Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2007

Erich Fromm, Phân tâm học và tình yêu.5

5. Yêu Chúa.

- ...nền tảng cho nhu cầu yêu thương của chúng ta là ở cảm nghiệm ly cách và nhu cầu chung cục là vượt qua ưu tư về ly cách bằng cảm nghiệm hợp nhất. (Một khi chúng ta thấy rất khó khăn và mơ hồ để mô tả hạnh phúc với ta là gì thì có vẻ ta khá dễ dãi trong quyết định hạnh phúc là gì cho kẻ khác (thậm chí là đi đấu tranh điên cuồng cho những giá trị ấy/ Mặc dầu vẫn biết rằng nhận thức có được từ những tương tác chứ không phải là từ những tư biện). Phải chăng thái độ khiêm tốn và có ích một cách đúng đắn là nên bắt đầu bằng cách nhìn thật rõ vấn đề nhân sinh của ta từ nhiều góc độ khác nhau; để có thể lý giải được tính đồng quy nhi thù đồ của nó: Khổ Đế, cảm nghiệm ly cách, sự thúc bách tức thì và vô ngã của đạo đức trên sự chông chênh từ nền tảng của nó...Và sự thực là nếu ta nhận rõ vấn đề của ta thì ta có thể kiểm nghiệm được giá trị của hiểu biết mà tang đang nắm giữ thay vì lạc lối trong những tu từ của ngôn ngữ) [Nhu cầu vượt qua ưu tư về ly cách bằng cảm nghiệm hợp nhất là mục đích rốt ráo của đời sống con người. Nó là động lực thúc đẩy mọi cơ chế tinh thần của con người? Hay nói một cách tương đương – ưu tư về ly cách là Khổ trong Khổ Đế của Đức Phật].

- Tình yêu Chúa cũng không khác (theo phương diện tâm lý).

+ Nó cũng khởi lên từ nhu cầu vượt qua ly cách và hoàn thành sự hợp nhất.

+ Sự thực, tình yêu Chúa cũng có những phẩm tính và sắc thái sai biệt như tình yêu người.

- Thượng Đế đại diện cho giá trị tối cao, cho lẽ Thiện đáng hâm mộ nhất.

> Bởi vậy, ý nghĩa đặc biệt về Thượng Đế tuỳ thuộc cái gì là hâm mộ nhất đối với một người. (Thượng Đế là sự phóng chiếu bản ngã con người?). (Như vậy là đang đi ngược trong khi đáng ra là phải bắt đầu từ chỗ do đâu khởi lên ý niệm về Thượng Đế).

> Do đó, sự hiểu biết về khái niệm Thượng Đế phải mở đầu với một phân tích về cơ cấu đặc trưng của kẻ phụng thờ Thượng Đế. (Thượng Đế - khái niệm về Ngài chỉ có ý nghĩa trong những tương quan với con người).

- Sự phát triển của chủng loại người,...có thể được biểu trưng như là sự vươn lên của con người ra khỏi nhiên giới; khỏi mẹ, khỏi những ràng buộc của máu và đất. (Sự phát triển theo ý nghĩa tiến bộ hay là một sự kiện lịch sử? Người ta vươn lên khỏi nhiên giới để rồi thấy rằng mục đích rốt ráo là cảm nghiệm hợp nhất!) (Tha hoá là tất yếu – Marx).

- Khởi thuỷ, con người vẫn còn bám vào ràng buộc nguyên sơ, vẫn cảm thấy đồng nhất với thế giới động vật - một con vật biến thành vật tổ.

- Vào giai đoạn sau, khi kỹ xảo con người đã phát triển đến điểm kỹ xảo của một người thợ hay một nhà mỹ thuật – con người biến đổi sản phẩm do chính tay mình thành một thần linh. (Luận điểm duy vật lịch sử của Marx?).

> Thờ ngẫu tượng làm bằng đất, vàng hay bạc.

