Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Xem tập Mắt người Sơn Tây - Quang Dũng



Sắp xong chưa ông Vân ơi!


1.
Tôi mua tập thơ Quang Dũng trước hết vì tình cảm với những bài thơ thời hoa niên như Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây. Hồi đó lớp 11-12, vẫn còn nhớ rất rõ liên tưởng đến góc camera thay đổi những khung hình trong bài Tây Tiến, nhưng khi thử nghĩ kỹ thì không làm rõ ra được tại sao lại như vậy.

Tập Mắt người Sơn Tây do Nhã Nam làm lần này (Trác Phong tuyển chọn) có cả thơ, ký họa và ký sự của Quang Dũng. Một cách trực quan, những ký họa khiến tôi thấy có thể hiểu hơn về lối làm thơ (dùng chữ thi pháp thì to quá ^^ ) và những thiên hướng của ông: một tâm thế phù hợp nhất với những đặc trưng của thể loại ký.

Các ký họa của Quang Dũng đều là ký họa phong cảnh (màu nước). Chắc thời gian đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của chúng: chất màu đã bị khê nhiều. Nếu xét trên phương diện hội họa thì thấy không quá ấn tượng. Nhưng có một đặc điểm của những ký họa phong cảnh bằng mầu nước này làm tôi quan tâm: trên bình diện tổng thể thì một bức vẽ có cách thể hiện rất nhiều chi tiết, nhưng nhìn vào từng chi tiết thì nét ký họa lại không sắc sảo lắm. Hay nói theo kiểu dân học vẽ là chỗ nào cũng vẽ nên hơi tham chi tiết.

Tất nhiên đối với một bức ký họa thì tính chất tư liệu của nó được đặt lên hàng đầu. Nhưng cũng tại một bức phác họa màu nước thì đã gần tương đương một bức tranh hoàn chỉnh rồi nên đặc điểm trên nó có tính dấu ấn cá nhân. Ở đây, có gì đó tương đồng với phong cách thơ của QD mà trong bài giới thiệu Vũ Quần Phương có một nhận xét liên quan: càng về sau QD càng thiếu đi những bài thơ hay hoàn chỉnh, nhưng vẫn có những câu thơ, tứ thơ hay rải rác. Cái tương đồng là ở xu hướng nắm bắt khoảnh khắc, chi tiết.

Thơ QD có điểm giống thơ Lưu Quang Vũ sau này mà tôi nghĩ là do đặc điểm chung của những người học vẽ: giàu chất liệu hình ảnh và trong những khung hình rất gần với hội họa. Nhưng tâm thế tình cảm thì hai người khác nhau: LQV gần chúng ta  hơn, mê đắm rõ rệt; trong khi QD vẫn là của tiền chiến - hào hoa, nhiều ước lệ và chừng mực trong man mác. Có thể liệt kê được một loạt những "ơi/xa cách/nhớ mong..." với tần suất khá cao từ tập thơ. Nhưng cũng chỉ trong tâm tiền chiến mới có thể tự nhiên gọi những câu rất thiết tha như "Buồn lắm Hồ Nam ơi!". Tha thiết, bâng khuâng, tiết chế, chừng mực trong cảm xúc nhưng rộng rãi thoáng đạt, linh động trong không gian và thời gian - đó cũng là những đặc điểm của thể loại ký họa.


2.
Ký họa ở Việt Nam, nhất là trong giai đoạn 1945-1975 có vị thế đặc biệt về thể loại, khác với ở các nước khác nhiều khi chỉ nhạt nhòa trong vai trò tư liệu của hội họa giá vẽ kinh điển. Tính chất thâm nhập thực tế sinh động, lưu giữ chi tiết (mặt kia là điển hình hóa) trong phong cách lưu loát thoáng đạt của thể loại ký họa đặc biệt phù hợp với điều kiện chiến tranh ở VN. Ngoài ra cũng phải kể đến tiến trình phát triển từ ảnh hưởng của thời Mỹ thuật Đông Dương:  Hội họa thời kỳ này ở VN hầu như chỉ mới ở thời kỳ đầu của lịch sử hội họa hiện đại mà ảnh hưởng của hội họa kinh điển với đặc trưng "Hình họa là danh dự của họa sỹ" - Salvador Dalis - trừ một số ngoại lệ (Trần Trung Tín là ví dụ) - nên tâm lý coi trọng ký họa như là một cái gì có tính hương xưa, được huyền thoại hóa cũng là dễ hiểu.

Trong tư cách là tài liệu nguồn do thâm nhập thực tế, ký họa có tính chất đối diện với đối tượng: có một khoảng cách tinh thần giữa người vẽ với khung cảnh hay câu chuyện. Một mặt anh ta là chứng nhân của sự kiện, mặt kia ngay tức thì anh ta không để cảm xúc chủ quan của mình chi phối tính chất ghi chép dữ liệu. Vẽ  bằng đường nét là phương tiện vừa vặn với ký họa - bằng một sự nhạy cảm tuyệt đỉnh vốn đã như thế ngay từ nguyên thủy. Người vẽ ở đây đóng vai khách lạ với khung cảnh/câu chuyện. Trong chiều kia, câu chuyện được kể lại (bằng hình ảnh) của một người trở về từ những chuyến du hành luôn có tính hấp dẫn đặc biệt của chốn chưa biết với người thưởng lãm.

Thể loại ký - văn xuôi tự sự, những ghi chép trong văn chương có một phổ khá dài từ nhật ký, ký sự, bút ký đến tùy bút. Chúng có đặc điểm chung là sự di chuyển - trong không gian và thời gian. Rõi theo, mô tả, dẫn dắt. Trải nghiệm, chuyển động, giản lược trong sự kiện và những tự sự trữ tình của người viết/đi được gia giảm liều lượng theo từng đặc trưng thể loại. Với ký, người ta không thể tách ra khỏi câu chuyện cái phong cách lữ khách riêng có và do vậy bản thân sinh động của con người tác giả cũng dự-phần bàng bạc trong suốt các câu chuyện. Ai bình thơ Quang Dũng mà chả nhắc đến nét đẹp trai, hào hoa người Hà nội của ông. Phải chăng đó là cách những câu thơ tuyệt diệu mênh mông rời rạc trong thơ Quang Dũng sống cuộc đời thơ của riêng mình.


Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?


3.
Nhưng điều đọng lại nhiều nhất sau tập thơ với tôi là câu chuyện của Phan Lạc Tiếp (11,1971) về tình cảm mẹ con nhà thơ. "Lời mà cụ Tổng nói với chúng tôi là "Hôm anh Diệm về có hai người đi kèm. Anh chỉ nói với mẹ một câu rằng mẹ đi đi. Thế thôi.". Bài thơ "Nhớ về mẹ" được viết sau đó vài năm.



(Entry này tặng riêng bác Gỗ Mun)


^^



2 nhận xét:

Goldmund nói...

Cảm ơn bác. Hôm qua đọc thoáng trên FB, nay kg thấy nữa, nên vào đây đọc lại:)

Tung H nói...

Vẫn còn mà bác ^^