệu trong ngành kinh tế học thì khái niệm trên có trở thành một đối tượng nghiên cứu được không nữa? Sẽ dễ chịu hơn nhiều nếu xếp công trình này vào phân mục lịch sử - mặc dù bản thân sử học cũng lại là một thứ rất khó để phân loại. Bỏ lại vấn đề phân loại duy danh (có phần dễ dãi) sang một bên, ta lại thấy chính từ độ vênh này phạm trù "tư duy kinh tế VN" tìm được sự thích nghi cho hoàn cảnh chính trị - kinh tế - xã hội đặc thù của mình.

Như chính trong cuốn sách đã ghi lại, nhiều ý kiến từ quan điểm kinh tế học phương Tây đã cho rằng tiền ở VN giai đoạn bao cấp không thực sự là tiền tệ (vì nó gắn với vô số thủ tục, giấy tờ, tem phiếu...khác) nên những khái niệm kinh tế học chẳng biết gò vào đâu cho vừa thực tế VN lúc đó. Một đằng thì đến bản thân khái niệm chủ chốt là "tư duy kinh tế" cũng phải loay hoay tìm kiếm một uyển ngữ cho mình, đằng kia là cái cấm kị về hệ tư tưởng CS đã chốt chặt tại bổ ngữ "muôn năm", ở giữa hai đằng hai nẻo đó mới thấy được việc lựa chọn đối tượng trình bày là "tư duy kinh tế VN" trở nên vô cùng thích đáng. Trong phạm trù này đồng thời vừa bao hàm các tư tưởng, lý luận, lại vừa bao hàm các chủ thể của nó từ các cá nhân chính trị gia đến các cơ cấu ban ngành của thể chế cũng như hệ thống các chuyên gia, các think tank.

Trong bài tựa của GS Trần Phương - một nhân vật chính được đề cập nhiều lần trong cuốn sách - hầu như không hề chạm đến một điều gì cụ thể của tác phẩm. Tất cả chỉ là những câu hỏi rất cơ bản, rất hiển nhiên về mô hình kinh tế của VN. Một người trong cuộc nêu lại những câu hỏi căn bản - tự điều này cũng nói lên được khá nhiều điều: nếu chúng ta đã làm được rất nhiều điều trong Đổi Mới, vậy thì vị trí của những đổi mới ấy là ở đâu trong tiến trình chung của lịch sử? Đứng từ ngoài để nhận xét thì hầu như chỉ có thể rút gọn lại một câu "đổi mới chẳng qua là cải lùi!". Từ đó chuyển sang phủ nhận vai trò lịch sử cũng chẳng xa là mấy. Trong công trình của mình, ĐP đã phần nào chuyển tải được bối cảnh chính trị - kinh tế - xã hội của VN một thời kỳ trong sự liên tục và không thể tách rời từng mặt của nó bằng lối ghi chép riêng trong đó các chứng từ của lịch sử xuất hiện một cách chi tiết và sống động không ngờ so với những ấn tượng thông thường về chúng. Nhìn nhận lịch sử bằng cái nhìn từ những vận động nội kết thường giúp đem lại những kiến thức có nhiều ích lợi hơn là những phán xét suông "if what".

4.
Một điểm thú vị khác của cuốn sách là dưới sức căng của tình huống kinh tế đất nước thời kỳ đặc biệt này, những sinh hoạt chính trị ở cấp cao nhất ở Vn hiện ra rất sinh động đến từng cá nhân một. Nó giới thiệu cho công chúng một loạt những chuyên gia còn ít được biết đến đứng đằng sau cuộc cải cách. Những chính khách nổi tiếng trở lên cụ thể sinh động hơn trong từng tình huống câu chuyện cụ thể. Hầu như tác phẩm chỉ ghi lại những sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến tiến trình cải cách, đổi mới. Nhưng chính từ cách ghi chép chi tiết cụ thể với nhiều chứng từ lịch sử đã làm nổi bật lên những điều, những việc của những người trong cuộc nhưng không được nói đến! Những hình ảnh đen trở lên bớt đen hơn và những hình ảnh sáng quá trở lên có hình khối hơn.

