Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2007

Viết vào lúc khuya 1


Chúng ta sống trong 1 thế giới vô thường. Mọi sự đều thay đổi và ngẫu nhiên-ngẫu nhiên tới dửng dưng vô tình. Nhưng phần lớn chúng ta không nhận ra được sự thực đó. Và vì vậy, xét một cách nào đó-một đại dịch trên toàn thế giới cũng có một khía cạnh tích cực là làm cho chúng ta nhận rõ hơn sự phù du của kiếp sống làm người. Khi mà dịch bệnh tai quái luôn rình rập và vặt những sinh mệnh-hệt như vặt cỏ-chẳng phân biệt tốt xấu, sang hèn; chẳng có lý gì cả. Thần chết chẳng thèm kiêng dè gì mà không thu gom cả một số đông con người vốn nhỏ bé yếu ớt. Cuộc sống hiện đại què quặt làm chúng tai ít đi những kinh nghiệm sống động trực tiếp. Chúng ta không biết và không muốn tin là lại có thể có rất nhiều người chết một lúc, dửng dưng vô nghĩa lý. Hãy xem, đã từng như thế rồi, nhưng con người không ghi nhớ và học hỏi được gì nhiều từ lịch sử cả. Đây không phải là vấn đề nhận thức đơn giản mà nó có một chiều sâu như thế này: đó là chúng ta rút được những kinh nghiệm chỉ từ những vấp váp-mọi lý thuyết, lời khuyên, sự giáo dục, cảnh tỉnh đều chẳng thể là yếu tố quyết định. Một vài cá nhân nhạy cảm, tinh tế hơn sẽ có cơ may nắm được phần mong manh dự kiến hơn số còn lại.

Nhưng không phải chuyện đại dịch là một vấn đề - nó là một sự kiện, một sự kiện trọng đại làm khơi dậy những vấn đề muôn thuở của kiếp người, một cách tha thiết, nóng cháy nhất. Những vấn đề nhân sinh thường man mác, lẩn khuất trong tâm trí ta. Đôi khi tụ hội thành nỗi buồn vơ vẩn lúc ta bơ vơ, nhàn rỗi. Ta chưa bao giờ có đủ khả năng để đối diện với nó. Thậm chí ta chẳng còn biết là phải làm gì nữa. Tâm trí con người tự nhiên trôi chảy, hỗn độn, chớp nhoáng, vụt chạc như con khỉ chuyền cành-từ lúc nào ta lớn lên đã như vậy rồi. Trách sao ta mong tâm ta tĩnh lặng mà chẳng bao giờ ta thực sự làm lặng yên dòng tâm thức kia..

Bây giờ thì có vẻ đã đôi chút thay đổi. Chưa bao giờ ta cảm thấy được sống là đáng quý như lúc này. Nhưng được sống mới khó khăn làm sao! Mọi giá trị đều đảo lộn hết thảy. Cuộc sống quá ngắn ngủi, quá xao động để cho ta quyết định tiêu pha thế nào? Mà thực ra, giờ mới là lần đầu ta nghĩ tới chuyện (mới biết tới chuyện) ta có trách nhiệm thế nào đây với sự tồn tại của chính ta? Câu hỏi không mới, nhưng nó không còn ơ hờ, điềm tĩnh trong xa lông phòng khách nữa rồi. Nó đã tha thiết, day dứt và thúc bách như đang trôi giữa dòng lũ xiết. Hơn bao giờ hết, hình ảnh con chó đứng trước chảo dầu sôi mới thật xác đáng: bỏ đi không đành, liếm thì bỏng lưỡi. Đúng là tiến lên không được, lùi lại không xong.

Bâng khuâng, ta mới lần mò lại coi xem, trên con đường miên viễn này, ta đang có gì? Hành trang của ta có gì là đáng giá? Mang theo cái gì đây? Đường dài vô tận, sức người có hạn-ta phải chọn một con đường, mang tối thiểu hành trang thôi. Mà, ta đã bao giờ sẵn sàng chưa?

Ngẫu nhiên ta sẽ lật giở từng món một. Xem trong đó bao nhiêu là dan díu, chằng chịt những liên hệ qua lại. Món nào ta cũng trân trọng cả. Cũng rộng lượng, cũng tha thiết. Và cởi mở ngó coi. Để chung cuộc, ta mới biết được, đâu là cái ta cần.

Chúng ta đến với thế giới này bằng kinh nghiệm. Chính kinh nghiệm của ta dẫn ta tới với ngôn ngữ chung của mọi người. Mưa-cơn mưa ngày xưa của anh làm sao giống cơn mưa ngày xưa của em? Và dưới cơn mưa này-anh và em-chúng ta có chia sẻ được điều gì thực sự liên thông không?

Vậy đấy, ngôn ngữ luôn luôn là phiến diện. Nói luôn là nói với ai đó. Đọc luôn luôn là đặt mình vào một trạng huống kỳ lạ mà vận dụng mà liên tưởng tới mọi ngõ ngách tâm linh mình xem các kinh nghiệm có đồng vọng không? Và hạnh phúc chân chính là khi thực sự ta biết, ta với người cùng chia sẻ một tương giao sâu xa, bền chặt.



* Con người, cá tính Saint – Exupéry và lựa chọn của Bùi Giáng.



Có một đặc điểm quan trọng của Bùi Giáng mà hình như chưa ai đề cập đúng mức cần thiết-mà đây lại là điểm mấu chốt cho ta hiểu ông-đó là sự nhấn mạnh, lời nhắc nhở thường xuyên rất tha thiết rằng: nói là nói_với_ai. Đọc phần hiển ngôn phải đọc được cả phần bất suy tư nữa. Phải tương giao tinh thần với người nói, người viết-thì còn xá gì ngôn lời nữa…Khi cái Tôi bệ vệ, trưởng giả, thiển cận tan biến đi cho một tấm lòng hồ hởi tha thiết tìm tòi học hỏi thì chân lý mới hiển lộ-hiển lộ chỉ riêng với kẻ ấy mà thôi.

Những tác giả ông (BG) chọn dịch đều là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu cả. Saint Exupery, Albert Camus, Heidegger, Nietzche…đều có một điểm chung là tấm lòng giản dị, trong sáng. Lời nói đơn sơ mà âm vang. Tinh thần họ sâu xa mà huyền nhiệm. Biểu hiện họ thì tha thiết với cuộc đời này, sự tồn tại này-mặc dầu lời nói đôi khi tàn ngược oái oăm.

Đáng sợ nhất là ngộ nhận. Những kẻ vin vào ngôn từ thường làm rơi rụng những ân tình sâu xa, những hàm ẩn mênh mang sau lời nói đơn sơ. Thực ra thì cũng giản dị thôi-Hãy để tấm lòng đơn sơ, hãy để xúc cảm chân thành và…luôn bâng khuâng về sự tồn tại của chính mình là ta sẽ có lối vào. Tức là tâm tư sẽ tương giao. Cuộc sống sẽ tươi mát hơn. Bước chân sẽ vững vàng hơn. Nụ cười sẽ dịu lại mà dư vang…
Từ thời Phục Hưng ở Châu Âu vào thế kỷ 15 trở đi thế giới Phương tây đã có những biến chuyển dữ dội. (Ta phải luôn nhớ rằng, có hai mạch ngầm chính của tư tưởng nhân loại là Đông và Tây, đã rất xa lạ với nhau và cùng hướng tới những mục tiêu nhân sinh như nhau-để tới nay đang có những gặp gỡ nhất định). Phải biết rằng, người Tây phương khởi đầu nền văn minh của mình với Hy lạp ra sao? Những đêm dài tăm tối Trung cổ ra sao..Phải biết ít nhất hậu cảnh ấy mới cảm nhận sâu xa được bối cảnh xã hội Tây Âu những năm đầu thế kỷ 20, con người ta đang ý thức thế nào về thân phận mình. Ít ra ta phải biết những triết gia Hy lạp cổ đại, biết Socrate, Platon, Aristote..biết thời đại khai sáng từ Phục Hưng tới đầu TK19 với những tư tưởng hăm hở của một thời đại con người vừa mới cởi bỏ ách tù túng của Nhà thờ La mã, nhận thức và lý giải thế giới. Khi mà bỗng nhiên chúng ta tin tưởng tuyệt đối rằng: thế giới này giải thích được bằng các đinh luật, rằng con người cần chinh phục, chế ngự thiên nhiên…Lần đầu tiên con người là trung tâm. Con người là toàn năng…Lại có những Newton, Marx.. đưa hoạt động tinh thần con người lên tầm hùng tráng nhất…Con người thế kỷ 18, 19 có cái hạnh phúc ảo ảnh này là họ hiểu biết mọi sự, hay ít ra họ tin họ sẽ hiểu hết mọi sự!

Nhưng cuối thế kỷ 19 trở đi, những phát kiến mới, những tiến bộ mới, những quan niệm mới và nhất là những vấp váp, khủng hoảng đã đưa đời sống con người sang nẻo khác. Loài người rơi vào mâu thuẫn nan giải:

- Một đàng, khoa học kỹ thuật và nền công nghiệp phát triển như vũ bão. Trí tuệ con người được cụ thể thành các công cụ vật chất, làm biến đổi mọi thứ trên mặt đất, kể cả chính con người cũng bị rơi vào vùng xoáy ấy.

- Một đàng, con người ngày càng thất vọng về khả năng hiểu biết chính mình, thân phận mình. Với chính thân phận mình thì con người không có được sự tự tin hống hách của nó như trước thiên nhiên.

Kết quả là loài người như đang cưỡi trên một con ngựa tốt mà chẳng biết phi về đâu, để mặc nó lôi đi vậy thôi.. Cái mặt KHKT và CN đã làm biến dạng xã hội, chia cắt xã hội và xô đẩy các cuộc chiến tranh. Tất cả đổ vỡ, đau thương, bế tắc càng làm lên một Âu châu hỗn loạn. Nhưng mọi thứ mới chớm nở thôi và chỉ đôi ba tâm hồn cảm nhận thấy nó. Huống chi người ta vẫn sẵn còn đó những tình yêu, những cảm xúc trong sáng. Cái thời đại ấy, con người chán đời mà vẫn yêu đời. Cái sự vụ ấy rất nan giải! Châu Âu những năm đầu thế kỷ 20 đã bộn bề ba bốn phía. Vẫn còn là châu Âu thực dân. Các thuộc địa đang trỗi mình dậy sau những cưỡng ép từ một nền văn minh thực dân. Nhưng một sự tươi trẻ, một cơ hội tái tạo mới đang hứa hẹn. Tựa như một người qua bao vấp váp nay có cơ hội làm lại mọi sự.

S.E chọn nghề phi công-đưa thư từ châu Âu đi khắp nơi, chủ yếu là những lục địa mới, những miền xa xăm. Đáng kể nhất là châu Phi của những hoang mạc. Chỉ riêng việc máy bay chở thư thì chỉ đơn độc có đội bay mà không có hành khách là đã mang lại hương vị quyến rũ đặc biệt của một chuyến lữ hành lãng mạn rồi. Về những vấn đề này, ông đã nói tới nhiều trong “Cõi người ta” và các tác phẩm tương tự. Sự đối lập của cái xác máy móc nặng nề với sự nhẹ nhàng phiêu lãng của cánh bay. Đã hàng nghìn năm, chúng ta đi trên những con đường nhất định. Cách chúng ta đi, cách chúng ta nhìn thế giới đã ăn sâu vào tư tưởng và ngôn ngữ ta như một điều hiển nhiên. Nay một chân trời mới đang mở ra: cách nhìn mới sẽ gọi biết bao điều suy tư mới. Sẽ phải có một chương riêng để phân tích về mối liên hệ giữa tốc độ và suy tư (như Milan Kundera đã làm). Nhưng nói tóm lại, đó, khi ở trên máy bay, một mình, nhìn xuống-con người có cơ hội nhìn mọi sự theo cách khác hẳn. Và có lẽ, bao quát hơn, thoáng đạt hơn.

Kỹ thuật máy bay thời đó còn sơ khai, người phi công vẫn phải dựa vào mắt mình, tay mình mà điều khiển như khi còn trên mặt đất. Tầm bay thấp, vẫn luồn lách trong các ngọn núi, vẫn những cánh đồng, vẫn những trận mưa, cơn lốc…Nghĩa là anh vẫn gắn bó lắm (theo một cách khác) với mặt đất. Những đường bay còn mới mẻ, đầy rẫy bất ngờ, nguy hiểm. Tất cả tạo nên một thế giới vừa rộng lớn, vừa quyến rũ ta. Thử hỏi điều đó đã mang lại trong tâm hồn người phi công những gì?

Phải bay đêm mới biết hết những ý vị sâu xa huyền diệu. Ta-một mình băng cánh giữa thinh không. Bên dưới là làng mạc, là thảo nguyên, là khu rừng, đầm lầy…Ai đó còn thức, ai ngủ? Bao nỗi đời đang diễn ra. Họ chỉ là những đốm sáng trên một nền đen-hệt như những tinh cầu cô đơn. Quả thực-con người vốn rất cô đơn. Họ sống quẩn quanh quá, tầm nhìn họ eo hẹp quá nên chi những mối tương giao là hoạ hiếm. Và nữa, chính người phi công đang bay giữa một trời sao thực sự. Vậy là bốn phía đều là những ngôi sao-chính anh cũng là một ngôi sao. Ai đâu, hãy thử đem những mối lo lắng bận tâm về công việc ngày thường lên trên cánh bay này một lần xem nó còn bao nhiêu phân lượng? Và thật bất hạnh cho ai kia không sao hiểu được điều này!

Nhưng điều này khó chia sẻ quá. Nó huyền diệu và đòi hỏi người ta phải được trải qua kia. Vậy nên người phi công cũng thật đơn độc làm sao giữa cuộc đời này! Một tấm lòng rộng mở hồn nhiên, một sự hiểu biết và do hiểu biết mà thông cảm, một trí tưởng tượng phong phú nuôi dưỡng những cảm xúc đẹp đẽ-Một tâm hồn như thế sẽ luôn nhìn cuộc sống, nhìn vũ trụ như là tất cả trong một ngày-hân hoan vui sướng-không lo âu, không toan tính và rất chi là hào phóng chia sẻ. Xuống đất, ta chỉ may chăng chỉ còn tìm thấy chút gì đó trong những tấm lòng con trẻ. Con trẻ chứ không phải trẻ con!

Nhưng những tha thiết này sao mà cần được chia sẻ đến vậy! San sẻ cho đầy thêm chứ chẳng hề vơi đi. Nhưng mặt đất châu Âu đang tràn đầy những huỷ hoại, nọc độc chiến tranh thế giới đang đến, nền KT tư bản đang ở thời kỳ thô bạo nhất, con người đang lãng quên mọi sự. S.E đã ở tuổi 40 rồi, đã sống sang mé bên kia của cuộc đời, có sự mỏi mệt, có thất vọng, có tin yêu và có cả cô độc. Danh vọng hão huyền cũng đủ rồi. Và còn nhiều nhiều nữa những tâm sự u uẩn. Sự cô độc của một tâm hồn già dặn. Và ông đã viết “Hoàng tử bé”.

Không có nhận xét nào: