Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2007

Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn

Hôm nay khai hội chùa Hương. Lục bài viết cũ kể chuyện lang thang cũ. 5 năm rồi. Lại nhớ câu thơ của Vũ Hoàng Chương

Thôi rồi ra chốn nước non

Lòng son lại để xổ con chim trời
Thú hồ bể quyến mời du tử
Niềm thê nhi khôn giữ được người
Biết sao trái được tính trời
Giang hồ cốt ấy trọn đời phiêu linh.
Ngày xưa hay nhớ mấy câu kiểu "Cực nhân gian chi phẩm giá phong nguyệt tình hoài/Tối thế thượng chi phong lưu giang hồ khí cốt"; "Cảnh vô sơn thủy phi hùng tráng/Nhân bất phong sương vị lão tài"; "Thiên mã hành không, độc vãng độc lai"...Bây giờ mình không phải là đang lang thang sao?

Sơn cùng thuỷ tận nghi vô lộ
Liễu ám hoa minh hựu nhất khai.

---------------------------------


Dòng sông trắng và bờ sông cũng trắng
Một vệt người
vô vọng
ngó thời gian.
Và họ chết.
Không còn lạnh nữa.


Lửa bồi hồi trong tim nến
Đêm nghẹn lời nhắc lại một ngày xưa
Rất mơ hồ tôi bắt gặp tứ thơ
Câu chuyện cũ tưởng như không hẳn thế
Tự luân hồi ta đã hẹn mai sau
Em sẽ khóc và sương và giá lạnh
Tôi sẽ đàn và lại hát vu vơ
Bài thơ buồn sẽ tan loãng theo sương
Trăng nhắc nhở bằng màu trăng dịu mát
Tôi tự buồn rồi tôi sẽ tự vui

Ừ -thì sương thì trăng thì chiều hôm nắng nhạt
Ừ -loang chiều là một mái chèo xuôi
Ừ -kỷ niệm, ngày xưa là kỷ niệm

Bây giờ, em nhớ ngày xưa
Bây giờ, tôi nhớ ngày xưa

Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Vịn câu thơ








Hương Sơn.

Lần đầu tôi đi Hương Sơn là hồi bé tí, còn nhớ lại là một ngày xuân mưa gió, một quang cảnh bến Đục đầy bùn, con đường trên núi mơ hãy còn chìa ra sát lề đường...đủ để làm được một bài văn kể chuyện về một chuyến du lịch sau này được cô giáo khen là viết đúng vì đã có chuyện đi đò trong khi lũ bạn thì chỉ bịa...
Một nhóm bạn rủ tôi đi Hương Sơn vào một ngày chủ nhật cuối năm. Hôm ấy là vào ngày rằm cuối năm, nhưng lại vào chủ nhật nên hầu như khi chúng tôi vào đến Thiên Trù thì cũng chẳng có đoàn khách nào khác. Tất cả có mười người, quyết định đi lên núi luôn rồi mới tính chuyện nghỉ lại ở đâu. Chỉ nhớ lúc lên núi nghiệm được bí quyết đi rừng là thong thả, nhẹ nhàng, thăng bằng lại là được việc nhất. Ngày ấy tôi đang trải qua một giai đoạn lạ lùng với chính mình vì chưa bao giờ như thế cả-cái tâm trạng của những năm đầu của tuổi hai mươi. Khi mà tự nhiên tôi thấy không còn có thể định ra được rõ ràng điều gì là tối quan trọng nữa. Tôi vẫn có thể cố gắng đạt được mọi mục tiêu như mọi người nhưng bỗng nhiên tôi thấy nó không hiển nhiên, nhất thiết và chung cho mọi người như trước kia nữa. Ngày trước chỉ lo đi học, giỏi hơn, giỏi nhất ở đâu đó, rốt cùng là đỗ đại học, thế thôi. Bây giờ có một điều gì đó thôi thúc mà không cụ thể được đó là gì. Giờ thì tôi gọi nó là mong muốn có được một lẽ sống để mình có thể tận lực máu xương trong ấy...nhưng trước kia nào tôi có thể rõ ràng thế được. Cũng chưa bao giờ biết tới văn chương hay triết lý hiện sinh gì cả nên cũng