- Con người rọi phóng những năng lực hay kỹ xảo của chính mình vào những sự vật mình làm ra – và như thế, nó thờ phụng năng lực và sở hữu của mình trong cách thế vong thân. (Đáng chú ý là: kỹ xảo của người thợ hay nhà mỹ thuật hàm ý gì? Phải chăng là đánh dấu mốc: khi con người bắt đầu làm việc ngoài ý nghĩa lợi ích thông thường, ngoài bản năng sinh tồn tối thiểu - tức là bắt đầu tách rời/bắt đầu tự ý thức - cảm nghiệm ly cách, tìm giải pháp – khi nhu cầu con người đã hình tượng hoá và trừu tượng hơn?) [Đánh dấu mốc lịch sử tôn giáo (phân chia) như vậy liệu có khách quan không, có chứng cớ phân tâm không?].

- Vào giai đoạn sau nữa, con người mang cho các thần linh của mình hình thức loài người.

+ Hình như điều này chỉ xảy ra khi con người đã trở nên ý thức hơn về chính mình, và khi nó khám phá ra con người là “sự vật” cao quý nhất trong thế giới. (Có thực con người là sự vật cao quý nhất một cách hiển nhiên – hay đây là phát biểu của chiều hướng tự tôn của loài người - một giai đoạn ấu thời trong sự hình thành tư tưởng của con người).

- Trong giai đoạn thờ phụng thần linh có tính cách nhân hình này, chúng ta thấy có một phát triển trong hai chiều:

(+) Một chiều hướng liên quan đến bản chất nam/nữ tính của thần.

(+) Chiều khác quan hệ đến trình độ trưởng thành mà con người đã hoàn toàn/và xác định bản chất các thần linh của mình và tình yêu của mình đối với chúng.

- ... đã có một gia đoạn mẫu hệ của tôn giáo đi trước giai đoạn phụ hệ, ít ra là trong nhiều nền văn hoá.

- Trong giai đoạn mẫu hệ, thể tính cao nhất là mẹ.

- Yếu tính tôn giáo mẫu hệ giống yếu tính của tình mẹ.

+ Tình mẹ thì vô điều kiện...nên người ta cũng không thể kiểm soát và thâu đoạt nó.

+ Sự hiện diện của nó mang lại cho kẻ được yêu một ý vị phúc lạc; sự vắng mặt tạo ra ý vị mất mát và hoàn toàn tuyệt vọng.

> Bởi vì bà mẹ yêu con cái của mình ở chỗ chúng là con cái của bà chứ không phải vì chúng “tốt”, ngoan ngoãn hay đã thoả mãn những ước vọng và những chỉ dạy của bà – cho nên tình yêu của mẹ đặt trên lề bình đẳng - mọi người đều bình đẳng và tất cả đều là con cái của một bà mẹ, bà mẹ Trái Đất.

- Giai đoạn kế tiếp của tiến hoá nhân loại: giai đoạn phụ hệ (giai đoạn chúng ta biết đầy đủ nhất).

+ Người cha trở thành thể tính tối thượng, trong tôn giáo cũng như trong xã hội.

+ Bản chất của tình cha là ông tạo ra những đòi hỏi thiết lập những nguyên tắc và luật lệ và tình yêu của ông đối với con trai của ông dựa trên sự phục tùng của nó đối với những đòi hỏi này. (Dĩ nhiên, E.F đang mặc nhận tôn giáo như là sự phóng chiếu đời sống con người. Tuy nhiên phân tích yếu tính tình cha vẫn còn sơ sài: từ đâu có những đòi hỏi ấy? Vì ông ta không chắc chắn, lo sợ cạnh tranh – nên ông ta đòi hỏi sự thử thách và phục tùng?).

(+) Kẻ xứng đáng nhất (trong các con) sẽ là truyền nhân của ông với tư cách là một kẻ kế thừa những sở hữu của ông. (Sự phát triển của xã hội phụ hệ song song với sự phát triển về tư hữu) (Tình mẹ có cơ sở tuyệt đối của sự sở hữu, tình cha thì không - sự sở hữu của ông phải dựa vào những dấu hiệu khác. Chúng vẫn có một điểm chung: ý thức về tư hữu. Đối chiếu với tục truyền cho con trưởng thì sao? Phải chăng là liên quan đến ý thức trọng tôn ti trật tự tuổi tác của xã hội nông nghiệp (hay nhu cầu duy trì trật tự). Trong lịch sử phương Tây thì sao?)

+ Hậu quả của yếu tính phụ hệ là xã hội phụ hệ có một tính cách đẳng cấp

- Tính cách bình đẳng nhường bước cho cạnh tranh và hỗ tương xung đột.

+ Các nền tôn giáo: Do Thái, Cơ Đốc, hay Hồi Hồi, nền văn hoá Ấn Độ hay Hy Lạp đều có tính phụ hệ với những thần linh nam tính của nó – trên hết có một thần linh chủ tể/hay mọi thần linh đều bị loại bỏ, chỉ trừ lại Một, Thượng Đế.

- Tuy nhiên, ước vọng đối với mẹ không thể bị loại tuyệt khỏi những trái tim người...

> Trong Cơ Đốc giáo, Mẹ được tượng trưng bằng Giáo hội, bằng Thánh nữ đồng trinh.

> Ngay trong Tân giáo, bà mẹ vẫn tàng ẩn:

+ Luther lập ra nguyên tắc chủ yếu rằng: con người không làm được gì để tạo ra tình yêu của Chúa.

> Tình yêu của Chúa là ân sủng, thái độ tôn giáo là phải có niềm tin đối với ân sủng này và phải làm cho mình nhỏ lại và yếu ớt.

- Có thể thấy giáo lý Cơ Đốc về những việc thiện thuộc khuôn hình phụ hệ: tôi có thể chiếm được tình yêu của cha bằng vào sự phục tùng và thoả mãn những đòi hỏi của ông.

- Giáo lý của Luther, trái lại, mặc dù có những đặc tính phụ hệ rõ rệt, mang trong đó một yếu tố mẫu hệ tiềm tàng: tình yêu của mẹ không thể mua chuộc được, tất cả những gì tôi có thể làm là để có đức tin và biến đổi thành đứa con yếu ớt bất lực.

+ Điểm đặc biệt trong đức tin của Luther là khuôn mặt mẹ bị thay đổi bằng khuôn mặt cha trong khuôn hình biểu lộ - dù chắc chắn được yêu bởi mẹ, mối hoài nghi mãnh liệt và hy vọng chống lại hy vọng nhắm đến tình yêu vô điều kiện do người cha đã trở thành sắc thái nổi bật nhất. (Liên hệ đến hình tượng Quan Thế Âm Bồ tát).

- Trong khía cạnh phụ hệ, tôi yêu Chúa như một người Cha: người trách phạt và tưởng thưởng...

- Trong khía cạnh mẫu hệ, tôi yêu Chúa như Bà Mẹ bao dung: tôi có niềm tin ở tình yêu của bà, không kể tôi là gì...bất kể điều gì xảy ra cho tôi, bà sẽ giúp tôi, cứu rỗi tôi, tha thứ tôi...

> Khỏi phải nói, tình yêu của tôi đối với Chúa và tình yêu của Chúa đối với tôi không thể tách rời nhau. (Vì thực chất đây là phương cách cảm nghiệm hợp nhất để vượt qua ly cách - cảm nghiệm bao nhiêu thì phần thưởng bấy nhiêu/mặc dầu nó có phải là ảo tưởng nhất thời hay không?).

- Một yếu tố khác để xác định bản chất của tình yêu Chúa là trình độ trưởng thành mà cá nhân đạt được từ đó.

(continued)

Không có nhận xét nào: