Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2007

Tàu đi Chapa.

Sapa.


............Có một lần, tôi thất vọng ghê lắm. Không cái gì cụ thể đến mức là chính yếu, nhưng một giọt nước làm tràn ly...công việc, quan hệ xung quanh, tự soi bản thân...

Chiều, gần tối rồi mà tôi thấy bần thần không yên. Không thể ngồi trong nhà được. Hai thằng em ở cùng lại chưa về. Không có gì níu kéo cả. Tôi nhớ chuyến tàu..thế là quyết định đi Sapa. Lấy một cái áo khoác ấm, tắt ĐT vứt vào tủ, nhắn lại mấy câu là đi vài ngày..rồi xuống đường đi bộ. Lúc ấy là 6g tối. Tôi lững thững đi bộ từ Nam Đồng đến tận ga B. Mua vé, rồi ngồi uống nước chè, đốt thuốc, chờ. Tàu đến. Thế là chắc chắn, không thay đổi nữa, kệ em yêu, kệ tất cả. Bắt đầu tôi thấy ý nghĩ của mình chuyển sang những điều khác.

Luôn luôn tôi nhớ những chuyến tàu đêm đi Yên Bái, Lào Cai..nhớ cái ấn tượng đến ám ảnh của lần đầu tiên. Con tàu cổ lỗ, còi hơi. Hành khách là những người bình dân-đủ mọi hạng người, nhếch nhác..Cái không khí chộn rộn, ngai ngái của sân ga về đêm, dưới ánh đèn điện vàng vọt. Cái giọng nhắc tàu rất đặc biệt, đặc biệt ngang với chương trình ngâm thơ trong mục Văn nghệ của đài tiếng nói VN lúc đêm khuya gần Tết âm lịch. Xe ôm, xich lô, khuân vác, chè chén..người đưa người tiễn, cái dáng vẻ láo nháo ngơ ngáo tìm nhau. .Sự vội vàng của người về, vẻ bồn chồn của người đi...

Con tàu sẽ rục rịch rồi đi qua phía lưng của những khu phố cũ. Tôi ngồi trong toa ghế cứng (đấy mới là nơi của đa số mọi người), nhìn qua khung cửa. Không bao giờ người ta chú ý đến phía sau ngôi nhà cả. Con tàu như đi qua một thế giới chưa hề thay đổi-một thế giới, cũ, nhếch nhác và không hề mảy may làm duyên làm dáng. Thảng hoặc có xuất hiện vài người thì cũng là những phút giây không hề duyên dáng, cũng chẳng buồn ngó con tàu..Tất cả là một thế giới không phải của hiện tại. Khi tàu đi qua đoạn Đường Thành, tự nhiên thấy khác lạ vô cùng. Phố cũ Hà Nội nhìn từ trên cao xuống thấp thoáng sau hàng bàng đã thưa lá ngày cuối đông thật yên tĩnh khác thường. Từ trên đây thấy phố chả khác ngày xưa chút gì.

Ngang qua sông Hồng, gió bắt đầu lộng thổi. Cây cầu Long Biên xa xa trong ánh đèn vàng mờ mờ một quầng..cầu chỉ riêng cho người đi bộ và đi xe đạp-chủ yếu là xe đạp thồ, nhiều nhất vào sáng tinh mơ, khi mọi người chở rau sang phố..Thành phố lãng quên nhiều thứ quá, nên mới còn đầu sông cuối bãi này để mà đôi khi ta ra ngó cho lòng dịu lại...Tôi luôn thấy chuyến tàu là một hình ảnh thật giống với hình ảnh cuộc đời. Đủ mọi hạng người trên cùng một hướng đến đại thể. Ngồi lên đây rồi là không ai nghĩ đến một hướng đi khác nữa-không chọn lựa. Ở trong xe lửa là yên tâm nhất. Mọi sự vẫn trôi đi mà khối sắt thép này là đảm bảo tuyệt đối cho sự an toàn trước mưa gió ngoài kia. Có thể gặp vô số cảnh đời nơi đây: một cụ già về quê, một gia đình chộn rộn có con nít, những người đi buôn, những người đi làm, những đôi lứa đi du lịch, những người không thể biết...Trên tàu cũng có sự phân biệt, có trật tự riêng..trật tự của những người cả cuộc đời ở trên dòng lắc lư này...

...Khi đêm đã hơi muộn rồi, trời se lạnh thì mọi người đa phần đều ngủ hay gà gật. Tàu đang đi qua những cung đường vắng. Một vài ngọn đèn vẫn bật đủ soi mờ tỏ những dáng hình con người. Mọi người cố xoay sở cho mình tư thế thoải mái nhất có thể: những cái áo đắp tạm, người thì nằm ngang, chân gác qua thành đối diện, có người mắc võng và không ít người nằm luôn xuống sàn tàu có hoặc không có tấm gì kê lưng. Tạm bợ, tất cả đều tạm bợ vì chuyến đi chỉ là tình cờ, mọi người đều chờ đợi sự sạch sẽ tại nơi đến của mình. Bất giác tôi liên tưởng đến một cái nhìn trong suốt-tôi luôn ao ước có ai vẽ ra bức tranh ấy:trong con tàu, loại trừ đi những vách ngăn, nơi này là những người nằm ngồi la liệt, khoang bên là sáu con người một gian..mỗi người một tư thế, một dáng vẻ trong một thế giới ba chiều. Ai cũng bàng quan nghĩ rằng mình đơn lẻ, riêng tư...Ai đó nói mê, một vài người trở mình, thỉnh thoảng có người quờ quạng đi về phía toa lét, băng qua những cái chân ngáng, len lách giữa những thân người. Mỗi lần ngồi trong một toa tàu tôi thường luôn tìm một hình dáng nổi bật nhất. Một cô nào đó sẽ được chọn làm hoa hậu và hễ cô còn ở đó và không bị thay thế thì cảm xúc của tôi vẫn còn trung thành với cô đấy...Bất chợt một vài người bừng tỉnh, lục sục đồ đạc. Giọng thông báo ngái ngủ, con tàu sắp dừng lại một ga lẻ nào đó. Khuya rồi. Sương lạnh xuống mờ mịt. Con tàu dừng lại giữa một quãng rừng vắng. Trong đêm tối, cái ga xép chả thấy đâu, quầng sáng vàng vọt chỉ đủ soi thấp thoáng cây cột điện, hình như có nếp nhà sàn..Vài ba người xuống tàu, rồi vội vã tan mất vào trong đêm tối. Không biết giữa rừng thế này họ đi về đâu? Cũng không ai để ý họ cả, mọi người chìm trong giấc mộng mị, thấp thỏm..

....Giờ thì chỉ toàn là đường rừng. Ngó mông lung trong đêm tối, thỉnh thoảng vang vọng tiếng còi tàu tôi tưởng rằng như đâu đây sau bóng tối kia là cả rừng già đang hồi hộp. (Những cánh rừng thơ ấu chắc chỉ tồn tại trong những phút giây này thôi)...

...Tàu sẽ đến ga vào sáng tinh sương. Lần nào tôi xuống tàu cũng gặp những cơn mưa lơi rơi. Nửa mưa nửa sương nặng hạt. Buổi sáng nhoè nhoẹt và đường thì ướt rượt. Mọi người đều vội vã nhanh chóng đi tìm một chuyến xe vì chỉ một lúc thì ga lại vắng hoe. Xe đi Chapa bây giờ rất tiện và khá lịch sự. Loại 16 chỗ, đủ người là chạy ngay nên không khó khăn gì để lại được ngồi trong xe ấm áp mà ngó con đường. Núi chẳng mấy khi đẹp như tranh ảnh cả, mà thường bình dị, hơi nao lòng. Thỉnh thoảng vài chiếc xe Mink hay Simson của người Mèo chạy vượt qua. Đường vòng vèo khó đi, thỉnh thoảng lại có tai nạn, có năm bị sạt đất, lở đường..Vài người đeo gùi lầm lụi đi, đôi khi gặp bọn trẻ con-trẻ con ở đâu cũng vẫn vậy, thật dễ làm lòng dịu xuống và bâng khuâng, trong trẻo..Tôi vẫn nhớ nhất lần đầu lên Chapa vì hồi đó xe đi còn rất đa dạng chưa đồng bộ hoá như bây giờ. Lần ấy, xuống tàu ở Cam Đường rồi đi xe lên thị xã Lào Cai rồi mới đổi xe đi Chapa. Lần đầu hỏi thăm, mọi người bảo dễ lắm, taxi đi Sapa thì lúc nào cũng có. Choáng, mình sinh viên, lên đây mà đi taxi thì chỉ có nước mua vé tàu về xuôi luôn! Hoá ra không phải, trên này đồng bào gọi xe khách, ô tô, xe đò..là taxi..(không biết bây giờ còn thế không?).

...Rồi chúng tôi cũng lên được chuyến taxi của mình. Một chiếc U oắt dã chiến, phía sau để hở. Trên xe có bốn anh em chúng tôi hồi ấy sinh viên, ba lô, túi, bảng vẽ, túi giấy lỉnh kỉnh..hai vợ chồng già đi chơi về, bình dị..giữa đường đón thêm hai vợ chồng người Hmông xách đôi gà trống nói giọng Kinh hơi ngọng..hai cậu bộ đội trẻ đi lấy củi dọc đường cũng ghé lên và được phân công đánh đu đằng sau cùng của xe! Sàn xe có một lỗ thủng to tướng, tí nữa thì tôi bị rơi cả giầy xuống đường. Đoạn đường mỗi lúc một khó đi hơn. Lần đầu nếm mùi đường đèo khúc khuỷu, chúng tôi phải mất đến 15 phút mới quen được với tâm trạng là mình đã ngồi trên xe rồi..thôi kệ sống chết có số. Lên đến độ cao nhất định thì hơi có cảm giác ù tai, se lạnh. Anh bạn đi cùng vì quá hào hứng với phong cảnh mới buột miệng khen "một bác tài miền núi bằng ba ông đồng bằng" thế là ôi thôi...chiếc xe tha hồ lượn lách, vượt, đánh võng cua gấp..Chỉ dịu lại khi đã xuýt xô phải một chiếc xe Mink từ ngõ chồm ra. Đi mấy nơi tôi thấy cứ nơi nào miền núi nhiều dốc đèo là người dân có thói quen phóng nhanh ào ào, mình không quen thấy rất nguy hiểm. Hay người ta sống giữa núi rừng thì dũng cảm hơn nhỉ? Thỉnh thoảng vượt một chiếc xe đạp-pó tay với pác lày luôn. Thỉnh thoảng có chiếc xe đạp đổ đèo thì có một cành cây rất to làm phanh kéo lê thê đằng sau..rất hiên ngang, phong trần phết. Dĩ nhiên là cả nhóm mấy bà mấy cô Hmong đi chợ, mấy con trâu con ngựa gầy, bẩn, lầm lũi...Từ đấy về sau chả mấy con đường nào còn khiến tôi hoảng sợ như thế nữa..nghe nói đường đá Hà Giang còn nguy hiểm hơn nhiều phải không bác Chít?

...Xe đổ khách ở bên hông nhà thờ chợ Sapa. Hơi hoang mang, chúng tôi chưa ngắm ngắm nghía nhiều mà còn lo tìm một chỗ trọ khả dĩ với túi tiền. Sự thực lúc đi bọn tôi rất liều, không dự tính, không đóng góp chung mà cứ người này suy diễn người kia..Đại ý chỉ dự tính đủ hai lượt vé đi về là đủ. Giờ mới lo đây. Cả bọn bàn phải tìm một quán nước nào dễ bắt chuyện để hỏi dò mọi sự. Tôi ngó quanh quất rồi chỉ "Kia, bà chị áo vàng!". Cả bọn đi một nửa vòng đến ngồi ở một quán nước dưới một gốc thông căng che bằng một tấm bạt, nằm phía đối diện nhà thờ qua sân chợ tình. Bấy giờ là mùa hè, nhưng chưa đông khách du lịch, chúng tôi đi vào giữa tuần nên không đông khách. Thị trấn Sapa đìu hiu thưa thớt...

...Cho đến tận giờ tôi vẫn còn giữ niềm tự hào rất chi chủ quan về khả năng dự đoán tính cách người khác qua dù chỉ một thoáng nhìn (Tôi vẫn huênh hoang bá láp vậy thôi với bạn bè mặc cho những cú vấp đau lòng. Kệ! Mình phải tin vào con người chứ nhỉ?). Chị Ánh-tên cô chủ quán-còn trẻ, dưới ba mươi, không ồn ào nhưng rất nhiệt tình và cởi mở. Sau vài tuần trà, điếu thuốc thì chị đã biết là chúng tôi không vội vã đi đâu là vì chúng tôi đang tìm một chỗ trọ rẻ tiền. Chị giới thiệu mấy chỗ...Chen giữa câu chuyện thong thả, chúng tôi đã kịp biết bà cụ mang nước nóng ra là mẹ chị Ánh, bà không hay chuyện nhưng có cảm tình với chúng tôi. Bà kể chuyến đi tàu dọc Nam Bắc thăm con và họ hàng đầu năm. Cả nhà là dân gốc Yên Bái, chị Ánh theo chồng lên đây làm việc trong trường dân tộc nội trú, rồi bà cụ chuyển nhà lên đây, còn cô gái út đang làm cô giáo bản, đang nghỉ hè...Biết chúng tôi chưa có chỗ trọ, bà bảo lên nhà tôi ngủ, có đủ chăn chiếu, cần gì đi đâu..Êm rồi, chiều Sapa đẹp quá đi...nhưng dù sao vẫn hơi ngài ngại...Chợt chị Ánh nghĩ ra-"để chị hỏi bọn ký túc xá trường" Tuyệt vời, cuối cùng chúng tôi sẽ nghỉ trong ký túc xá của trường dân tộc nội trú. Có một phích nước nóng và 5000đ một người một đêm. (Hồi đó giá của nhà nghỉ là 30-50nghìn). Cất đồ xong thì chúng tôi bắt đầu đi dạo loăng quăng, ngó nghiêng. Lúc từ trường học đi ra gặp cảnh một đám đông xúm xít xem một đôi Hmông đang co kéo. Một anh chàng dùng chiếc khăn thít chặt tay cô gái kéo đi. Cô gái đỏ mặt tía tai dằng lại quyết liệt. Họ nói tiếng dân tộc, chúng tôi không hiểu gì. Chỉ thấy anh trai có thoáng cười, còn cô gái thì có vẻ bực. định can thiệp lại nghe có người bảo đấy là người ta bắt dâu nên thôi..Không biết về sau thế nào, cũng không thấy ai can ngăn gì cả...Tôi mua một chiếc áo khoác thổ cẩm không có tay rồi diện suốt đến tận khi về Hà nội. Sau đấy còn đeo mang cả năm trời cho tới khi giã từ trào lưu quần bò xé gấu, bị cói, túi vải, tóc dài...Tôi lại ra quán chị Ánh ngồi. Luôn luôn tôi có thói quen dè dặt sử dụng thời gian của mình với cái mình đang tìm kiếm. Vào thư viện, tôi thường lang thang cả buổi từ góc xa nhất cho tới kệ sách cuối cùng mới là nơi có cuốn sách hay thể loại tôi ưa thích. Tôi thường lo mình đã bỏ qua điều gì vương vất...

...Quỳnh là tên em gái chị Ánh đã ra ngồi gần chỗ chị mình và bày thúng ngô bản bắt đầu chuẩn bị nướng. Hơn bốn giờ chiều và chẳng cần giải thích nhiều khi chúng tôi không còn hăng hái đi tham quan cái gì cả hơn là ngồi hơ tay trên bếp lửa ăn ngô nướng ngọt mềm và hỏi chuyện cô chủ...Câu chuyện cũng bâng quơ và nhẹ nhàng vì hơi tội là trong lũ tôi chả ai có được cái tính tán tỉnh lăng nhăng cả. Em dạy bọn học sinh ở cách ba quả đồi. Học sinh một lớp học mấy chương trình cùng lúc vì gộp cả các lớp vào mới đủ người. Học trò nói tiếng Kinh một lúc, cô giáo nói tiếng Mèo một lúc...Hết hè rồi thì phải đi tìm học sinh giục lên lớp. Quỳnh mới đi dạy một năm, không biết cô sẽ gắn bó với cái lớp học ấy được bao lâu?...

...Sương đã xuống mù mịt, người cũng đông hơn và nhiều hàng quán hơn. Trời tối đen kịt, đi vào chỗ nào không có bóng đèn thì chả nhìn thấy gì. Tôi cũng không còn nhớ nhiều mình đã đi lang thang thế nào..chỉ nhớ lúc phải rời bếp than hồng nướng ngô vì đã sắp buồn nôn vì ăn quá nhiều. Ôi ôi là cái sự ăn ngô vì cô chủ!..Lúc về ký túc xá thì đã khuya. Có tiếng cười rúc rích ở gần cổng, trời tối quá, ai đó định tiến về phía tôi rồi lại rụt lùi, tiếng mấy cô gái Mèo cười rộ..Hơ hơ, hình như họ nhầm mình với anh giai bản nào đó-tôi mặc áo thổ cẩm. May mà không bị lôi vào bụi cây nào rồi thì lại bị chài, bị bỏ bùa thì còn mong gì ngày về!...Tôi kịp nhìn trên thành giường tên chủ nhân của nó:hôm nay tôi là Vàng A Pao....

...Những lần sau này tôi toàn xỏ tay vào túi đi một mình, không hành lý, không gì cả, tiền chỉ vừa đủ dùng. Thấy mình nhẹ nhàng hẳn. Khi bước xuống tàu, hay xuống ô tô, dù là ga tàu hay bãi chợ Sapa, tôi luôn có một thoáng chạnh lòng. Những người cũ không gặp nữa, cũng không tìm. Nhưng trong tôi, luôn luôn thấy ấm lòng khi biết đâu đó sẽ có người nhận ra mình chăng...Cũng như luôn vang vọng cả buổi chiều cuối năm một câu reo hỏi "ô kìa ông khách kia, hôm nay mới ra à?" ở giữa dòng suối Yến. Tôi không thích đi Hương Sơn mùa lễ hội cũng vì vậy, phải là một ngày thường, trong lòng núi, trên dòng sông, đâu đó có người hỏi thăm "ông khách thăm ai?", những tấm lòng lại hồn hậu, dễ dãi, không còn hằn gắt như những ngày đua chen mù mịt...

...Sapa. Sáng hôm sau, chúng tôi tỉnh dậy từ sớm tinh mơ và trả phòng luôn. Hôm ấy là thứ bảy, mới là ngày vui nhen nhóm, nhưng chúng tôi phải về vì hết tiền đến nơi rồi. Với lại, tôi biết, tôi còn quay lại nơi đây. Từ 9g trở đi đã thêm nhiều người khách du lịch cuối tuần lên đến nơi làm không khí vui hẳn. Một gia đình, mấy đôi trai gái, mấy cô học trò..họ luôn nổi bật lên vì trông cách ăn mặc là đã biết là du khách, tha hồ cho các bà Mèo mang vòng túi đến chào đón. Không ai hỏi chúng tôi mấy vì bộ dạng. Chết cười, có lúc tôi bảo để em đi tách ra, thế nào cũng có người hỏi. Vì tôi hôm ấy mặc quần soóc, đi đôi dày da lộn rất xịn (nhưng đã há mõm vì là đồ se con hen), lấy cái mũ rộng vành đội vào, khoác balô bộ đội, mặc chiếc áo khoác ngoài thổ cẩm thì cũng giống Tây phết! (vì đã bỏ lại cái quần bò, mấy cái túi, mấy thứ lỉnh kỉnh cho anh em rồi. Y như rằng một thoáng, mấy bà mấy em Hmông xúm vào, mình cũng phùng má no, no..như thật. Sau họ biết, cười rũ rượi rồi thôi.

...Sau ấm trà của chị Ánh, chúng tôi đi bộ ra suối Cát Cát, khoảng 3km. Đường gập gềnh, nhưng hôm nay đông người đi. Đến nơi thấy cũng thường, định lôi bảng vẽ ra rồi lại thôi. Đi chơi cho nó nhớ, vẽ vời mà làm gì! Lang thang lên đầu suối, hỏi chuyện mấy người dân tộc biết là năm nào cũng có người chết đuối ở đây vì chủ quan. Chết thật, lúc nãy, tôi với thằng bạn lần mò tắm ở đoạn trên mãi, chả biết sợ là gì. Suối trong mà sâu lắm, lúc đánh rơi cái thắt lưng định mò vớt tôi mới thấy hoảng. Nó hiện rõ thế kia mà nhúng cái que đến 3m chả thấy đâu. Tự nhiên thấy đoạn về thật khó khăn.(chúng tôi men theo dòng suối đi mãi lên trên đầu nguồn, không có đường, cứ bám vào rễ cây mà đi). Hai năm trước, có người bạn của mấy cậu em, không quen nhưng mà biết, vừa ra trường xong đi sinh nhật một mình trên ấy, rồi sảy chân ngã cũng chết ở đây. Mấy hôm sau mới vớt được. Bạn bè lên đón về, còn ướt rười rượi…

...Lúc đi rẽ ngang lối vào bản xa, gặp nhà sàn, có người mẹ địu con đang dệt vải. Người ở đây con gái tay ai cũng lấm chàm đến ngang khuỷu. Phụ nữ Mông thấp người, mặt to, dáng đi gù gù như cái điệu đeo gùi quanh năm, không đẹp như đàn ông tộc mình. Chúng tôi chào..."Chúng mày vào chơi, không sợ chó cắn đâu.." Nhưng lần ấy chúng tôi không vào...Nhà họ nuôi gia súc dưới gầm nên hôi và nhiều ruồi muỗi, không như nhà người Thái. Ồ người Thái, tôi lại nhớ cái lần liêng liêng vỗ tay hát hò theo điệu đàn dây của ông thợ săn trong căn nhà thấp tối cũ kỹ cuối bản Mai Châu buổi đêm, lúc ngoảnh ra thấy ngoài cửa sổ có chục cặp mắt của lũ bạn cùng lớp ngó vào-họ cũng e ngại người dân tộc như chúng tôi hồi ấy.

...Buổi chiều, mỗi người lang thang một nẻo. Tôi men con đường nhỏ đi về phía mấy căn nhà hoang phế. Tình cờ gặp ông anh cũng đang lang thang. Hai anh em đi một đoạn thì gặp người quen. Bà cụ mẹ chị Ánh dáng người nhỏ nhắn nhanh nhẹn mang cái ấm không về (bà thường mang nước nóng ra cho con). Qua hàng rào cây ngang người, từ xa bà nhận ra chúng tôi, gọi vào nhà chơi. Lúc về, chúng tôi băng ngang vườn, hái mấy trái đào trái mùa mà thấy ngon tuyệt...

...Sapa. Lần này tôi không vội vàng gì, tôi quá quen thuộc rồi mà. Xe dừng, tôi lững thững lên phía nhà nghỉ công đoàn Lâm nghiệp(?) lấy một phòng. Lại là mấy người khác rồi, những người cũ không làm nữa. Bên ngoài trời lạnh, sương mù mịt. Tôi chẳng đi đâu, ngủ cả ngày, đến bữa đi ăn. Hôm sau, trả phòng sớm. Lại lên tàu về Hà nội. Lòng tôi vẫn nặng chĩu suốt nửa chuyến đường về....

Sapa. Lần đầu tiên đi tàu ban ngày trên tuyến đường này. Hơi nao nao, vì nhớ những chuyến tàu đêm. Thị trấn không làm yên lòng, cảnh vật lại nhắc nhở chuyện đời thực mộng. Tôi phiền muộn, lơ đãng ngồi vào ghế của mình. Có hai người giống như hai cha con bác nông dân miền núi ngồi cùng. Một đống quang gánh vứt dưới gầm ghế. Cậu con trai mang theo một cái lồng chim hoạ mi. Họ ăn mặc rất nhếch nhác:áo sơ mi không thể coi là màu gì, quần kaki trung quốc, ống thấp, ống cao..dép lê. Người cha khoảng sắp 60, người con trai khoảng giữa hai mươi. Câu chuyện rời rạc..Một lúc nào đó, một người lấy quyển sổ học sinh lem nhem ra tính toán, chữ nguệch ngoạc, không nhìn ra được là ghi chép gì. Một người nhẩm tính cả mỳ tôm...Hình như không phải hai cha con. Họ đi buôn thì phải. Có vẻ như phải mấy tháng rồi mới từ rừng về. Tôi vẫn không để ý nhiều câu chuyện của họ, liên quan gì đâu...Chỉ hơi buồn cười cho cái vẻ luộm thuộm và tẩn mẩn của cậu con trai khi giữ khư khư cái lồng chim hoạ mi mua được từ trong rừng ra ấy. Tôi vốn không ưa việc nhốt thiên nhiên lại trong một cái lồng nên tự nhiên sinh sự để ý. Hơi buồn cười khi anh chàng nhắc tôi cẩn thận không dẫm phải chim của em!

...Đã qua Yên Bái, tự nhiên câu chuyện của hai người nhắc đến những tuyến quốc lộ. Tôi góp một vài con đường, thế là bắt chuyện. Vài lời nữa thì ô hô, a ha, hơ hơ...không tả được là tâm trạng tôi như thế nào khi nhận ra đây là hai công nhân của đội trắc đạc nào đó vừa đi đạc tuyến điện trung thế trong rừng về. Cái đống quang gánh mà tôi hờ hững dẫm lên lúc nãy là mấy cái mia, máy thuỷ bình...Cuốn vở học sinh thì kiêm luôn sơ đồ hoạ mốc...(Mãi sau này tôi luôn nhớ lại ấn tượng này như một lời cảnh tỉnh nhẹ nhàng với bản thân về cái sự nhỏ hẹp của lòng mình, khi mải nhìn mình người ta chẳng nhận ra dù một sự vật giản đơn, mà sa đà ngay vào những phán xét ước lệ..). Câu chuyện sôi động hẳn lên vì nghề nghiệp khiến gần như tôi thường xuyên có liên quan với những người như họ. Đến một nơi hoang sơ, ngắm nghía tìm hiểu qua qua, ước lượng quy mô rồi khoát tay một vòng...tôi sẽ về và mơ màng những kỷ niệm, còn họ sẽ bắt đầu hạ đồ, dựng lều, tìm nguồn nước..chuẩn bị một vài tuần lặn lội với muỗi, vắt và hoang vu...

...Khi xuống ga Hà nội, lòng tôi an bình lạ. Tôi nhìn mọi sự đã qua thực không đáng một mảy may...Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ những câu chuyện rơi rơi của ông bác công nhân già ấy về một cuộc đời lang thang khắp đất nước. Về những chuyến đi vừa mới từ Nam về đã lên Bắc mấy tháng với cậu trai trẻ kia. Hôm ấy giáp Tết, ông tính về nhà kịp đám cưới cô con gái, ra Tết lại vào Bình Dương...Hình như người thanh niên có hỏi ông về kế hoạch nghỉ hưu...Giọng ông thực thà đơn sơ lắm "Đi cả đời rồi thấy quen. Ở nhà vài ngày lại không chịu được.." Từ đây, không bao giờ tôi nản lòng trước cuộc sống. Mỗi khi thấy mình bải hoải, bế tắc..tôi lại biết, tôi đang quẩn quanh quá..cuộc đời dài rộng lắm...

Không có nhận xét nào: