Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2023

"về lòng thương xót, nỗi sợ hãi và sự thúc bách phải làm gì đó"

"Những ví dụ trên cho thấy rằng, dù chúng ta có thể cảm thấy thương xót, sợ hãi hay thúc bách phải làm gì đó khi chứng kiến một thảm họa, điều quan trọng là chúng ta phải biết cách lựa chọn hành động phù hợp với lương tâm và đạo đức của mình. Chúng ta không nên để cho lòng thương xót trở thành sự thờ ơ, nỗi sợ hãi trở thành sự tuyệt vọng, hay sự thúc bách phải làm gì đó trở thành sự bạo lực. Thay vào đó, chúng ta nên để cho lòng thương xót trở thành sự quan tâm, nỗi sợ hãi trở thành sự can đảm, và sự thúc bách phải làm gì đó trở thành sự hành động có ý nghĩa. Bằng cách đó, chúng ta có thể góp phần làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn sau mỗi thảm họa." (Bing Chat đã viết như thế theo yêu cầu của tôi)

Trước thảm họa mấy ngày qua, điều đầu tiên tôi cảm thấy là xót xa. Thật đau lòng mỗi khi nghe đến những cảnh ngộ của các gia đình nhỏ ấy. Đến mười mấy trẻ nhỏ, thiếu niên cũng đã mất đi. Có rất nhiều thúc bách, xao xuyến trong nội tâm, lí trí lướt qua rất nhiều ý niệm thôi thúc viết ra để thanh tẩy cảm xúc. Nhưng tôi không làm thế được. Tôi chỉ có thể quan sát cảm xúc của mình và tìm cách gọi tên nó. Mất 2 ngày để rồi tôi tạm gọi chúng bằng lòng thương xót, nỗi sợ hãi mơ hồ và cảm nhận thúc bách chuyển hóa thành hành động để tác động đến tình huống mình đang rơi vào. Tôi muốn để AI viết gì đó về chủ đề này, vì ở góc độ của tôi, tôi vẫn thấy mình không thể viết gì ra cho xong được. Tôi đành giữ lại cảm thức bất toàn này để thúc đẩy hành trình nội tâm của riêng mình thôi. Viết ra và để nó trôi đi, có gì đó bất nhẫn và giả dối, thậm chí tệ hơn, đó là sự phô trương vô tri.

Thứ Hai, 4 tháng 9, 2023

Đọc, ghi chép và viết lại

 1. Bạn ghi chú như thế nào khi đọc:
 

Tôi nhất định phải ghi chú khi đọc thì mới tính là có hiệu quả. Nên ghi chú ngay từ lần đọc đầu tiên dù có thể sẽ quay lại sau. Việc ghi chú vắn tắt hay đầy đủ phụ thuộc vào chủ đề quan tâm, thời điểm nhận thức và kinh nghiệm tích lũy trong quá trình đọc. Càng ngày tôi ghi chú càng ngắn hơn và do đó đọc được nhanh hơn, bao quát nhanh hơn cuốn sách.


Tôi ghi chú văn bản thường theo cấu trúc logic các luận điểm mà tác giả trình bày. Sử dụng nhiều sơ đồ khối và đánh dấu các từ khóa. Khi trình bày bằng sơ đồ, đôi khi thay đổi màu mực theo 1 tiêu chí nhất định, giúp tôi có thêm trí nhớ đa phương tiện với nội dung mà tác giả trình bày.


Việc ghi chú theo dòng - như một phiên bản tóm tắt của bản gốc được tôi thực hiện chủ yếu vào thời kỳ đầu của tự đọc tự học, hồi 20s với chủ yếu các tác phẩm của Erich Fromm. Tôi chép dạng cấu trúc hình cây các luận điểm theo văn phong tác giả có rút gọn, bút đỏ ghi ngay những thắc mắc, liên tưởng tức thời lúc đọc (kể cả ngây ngô), lúc sau chỗ nào hiểu được ý tác giả rồi thì ghi chép thêm bằng bút xanh tự trả lời, thảo luận với phần ghi bằng bút đỏ. Như vậy tôi phân biệt được lời tác giả với lời của mình, dò dẫm được nhịp tư duy của tác giả và thậm chí đoán được những lỗi dịch sai hay trượt ý của dịch giả dù mình không có điều kiện hay trình độ đọc thẳng bản gốc. 


Nhưng cách đọc và ghi chép này có nhược điểm là quá tốn thời gian, nhất là khi không có bạn hữu hay thầy để thảo luận trao đổi. Sau này tôi cố gắng tìm cách cải thiện tốc độ hiểu bao quát ý tác giả hơn là quá đi vào chi tiết ngay từ đầu. Hiện nay tôi thấy vừa đọc vừa ghi note trong laptop là rất tiện cho biên tập và đọc lại. Viêc ghi chép tay chỉ dùng lúc cần suy nghĩ. Sách giấy thì tôi thường xuyên dùng cách gập lại trang có ý cần quan tâm. Góc nhọn của tờ giấy lúc gập chỉ thẳng vào chỗ mình muốn lưu tâm. Việc này rất có lợi khi cần đọc lại. Tất nhiên là trên sách của mình. Sách cần đọc kĩ thường ít nhất tôi có 2 bản. Để đọc thì viết vẽ thoải mái và để lưu giữ dự phòng thì giữ nguyên bản.


Tôi giữ gìn những gì ghi chép: tài liệu viết tay trên giấy 1 mặt (tôi rất có cảm xúc với việc lấy giấy đã dùng để viết ghi chép lên mặt sau, nó đem lại cảm giác của bản thảo và riêng tư); bản viết tay trên thiết bị điện tử, trên điện thoại đến các file máy tính. Đôi khi dù mình không nhận ra nét viết tháu của mình thì việc có file ghi chép riêng sẽ giúp mình tái hồi trí nhớ và cảm xúc về nội dung cuốn sách nhanh nhất dù đã gián đoạn 1 thời gian dài. Gần đây tôi thấy vứt 1 ít lên Fb để tận dụng tính năng nhắc kỉ niệm của Fb giúp mình đọc đi đọc lại có cảm xúc hơn và có tương tác với bạn bè. Tuy nhiên với cách đọc và ghi chép kiểu phác thảo và đối chiếu như thế, việc đưa lên Fb thường khó đảm bảo rằng chúng ta sẽ hiểu nhau muốn gì.

2.  Làm sao để đọc cùng với một người bạn?


Đây là câu hỏi trong sách dành cho sinh viên nhưng tôi cũng muốn trả lời 1 chút. Nếu là môi trường học tập thì thuận lợi chứ như tôi phần lớn là đọc một mình. Bản chất việc đọc cũng có tính chất riêng tư như thế. Đọc là đọc cái được viết ra và do đó cũng giống như viết, nếu hiểu viết nhọc nhằn thế nào thì sẽ hiểu đọc tử tế cũng nhọc nhằn như viết và cũng khá riêng tư như viết. Có chăng khi thuần thục đến một độ nhất định, đọc đủ 1 vòng nhất định, đôi khi ta có thể trải nghiệm được tâm tình trải nghiệm người viết, mà qua đó có thể coi được người xưa như thầy như bạn.


Nhờ vào không gian mạng, cảm giác chia sẻ khi đọc được dẫn dắt một phần nhờ vài mẹo nhỏ. Tham gia, theo dõi các nhóm, các người đọc khác có chia sẻ thông tin và các loại văn bản. Thấy ai hay ai vui thì tìm cách mà kết giao, đừng ủ mãi trong đầu những tâm tư theo kiểu "hệ tâm linh", không ai biết được bạn muốn gì đâu. Bạn là cái hành động mà bạn làm. Thu thập tài liệu theo chuyên đề quan tâm, hỏi han, nhờ vả chia sẻ các kiểu. Viết ra, chia sẻ để gợi cảm hứng của vòng bạn bè. 


Có một khía cạnh nữa là đọc chỉ là một trường hợp rất cụ thể của hành động tương giao. Trò chuyện, thăm viếng, cùng thở, cùng nhâm nhi với nhau trong một tương giao tinh thần nào đó...cũng là những khía cạnh khác của thông diễn giữa mình với thế gian. Viết chỉ viết ra những gì có thể viết. Đọc phải đọc được những gì không thể viết thì mới giữ được nguồn mạch suy tư không dừng. Với tôi, việc đọc là cái gì đó khá riêng tư nhưng là chỗ nương tựa chính như cây gậy cho người đi dạo trên đường rừng.

3. Nhân tiện đọc lại: Về trò chuyện.


Trò chuyện chỉ có khả năng trở nên hữu ích khi đó là trò chuyện giữa hai người. Ít nhất với khả năng trò chuyện của tôi thì là như vậy. Nhưng không phải gặp mặt nào cũng là trò chuyện - "mỗi người thăm thẳm một chiêm bao".


Thậm chí hầu như tôi nghi ngờ khả năng thông giao của trò chuyện, ngay cả với những người được coi là thân thiện và biết nhau nhiều nhất. Có điều gì đó từ bản chất của phương thức giao tiếp, nhận thức của con người hơn là vấn đề ý tứ cá nhân. Chúng ta có gì để-nói và một diễn ngôn thì nói được gì?
Hầu hết những suy nghĩ của tôi về chủ đề này nằm tản mạn trong các label như "đọc", "bằng hữu", "đọc lại", "bạn"...Đấy là cách khả dĩ nhất đến nay mà tôi thấy: sắp xếp các mảnh rời và nhìn vào giữa những chệch choạc hay đồng điệu để từ đó gợi ra một tầng phía sau của thông hiểu. Có thể gọi nó là phương thức chỉ hiệu (từ của F.J).


Mỗi lần gặp bạn, tức là những người ít nhất tôi nghĩ chúng tôi sẽ có nhiều khả năng trò_chuyện_về_điều_gì_đó, rốt cuộc tôi thường lựa chọn bắt đầu bằng những điều tầm phào nhất. Hai người dọ dẫm trao đổi, một kiểu khai quang, chuẩn bị cho một đối thoại. Nhưng rồi hầu hết sẽ trượt đi ngoài ý muốn. Điều muốn chia sẻ nhất thường không được nói ra. Và nếu có chạm đến thì cũng thật khó để biết nói thế nào. Chỉ có thể trong một sự chiêm nghiệm, quan sát theo dõi nhau trong thiện chí, tư lường nghiêm mật, tâm tình bao dung thoáng đạt, may ra mới có gì đó để trao đổi. Một loại tương tác giao tình, hành động tương liên.


Nhưng quy chiếu về một đối tượng đặc biệt, một ai đó thân thiết nhất, là một sai lầm. Hành động dạng thông diễn không thể có tính cách sở hữu được. Nó có tiềm năng vô hạn và vô ngã.


Mặt khác, tôi nghĩ không thể nhấc lên khỏi bình diện cá nhân của câu chuyện. Mỗi câu chuyện đều là câu chuyện của ai đó, với một lịch sử riêng. Nên cuộc đời thú vị không thể chỉ là ngồi ngẫm nghĩ lan man, viết tản mạn và mong chờ những ai đó cũng viết cũng đọc được. Vẫn cần những quán cafe, những buổi chiều, những bóng người, những tay bắt mặt cười, những trò chuyện chú tâm. Cho dù rốt cuộc cũng chẳng biết nói gì cho phải.