Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2010

Tôn giáo. Triết lý.

1.
Mở rộng từ comment của bác Kd, tôi lục lại 1 đoạn viết trên blog 360 cũ về những ý niệm của tôi đối với những thứ hết sức đao to búa lớn kia (lol). Sống là đi trên những con đường rừng (lâm đạo - M.H) tìm thuốc chữa bệnh cho chính mình. Không định kiến nhưng có mục đích. Cứu cánh là trải nghiệm. Biểu hiện là sự bình an có thể lan truyền.

2.
Tôn giáo là gì? Bản thân việc sa vào định nghĩa nó sẽ chắc chắn làm tiêu tan đi rất nhiều những giả vấn đề mà ta dự định đưa ra trước đó. Hình như có 1 điểm này mà ngay cả những người tự nhận là đứng trong kinh nghiệm tôn giáo cũng dè dặt khi nói về nó - đó là một dạng kinh nghiệm về cái gì đó toàn thể. Một khát vọng, bức bách, xao xuyến nào đó...Nếu chú mục vào đây thì mọi thứ lại bắt đầu tiêu tán đi đâu hết trọi luôn. Nhưng nó vẫn là thứ dễ dàng nhất để phân biệt người có tôn giáo thực sự với những tình cảm đại trà khác. Chỉ dẫn 1 truyện nhỏ trong Thiền tông - người ta phải 1 mình đối diện với CÁI ĐÓ, vừa đồng thời ở trong 1 dòng chảy vừa đồng thời phủ nhận tất cả những bấu víu đồng đảng. Vậy chớ việc gom họ vào 1 rọ có đem lại ích lợi gì cho họ không??? Huống hồ, một khái niệm hay định nghĩa luôn xuất phát từ một ngầm định có tính mục đích.

Cách chia có ích lợi nhất mà tôi biết là cách chia tôn giáo thành 2 loại của Erich Fromm trong "Phân tâm học và tôn giáo". Một đàng, là sự chia cắt giữa con người và những phẩm tính cao quý; đàng kia, con người theo đuổi kỳ cùng cái tiềm tàng nhân tính của chính mình, có trong chính mình.

3.
Triết lý. Đọc cuốn "Triết học nhập môn" của Karl Jasper lượm được điều này: có lẽ cũng như các triết gia hiện sinh khác nhưng ông đã nói khá giản dị (cho 1 cuốn nhập môn) về cái gọi là "suy tư từ khởi nguồn/nguồn suối". Triết lý không phải là 1 thứ học công truyền, càng không có cái gọi là thần đồng triết học-cho dù quả nhiên người ta phải chịu 1 tư lự có thiên hướng. Tách rời cái nguồn suối đó thì người ta chỉ còn là chơi chữ, lặn ngụp trong tứ cú mà thôi!

Nietzsche là 1 triết gia hấp dẫn và tiện dụng mặc dù hơi lỗi mốt cho nhiều người Việt nam. Vì ông viết như thơ mà thơ thì vietnam ta thành thần. Hơn nữa ông lại viết theo điệu cách ngôn-như từ một thẩm quyền. Được đóng bảo hiểm bằng sự điên loạn kỳ vĩ nên những tăm tối u uẩn thành ra rất mực sang trọng. Cho dù hậu hiện đại chưa lên ngôi thì bản thân cái cảm giác ta, chỉ ta hiêu hiểu ông và ông, chỉ ông hiêu hiểu ta, biện minh cho những dúm dó bợt bạt phóng túng của ta. Bây giờ tình thế có vài thay đổi nhỏ theo chiều hướng tiện dụng hơn - chỉ cần vài nhà văn đương đại u uẩn là đủ.

Đọc cuốn "Schopenhauer-nhà giáo dục" của Nietzsche xong thấy 2 điều.

1. Buồn nản. Sự học thăm thẳm, nếu như những gì mình thấy được từ đây (sẽ nói 1 chút ở mục 2) giúp mình sáng tỏ được đôi điều về cách đọc ông thì nó cũng chỉ ra khối lượng khổng lồ bắt buộc của cái học công truyền, nếu muốn thực sự biết được điều ông nói là nói với ai, lúc nào, ở đâu... Và với triết gia nào cũng vậy cả. Trừ phi là thiên tài, mọi huênh hoang từ dăm ba đoạn sách này nọ đều khiến chúng ta thành kẻ phét lác mà thôi :(

2. Ba nỗi hiểm nguy của nhà triết học/người triết lý:
- Sự hiểm nguy cô độc. "Đó là một kẻ cô đơn về mọi mặt, họ không có đến một người bạn thân thực sự hiểu họ, an ủi họ, và giữa chỉ một kẻ không thôi và không ai cả, cũng như giữa một cái gì với không có gì cả có một vực thẳm hun hút, khi ta có những người bạn đích thực, ta không hiểu được thế nào là thực sự cô đơn, thế nào là toàn thể cuộc đời chống lại mình"

- Cái thứ hai là đã toan tuyệt vọng về chân lý. "Việc khảo sát về những triết gia một nửa hay triết gia một phần ba không có cái thích thú nào hơn là chứng tỏ rằng họ là những kẻ mà, trong dinh thự đồ sộ của triết học, điểm quan trọng là được do dự theo lối mô phạm rởm giữa cái theo và cái chống, cái lý luận phù phiếm, cái hoài nghi, cái mâu thuẫn, tức là những cái ban cho họ quyền lẩn tránh sự đòi hỏi chính đáng của mọi nền triết học lớn lao, mà ý nghĩa của nó là thế này: "Này đây là hình ảnh mọi cuộc đời, hãy suy ra từ đó ý nghĩa cuộc sống riêng tư của anh. Và đổi lại, hãy phá giải ý nghĩa đời anh, anh sẽ khám phá ở đó những chữ mật của cuộc đời toàn thể"

- Cái nguy hiểm thứ ba-cái nguy hiểm lạ lùng nhất: sự kết hợp vô đạo giữa sự chống đối kiên cường (phú bẩm của những kẻ cảm thấy thoả mãn và đầy đủ, chắc chắn về sức mạnh của mình, không ao ước gì hơn nữa...) với nỗi niềm tiếc thương hoài vọng (tái sinh trong con người 1 vị thánh hay 1 thiên tài)


Thích nhất câu này của nhà bác Mai Sơn kia:

Tự do



Là thoát khỏi mọi sự trói buộc

Nhưng tự do còn là thoát khỏi sự phóng đãng của lý trí


Nó hợp với tôi lúc này-thoát khỏi sự phóng đãng không bằng cách: cảm và tóm tắt sự đời theo ý mình :D

Tôi kính mộ những tâm cảnh giản phác thế này:

Tiếng chuông lòng

Tiếng chuông lòng dội buổi tan sương.

Đính lễ quy y trước Phật đường…

Soi tỏ tâm linh nhờ đuốc tuệ

Rưới tan tục luỵ, sẵn cành dương

Giữ niềm bác ái không sai chậy

Thời bệnh sân si khỏi vấn vương

Tôi cũng như ai phường đạo hữu

Mong vào cửa Phật đến Tây Phương.

(Bài thơ cuối cùng của Ưng Bình Thúc Giạ thị).

11 nhận xét:

Titi nói...

Tôn giáo là tôn chỉ sống. Thiếu tôn giáo sẽ thiếu tôn chỉ cho những hành động, sẽ gây hoang mang khi phải chọn lựa, đánh giá.
Triết học là sự nhìn nhận cuộc sống theo một cách riêng nhưng bao giờ cũng sáng suốt. Triết mấy mà để mình cô độc, tách rời cuộc sống là vứt. Hơ hơ...

Tung H nói...

:)

Nặc danh nói...

Cám ơn bác Tùng H đã có một bài viết khá hay,

Tuy nhiên, tôi muốn hỏi bác về những vấn đề liên quan đến suy tưởng và sức khoẻ tâm thần, bởi tôi nhớ không nhầm bác nghiên cứu về public health.

Còn những khía cạnh khác, chẳng hạn tôn giáo, và quan điểm các triết gia, thì có lẽ tôi chưa hiểu ý bác nói hoặc có một đôi chỗ không đồng ý lắm. Nếu bác không phật ý thì tôi xin nói như thế này

1) Tôi nghĩ đơn giản là làm cái mình thích, bất kể người khác nói gì. Mình làm là bởi sự thôi thúc của cá nhân chứ không phải chạy theo cái gì đó phô trương, hình thức.

2) Tôi không nghĩ là triết học cao siêu gì đến mức như trước nay người Việt nhìn nhận. Giống nhà văn, có nhà văn hạng xoàng, có nhà văn nổi tiếng, triết gia cũng có dăm bảy loại, đành rằng triết gia lớn thì phải có tài năng. Điều kỳ lạ là ở chỗ, nếu có ai đó nói rằng muốn trở thành triết gia thì có vẻ như người Việt không tin. Trong khi ở tây, đôi khi chỉ viết được 1, 2 bài luận có một số suy tư hợp lý, người ta đã có thể gọi là triết gia rồi.

3) Việc chỉ trích, chê bai quan điểm của những tác giả đã chết là chuyện bình thường. Thậm chí phương tây, người ta phê bình cả người sống. Không nên dị ứng cho là ba hoa này khác. Nghiên cứu ngành nào cũng vậy, không nhất thiết phải hiểu biết uyên bác thì mới có thể có khám phá, mà chỉ cần hiểu biết sâu về một mảng kiến thức rất hẹp nào đó. Tài năng của một người đến đâu sẽ do xã hội đánh giá, tuy nhiên việc người ta phục hay không phục tiền bối này kia, không phải là vấn đề.

Tôi cho rằng KHXH phương tây hiện nay chú trọng cả chất lượng của nghiên cứu lẫn số lượng. Không nhất thiết cứ phải có khối lượng nghiên cứu đồ sộ mới là giỏi. Cũng giống như viết văn. Có người viết vài chục cuốn tiểu thuyết nhưng vẫn là nhà văn hạng xoàng. Trong khi có người chỉ viết 1 cuốn duy nhất, nhưng lại nổi tiếng thế giới. Đặc biệt là thời đại này, ý tưởng và chất lượng nghiên cứu càng được đề cao. Sở dĩ hiện nay các ngành thiên về lý luận kiểu như triết hay xã hội học không được đánh giá cao, ngay ở phương tây, chính vì thiếu những ý tưởng đặc sắc và các nhà nghiên cứu chỉ chạy theo số lượng.

4) Tôi nghĩ trước nay VN hầu như không có nhà tư tưởng nào lớn là bởi vì hoặc là (i) phương pháp nghiên cứu của người Việt không đúng (ii) hoặc họ không có năng khiếu. Phương pháp không đúng bởi vì người Việt không bỏ ra khối lượng thời gian đáng kể, (v.d vài năm) để nghiên cứu 1 câu hỏi duy nhất, chẳng hạn “lý tính là gì”. Người Việt đọc nhiều, nhưng để quá ít thời gian suy nghĩ, hoặc không nghiên cứu tập trung. Hoặc cũng có thể chính vì không có năng khiếu cho nên họ không đủ kiên nhẫn để theo đuổi 1 câu hỏi duy nhất trong 1 thời gian dài như thế. Giống như không có năng khiếu toán học thì không thể bỏ ra nửa năm trời để loay hoay giải một bất đẳng thức. Tôi tin rằng ngành nào cũng vậy, để nghiên cứu được cái gì ra tấm ra món cũng phải có năng khiếu, bởi nếu không có năng khiếu thì không ra được những kết quả trung gian khích lệ để bạn nghiên cứu tiếp. Và chính vì vậy bạn sẽ sớm bỏ cuộc.

5) Cuối cùng là mỗi người có một mục đích sống khác nhau. Tôi thì mong muốn có một cuộc sống thăng bằng, không làm ảnh hưởng đến người khác và theo đuổi ước mơ sáng tạo. Kể cũng nan giải bởi tôi từng nếm trải cảm giác cô đơn cùng cực, một mình trong vũ trụ, buồn nôn với cuộc sống trong thời gian dài.

Kd

Nặc danh nói...

[quote]Triết học là sự nhìn nhận cuộc sống theo một cách riêng nhưng bao giờ cũng sáng suốt. Triết mấy mà để mình cô độc, tách rời cuộc sống là vứt. Hơ hơ...[/quote]

Bạn nào nói thế này thì tôi không đồng ý được rồi. Triết học là lãnh vực có nhiều người tâm thần nhất đấy, bao gồm rất nhiều triết gia nổi tiếng. Nhưng mà thôi, có lẽ việc ai nấy làm. Cũng chả cần tranh cãi làm gì. Cá nhân tôi thì không có ý định theo một tôn giáo nào mặc dù cũng có thể nghiên cứu về tôn giáo.

Kd

Tung H nói...

Sai 1 ly đi 1 dặm. Vậy nên những chuyện này chỉ nên bàn mà chẳng cần tranh luận. Vốn entry này chỉ để gợi ra một khung cảnh chứ chưa có ý đi thẳng vào câu hỏi.

Bác Kd, tôi chỉ là một người nghiệp dư, có chút kinh nghiệm ít ỏi với chính bản thân mình. Từ góc độ tôi thì tôi nghĩ thế này: với tôi sống chỉ để trả giải quyết một vấn đề, một câu hỏi. Do đó, cần suy tưởng thì suy tưởng. Nếu hôn trầm thì là sai lối. Sai thì điều chỉnh. Những vấn đề này đều phải tự mình trải nghiệm, tự mình giải quyết.

Tôi cũng chỉ đang đi con đường của mình. Không có chút thẩm quyền kinh nghiệm vượt thoát nào. Với tôi, không có sự chia tách lĩnh vực này hay lĩnh vực kia, (tôn giáo, triết lý hay khoa học...)-đây là điều hơi khó giải thích.

Nhưng tôi sẽ thử nói đôi điều về cách tôi đọc sách triết lý, suy tưởng mà tránh được hôn trầm trong 1 bài khác.

Rgds :)

Titi nói...

@KD: À, theo tớ bit thì nhiều bậc triết gia thường nghiên cứu những điều thuộc về vô hạn như vẻ đẹp, tư duy, logic, vũ trụ... mà quên đi cái hữu hạn là cuộc sống, cộng đồng, giao hữu...cho nên có nhiều triết gia bị tâm thần đóa. Ở đâu, ngành nào chẳng có những vị tiêu cực, thái quá. Nhất là trong ngành động não độc lập như triết thì sự tiêu cực đến hủy hoại bản thân là không hiếm đâu. Tuy vậy, rất may là từ khi triết hiện sinh ra đời đến nay thì các vị triết gia tâm thần đã ít đi ròi. Vì triết hiện sinh là nghiên cứu cuộc sống một cách toàn diện chứ không chỉ dò dẫm về những thứ siêu hình và vô cùng như các ngành triết khác :-)

Nặc danh nói...

Bác titi ạ, theo như tôi biết, Nietzsche hay triết gia hiện sinh như Sartre đều có nhiều biểu hiện tâm thần đấy. Ông Trần Đức Thảo cũng vậy, cứ đọc tiểu sử của ông ấy thì thấy cuộc sống của ông ấy rất không bình thường.

Tôi còn cho rằng nếu như không nhìn thấy cuộc sống méo mó dưới lăng kính khác biệt của riêng mình thì không thể nào nghiên cứu triết học được. Bởi vì như vậy bạn mới nhìn thấy những thứ mà người khác không nhìn thấy.

Nhưng mà thôi, quan trọng nhất là mình làm được cái gì, chứ không phải mình là người như thế nào, hoặc mình giống ai.

Tôi cũng dừng topic này ở đây thôi.

Kd

Nặc danh nói...

Xin lỗi Tùng H,

Giờ tôi mới biết không phải Tùng học PH. Tuy nhiên cũng vô tình tôi mới được biết đến site này và bây giờ mới được đọc các bài viết thú vị của Tùng. Tôi sẽ là độc giả thường xuyên của site này.

Kd

Titi nói...

Tôi cũng bit điều mà bác KD nói đến, rằng các vị kia có biểu hiện không bình thường, nhưng là lúc sau này, khi các vị ấy không dừng ở những phát hiện thú vị ban đầu mà tham lam muốn đi sâu hơn thành ra không còn là hiện sinh thuần túy nữa. Khi Sartre viết Buồn nôn, tiểu thuyết nói lên những gì xấu xa nhất của cuộc sống cũng là lúc ông biểu hiện tư duy thái quá về cái xấu. Mà rõ ràng bên cạnh cái xấu thì cuộc sống có rất nhiều cái đẹp, phải không bác KD?

Nếu bác không sẵn sàng nói về triết tôi cũng không bàn thêm nữa. Vì suy cho cùng, tôi cũng là kẻ ngoại đạo. Nhưng tôi rất thích nói về triết, chỉ là để nhìn cuộc sống sáng suốt đúng như tiêu chí tôi nghĩ về triết học thôi :-)

Cám ơn bác KD và bạn Tùng H đã mở diễn đàn này :-)

Nặc danh nói...

Bác titi ạ,

Nhiệm vụ của nhà văn là phát hiện cái xấu, khuếch đại nó lên để độc giả ghê tởm nó, đồng thời có biện pháp để xoá sổ nó. Dưới tư cách nhà văn, Sartre làm thế là đúng rồi (mặc dù quả thật tôi chưa đọc Buồn Nôn của ông ấy).

Bác đọc tội ác và trừng phạt của Dostoevski hay Trăm năm cô đơn của Marquez cũng vậy. Ngoài đời làm gì có gia đình, dòng họ nào như thế.

Kd

Titi nói...

Trời! Bác phải đọc Buồn nôn thì mới thấy không thể so với Tội ác và trừng phạt hay Trăm năm cô đơn được. Một bên là nhìn đời cực kỳ tăm tối, cho rằng tất cả là vô nghĩa, còn một bên dùng tăm tối để làm nổi lên vẻ đẹp khác nhau của cuộc sống.
Cũng may bac chưa đọc Buồn nôn. Tôi đọc xong thấy thất vọng về Sartre lắm :-P