Thông qua những chi tiết, người đọc có thể phác dựng lên được lề lối hoạt động, cơ chế ảnh hưởng và ra quyết định của cơ quan quyền lực cao nhất là BCT. Những diễn tiến thay đổi cung cách sinh hoạt chính trị trong nội bộ, những xu thế cân bằng mới dần xuất hiện sau thời kỳ của các lãnh tụ. Trong một cái nhìn kéo dài, nó sẽ giúp ta hình dung phần nào về cơ chế của những sinh hoạt chính trị giai đoạn gần đây.

5.
Từ những đặc điểm của mình, có lẽ đúng hơn cuốn sách thuộc loại hình lịch sử giống như nó tự nhận "Nhật ký thời bao cấp". Sự sống động của tư liệu giúp người đọc như cùng quay lại một thời kỳ để theo dõi tiến thoái của nó. Một điều khá đặc biệt với tôi là sau khi đọc cuốn này bỗng nhận thấy hơn 20 năm không phải là quá dài. Những gì đang diễn ra là sự kéo dài của những sự kiện của thời kỳ trước. Những đòi hỏi cải cách thay đổi một mặt vừa rất cấp thiết một mặt cần có đủ thời gian cho nó diễn ra. Những vấn đề kinh tế cần một pha thời gian của nó, những vấn đề xã hội khác cũng sẽ cần một pha khác để thay đổi.

Nhưng nếu những vấn đề kinh tế của giai đoạn 1975-1989 là rất cấp bách tạo ra tình thế không thể không đổi mới để từ đó chính cũng những cá nhân như Trường Chinh có thể thay đổi để tác động vào tiến trình thì đối với những vấn đề xã hội hiện nay sức căng của tính huống sẽ xác lập từ đâu? Chúng ta vẫn đang còn hân hoan vì hàng trăm năm nay chưa bao giờ cuộc sống dễ chịu như vậy (như báo Mỹ nói) thì tương lai những yếu tố nào, những ai sẽ là người thức tỉnh những vấn đề cấp bách ở một bình diện khác, ở những tầng trên của tháp Maslow?

Đọc Tư duy kinh tế VN 1975-1989. Đặng Phong

(Ảnh ST)
1.
Ấn tượng và ký ức về thời bao cấp trong tôi là khá nhẹ nhàng. Đơn giản vì nó chỉ vừa kịp nằm trọn trong tuổi thiếu niên vô tư lự của thế hệ cuối 7x chúng tôi. Điều khác biệt tưởng nhỏ bé này hoá ra lại rất căn bản khi tôi nhận ra sự khác biệt trong cách nhìn nhận đánh giá về xã hội Việt Nam của mình với những người thuộc thế hệ khác, đặc biệt là lứa đi trước. Về căn bản, chúng tôi lớn lên, thấy những khó khăn, kỳ cục chỉ là những kỷ niệm ấu thơ đáng yêu dễ tha thứ, thấy sự phát triển, thay đổi là điều đương nhiên và xã hội luôn có cơ hội tích cực cho sự thay đổi.

Chúng tôi được đặc quyền nhìn mọi vấn đề của thời bao cấp bằng cái nhìn non nớt như vậy mà không sợ bất cứ chế giễu nào: xét cho cùng thì chúng tôi đâu có hiểu biết gì nhiều nhặn về xã hội thời đó ngoài những trải nghiệm sống của tuổi nhi đồng, thiếu niên. Tuổi trẻ của chúng tôi có quá nhiều điều để khám phá và loay hoay lựa cách thích nghi. Cái loay hoay muôn thuở của tuổi đôi mươi vừa hay cũng trùng hợp với cái loay hoay đôi mươi của một xã hội đang tự vượt lên chính mình những năm 90s. Một cách tự nhiên, thời bao cấp lặng lẽ nằm bên rìa ký ức như một điều đương nhiên.

Nhưng khi đã tiếp xúc với thế giới internet thì tránh thế nào được việc phải có một quan điểm khi mỗi ngày đều tràn ngập trên các trang mạng đang trong trào lưu giải mật chế độ là những tranh chấp (thậm chí thù địch) quan điểm xét lại về xã hội Việt Nam. Dù không cố ý, dần dà tôi chắp nối những sự kiện, những ý kiến thành một nền tảng hiểu biết của mình về thời bao cấp. Sự khác biệt bây giờ trở thành rất quan trọng: tôi luôn nhìn những mâu thuẫn gay gắt như là những mâu thuẫn của nội giới và nhờ vậy thoát ra khỏi sự hằn học bài trừ về mặt quan điểm đối với quá khứ. Khi mình đã từng sống đơn giản, hài hoà với một xã hội; rồi xã hội đó cũng đã đổi thay tích cực hàng ngày thì không thể nào mình tư duy về nó theo kiểu phải cắt đục chỗ này, tiêu diệt chỗ kia, theo lối mày sống tao chết được. Sự chú tâm của tôi ưu tiên cho việc thấu hiểu, đồng cảm và tìm kiếm cơ hội cho sự thay đổi.

2.
Nhược điểm lớn nhất của những thông tin từ nguồn phổ thông trên mạng là tính phiến diện, nhặt nhạnh và có tính chất tin đồn là chủ yếu. Những thông tin như vậy chỉ có thể lặng lẽ theo dõi, để vào một chỗ chờ dịp đủ điều kiện xử lý thì thao tác chứ ít tính xây dựng cho hiểu biết có ích. Trong một bối cảnh như vậy thì cuốn sách "Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989" của Đặng Phong là một tài liệu rất có ích để góp phần định hình cách nhìn nhận đánh giá về thời bao cấp nói chung và về đường lối xã hội thời đó nói riêng.

Việc cuốn sách là một phần của một đề tài cấp Bộ về Tư duy kinh tế VN 1975-2005 dễ khiến người ta liên tưởng đến 02 việc: thứ nhất, nó được tư duy và trình bày theo phong cách, lối viết của nghiên cứu khoa học VN vốn buồn tẻ và dễ đáng ngờ; và thứ hai, nó chỉ nói chuyện kinh tế là thứ không phải hấp dẫn đối với tất cả mọi độc giả phổ thông. Cái hấp dẫn trước đây của thời kỳ bao cấp là những tập quán, lối sống, kỷ niệm buồn vui một thời - mà hầu hết là mang màu sắc tương phản với hiện tại - giống như những hiện vật trong bảo tàng Dân tộc học, hay ở quán cafe Báo phố Trần Quốc Toản hoặc trong những bộ sưu tập tư nhân và trên những trang blog đầy hoài niệm.

Tưởng vậy mà không phải vậy, khi đã bắt đầu đọc cuốn sách là sẽ khó có thể dứt ra được khỏi mạch lạc của nó. Lớn lao hơn rất nhiều hình dạng một đề tài về kinh tế, vốn cũng chính là một lựa chọn rất thông minh, rất đặc sắc của các tác giả, cuốn sách đã tìm ra được lối mạch lạc để xâu chuỗi liên kết các sự kiện, các số liệu, văn bản, nhân vật lịch sử để dựng lên thành một thực tế chính trị - kinh tế - xã hội của cả một thời kỳ lịch sử. Cả những điều nó nói đến và những điều nó không nói đến (lối vòng vo gián tiếp Á Đông) đã cho ta biết được rất nhiều góc cạnh của lịch sử một cách sống động và chính thức. Chính trị, vâng chính là chính trị, được đề cập chính thức, nghiêm túc và có thể hiểu được. Bên cạnh những tiếp cận kiểu tin đồn, thuyết âm mưu mang nặng phong cách Tam quốc diễn nghĩa lâu nay, ở đây chúng ta có thể bình thường mà tiếp cận, suy nghĩ, đánh giá về những cá nhân của lịch sử chính trị Việt Nam một thời kỳ. Vừa mang trong mình khối tư liệu đủ để đứng riêng một mạch lạc, cách trình bày của cuốn sách còn mở ra vô số lối ngỏ để mỗi người tuỳ vào sở thích, hứng thú và hiểu biết có thể tham chiếu, dựng khung bối cảnh, phác hoạ lên tư cách của từng nhân vật lịch sử giai đoạn đó. Thăng bằng giữa cách đọc chính diện và cách đọc giữa những hàng chữ, đó chính là giá trị bút pháp nổi bật của Tư duy kinh tế VN 1975-1989.

(còn tiếp)