Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Bàn về hoạt động giải trí thì phải có tác dụng thư giãn trước đã :3

Khi được cậu bạn hỏi ý kiến về việc lấy ví dụ phân tích dùng cho môn dẫn nhập về hiểu truyền thông dành cho sinh viên, tôi đã gợi ý nên nói về trường hợp game show "The Voice Kids Vietnam 2013" thay vì Huyền Chíp hay Bà Tưng. Lần gặp lại cậu thông báo kết quả có vẻ không tác động được như ý muốn tới sinh viên lắm. Ngoài việc họ không hiểu rõ, có vẻ sự kiện không nằm ở trung tâm sự quan tâm của sinh viên, hoặc giả là họ thấy có gì đó không thuyết phục lắm khi ghép cas này với quan điểm lý thuyết phân tích/hiểu truyền thông. Điều này tạo động lực khiến tôi thử viết lại những quan sát của mình về đề tài này; cũng một phần vì cảm thấy áy náy khi cậu bạn kia phải soạn lại giáo án :P

Nếu bạn quyết định tham gia một game show - trò chơi truyền hình thì điều đầu tiên bạn phải chấp nhận là bạn đang tham dự một TRÒ CHƠI! Sự kiện đó là một trò, trước hết tạo ra để mua vui, giải trí; tuy có luật lệ và phần thưởng nhưng luôn kèm theo đó là yếu tố may rủi! The Voice Kids (TVK) là một trò chơi truyền hình điển hình với cấu trúc phân vai gồm: Người chơi (các em nhỏ thi ca hát), Trọng tài (một bộ ba nhóm), Người dẫn/MC, Khán giả trong trường quay, Khán giả truyền hình và bản thân Truyền hình cũng là một vai.

Tất cả các vai đều tuân thủ theo LUẬT CHƠI. Nó là một cấu trúc 2 lớp: lớp hiển ngôn là những điều lệ hướng dẫn cách mà cuộc thi sẽ diễn ra; lớp thứ 2 là cấu trúc kịch bản ngầm mà ở đó mỗi vai sẽ chủ động hoặc bị động thực hiện các vai trò được phân công của mình dưới bàn tay điều khiển của tổng đạo diễn là Công ty sản xuất. Công ty này sản xuất chương trình truyền hình thực tế (ở đây là một cuộc thi tài năng tương tác thực tế) để bán lại cho hãng truyền hình (hay công ty quảng cáo).

Đối với hãng truyền hình và công ty quảng cáo thì cái người ta mua là số lượng người xem (cùng sự quan tâm chú ý của họ). Người xem trả tiền cho hãng truyền hình và quan trọng hơn là họ sẽ trả tiền mua những sản phẩm được quảng cáo trong thời gian gắn trình chiếu trò chơi trên truyền hình (tất nhiên điều này sẽ thông qua một cơ chế rộng lớn và phức tạp hơn, tuy nhiên có thể chấp nhận dễ dàng luận điểm này bằng sự tồn tại thực tế của những công ty quảng cáo với doanh thu khổng lồ hàng tỷ USD).

Đối với khán giả-người xem truyền hình thì cái họ bỏ tiền ra mua là sự "giải trí", thư giãn tối tối, sau một ngày làm việc. Nói chung nhu cầu giải trí là một nhu cầu bình thường và lành mạnh. Vấn đề chúng ta sẽ soi rọi dần ở đây là liệu mọi sự giải trí có giống nhau? Hoặc có gì để nói thêm/sâu hơn về nó không?

(còn tiếp)

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Đọc lại. Chất lượng sống

Nghĩ về chất lượng sống. Mình từng nói đâu đó rằng có ba khái niệm quan trọng về cuộc sống: mức sống, chất lượng sống và thái độ sống. "Mức sống" thì qúa vật chất nên khỏi bàn. Ai chả muốn một mức sống cao hơn, nhưng cao đến đâu thì phải nói sang chuyện "chất lượng sống". "Thái độ sống" là khái niệm thuần tinh thần. Có màu duy tâm chủ quan này nọ, khó tả khó đạt nên cũng để đấy mà thôi. Nhưng về khía cạnh phi vật chất thì "thái độ sống" có quan hệ với "chất lượng sống". Vậy thế nào là "chất lượng sống"?

Chất lượng sống là khái niệm để chỉ sống một cách có chất lượng. Có chất và có lượng. Nhiều lúc mình cứ suy nghĩ về cuộc sống của mình, về những điều đang diễn ra hàng ngày. Điều gì làm cho mình hài lòng và tạm tin tưởng rằng ngày đang qua là ngày đáng sống? Những ngày đã qua, những ngày nào khiến mình tạm cho là đã đáng kể? Thật khó trả lời. Thật bối rối.

Bối rối thì thực ra cũng phải thôi. Chả ai nói được hạnh phúc là gì. Hoặc là nói lung tung linh tinh loạn cào cào cả lên. Cũng vậy cả.

Nghĩ lại từ ngày 18 tuổi, có ba giai đoạn mà mình phân biệt ra được trong ký ức. Những ngày ở một mình trong một căn nhà nhỏ cạnh bãi đất trống. Mờ mờ trong rượu và lang thang trong đêm. Hoang phí sức lực và gần như đày đoạ bản thân. Có những ngày đóng cửa ba ngày đọc một cuốn sách triết lý nọ. Không biết giờ giấc, không ngày tháng và cả không cần biết đến ngoại giới. Tuổi trẻ thật đáng thương dù đáng yêu. Khi phải tự gánh vác cuộc sống của mình với một sự giáo dục không đầy đủ thì những nỗ lực thật là vô vọng. Điều đáng kể nhất còn lại là cái thái độ khao khát với tuyệt đối, tinh thần dấn thân của tuổi trẻ. Ngày đó một vài cuốn sách, một vài chuyến đi xa làm mình cảm giác thỉnh thoảng đã sống có chất lượng một chút. Nhưng nghĩ lại thấy tự thương mình đã loay hoay ngờ nghệch biết bao nhiêu. Cũng vì vậy mà mình rất nhiệt tình và rộng lòng muốn giúp đỡ chia sẻ với những bạn trẻ tuổi đôi mươi đi tìm một lẽ sống tuyệt đối chân thực với chính mình. Tiếc là ít gặp những người như thế. Thiên hạ có lẽ cười hoặc nghi ngờ những nhiệt tình thái quá như vậy. Không bao giờ nói chữ "nếu" vì không bao giờ rời mắt khỏi thực tại hiện tiền, nhưng quả tình cũng khó mà nói những ngày đó là đã sống cuộc sống chất lượng tốt.

Nghề nghiệp ảnh hưởng đến tính cách có khi còn nhiều hơn việc tính cách hướng đến nghề nghiệp như thế nào. Nghề nghiệp của mình khiến mình luôn làm những công việc duy nhất với những ám ảnh về mối liên hệ với cái thoả đáng, cái đẹp, cái cá tính, bản sắc. Nên cuộc sống sẽ khó mà chấp nhận được những đều đều máy móc. Khi nào cuộc sống đi vào đều đều buông xuôi nền nếp là khi đó mình cảm thấy bản thân vô dụng. Nhưng thò đầu ra ngoài đối diện với thực tại chênh vênh bất hoặc thì lại cũng thấy thật đơn độc, yếu đuối. Điều mình hàm ơn bác D nhất chính là đã truyền cho mình niềm tin vào sự tự tín nhiệm bản thân. Một thái độ sống bất uý nhiều lúc cứu vớt cảm giác về những ngày tháng đã qua.

Những ngày chúng mình sống trong căn phòng 10m2 nép trong khoảng sân trong sau nhà, sát với bếp của HTX Đông y cũng đáng nhớ một chút. Chối bỏ hoàn toàn thế giới bên ngoài, xin được 4 triệu đủ ngồi không mấy tháng, hai đứa đều không đi làm, ngày ngày lên thư viện QG ngồi. Chở em đi rải hồ sơ dự thi vào các công ty lớn-để được làm việc chuyên nghiệp-cứ thi, bao giờ đỗ thì thôi - 3 hay 4 tháng liền như vậy. Không thèm làm trò đứng núi này trông núi nọ, không thèm ăn cắp của công ty 1 phút hay 1 xu. Cũng đáng để coi là đáng nhớ, có chất lượng. Những ngày đó mình hoàn toàn chìm đắm vào những điều lý tưởng. Mình tìm thấy ở Nguyễn Hiến Lê sự đồng cảm về thái độ tự lập thân, tinh thần nâng đỡ chia sẻ với người trẻ tuổi tự học. Tìm thấy những phân tích sắc sảo, xác đáng của Erich Fromm về con người hiện đại, bằng sự tự vấn và đòi hỏi sự tuyệt đối chân thực và tự lập nơi con người. Tìm thấy tấm tình bát ngát, mơ màng của Bùi Giáng, sự thấu hiểu và sự oái oăm của tinh thần. Tìm thấy vẻ điềm đạm và lòng yêu thương khôn nguôi của tuổi trẻ từ Albert Camus. Sự mịt mù phiêu lãng của Saint Exupery. Nương tựa và tìm thấy lối vào giữa những hàng chữ giản phác thăm thẳm của Thầy Khổng. Và kính mộ tầm vóc triết gia của Francois Jullien trong lối trình bày tinh tế về những nếp gấp uẩn khuất của tư tưởng. Bạn bè tìm đến mình. Để kể một câu chuyện. Hay để hỏi một đôi điều về cuộc sống. Hay để được lắng nghe. Hoặc cùng nhau uống vài ly rượu trong im lặng. Đấy cũng là những ngày đáng nhớ và có chất lượng chứ nhỉ?

Nhưng rồi con đường độc đạo này càng ngày càng thăm thẳm. Bây giờ hình như mình không có bạn như trước nữa. Hoặc giả là không còn cảm thấy cần có bạn cho dù vẫn thấy yếu đuối và đơn độc nhiều khi. Bây giờ chất lượng cuộc sống là gì? Phải là gì? Nhiều lúc cố gắng gạch đầu dòng ra: đi du lịch, đi thăm bạn bè, đi xem phim, đi uống cafe, đi mua sách và đọc sách. Hay là đi thả diều ở ngoài Mỹ Đình? Hay là đi học Yoga hay Thái Cực quyền? Hay là rủ nhau đi học chơi piano cho nó sành điệu :) Có thầy ngay đấy rồi còn gì? Hay là dẫn vợ đi học vẽ màu cho vui? Hay là lên mạng lê la luyên thuyên? Vậy mà cuộc sống cự chuồi đi như cát khô qua kẽ tay.

Những ngày này chất lượng cuộc sống là gì? Hay là phải chăm chú vào và đừng nghĩ đến nó?

Xã hội đang trong cơn rùng mình nhè nhẹ, chuẩn bị cho những ngày tháng ăn sống nuốt tươi con người hiện đại. Ngồi cafe vỉa hè bây giờ người ta bàn chuyện chứng khoán râm ran. Chịu, mình không thể tham gia cái trò ngày đêm tính toán hóng hớt để kiếm tiền ấy được. Quán cafe gần một ngân hàng, một công ty chứng khoán, một công ty thiết kế. Tất cả đều râm ran rì rầm những câu chuyện làm ăn, kiếm tiền. Có hôm nhìn một bàn gần chục người đàn ông trung tuổi. Tất cả đều ngoài 40 trở lên và bàn tán về chứng khoán. Mình tự hỏi ngày mình sang cái tuổi đấy thì chất lượng cuộc sống của mình sẽ là gì?

Bây giờ làm một việc rất yếm thế và nước đôi là lựa theo dòng, đi học lấy vài cái chứng chỉ, update chuyên môn để tránh thành lạc hậu sau 10 năm nữa. Bây giờ chất lượng cuộc sống của mình là gì nhỉ???

Nghe nói cảm giác làm cha làm mẹ rất tuyệt vời-mệt, vất vả nhưng mà vui. Vậy đó là chất lượng cuộc sống? Hay là người ta đã tìm thấy lý do để cúi gằm mặt xuống và mơ màng về một ngày mai xa lắc huyễn hoặc?

Nhìn chăm chú vào thực tại và chính mình là như thế nào???

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Những người truyền cảm hứng sống


Có những người họ khác hẳn đám đông xung quanh ở chỗ có thể truyền cho ta nguồn cảm hứng sống. Họ có thể sai lầm, đạo đức chưa chắc toàn hảo, tài năng không hẳn xuất chúng...nhưng ở họ có vẻ gì đó toàn vẹn của một phong cách sống khiến ta thấy hứng thú với cuộc đời, cũng làm ta thoáng chút ngậm ngùi thấy mình nhạt nhẽo vô vọng. Mặc dù ta cũng chẳng muốn theo bước họ.

Nhưng họ cũng như ta, không phải là những thần tượng. Họ hẳn cũng nhiều trắc trở, buồn vui, bệnh tật, lem nhem...Nhưng càng sống ta càng thấy nao núng khi không thể có được cái vẻ sống động ấy, cái khí chất ấy.



Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Carnets. Camus viết về Kẻ Xa Lạ.

Vào năm 1954, một người Đức đã gửi thư cho Camus, đề nghị và xin phép đưa Kẻ Xa Lạ lên sân khấu. Sau đây là lá thư trả lời của Camus (lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc trưng bầy "Những câu chuyện về một cuốn sách: ‘Kẻ Xa Lạ’ của Albert Camus". 1990).

Paris, ngày 8 tháng Chín, 1954

"Ông thân mến,

... Ông hẳn cũng đoán ra được, dự án của ông làm tôi phân vân. Đã hai mươi năm tôi quan tâm tới kịch nghệ, từ đủ thứ khía cạnh của nó (tôi đã từng là diễn viên, và là nhà đạo diễn), và tôi biết rằng, thứ ánh sáng còn sống, còn tươi (cru) là ánh đèn chói lòa ở sàn quay, thật khác xa cái thứ ánh sáng được tính toán thật chi ly mà người ta đưa vào trong một cuốn tiểu thuyết. Trước ánh sáng chói chang đó, một nhân vật, cho dù đứng thẳng ở trong một câu chuyện kể, có thể ngã lăn đùng ra. Nhưng lá thư của ông, và của M. Deblue làm cho tôi thật muốn lao vào cuộc phiêu lưu này. Và do kinh nghiệm, tôi biết rằng, chỉ sự tương kính giữa hai cá nhân mới là đảm bảo số một, khi quyết định cộng tác. Và tôi đồng ý để ông thực hiện dự án đưa tiểu thuyết Kẻ Xa Lạ thành kịch trình diễn...

Được đấy, ông bạn ạ, cái dự án của ông. Chỉ có hai điểm xuyết nho nhỏ:

1. [Khán giả mà] không được coi cái xen giết người thì thật là bực mình lắm đấy. Bởi vì đây là trái tim [centre: trung tâm] của câu chuyện. Đây là một cú giết người có mặt trời ở trong đó. Mặt trời ở đây là trung tâm mà thảm kịch xoay quanh. Và thảm kịch sáng chói lên nhờ ánh sáng mặt trời chiếu vào nó. Theo tôi, đây là điều làm cho nó khác với một câu chuyện u tối, và thoát tục [désincarné: mất xác phàm; có xác phàm thì mới có chuyện giết người], theo kiểu của Kafka. Ông sẽ nói, khó lắm đấy, nếu trình diễn được như thế. Tôi trả lời: Đúng như vậy. Khó lắm đấy. Hãy cố mà tìm tòi, và một khi vớ được, vở kịch của ông mới nguyên xi biết bao; ấy là tôi muốn nói, cái chất sáng tạo của kẻ đạo diễn.

2. Cái xen độc thoại kết thúc màn thứ sáu, theo tôi, là bất khả thực hiện. Trên sân khấu độc thoại chỉ đi được với những cử chỉ, động tác (ấy là với những diễn viên số một). Thực hiện theo cách của ông, như ở xen đó, sẽ trở thành "lên lớp, giảng mo-ran", nghĩa là rất kịch cợm, tôi muốn nói, giả tạo.

... Nói ngắn gọn, tôi muốn làm sao tránh xa khỏi kiểu đua đòi Kafka, và chủ nghĩa biểu hiện (expressionnisme). "Kẻ Xa Lạ" không hiện thực mà cũng không kỳ quái (fantastique). Với tôi, đây là một thứ huyền thoại nhập thể (incarné: nhập xác phàm), không lơ mơ mà bám cứng lấy cõi người ta, tới tận da, tận xương, tận tủy. Và tới tận cùng của hơi nóng ngày ngày. Người ta muốn coi đấy là một kiểu cọ mới của vô đạo đức (immoraliste). Vậy là lầm to. Cái đập vào mặt chúng ta ở đây, không phải là đạo đức, mà là thế giới của vụ án, nó trưởng giả, nó quốc xã, nó cộng sản, nói tóm gọn, đây chính là vết lở lói đương thời.

Riêng với anh chàng Meursault, có chút hướng thượng ở anh ta, và đó là từ chối, tới chết: nói dối.... Meursault không ở phía những ông tòa, lề luật xã hội, những tình cảm ước lệ, đóng hộp. Anh ta có đó, như hòn sỏi, như ngọn gió, như biển cả, dưới mặt trời. Và cũng như sỏi đá, chúng có thể biết đau, nhưng không thể nói dối, chẳng bao giờ nói dối.... Nếu ông đọc cuốn sách theo kiểu tôi vừa đề nghị, ông sẽ nhận ra một thứ đạo đức của sự chân thành, và một niềm vui, vừa tiếu lâm vừa bi thảm, về cõi đời. Chính những điều này làm nó thoát ra khỏi vẻ u tối, biểu hiện, hay là thứ ánh sáng của sự tuyệt vọng....

Thân ái...

Albert Camus.

(tanvien.net)
http://hqdang.blogspot.com/2013/09/nguoi-xa-la-2.html

------------

Lưu lại một bài viết quan trọng với tôi vì tôi quan tâm đến thể loại kịch. Kịch mô tả hành động mà chúng ta dường như được định nghĩa qua hành động!

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Về sự tôn nghiêm

Tôi có quan niệm rằng bất kể sự sụp đổ của các đại tự sự chung cuộc là đúng hay sai, bất kể sự giải thiêng là cần thiết hay không, bất kể việc anh thấy cuộc đời là hư vô hay không thì trong lòng anh/chị phải có chỗ cho sự tôn nghiêm - sự tôn nghiêm của bản thân.

Đó là một trong những điểm làm cho một người trở thành người-thật-là-người.

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Dâm - Di - Khuất

7 tháng nay mình thử một lối sống khác, phần nhiều là trái với thiên tính. Hóa ra rồi cũng quen, cũng thành thục và thu được kết quả. Nguyên tắc cũng đơn giản: mỗi khi bước xuống xe thì suy nghĩ cũng chuyển sang chế độ khác. Không tin một ai. Lời nói không quan trọng bằng dáng vẻ. Xét việc theo thực tế. Dò xét người từ vị thế và theo nguyên tắc tham lợi. Nghĩ xấu nhất trước. Nhắm thẳng mục tiêu, không nhân nhượng, không sao nhãng.

Cũng là những trải nghiệm thú vị. Hiểu rõ một góc lớn của cuộc sống, sát mặt sát lòng.

Nhưng lâu quá nữa thì khó lòng mà giữ được Bất Động Tâm.