đỡ được nhiều cái mũ không cần thiết sau này-duyên nghiệp thường làm tôi có cái may mắn (hay là không may?) là mọi điều rất cũ kỹ với mọi người do đọc mà biết thì với tôi lại là rất vừa vặn khi đã trải qua rồi mà biết được lại có ai đó cũng thế...Phật giáo với tôi lúc ấy chỉ là một thứ mê tín vô hại của bà của mẹ...cho dù đã được lướt qua khi học lịch sử triết học. Triết học chỉ dành cho một thế giới hâm hâm khô khan...Tôi đọc nhiều với bất cứ cái gì vớ được chỉ là một thói quen ham mê nghiện ngập hơn là một chủ ý học tập...Vì vậy lúc lên núi thì tôi đang là vậy, chỉ cảm thấy rất bị thôi thúc vì một nhu cầu nội tâm, một sự bất an mà không ý thức rõ được (ngay cả cách diễn đạt này cũng chỉ là của bây giờ thôi). Cảnh vật nhẹ nhõm trong một buổi sáng khô ráo trong lành. Chúng tôi ghé qua chùa Giải Oan thăm thú. Có một chú tiểu khoảng ba mươi chào đón rất niềm nở. Chú mượn cây đàn ghi ta và rủ mọi người cùng hoà theo một câu niệm Phật. Chúng tôi chỉ nhìn lạ lẫm mà không thể làm theo được, hơi ngài ngại...Một quãng nữa lên đến Cửa Võng có một quán hàng nằm chìa ra mé núi, chúng tôi quyết định nghỉ ăn trưa ở đó. Ngày thường thưa khách nên cô chủ quán rất vui vẻ nhẹ nhàng, nói chuyện một lúc thì quyết định sẽ ngủ lại ở đó tối nay... Buổi trưa trên núi yên tĩnh, trong lành.
Hương Sơn. Sau này tôi còn nhiều lần ghé qua cái quán nước ở chỗ đền Cửa Võng ấy, vì đã thành quen thuộc và ở đây tôi có thể ở lại bao lâu tuỳ thích mà chẳng phải băn khoăn gì. Nhà cô Nhật và chú Biên cũng ở trong làng Yến, nhưng quanh năm luôn có một trong hai người thay phiên nhau ở lại trên núi trông hàng, lên núi lần nào cũng gặp cả. Con Nít giờ không biết còn không, ba năm trước nó đã già lắm và lứa con thứ ba của nó cũng đã là một con chó trưởng thành. Nhưng không con nào khôn như con Nít cả. Ban ngày nó quanh quẩn và như thể không đoái hoài gì nhưng ban đêm thì rất nhanh nhạy, và không lầm người quen bao giờ. Có hai lựa chọn để ngủ qua đêm, hoặc là trong nhà hoặc là trong vách đá phía sau quán hàng. Đây cũng là chỗ rẽ để đi vào Thung Mây. Ban sáng, thường có người đi nhặt củi hay đi vào tiếp tế đồ cho người nhà trong Thung Mây ngang qua chỗ nằm. Nhớ lần đầu nghe tên Thung Mây là tôi và một anh bạn liền mê ngay và xin đi theo hai người có việc đi vào trong ấy cho đi theo. Một bà lão khoảng ngoài 60 và một đứa bé khoảng mười tuổi. Bà lão có nhà trong ấy, hai vợ chồng già ở với nhau, ông chồng là người dân tộc. Mấy hôm vừa rồi có việc ra ngoài làng hôm nay quay vào. Bà gánh khoảng 15kg gạo và các thứ linh tinh bằng một đôi quang gánh, tay phe phảy cái quạt nan-hôm ấy là vào giữa tháng 7, trời rất nóng. Cậu bé vào chơi với bố mẹ đang ở trong Thung Mây. Nhà họ ở ngoài làng Yến nhưng hai vợ chồng vào trong đấy khai khẩn làm vườn và nuôi tằm. Từ Cửa Võng đi vào Thung Mây mất khoảng 4 cây số đường rừng (?); người dân ở đây coi việc đi đi lại lại trong ngày là bình thường. Lúc ấy vào gần trưa, chúng tôi tính đi vào chơi cho biết rồi quay ra vào chiều tối.
