Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Đọc "Những cách thấy" - John Berger. 1

Tiếp tục loạt bài tập viết ngắn. Lấy từ blogspot của anh Như Huy ^^
Phần 1 này là từ các post Những cách thấy (1-5). Phần tiểu luận này đáng ra đọc ngược từ dưới lên sẽ dễ nắm bắt hơn.

Tóm tắt:

-------------

"Nghệ thuật của quá khứ không còn hiện hữu như trước kia. Thẩm quyền của nó đã bị mất. Giờ đây tất cả chỉ là ngôn ngữ hình ảnh". Bài luận nói đến sự thay đổi về thẩm quyền của mỹ thuật cổ điển châu Âu (từ Phục Hưng) cho tới khi xuất hiện máy ảnh (sự tái sản) dưới tiếp cận về cách_thấy (ways of seeing - có vẻ còn hàm chứa cái ý "khởi từ sự_thấy").

Đặc trưng cổ điển của mỹ thuật quá khứ: sơn dầu, độc bản, gắn với 1 điểm nhìn theo luật viễn cận, gắn với 1 kiến trúc và theo đặt hàng, gắn với 1 hệ thống giá trị do giáo dục thẩm mỹ và lòng tin phục vụ tầng lớp thiểu số thống trị đương thời.

Xét tương quan "Họa sỹ - Bức tranh - Người xem" thì sự_thấy bị quy định bởi nhiều yếu tố: (1) trong sự định vị với bản thân người nhìn, (2) ý thức có thể bị thấy, (3) thấy đã là lựa chọn bị chi phối bởi nhiều tiên kiến, xu thế giáo dục, cá nhân tính...(4) hình ảnh là sự tái sản (cả với họa sỹ lẫn người xem).

Đặc trưng của thời kỳ xuất hiện camera (tái sản): có thể tái sản hàng loạt dưới nhiều dạng thức, đa điểm nhìn, đa ngữ cảnh...có tính chất của thông tin (ngôn ngữ hình ảnh). Tức là có thể áp dụng nó trong đời sống của mỗi cá nhân, nghĩa có thể bị biến cải hay xuyên tạc. "Nghĩa của 1 hình ảnh bị thay đổi theo những gì người ta nhìn thấy đồng thời bên cạnh hỉnh ảnh đó, hay những liên tưởng mà hình ảnh đó tạo ra". Do vậy nó từ chối thẩm quyền truyền thống, mở ra nhiều cách_thấy.
-------------

Hết tóm tắt.




carnets:

- Hoàn toàn châu Âu.

- Việc cô lập ý niệm sự_thấy ra khỏi tri giác toàn thể về đối tượng (bức tranh) có tính kỹ thuật. Một bức tranh không đơn thuần mang chứa một hình ảnh được tái sản nếu xét đến các yếu tố chi tiết vật thể (kích thước, vật liệu, bố cục) trong tương quan với tri giác của người xem tại thời điểm nhìn. Ít ra còn liên quan đến những yếu tố có tính tâm lý thị giác (tỷ xích, chất cảm vật liệu, khoảng cách thụ cảm).

- Một bức tranh chân dung cổ điển nhất cũng không đơn thuần là tái sản hình ảnh - sao chép thực tại. Nó vẫn hàm chứa các lựa chọn và sắp đặt, qua đó tổ chức 1 nhóm biểu tượng cho 1 thông điệp trải nghiệm nhất định. Do đó có 1 tương quan khá ổn định theo tiêu chí trải nghiệm giữa họa sỹ - người xem đối với 1 bức tranh - nguyên bản hoặc bản sao y cùng các đặc trưng như kích thước, vật liệu, nội dung hình thức... (Tất nhiên những yếu tố tiên kiến chủ quan vẫn tồn tại đồng thời, thậm chí lấn át).

- Nên chủ đề mấu chốt phải hiểu là về "thẩm quyền của nghệ thuật quá khứ khi hình ảnh trở thành ngôn ngữ thông tin đại chúng nhờ khả năng tái sản hàng loạt trên nhiều dạng thức ấn phẩm". Hình ảnh không đồng nhất với bức tranh.

1 nhận xét:

Tung H nói...

Những ghi chép là suy nghĩ dang dở, nhận xét để đấy ^^