Thung Mây-cái tên nghe gợi một thung nhỏ mơ màng trong hẻm núi, với vài nếp nhà và những vườn cây...Đoạn đầu đường khá bằng phẳng, chúng tôi ngỏ ý gánh hộ bà lão một đoạn. Nhưng đến khi bắt đầu gập ghềnh thì bà bảo để tôi gánh nếu không sẽ không đi nhanh được. Mà quả thực, dù mọi người gọi là đường mòn dễ đi mà trong khi cậu bé thì vừa đi vừa chạy nhảy, bà lão vẫn vừa quảy quang gánh vừa quạt phe phảy mà hai anh em chúng tôi thì dùng cả hai tay hai chân vừa vịn vừa bò mà vẫn luôn nơm nớp sợ ngã. Phần nhiều quãng đường là men đá tai mèo, lúc lên lúc xuống đều hơn 1m, sảy chân là tai nạn như chơi. Đất nhiều chỗ trơn trượt, cây lá rậm rạp. Tôi còn đỡ vì khi đi rừng luôn mặc áo dài tay, quần bò, giầy kín an toàn...còn anh bạn thì quen thói áo phông quần soóc nên tha hồ cho lá cứa nát chân tay...Rừng mùa này thì tương đối khô ráo, ít muỗi bọ, nhưng nói chung chẳng ấn tượng gì. Toàn là cây rừng thứ sinh, phần nhiều là cỏ dại cao lút đầu. Cũng chẳng có chỗ nào mà có tầm nhìn bao quát ngắm nghía cả. Cứ cắm cúi đi theo mọi người và hy vọng đến nơi mọi thứ sẽ thay đổi...Bất chợt được bảo là đã đến nơi. Thật là quá thất vọng vì đây rất nhỏ và không có gì đặc biệt. Nghe bảo đi tiếp nữa thì sẽ ra mạn đường đi Hoà Bình. Cảm giác thế nào nhỉ? Bạn cứ tưởng tượng như khi mình nghĩ mình đang ở một góc cùng tận của thế gian rồi bỗng nhiên nhận ra ở rìa mép nó vẫn là cái thế gian thường ngày kia. Cảm giác này còn thường xuyên đeo bám tôi những khi tôi toan tính núp mình vào đâu đó-sống dưới ánh sáng chói chang của mặt trời, trước đôi mắt trên cao của chính mình thật quá khó khăn và đôi lúc hoảng sợ...
Thung Mây. Hình như mỗi lúc tôi đang lơ mơ, ngộ nhận đâu đó thì lại có một duyên may cảnh tỉnh nhắc nhở tôi, giúp tôi nhìn được rõ hơn nữa. Khung cảnh ở Thung Mây là một sự thực chẳng níu kéo chút nào những ảo tưởng về một cái tên. Ở đây rất khô cằn, thiếu thốn. Chúng tôi vào nhà bà lão trước. Đấy là một căn nhà đất tuềnh toàng và rất bẩn thỉu. Một con chó mẹ và lũ chó con lê la trên mặt đất, ghẻ lở, ruồi muỗi. Phân của mấy con chó con thì gọi con chó mẹ vào dọn. Khó mà tưởng tượng được là vẫn còn những căn nhà như vậy nếu chưa bao giờ gặp. Trong khi tôi đang ở trong nhà nói chuyện thì anh bạn tí toáy bên ngoài. Bỗng nghe "Đoàng" một tiếng rất to và tiếng anh bạn la thảng thốt. Tôi lặng người, mọi ý nghĩ trống rỗng trong mấy giây. Tôi chạy ra ngoài. Anh bạn đang bưng mặt. Khói thuốc súng vẫn còn mù mịt và có thể trông thấy xạm khói đen trên mặt anh ta. Nghe tôi hỏi anh nói không biết hai mắt có sao không, nhưng rất đau nhức. Tôi thoáng hoảng hồn-khi còn sáng mắt hai tay hai chân còn chẳng ăn ai, bây giờ mà mù dở thì làm sao ra khỏi đây? Rất may rồi mọi việc đều không sao cả. Hoá ra thấy có cây súng kíp dựa ở hiên nhà anh ta tò mò ngắm nghía. Giương súng nhắm bắn rồi bóp cò vì nghĩ là không có đạn. Biết đâu người dân tộc ở trong rừng lúc nào súng cũng sẵn sàng để phòng những nguy hiểm đột ngột không lường trước. Thật là hú hồn, biết đâu nếu có ai cũng ở ngoài rồi lại ngắm vào nhau mà bắn doạ thì còn ra sao?
Căn nhà thứ hai của hai vợ chồng người nuôi tằm được xây bằng đá để trần. Nói chung mọi thứ đều rất tuềnh toàng tạm bợ, thiếu thốn. Họ cũng trồng vườn nhưng cây cối ở đây không mọc được vì đất cằn cỗi, lại thiếu nước. Họ đã vay một số tiền để vào đây làm ăn. Giờ chỉ còn hy vọng vào lứa tằm đang cuộn kén mà thôi. Mấy trái mít mật được bóc ra mời khách ăn thật khó khăn. Cảm giác ra về là một nỗi băn khoăn trĩu nặng. Không hẳn vì những khó khăn của mọi người ở đây nhắc nhở tôi về những gì mình đang có. Mà còn vì những dự cảm buồn nản về câu chuyện chệch choạc trong căn nhà đất. Nghèo khó luôn đi cùng với thiếu hiểu biết và thường cũng làm con người ta khô khan, thiển cận...Vẻ nhẫn nhịn cần mẫn của hai vợ chồng người nuôi tằm ít nhiều còn gỡ lại đôi chút hy vọng. Và đứa trẻ dù sao nó cũng không ở hẳn trong này...
Hương Sơn. Bữa trưa ở Cửa Võng diễn ra nhanh chóng với đồ ăn đã chuẩn bị sẵn từ trước. Thực ra lần ấy tôi đi Hương Sơn với một sự thờ ơ nhất định và chỉ váng vất đôi chút cảm giác xao động khi đi qua rặng cây thưa ngay đoạn từ bến đò đi vào cổng Thiên Trù thôi. Ngoài ra tôi phải vận dụng nhiều trí tưởng tượng để nghĩ về xa xưa khi rừng còn nguyên sinh và cái ngày mà lần lượt ba vị sư vô danh đến tu ở đây (bây giờ còn mộ tháp ở khu Thiên Trù). Đầu giờ chiều chúng tôi bắt đầu leo vào động chính. Lúc xuống cửa động nhìn mấy bậc thang cũ kỹ, trên còn ghi những dòng nguệch ngoạc từ những năm 1930, tôi chợt nhớ tới câu chuyện đi du xuân của nhóm Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính hồi đó. Họ thuê một chiếc thuyền, một đào nương, mang theo cả một con dê cột ở đuôi thuyền. Rồi xuôi theo sông Đáy (?) vào chùa Hương. Sau đấy là câu chuyện về xuất xứ bài thơ Em đi chùa Hương nổi tiếng và cả bài thơ cô hái mơ nữa, kết quả của buổi chiều lang thang một mình của Nguyễn Bính vào Thung Mơ. Thung Mơ ngày xưa hẳn là đẹp lắm...
Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tất
Đó là câu niệm Phật mà sư Tri đã mời chúng tôi cùng hoà theo một hợp âm lúc ở Giải Oan. So với những người khác thì sadi này làm tôi có cảm giác thoáng qua là người có chiều sâu với cách ăn mặc đơn sơ bạc màu, chân tóc lấm tấm điểm bạc càng làm khó đoán chính xác tuổi...Chùa Giải Oan sáng hôm ấy sạch sẽ, nhẹ nhàng, nép mình bên vách núi chênh vênh, nhìn xuống thung lũng và con đường núi trước mặt. Những lần sau, tôi ghé qua đây như một nơi chốn quen thuộc, không phải để lễ bái hay hỏi kinh sách chi cả, chỉ đơn sơ như ghé thăm một người quen biết cũ, cốt để được ngồi ở chiếc bàn gỗ trên mé núi, nhấp chén trà mạn nhìn nắng buổi sáng bâng khuâng với vài bông gạo lẻ loi...Mỗi lần nhớ mấy câu kệ của chú, "Chén trà trong hai tay/Chính Niệm nâng tròn đầy/Thân và Tâm an trụ/Bây giờ và ở đây" thì tôi lại nhớ một buổi sáng cuối xuân đầu hạ nhẹ nhõm với mấy bông hoa gạo lác đác xưa...Sau này rồi bằng những duyên nghiệp nghi ngẫu tôi mới thấm hiểu cái diệu dụng của việc chiêm niệm danh hiệu của Quán Thế Âm bồ tát là như thế nào. Nhưng ngày hôm nay, liệu tôi chắc có thanh thản tụng được một lần câu niệm Phật đơn sơ ấy không, trong tâm an trú và buông xả?
Hương Tích. Bước xuống vài bậc thang đầu tiên vào một ngày vắng vẻ là bạn sẽ có cảm tưởng bước sang một thế giới khác. Dù là từ trên nhìn xuống miệng động như đáy của một cái giếng mà miệng của nó là tít trên đỉnh dãy núi vây quanh, cảm giác như nhìn xuống một thế giới khác riêng biệt, hay là từ dưới nền động dõi theo những cột ánh sáng trong veo hay những thân cây thẳng tắp cuốn quýt dây leo vươn lên tận vòm trời trên cao kia. Mây trắng phiêu dạt. Mỗi tiếng nói đều vang vang âm vọng, điểm xuyết trong tiếng chim rừng chiu chít...
...Khi chúng tôi xuống động là quãng 1 giờ trưa. Quãng này là lúc nhỡ cữ nên hầu như chẳng có lấy một khách lẻ lai vãng. Bên dưới động chúng tôi nhận ra chú tiểu đã gặp lúc ở Giải Oan đang ngồi một mình sắp xếp một tác phẩm điêu khắc đá-một bông sen đá xanh, một bàn chân bằng đá trắng, một viên đá trắng tròn xoe, mấy chữ nho... Một dạng sắp đặt thì đúng hơn. Hình thức không khéo, ẩn dụ lại quá rõ ràng nên hầu như tôi không để ý, còn gần như là phản cảm vì sự vụng về nôm na và một dạng hệ luỵ hình thức. Tôi lơ đãng quay nhìn vòm trời trên cao kia. Loáng thoáng tiếng bạn bè hỏi chuyện..."Cái này để bán à?"-"Có thể"- "Ba cái kia là cái gì"...Trong đoàn chúng tôi có cậu bạn người gốc Hoa, biết một ít chữ nho nên đang ra dáng đạo mạo hỏi chú tiểu "Có phải chữ Phật có nghĩa là người giác ngộ không?" (Tôi không biết nhưng lúc ấy không thích những câu hỏi chỉ có tính khoe chữ như vậy). Chú tiểu ngập ngừng một lúc rồi nói " Thực ra, có nhiều nghĩa khác nhau để hiểu...Một trong các ý nghĩa khác là Phật là người đã đạt đến tự do..." - Tôi không thể tả rõ ràng được điều gì đã xảy ra với tôi lúc đó. Nó không choáng váng, sửng sốt hay gây chấn động, mà là một cảm giác hốt nhiên sáng tỏ-một sự nhớ lại. Bạn biết là cho tới lúc đó ngay cả cái gọi là nội tâm tôi, tôi còn chưa biết cách dùng từ mô tả và ý thức đến. Vậy mà, trong thoáng chốc những danh từ ý niệm Phật giáo vốn đang trống rỗng không có nội hàm trong tôi trở nên sáng tỏ, giản dị, gần gũi, và thiết thân-tôi bỗng biết bản thân tôi, bỗng thấy cùng cảnh ngộ với tiền nhân... Tôi quay lại, chăm chú hơn vào mọi sự, nhưng cũng không hề có ý định bày tỏ gì. (Lúc ấy, tôi cũng chưa hề biết gì về Tịnh độ tông hay Thiền tông chứ nói gì đến những ngữ cảnh, những trạng thái ngộ đạt, các cách biểu đạt thông thường mà bây giờ tràn lan khắp nơi đâu...). Cũng chỉ nghĩ là do tự mình tình cờ biết nên không chú ý đến chú tiểu lắm...Chúng tôi quay lên trên. Tôi hơi bỡ ngỡ nên vô tình đi sau cùng. Chân vừa bước lên bậc đầu tiên thì bất chợt chú tiểu kia nắm chặt cổ tay tôi, ghé tai nói có vị sư còn gọi Phật là cục phân khô cơ...Tôi không còn kinh ngạc nữa, nhưng vẫn lãng đãng đâu đó, không thể trở về được với câu nói đó. Tôi đi lên.
Hương Sơn. Cửa Võng. Buổi chiều ở trên núi qua rất nhanh. Ngày thoáng lặng xuống rồi đêm đã nhập nhoạng đến ngay. Khách vãng lai đã hết hẳn từ cữ 3-4 giờ chiều. Quán hàng của cô Nhật cũng như chùng xuống, trở thành một nếp nhà đơn sơ, dân dã với mấy đứa cháu về chơi. Bữa cơm trên núi tuềnh toàng mà ấm áp lạ.
Đến khoảng 8h tối thì máy phát điện cũng ngừng hẳn. Cả khu vực chìm vào trong một bầu không khí vắng lặng dị thường. Sương lạnh bắt đầu bốc lên làm mọi người tự nhiên quây quần bên ngọn nến đang bập bùng trong hốc đá. Tất cả có phần hơi háo hức và bỡ ngỡ với lần đầu tiên trên núi này. Không biết làm gì trong lúc chờ trăng lên, chúng tôi ngồi nói chuyện bâng quơ miên man...Ngôi đền Cửa Võng ban ngày khách thập phương ra vào nhiều lại nhỏ bé nép vào mé núi nên cảm thấy gần gũi bình thường bây giờ trong đêm bỗng trở lên lặng lẽ, nghiêm trang như thuộc về một cõi khác-khác hẳn, xa lạ...Giải Oan chỉ cách một quãng mà bây giờ tưởng đến cũng như đâu đó diệu vợi..Tiếng chó sủa đêm thỉnh thoảng lại rộ lên, rồi tiếng bước chân của ai đó đi lại, ánh đèn pin loang loáng, vụt hiện, vụt tắt. Tất cả làm mỗi người có lẽ đều bất giác se mình lại...
Cửa Võng. Sau này lần nào lên núi tôi cũng ngủ lại dưới vách đá đó. Nó nằm nép ngay bên đường đi lên động Hương Tích, mặt kia nhìn ra lối rẽ xuống Thung Mây. Buổi sáng nếu ngủ quên, (thường ít khi ngủ quên vì ngủ trên núi người rất nhẹ nhàng, buổi sáng thức giấc rất tỉnh táo.) thì cũng sẽ nhanh chóng bị tiếng chuyện vãn của người lên động hay vào Thung hái củi ghé nghỉ chân làm thức giấc. Buổi tối những đêm sáng trăng thường rất lay động. Nhưng trong những đêm tối trời thì mọi thứ như quánh đặc lại. Đốt một ngọn nến rồi nhìn bóng mình bập bùng trên vách đá còn đỡ. Nhìn ra ngoài cứ hụt hẫng chới với sao sao ấy..phía ấy là thung lũng và đêm tối mù mịt. Đêm giao thừa Thiên niên kỷ, thức với bóng ngọn đèn dầu leo lét, nghe tiếng đài bán dẫn ngai ngái tường thuật chương trình đón thiên niên kỷ mới có một cảm giác thật xa xôi...Dưới quầng sáng mờ mờ của ngọn đèn hoa kỳ, tình cờ tôi đọc trong mẩu báo cũ bài viết của Băng Sơn. Tản bút về Hương Tích, về tiếng hải triều âm, tiếng nhân gian tam sinh, về Quán Thế Âm. "Sơn cùng thuỷ tận nghi vô lộ/Liễu ấm hoa minh hựu nhất thôn". Tôi không nghĩ mình đang ở cảnh sơn cùng thuỷ tận vô lộ nhưng lẫn trong tiếng chiếc đài cũ kỹ đang hân hoan kể chuyện thế gian trên mặt đất này, đếm một điểm thời gian tưởng tượng mà lại tình cờ đọc được lời man mác về Quán Thế Âm, về tiếng hải triều âm...một lời tương giao, thì quả thực câu thơ dẫn ở cuối bài viết kia là một duyên lành cho cõi lòng tôi ngày ấy...
Một lần tôi đi cùng năm người bạn. Lúc đến nơi thì có hai người quay về ngay vì có việc. Thành ra lại còn có hai nam, hai nữ (dễ liên tưởng quá nhỉ-mà thật sau này một cô thành boss mình, nhưng không phải tại lần ấy!). Tối ngủ chung tại vách đá này, xếp túi làm biên giới .Trừ mình đã quen leo ra, mấy người kia mệt, loay hoay một chút rồi đều khò cả. Chú bạn ngủ một lúc là bắt đầu ngọ ngoạy, lại còn gãi lung tung...nữa chứ. Mình phải nhoài người ôm chặt, không cho quân gian ác này mượn ngủ mà mơ...Ngày ấy mình trong sáng, nghiêm cẩn lạ, có lúc ngồi dậy mông lung, cũng không hề có ý ngó sang bên cạnh dù một thoáng. Đêm vẫn đen như mực...
Hương Sơn.
Cửa Võng...Để vui chuyện, một cậu bạn đưa ra sáng kiến là mọi người sẽ kể chuyện ma cho nó khỏi phí đi cái đêm tối mông lung giữa rừng như thế này. Mấy cô gái phản ứng yếu ớt vì xem ra tuy sợ nhưng cái phần tò mò đã thắng thế. Phần tôi, lúc này đang miên man với những tri kiến vừa khai mở nên thấy rất rõ tâm trạng của mọi người và rồi câu chuyện sẽ đi đến đâu. Tôi nôn nóng muốn đến lúc thích hợp sẽ chia sẻ những kiến giải về cuộc sống với mọi người và khơi gợi mọi người về một nguồn mạch khác nên cũng thuận theo chiều câu chuyện ngồi nghe. Từng người lần lượt kể chuyện ma mình biết. Ai cũng nhận là chuyện đã chứng kiến nên câu chuyện rất ly kỳ và hồi hộp. Những chuyện tựa tựa như bên topic ma mà mọi người đang kể. Chuyện về căn buồng của bà cụ già mới chết trong ngõ tối khu Hoa kiều đêm đêm có tiếng ho của bà lụ khụ thâu đêm, có người vào lại im bặt...Chuyện thầy cúng ra mộ bắt ma....Tự nhiên mọi người đều thấy gai gai và bóng đêm cũng như tăng thêm phần bí hiểm. Một vài bạn gái đã lộ vẻ sợ hãi và đề nghị thôi không kể nữa. Tự nhiên mọi người lại xoay sang an ủi, động viên và dùng các lý thuyết, thực tế để phân tích và tranh luận về việc có ma hay không, có thế giới bên kia hay không. Xem ra lý giải thì lý giải chứ nỗi sợ hãi e ngại của một số người thì khó lòng mà yên xuống được. Đêm ở trên núi có nguy cơ dài vô tận...
...Tôi biết mình nên làm gì lúc ấy. Tôi đề nghị sẽ thay đổi không khí bằng cách đọc tặng mọi người một bài thơ của Nguyễn Bính, bài "Những bóng người trên sân ga". Tiếng guitar bập bùng xen lẫn bài thơ nhiều cảm xúc nao lòng. Những mặt người thấp thoáng trong ánh lửa nến. Tự nhiên mọi người thấy gần gụi nhau hơn và ấm lại những tình cảm sống, nỗi sợ hãi cõi lạnh đã vơi đi nhiều...Sau bài hát (Thời hoa đỏ) làm tan dần cảm giác lạnh lẽo mọi người chia sẻ cảm giác về những tâm tâm trạng của bài thơ, của sân ga, những chuyến tàu đi...Tôi nhắc lại ý nghĩ của mình về chuyện ma lúc trước. Hình như tôi đã nói đại ý là chúng ta sống trên đời này có nỗi lo sợ lớn nhất là sự không còn tồn tại nữa, không_còn_gì_cả chứ không phải là nỗi sợ chết. Nó núp sau nỗi sợ chết. Thêm nữa là nỗi sợ lẻ loi cô độc, sợ không có ai nhớ nghĩ đến mình như là mặt sau của nỗi sợ_không_là_gì cả kia. Phần tôi, tôi không quan tâm đến việc có thế giới bên kia hay không và đương nhiên tôi không sợ gì ma cả. Thử hỏi, ma có thể làm gì chúng ta (nếu quả ma là có thật), cùng lắm của đau đớn là cái chết thì bây giờ cái chết đâu có phải là cùng tận? Làm ma chả thích hơn làm người à? Không còn phụ thuộc vào thân xác trần tục nữa, có thể lang thang trên ngọn cây, giơ tay níu lấy trăng ngàn và ánh sương mờ đã ướt áo (Hàn Mạc Tử)...Có thể giúp người mình yêu thương...Vậy là sống có người tốt kẻ xấu, chết chẳng lẽ xấu hết à? Chết rồi thì quay ra xấu hết à? Phần tôi, tôi không quan tâm đến những gì mình không thể can thiệp bằng năng lực con người được. Cái tôi quan tâm là làm sao cho hết những gì mình có, để mỗi mỗi phút giây tôi yên vui vì chính mình cơ...Sương đêm đã loãng dần và trăng đã lên cao dần. Ánh trăng dịu mát toả phủ mơ màng phụ thêm phần cho lý lẽ của tôi. Và một cơn xúc động cộng cảm lan toả. Có một cái gì đó thức dậy trong lòng mỗi người. Ai cũng trở về với chỗ sâu thẳm riêng tư nhất và bộc lộ mình theo mỗi cách khác nhau. Có người ngồi lặng lẽ lắng nghe. Có ngươi kể về kỷ niệm tuổi thơ, một kinh nghiệm về xử thế, một nỗi buồn mặc cảm bấy lâu, một nỗi sợ hãi thuở bé...có người khóc nhẹ...Ngồi lặng nghe câu chuyện lòng của mọi người mà tôi thấy bồn chồn vì thấy những tri kiến của mình đã có ích và nó có thể còn soi tỏ vấn đề của mỗi người được. Nhưng tôi không muốn ngắt dòng cảm xúc của mọi người. Tôi chờ đến lúc thích hợp. Nhưng cảm giác rất bồn chồn. Tôi phải ép mình lắng nghe mọi người, tay ghìm ghìm dây đàn mãi một âm điệu bass trầm trầm. Hình như có ai đó đang đi ngoài kia trên đường núi cũng dừng lại lắng nghe những câu chuyện ấy. Mọi thứ đọng lại...
...Rồi đ iều kỳ diệu đã đến với tôi. Càng lắng nghe, lòng tôi càng chùng lại giãn ra thư thả. Tôi không chỉ hiểu điều mọi người đang nói, mà tôi biết. Tôi biết mọi việc là như thế, mọi người là như thế. Tôi đồng cảm và chia sẻ với mọi người từ sâu thẳm mà không còn mảy may ý định biện bác ngôn từ. Một niềm an lạc khôn tả. Mãi đến tận bây giờ tôi vẫn thấy đấy là kỷ niệm diệu kỳ nhất mà tôi đã có được, mặc cho những kiến thức mới, kiến giải mới là như thế nào. Bây giờ thì tôi đã biết cái học với cái tu nó cách nhau một sợi chỉ đường tơ mảnh mai như thế nào. Nếu giây phút tỏ ngộ dưới động Hương Tích là cái loé sáng chỉ đường thì cái giờ phút lãng đãng bên Cửa Võng đêm rằm tháng chạp năm ấy là sức sống chân thật nâng đỡ tôi trên mọi nẻo đường tinh thần âm u. Không bao giờ tôi còn bị đánh lừa bởi cái hời hợt của lý giải biện luận nữa, dù nó cần thiết. Tôi chỉ tin những luận lý, ngôn từ khi trong tôi cũng sống động tràn đầy cảm nghiệm sinh động. Và mỗi lúc vấp váp quỵ ngã đau lòng hay những lúc ốm đau mệt mỏi, tôi thường dùng chính nó để soi lại chính mình, xem mình thực ra đang ở đâu. Và luôn luôn cái đêm sáng trăng sương mù mịt, một đoàn người lang thang khắp núi mơ màng là nguồn an ủi nâng đỡ tôi mỗi lúc...

Không có nhận xét nào: