Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2009

Comment muộn

Gửi bạn. Mọi chuyện thường rất khác nhau trước, trong và sau khi đã xảy ra sự việc. Hy vọng hôm nay chúng ta cùng cười vui với những dòng như thế này nhỉ :-)
..........

Suy nghĩ lúc ốm. Bạn gửi tin cho tôi nói về nỗi buồn vấp váp ở đời. Việc này làm tôi xúc động và lo lắng. Xúc động vì trong cõi ảo hoá này giữa chúng ta có sự tín nhiệm nhau. Lo lắng vì việc này thật khó để trả lời, cho dù ngay cả là sự im lặng. Bạn sa lầy trong sự nhùng nhằng oái oăm của ngôn từ và những tình bạn "cùng nhau trông thế nhân cười". Những người bạn rất tốt, rất hiếm hoi trong cuộc sống này. Nhưng chúng ta thường phản ứng dễ dãi quá, và tình bạn thực chất là một liên minh thoả hiệp. Chính sự dễ dãi từ đầu này sẽ làm cho bạn trở lên xói mòn theo thời gian. Khi 1 nhóm cùng sử dụng chung 1 thứ ngôn ngữ thì ngôn từ sẽ trở thành ước lệ. Sự bất an khi gặp phải tính ước lệ sẽ thành 1 hố cát tham lam và tàn nhẫn.


Lo lắng còn là vì mình sẽ càng ngày phải trở lên tín nhiệm với lời nói của mình hơn. Nếu con người bắt đầu không còn trung thực với chính mình thì cuộc sống sẽ trở lên buồn thảm, trơ tráo.


Tôi đã có thể nói gì? Rằng hoặc là "Khi không thể yêu thương được nữa thì hãy tha thứ, im lặng và bước qua-(F.Nietzche)"; hoặc là "người ta vấp ngã nơi mặt đất thì cũng y nơi mặt đất mà đứng dậy-(Kinh Thánh)"; hoặc là "người ta vấp phải hòn đá thì người ta không cáu giận vì họ biết hòn đá vô tri. Nhưng người ta dễ dàng oán giận kẻ khác dẫu vẫn biết rằng họ lầm lỡ vì họ vô tri-(Osho)". Hoặc giả bạn hãy dễ dàng và tự nhiên ngay lúc đó phân biện đúng sai, mắng cho kẻ đó 1 trận rồi từ rày không dính chấp vào nữa. Dăm bữa nửa tháng thì kẻ gây ra lỗi lầm đã quên rồi trong khi chúng ta thậm chí đeo đẳng điều tệ hại đó đến 20 năm và tự gây đau khổ cho mình. Lời nói hay hành động, chúng xảy ra trong 1 tương quan-mà tương quan đấy thì như nước chảy qua cầu, 1 lần là vĩnh viễn không quay lại.


Còn rất nhiều nữa những khả năng, nhưng tất cả đó chỉ là lời NÓI. Tự sâu xa tôi hiểu cái bạn thiếu là 1 cái gì đó thuộc về miền sâu TÂM LÝ. Cái cần chữa trị nằm thăm thẳm trong đó chứ không ở lời nói. Cách tôi thường làm là giữ với bạn 1 khoảng cách vừa đủ để bạn nhận thấy sự trống trải, cũng vừa đủ để nuôi dưỡng 1 hy vọng, 1 sự tín nhiệm vào hiện hữu con người.


Tôi biết rằng: khi chúng ta diễn đạt bản thân bằng ngôn từ, đồng thời cái đó thoát ra khỏi chúng ta. Điều duy nhất có thực là sự bấp bênh của cả nội tâm và ngoại cảnh-"mà kẻ dẫn đường duy nhất là tinh thần quyết vượt-(Bạch Ẩn Huệ Hạc)".


Rất khó để diễn đạt với bạn về điều mà tôi đang kinh nghiệm về TINH THẦN QUYẾT VƯỢT. Có lẽ nó như thế này chăng: ta chỉ đau đáu quan sát và hành xử tức thì như trong trận đấu kiếm trên bờ ghềnh sinh tử. Mọi sai lầm sẽ không lặp lại và chỉ cứ chăm chú thế thôi.


Từ nhỏ tôi là người hay đau ốm vặt. Những trận ốm thật khó chịu và chúng ta chỉ có 1 cách là chịu đựng và chờ đợi. Nhưng chờ đợi thì dễ cáu bẳn và buồn nản. Tôi tự đúc kết kinh nghiệm cho mình là hãy làm tất cả những gì có thể làm và sau đó là tự quan sát bình thản tất cả những gì đang diễn ra. Dửng dưng như kẻ ngoài cuộc với chính mình. Thấy như vậy. Biết như vậy. Tôi cũng tự cho phép mình rên khe khẽ. Như thế tôi thấy mình tương tác với tình hình. Và cũng bởi tôi đọc đâu đó là rên khi ốm có tác dụng gấp 200 lần 1 liều thuốc :)


Hay là vì vậy mà tôi ít oán giận cuộc sống và dễ thông cảm với người khác?
Bạn đừng tin ai cả-ngay cả chính tôi hay chính bạn-như là 1 cái gì đó bị dính chấp. Đây là cuộc dạo chơi trong rừng hái lá tìm thuốc chữa bệnh của kẻ ốm. Mọi cái đều có thể và đều không thể. Tuỳ duyên tiếp vật. Miễn khỏi bệnh thì thôi.


Nhưng quan trọng là luôn kiểm soát chặt chẽ bệnh tình của mình. Không phó mặc. Không tự lừa dối.

Carnets-Albert Camus

Một tinh thần quen sơ sơ vận dụng trí tuệ, cũng biết như Pascal rằng mọi nhầm lẫn khởi từ một lối bài trừ độc đoán. Ở giới hạn của thông minh, người ta biết chắc chắn rằng mọi lý thuyết đều có một phần đúng ở trong, và không một kinh nghiệm lớn lao nào của nhân loại mà nhất thiết phải vô nghĩa một cách tiên nghiệm, cho dẫu chúng triệt để đối chọi nhau, cho dẫu chúng mang tên Socrate và Empe'docle, Pascal và Sade. Nhưng cơ hội, nhưng trường hợp lại buộc ép phải chọn lựa. Thế cho nên Nietzsche cảm thấy buộc lòng cần phải công kích, bài bác Socrate và Ki tô giáo bằng luận chứng. Nhưng cũng vì thế mà ngày nay, ngược lại, ta phải binh vực Socrate, hoặc ít ra, binh vực cái tinh thần ông ta biểu dương, ấy bởi vì thời đại đương lăm le muốn thay thế những cái đó bằng những giá trị gần như là sự chối bỏ toàn thể mọi văn hoá, học thuật, và chính Nietzsche cũng đứng trước nguy cơ: thắng một trận mà chính mình không muốn.


Nói thế dường như có ý đưa vào đời sống của tư tưởng một thứ tuỳ cơ chủ nghĩa. Nhưng chỉ "dường như" thôi, ấy bởi vì cả Nietzsche, cả chúng ta, cùng không thể quên cái phương diện kia của vấn đề, và đấy chỉ là một phản ứng tự vệ mà thôi. Và rốt cuộc, kinh nghiệm của Nietzsche, tăng bù vào kinh nghiệm của chúng ta, cũng như kinh nghiệm của Pascal tăng bù vào kinh nghiệm của Darwin, kinh nghiệm của Callicles bù vào Platon, cùng góp phần hồi phục cuốn sổ ghi của con người và đưa chúng mình về lại quê chung. (Nhưng mọi điều này chỉ có thể đúng là cùng với một "tá" sắc thái uyển chuyển bổ sung).


Dù sao chăng nữa, xem lại Nietzsche (Cỗi nguồn triết học): "Socrate, tôi cần thú nhận điều này, Socrate gần gũi tôi đến nỗi tôi phải liên miên chống đối ông không ngừng".

(BG dịch)

Này em có nhớ

Viết blog là để gán cho những cảm thức rời rạc đã qua 1 ý nghĩa thống nhất, 1 chiều hướng để chống lại cảm thức về bất an, nghi ngẫu. Nó càng có tác dụng tâm lý khi người ta có sự tán thưởng đồng loã của những người khác.

Còn những bài thơ?-Nó là sự buông xuôi, ngân nga của cảm xúc và lý trí xuôi dòng. 1 giai điệu cũng là 1 quy luật, 1 chiều hướng, cũng mang đến sự an tâm tạm thời.

Những bài viết "học thuật"?- Nhu cầu giải thích, nắm được quy luật. Để dự báo, để có cảm giác làm chủ.

Quay lưng lại với thực tại hiền tiền. Luôn hối tiếc, mơ hồ, nhiều mơ mộng gán ghép. Dễ cáu bẳn, nổi xung vô lý. Khinh mạn và cố chấp.

Này em có nhớ

Giấc mơ xưa hoang hoải rồ dại. Khao khát và liều lĩnh. Dè dặt mà phóng túng. Đi không nhìn lại mình và bóng chính mình chỉ trở về trong những giấc mơ u u mang mang hoài vọng. Lạnh rỗng và mệt mỏi. Muốn nức nở giữa màu đen hỗn mang nhưng chính trong mơ vẫn không thể khóc trước ánh lam xanh lay láy trêu người.


Trăng ào ạt tạt rừng cây đổ bóng đen trời. Muốn yên lặng, vĩnh viễn lặn xuống đám lầy trước mặt. Cái gì ngăn ta lại?- Ngay cả khi mơ?


Buổi chiều nhạt nhẽo nổi đoá với chính mình những điều vô vị loãng toẹt. Cười với mình 1 lần soi bóng lạ. Những ám ảnh lập thể tuỳ tiện dễ dãi dán lên báo tường-cũng những thằng xuẩn dục tơ tưởng thiên tài ngẫu nhĩ. Kết quả xổ số chiều nay của thời gian báo tên em trên bảng điện tử ba chiều. Mất cả đêm để chọn áo hợp màu. Đểu thật. Ta nhỉ? - Hờ hờ ta.

carnet

"Chết đi mà biết rằng mình sẽ bị quên lãng"-có lần đã viết ở đâu đó (liễu ấm hoa minh hựu nhất khai) rằng sau nỗi sợ chết là nỗi sợ hãi về cái điều có thể mô tả là "không là gì cả"-mỗi một cái "là" đều được mô tả bằng "những cái khác".

Người ta nghĩ về cái không_tồn_tại bằng cái tồn_tại. Nghĩ như thế nào về sự mất đi nhỉ? Cái gì mất đi? Cái đó có thực không? Thực tế cái đó trong tương quan với cái đang_là_tôi suy nghĩ là ntn?

Với đa số mọi người, ý nghĩa, giá trị của họ nằm trong sự đánh giá, ghi nhận của người khác. Điều này có bình thường, hiển nhiên không?

Đầu tiên là từ cái tương quan ta- với người đã. Con người lịch sử, con người xã hội. Nhưng vấn đề luôn bắt đầu từ "tôi là gì". (Một tiếng vọng "tôi là gì").

Đau đớn là dấu hiệu chắc chắn nhất về bản năng của níu kéo tồn_tại. Có sinh thành hoại diệt nhưng như thế nào mới là quá trình vô ngã?

Văn học: truyền thụ điều mình cảm thụ vào trong những điều mình mong muốn người khác cảm thụ được. Vậy thế nào là đời sống riêng của "cảm thụ". "Nhà văn không nhất thiết phải có tư tưởng"-câu này có đúng không? Ví dụ như âm nhạc-lý tính của âm nhạc được nhận diện như thế nào?

"Cảm thụ" tức là cái tri giác nghiệm sinh tổng thể của cá nhân. Nó không dẫn lối cá nhân nhưng tác động đến ngã rẽ, lựa chọn của họ. Làm sao để nói 1 câu chuyện bình thường tách rời cái tuyệt đối mà vẫn có ích?

"Đời sống biến thành định mệnh vào lúc chết-1 thứ định mệnh cho kẻ khác"-cũng còn 1 ý nữa: "trong bao lâu?". Có vẻ không quá 3 thế hệ. 100 năm. Trăm năm trong cõi người-ta.

Hình ảnh đời sống dưới hình thù 1 định mệnh-là khi người ta luôn nhìn về những cái đã xảy ra và gán ghép cái mong muốn của mình. Nó không liên tục.

Văn học: "riêng cái nhịp chuyển động là phải được phục hồi nguyên trạng". Nhịp chuyển động của cái gì? Cảm xúc? Hay cảm thức?

"Những âm vang kia là 1 ngôn ngữ mà ngày nay tôi là kẻ một mình nghe ra trong kỷ niệm".

Hoài vọng luôn đượm màu trìu mến và rộng lượng. Bởi không chứa những định kiến? Bởi chỉ biết yêu thương? Và không còn trong hiện tại (chua chát) nên luôn dễ xếp loại? Nhưng quả thực nó làm cho người ta biết đến khả năng lớn hơn của lựa chọn yêu thương.

"Không phải cho tôi"-"cõi đời này không phải cho tôi"-Hay là không phải cho riêng tôi?

"Dầu sao đi nữa"-đặt mình vào vị trí người khác.

"Ly biệt là quy luật, ngoài ra là ngẫu nhĩ"
"Một tấm lòng không cay đắng chát chua"
"Mọi nhầm lẫn khởi từ lối bài trừ độc đoán"
Nhưng cơ hội, trường hợp lại ép buộc phải lựa chọn-"bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này"



"Cùng góp phần hồi phục cuốn sổ ghi của con người và đưa chúng mình trở lại quê chung".

Lối lập ngôn lờ đờ, lưỡng lự, dầu sao đi nữa...

Đi mãi thì đến Chèm

Ở thành phố lâu thật dễ cảm thấy nhàm chán. Phần nhiều là vô cơn cớ. Không gian tù túng chật chội. Con người ta sống sít sát với nhau nhưng lại rời rạc như những hạt cơm nguội trong một cái hũ tù mù. Mỗi nửa đêm, mỗi khi tắt điện, ngả lưng xuống và tự nhủ rằng đã hết một ngày thì tôi lại nao nao nhìn thứ ánh sáng mờ nhạt từ ngoài khung cửa sổ đang hắt vào trong nhà. Dù biết quanh năm vẫn chỉ là thứ ánh sáng quầng của đèn đường dưới kia vọng lên đấy nhưng luôn luôn tại thời khắc đó trong tôi dội lại hai tâm trạng. Ánh trăng ở nông thôn rộng rãi bàng bạc trở về cùng cảm giác thếch thoác vì nó chỉ luôn dừng ở lằn ranh ký ức nhìn tôi.

Cho dù trăng vẫn đấy và ngoại ô đang ngoài kia nhưng tâm thức thì đã như vốc cát khô lọt qua những kẽ tay từ bao giờ.

Chiều. Tôi nghĩ mình phải ra khỏi nhà. Nhưng đi đâu? Có thể đi đến đâu thì sẽ dừng lại? Không nghĩ nữa nhưng đó phải là một vùng rìa. Một "xứ lạ". Hà nội chỉ có hồ Tây là chỗ tầm mắt có thể rõi mãi đến mờ mịt. Nhưng đứng san sát nhau thì thật khó để đưa mắt ra chỗ xa mờ.

Vòng theo con đường đê, thoát khỏi những lớp nhà lô xô mới nổi thì sẽ đến chỗ có mấy rặng tre. Mấy khoảnh ruộng trồng hoa đào đã gần như biến mất khỏi tầm mắt. Nhà cửa lao nhao đã chiếm hết những khoảng lùi cần thiết cho một vùng ấn tượng. Ruộng đồng còn đó nhưng không có chút hồn vía nào nữa. U ám gần như là tăm tối trong buổi chiều mây mù cuối năm.

Khuất sau những bóng tre có một triền cát dài ngút ngát nằm cạnh bờ sông. Nhưng bây giờ lối đi men đê đã có biển chỉ đường: TRE PLACE. Khi đám đông phát hiện ra những bụi tre thì những bụi tre liền trở thành một sân khấu kịch toen hoẻn của những thị dân.

Đi dọc bờ đê cho ta cảm giác như đang song hành cùng dòng sông. Như đang cùng người bạn thân cũ tìm về một chốn xưa ẩn tàng trong ký ức chung.

Qua chỗ có cây cầu Thăng Long, quá con đường vòng về Hà nội, khi mà ô tô đã bớt đi nhiều thì sẽ thấy đình Chèm nằm chênh vênh bên bờ sông ngoài đê. Dừng lại đứng trên thềm cao nhìn xuống triền sông bên dưới sẽ yên bình nhưng nếu cứ đi ngang qua luôn thì còn thấy yên lòng hơn. Nhưng giờ sẽ đi đâu nữa? Kệ, miễn là cứ men theo dòng sông. Có thể sẽ là một bãi sông rộng rãi.

Con đường thắt lại, quành vào một khúc quanh và con sông khuất đi sau một bãi nổi. Chỗ cái cống ngang sông này lần nào cũng đem lại cảm tưởng như sắp đến một góc hiu hắt nào đó. Cho dù thực ra cứ đi tiếp lại sẽ thấy con sông thấp thoáng bên kia đê. Mấy khu cảng làm ngần ngại cả một dải bờ sông tiếp theo. Nhưng giờ sẽ đi đến đâu nữa? Kệ, cứ đi cho đến bao giờ muốn quay lại. Hơi buồn cười vì ý nghĩ nếu là trong một cuốn truyện thì nhân vật có lẽ sẽ đi mãi đến mất hút trong sương mù.

Chợ Kẻ. Hình như đã hết Chèm rồi. Hình như đây cũng là Kẻ mười năm trước mình cùng anh bạn đạp xe lên chơi nhà những người thợ mộc. Hồi ấy đi lối Hà Tây và không có khái niệm về phương hướng. Cứ đi vậy thôi. Chắc là đúng rồi: những bãi gỗ ven sông. Cái mùi ngái ngái. Buồn cười, đi mãi đến đây mới để ý đến cái mùi đặc trưng của mùa này. Chiều thu, khói đồng mù mịt và khói sông bảng lảng. Hình như đã đi ngang qua khá nhiều đình chùa nhỏ nhỏ của những ngôi làng dọc theo con sông. Ngồi trên xe máy, co hẳn hai chân lên cao sẽ có một cảm giác chênh vênh rất lạ. Nếu bây giờ đi cùng một bạn nào trẻ hăng hái thì có khi sẽ rủ nhau ghé lại chụp ảnh hay vẽ vời. Một mình, ngay cả cái ý nghĩ dừng lại cũng sẽ làm mọi thứ tan biến bẽ bàng.

Chợ bên sông. Chợ trên đê. Rồi những khóm nhà ở sát men sông. Nghĩ đến làng Không-có-đâu. Giá kể mà rủ rê được người bạn nào khi rủng rỉnh cùng nhau tậu một miếng đất ven sông ở đâu quanh đây mà lập Trại-hoa-vàng thì có khi sẽ rất thú. Nhưng sẽ là ở đâu nhỉ? Đoạn trước hay là đoạn này? Thôi kệ, để chờ anh bạn chọn trước, mình sẽ tham khảo sau. Đại khái là vậy. Hình như đây đã là sang Đan Phượng. Thật không nghĩ là sẽ đi xa thế này. Bây giờ làm sao dừng lại? Làm sao để bắt đầu quay lại?

Bụi mù mịt và xe tải lại chạy đầy đường. Kệ, cứ men theo dòng sông. Thế nào chả có lý do để quay lại. Hình như vừa có một con đường nhỏ đi thẳng ra bãi sông. Cứ để đấy, có thể sẽ quay lại. Để vớt vát buổi chiều chẳng hạn.

Rồi cũng chẳng cần. Cuối cùng cũng thấy một bãi sông rộng rãi và một vùng sương nước mênh mang.

Bây giờ quay lại chưa nhỉ? Đi tiếp một chút nữa đã rồi hẵng quay lại. Như vậy sẽ không làm tan biến di âm. Đi quá ngôi chùa đằng kia là có thể quay lại được rồi. Giật mình vì tiếng chuông chiều bất chợt. Nếu là trong truyện thì có thể đã tan đắm vào trong đó chứ không vơ váo thế này. Thôi quay lại. Ừ quay lại.

Vỗ tay reo
Tiếng vang vang..

Gọi khoang thuyền ngày xưa
Bàn chân trần lấm cát
Dẫm ván sàn
chênh chao..
Vỗ tay reo
Tiếng vang vang..

Entry for December 22, 2008

http://www.quansuvn.net/index.php?topic=1070.20


"Chiến tranh giản dị đến khắc nghiệt vô cùng. Diễn tiến tâm lý cũng chẳng lằng nhằng phức tạp trong thời điểm cận chiến. Mày sống tao chết hoặc ngược lại. Huy động và sử dụng tối đa các kỹ năng sống sót của con thú. Lăn đi! Nằm xuống! B.41 đâu? Bịt mồm khẩu đại liên! Mẹ kiếp !....Không sủa, không gầm gừ được thì văng tục!..... Có thế thôi ! Sau này lắng lại, các xúc cảm con Người trở về, và được sự giúp đỡ của các nhà văn nhà báo lãng mạn mới hay mình đã chiến đấu vì Đất nước. Kể cũng thấy tự hào..."

- Lời nói của người lính trận. "Đại tự sự" của chiến tranh? Tại sao lại là những năm tháng đáng nhớ nhất? Gắn chặt với thực tại. Xúc cảm kịch liệt. Vận động kịch liệt. Chạm vào ranh giới của sự sống và cái chết. Nó, những ký ức, sự kiện trở thành nguồn tư liệu cho sự tự vấn của người lính.

- Dẫn dắt: từ sự lựa chọn. Sự oái oăm của định mệnh. Giấc mơ về sự lựa chọn.

Một khung cảnh đám giỗ ở nhà quê. Những người đàn ông ngồi uống rượu với nhau lúc cuộc đã tàn. Mấy người đàn bà ở nhà dưới. Mọi người nói về chiến tranh với sự căm thù và phấn khích. Mình nói cái gì đó. Bố ngồi lặng lẽ, thở dài nói "Chiến tranh không phải là một trò chơi" -bố đã từng trải qua. Chuyển sang khung cảnh là một căn nhà đổ nát, mái bằng đã bị sập lộ ra khoảng trời toang hoác. Những chiếc máy bay của Mỹ to lớn bay rất sát mặt đất, mình với vài người ngước lên nhìn thấy rõ những qủa bom. Một vài người dùng súng Ak bắn lên nhưng không ăn thua. Dùng vũ khí mạnh hơn thì sợ tất cả sẽ nổ tung. Mọi người căm phẫn. Không gian âm u và ngột ngạt. Bỗng chuyển sang khung cảnh một bến sông, trời mưa gió tầm tã. Những người đàn bà đang tiễn con mình đi ra trận. Những đứa trẻ bằng tuổi em mình, vừa chơi trò chơi đuổi bắt bên mé rừng rồi bỗng nhiên bị gọi đi. Một số đứa bị lùa sang phe bên kia. Bỗng gặp mẹ, nói thằng em mình cũng phải đi. Nháo nhác tìm kiếm. Chúng nó có biết gì. Mai kia lại quay súng bắn vào nhau. Những chiếc xà lan (của Nato) chở lính bắt đầu đến. Mình bỗng nhiên oà vỡ, khóc như mưa như gió. Bất lực hoàn toàn và rất trớ trêu. Vô nghĩa..

---------------

- Đào ngũ. Ngay cả khi có sự lựa chọn việc từ chối tham gia vào 1 việc phi lí như vậy, thì việc bảo tồn sinh mệnh có phải là ưu tiên hàng đầu? 1 cá nhân sẽ dễ dàng viện ra những lý do hiển nhiên cho nhận thực của mình. Còn khi không được lựa chọn? Như Nguyễn Bắc Sơn. Hay trốn lính như TCS?

- Câu nói của Albert Einstein: người lính có vị trí thấp nhất trong thang bậc nhân vị của con người trong xã hội (Thế giới như tôi thấy). Vì họ ít lựa chọn nhất? Còn vì họ là công cụ của sự huỷ diệt.

- Câu chuyện sẽ kéo về đến PG và đất nước. Trần Nhân Tông hay Tuệ Trung Thượng Sỹ. Rốt ráo và giản lược thì vẫn là 1 cas điển hình: Mở miệng không được, không mở miệng cũng không được. (Không phải Mở Miệng bỏ mẹ). Có tội hay không có tội. God.

- Chiến tranh. Người ta nhân danh cái gì để phán xét 1 con người khác là đáng chết? "Máu đền máu. Răng đền răng.". Điều này đòi hỏi 1 nhận thức sâu xa về sinh tồn. - Câu chuyện vua Tề tế dê thay bò (và Mạnh Tử). (Xác lập cơ sở cho đạo đức. Bên kia thiện ác, btw). "Dịch hạch" cũng nói về tử hình. Quyết định tự tử là 1 quyết định/sự kiện trọng đại (Sysphus, A. Camus).

- Câu hỏi về chiến tranh khởi đi bắt đầu như thế này: phải làm gì khi bị rơi vào 1 cuộc chiến? Mà người ta lại chưa kịp mang theo ý nghĩa của nó-của tình thế hiện sinh của mình. Người ta không muốn giết và cũng không muốn bị giết.

Sau đó sẽ là: tính chính đáng của việc tử hình. Tinh những việc khó!

Homo Faber-Max Frisch

- 1 môi trường rộng lớn, quốc tế hoá/tiêu chuẩn hoá. Sự tiến bộ. Sự tha hoá của con người.

- Những cảm giác của 1 con người: cảm giác yêu thương, cảm giác tội lỗi, sự sợ chết, do dự, lo lắng...

- Giấc mơ li dị: cảm giác li khai, nhu cầu cá biệt hoá.

- Để khắc hoạ sự đối chọi, có cách rất đơn giản: sự phi lý, sự hi hữu, ngẫu nhiên, oái oăm...của cuộc đời. Nhưng cuộc đời có cần quá nhiều những thứ phi lý như vậy để dẫn dắt những cảm thức "con người" kia không?

- Những năm 1950s. Thời kỳ hậu chiến. Hippy. Ý thức hệ.

- Khi vắng mặt những sự kiện li kỳ, phi thường-cuộc đời con người ta vẫn vốn dĩ rất phi lý và oái oăm-làm rõ nó ra.

- tr38: xác suất và nghiệm sinh-chúng ta chỉ có 1 cuộc đời để trải nghiệm.

- Các nhân vật đều cô độc và tự vấn. Họ có tài, có cá tính, và có khả năng để được lựa chọn cũng như có vẻ họ có nhiều lựa chọn. Nhưng họ vẫn bị cuốn đi bởi những trải nghiệm nghiệm sinh của họ. Thực ra họ có tấm lòng rộng mở và có thể yêu thương bất cứ điều gì nhỏ nhặt nhất từ cuộc sống. Nhưng họ vẫn bị phân li với cuộc sống.

- Lồng ghép hình thức nhật ký. Sự hồi tưởng đem lại cảm thức gì?

- Thói quen quay phim. Tại sao phải quay phim? Để nhớ lại? Đã chọn lọc và đã sắp xếp. Tại sao không trải nghiệm trực tiếp hiện tại? Nó có vẻ mâu thuẫn với việc trình bày câu chuyện dưới dạng kể lại-hồi ký?

- tr41: Không phải chuyến phiêu lưu kỳ thú/sự vắng mặt cái huyền bí. Khi nào thì phát sinh cái huyền bí? Khi tin vào sự vô hạn hay sự hữu hạn?

- Những cây agaua trên sa mạc: loài cây chỉ ra hoa 1 lần rồi chết.

- Ánh trăng và sự thực. Óc liên tưởng là dối lừa hay sao?/Về phép gợi gián tiếp của nghệ thuật phương Đông và quá trình suy tư vô tận-để hoà mình vào tiến trình-để chạm được vào những thứ vô hình (FJ).

Tặng Hana.

- Cảm giác nhớp nháp ở xứ nhiệt đới hoá ra lại là cái làm cho người ta ghi nhớ là đã sống.

- Đoàn tàu tiện nghi trong đêm. Qua rừng.
Luôn luôn tôi nhớ những chuyến tàu đêm đi Yên Bái, Lào Cai..nhớ cái ấn tượng đến ám ảnh của lần đầu tiên. Con tàu cổ lỗ, còi hơi. Hành khách là những người bình dân-đủ mọi hạng người, nhếch nhác..Cái không khí chộn rộn, ngai ngái của sân ga về đêm, dưới ánh đèn điện vàng vọt. Cái giọng nhắc tàu rất đặc biệt, đặc biệt ngang với chương trình ngâm thơ trong mục Văn nghệ của đài tiếng nói VN lúc đêm khuya gần Tết âm lịch. Xe ôm, xich lô, khuân vác, chè chén..người đưa người tiễn, cái dáng vẻ láo nháo ngơ ngáo tìm nhau. .Sự vội vàng của người về, vẻ bồn chồn của người đi...



Con tàu sẽ rục rịch rồi đi qua phía lưng của những khu phố cũ. Tôi ngồi trong toa ghế cứng (đấy mới là nơi của đa số mọi người), nhìn qua khung cửa. Không bao giờ người ta chú ý đến phía sau ngôi nhà cả. Con tàu như đi qua một thế giới chưa hề thay đổi-một thế giới, cũ, nhếch nhác và không hề mảy may làm duyên làm dáng. Thảng hoặc có xuất hiện vài người thì cũng là những phút giây không hề duyên dáng, cũng chẳng buồn ngó con tàu..Tất cả là một thế giới không phải của hiện tại. Khi tàu đi qua đoạn Đường Thành, tự nhiên thấy khác lạ vô cùng. Phố cũ Hà Nội nhìn từ trên cao xuống thấp thoáng sau hàng bàng đã thưa lá ngày cuối đông thật yên tĩnh khác thường. Từ trên đây thấy phố chả khác ngày xưa chút gì.



Ngang qua sông Hồng, gió bắt đầu lộng thổi. Cây cầu Long Biên xa xa trong ánh đèn vàng mờ mờ một quầng..cầu chỉ riêng cho người đi bộ và đi xe đạp-chủ yếu là xe đạp thồ, nhiều nhất vào sáng tinh mơ, khi mọi người chở rau sang phố..Thành phố lãng quên nhiều thứ quá, nên mới còn đầu sông cuối bãi này để mà đôi khi ta ra ngó cho lòng dịu lại...Tôi luôn thấy chuyến tàu là một hình ảnh thật giống với hình ảnh cuộc đời. Đủ mọi hạng người trên cùng một hướng đến đại thể. Ngồi lên đây rồi là không ai nghĩ đến một hướng đi khác nữa-không chọn lựa. Ở trong xe lửa là yên tâm nhất. Mọi sự vẫn trôi đi mà khối sắt thép này là đảm bảo tuyệt đối cho sự an toàn trước mưa gió ngoài kia. Có thể gặp vô số cảnh đời nơi đây: một cụ già về quê, một gia đình chộn rộn có con nít, những người đi buôn, những người đi làm, những đôi lứa đi du lịch, những người không thể biết...Trên tàu cũng có sự phân biệt, có trật tự riêng..trật tự của những người cả cuộc đời ở trên dòng lắc lư này.



Khi đêm đã hơi muộn rồi, trời se lạnh thì mọi người đa phần đều ngủ hay gà gật. Tàu đang đi qua những cung đường vắng. Một vài ngọn đèn vẫn bật đủ soi mờ tỏ những dáng hình con người. Mọi người cố xoay sở cho mình tư thế thoải mái nhất có thể: những cái áo đắp tạm, người thì nằm ngang, chân gác qua thành đối diện, có người mắc võng và không ít người nằm luôn xuống sàn tàu có hoặc không có tấm gì kê lưng. Tạm bợ, tất cả đều tạm bợ vì chuyến đi chỉ là tình cờ, mọi người đều chờ đợi sự sạch sẽ tại nơi đến của mình. Bất giác tôi liên tưởng đến một cái nhìn trong suốt-tôi luôn ao ước có ai vẽ ra bức tranh ấy:trong con tàu, loại trừ đi những vách ngăn, nơi này là những người nằm ngồi la liệt, khoang bên là sáu con người một gian..mỗi người một tư thế, một dáng vẻ trong một thế giới ba chiều. Ai cũng bàng quan nghĩ rằng mình đơn lẻ, riêng tư...Ai đó nói mê, một vài người trở mình, thỉnh thoảng có người quờ quạng đi về phía toa lét, băng qua những cái chân ngáng, len lách giữa những thân người. Mỗi lần ngồi trong một toa tàu tôi thường luôn tìm một hình dáng nổi bật nhất. Một cô nào đó sẽ được chọn làm hoa hậu và hễ cô còn ở đó và không bị thay thế thì cảm xúc của tôi vẫn còn trung thành với cô đấy...Bất chợt một vài người bừng tỉnh, lục sục đồ đạc. Giọng thông báo ngái ngủ, con tàu sắp dừng lại một ga lẻ nào đó. Khuya rồi. Sương lạnh xuống mờ mịt. Con tàu dừng lại giữa một quãng rừng vắng. Trong đêm tối, cái ga xép chả thấy đâu, quầng sáng vàng vọt chỉ đủ soi thấp thoáng cây cột điện, hình như có nếp nhà sàn..Vài ba người xuống tàu, rồi vội vã tan mất vào trong đêm tối. Không biết giữa rừng thế này họ đi về đâu? Cũng không ai để ý họ cả, mọi người chìm trong giấc mộng mị, thấp thỏm..

- Tôi liên tục ngủ mơ...(không mơ thấy Hana)

--------------------
Chuyện người da đỏ.


Người đàn ông nhìn thấy con chim ưng bay qua trước cửa bỗng nhiên bỏ nhà ra đi. Người vợ gặp lại dười âm phủ bèn hỏi. Câu trả lời là: vì con chim ưng vẫn bay.


--------------------

- "Tôi nghĩ về Yoakkim. Nhưng đích thực, về cái gì nhỉ?"

- tr65: thứ âm thanh "vè vè ong ong, không to nhưng dai dẳng, ám ảnh, gợi nhớ tiếng ve sầu rả rích, nhưng đanh và đơn điệu hơn"-Mình nhớ cảm giác lúc nghe file nhạc của VNT mà bạn KH gửi cho. Thì ra là nhớ đến đoạn này. Buồn cười, đóng kín cửa phòng làm việc để nghe và đóng bộ tịch nghiêm trang trước sự ngạc nhiên của thằng Đức.


"Máy tính anh bị làm sao đấy?"


"Nghệ thuật Hậu hiện đại đấy."


Btw, tinh thần HHĐ: sự tái lập giá trị Khai Minh. Giải phóng con người, tự do cá nhân và chủ nghĩa nhân bản.

- "Anh chàng người Mỹ" và những di chỉ Inca làm mình nhớ Mỹ Sơn và Kazic.
Bị chìm đi ở Palenke. "Ở đây người ta quên hết thảy".

- Có lẽ những khung cảnh được khắc hoạ giống như là những ký hoạ sống động.

- tr211: tôi nhận thấy lứa tuổi lại có vẻ rất hợp với nàng, chỉ trừ cái cổ hơi nhẽo làm tôi nhớ đến cổ con rùa. Tôi lại xin nàng hãy bỏ quá cho những lời của mình.

Erini-nữ thần (Erinnyes) của sự nguyền rủa và trả thù. Nhưng với những người biết hối cải lại trở thành những nữ thần lòng lành phù hộ. Ơmêniđa (Chính là Những kẻ thiện tâm).

- Nhưng chính tôi chẳng phải cũng thường trình bày 1 sự kiện như là những gì đã qua. Thậm chí mọi cấu trúc hành văn luôn trượt qua (phía trước hoặc phía sau) của tâm điểm. Tâm điểm bị phớt qua, thậm chí là lờ đi trong tiêu đề. (Đi mãi thì đến Chèm). Đấy không phải là sự cố ý mà đúng hơn là sự cố gắng tái tạo bối cảnh và cảm xúc. Những thứ thực sự lan man và không thể quy chụp riêng rẽ.

- tr221: hạng đàn ông: 1 đám người mù quáng, bị tước đoạt mọi tiếp xúc với thế giới xung quanh.

- Những liên tưởng so sánh hình ảnh-tôi nhớ những đám mây tuổi thơ.

Ngày xưa mây trắng bay phiêu dật chân trời. Buổi chiều mùa hè. Nắng đầy chiều. Lũ trẻ đu mình trên cây xoan bên bờ mương, dõi nhìn phía bầu trời trên cánh đồng. Mây trắng hình gì ấy nhỉ? Thi xem ai tìm được nhiều hình nhé! Dịu nhẹ. Ký ức ấy rất nhẹ nhõm trong cõi lòng tôi vụn vặt.



Tại sao Yoakkim lại tự tử?
Tại sao Herbert lại thay đổi? Theo kiểu bất cần như vậy?
Nađa.

- tr278: khi xem 1 bộ phim, điều đó đã không còn nữa.

- tr302: sống trên mặt đất-có nghĩa là sống với đời.

--------------------
Khi đã bắt đầu tưởng tượng thì sẽ phải tưởng tượng rất dài. Và sau đó thì rất dễ thất vọng, lập bập. Nhưng thực tế mọi chuyện cũng chịu được. Rút từ thực tế.


--------------------



Làm thế nào để "nghe" 1 bản nhạc? Giữ cho tâm trí thả lỏng như 1 mặt nước hồ hứng những giọt nước mưa là những âm điệu. Không liên tưởng, không ghi nhớ, không chờ đợi. Đơn giản là "nghe" vậy thôi. Không để tâm trí vướng kẹt lại ở chỗ nào.



Sự thuần khiết. Tính cực đoan. Dọn dẹp tâm trí tốt nhất là bằng âm nhạc không lời.



Âm nhạc và cử động. Mọi người múa may vô thức theo điệu nhạc. 1 phản xạ có điều kiện hay là sự tương đồng giữa ngôn ngữ động tác của cơ thể và âm thanh?


---------------------

- Vì 1 mục đích cụ thể, họ (Yoakkim hay Herbert-yes, nước Đức) đã vượt qua mọi chướng ngại. Chính quá trình trải nghiệm đã biến đổi con người họ. Một kiểu mất phương hướng? Đầy ứ sự tương đối. (Nađa). Hay chỉ đơn giản là sự thoái lui, buông xuôi? Vì sao? Vẫn chưa thực sự nghĩ ra điều này.

- Mọi chuyện trở lên "chẳng là cái gì cả". Cái gì đã biến đổi con người kia? Những cảm giác của con người? Tại sao Yoakkim? Tại sao Herbert? Vì sự bối rối nào? Quy chiếu vào mình và nhận ra mình nhỏ bé?

- 1 thế giới dường như không còn giới hạn về kích cỡ quả đất nhưng lại còn ẩn tàng rất nhiều nếp gấp mà người ta còn phải lật đi lật lại bằng cuộc đời mình để hiểu. Sống và trải nghiệm cảm giác của mình với ý thức về sự nhỏ bé của chính mình. Sống với ký ức, trí nhớ, tình yêu và những điều dang dở. Sống với nỗi bất an mà chỉ còn biết an ủi mình bằng những cảm giác về cuộc đời.

---------------------

P/s: Homo Faber của Max Frisch là cuốn tiểu thuyết tôi thích đọc lại nhiều nhất (cho đến giờ). Hình như mới chỉ có 1 bản dịch duy nhất và xuất bản 1 lần duy nhất vào năm 1986 của NXB Tác phẩm mới. Bản dịch của Hoàng Hữu Phê và Đặng Hồng Trung từ bản tiếng Nga. Tiểu thuyết luận đề của 1 nhà văn tay ngang xuất thân KTS người "Thuỵ Xỹ". Hình như có tên trong bình trọn 100 cuốn sách của TK20.

Cuốn sách khá dầy in bằng loại giấy xấu đen ngòm hoá ra lại rất có sức ám ảnh tôi. Mỗi lần đọc lại đều có thể bị lôi kéo cho đến tận kết thúc. Luôn luôn là cái không khí hồi tưởng buồn buồn cảm động mà không mất đi vẻ khoát đạt thoáng đãng đến nao lòng.

Mỗi lần nhớ lại tôi thường nhớ đến cụm từ "những cây agaua trên cát". Và cái nóng ẩm ở Palenke. Chắc là tâm trạng muốn thoát đi. Đến tận cùng trời cuối đất. Mà không cần viện đến cái độc đáo, hùng tráng màu mè. Chỉ là muốn thoát đi.

Cũng có thể là vì trong câu chuyện đều đều lầm rầm này các nhân vật đều có tuýp tâm trí rất khoát đạt. Không ai ti tiện. Không ai gùn ghè. Kể từ gã macô Cuba trở đi. Còn cái tên Hana thật đẹp. Không hiểu sao lại có cảm giác như vậy. Mỗi khung cảnh cũng sống động nữa. Tôi cứ liên tưởng đến những ký hoạ bằng bút sắt. Hẳn là lên những mẩu giấy bất kỳ. Đã định viết hẳn 1 review về cuốn sách này. Nhưng mỗi lần đọc lại đều chỉ muốn để nguyên như thế. Có khi những gạch đầu dòng linh tinh cũng sẽ giống như những ký hoạ kia: luôn dang dở và day dứt. Ở giữa cuộc sống và tác phẩm.

Bàn về cái Nhạt-FJ

27- Luôn đi về phía trước, lấy việc đi về phía trước làm mục tiêu suy tư
->Chứa đựng 1 ý thức về "cái thực tại đến tận cùng"

- Thế giới trong bản chất sâu xa và trong việc đổi mới "kỳ diệu" của mình, chẳng phải cái gì khác là "khả năng duy trì bất tận" (để từ đó suy ra mọi chân lý) đó sao?

30- Cái nhạt là cụ thể-ngay cả khi nó ở dạng ẩn giấu->người ta nói nó trong 1 cảnh quan.

31- (tranh thuỷ mặc)
- Xa gần như nhau->(1) phản chiếu vào nhau; (2) có giá trị như nhau dưới góc ngắm

37- Thông tuệ đạo lý phải thấy rằng những mặt đối lập không những không hề kìm hãm nhau để loại trừ nhau, mà lại không ngừng chi phối nhau và giao liên với nhau
*Sự hài hoà-trung hoà-kích thích và phản hồi->để hành động không ngừng->giữ mãi trong quá trình.

47- Chống lại sự sùng bái quá dễ dàng-cái bất thường.

- Tìm cách sống khác với đời cũng như tìm điều kỳ diệu để hậu thế có chuyện bàn tán, cái đó, về phần tôi, tôi xin chịu-KT

- Cái Nhạt không gây mệt mỏi.

53- Người quân tử không tìm cách lừa gạt ai, chỉ nói những điều mình làm được; những lễ phép thường ngày còn xa mới là yêu cầu chân chính của nghi lễ.

58- Sự cân bằng-sự hài hoà

59- Luôn sẵn sàng ứng phó với mọi biến động của thế giới và khắc phục những biến động ấy dễ dàng.

60- Quan sát/suy xét 1 người->trước hết xét khả năng tỏ ra bình lặng, nhạt, rồi sau đó mới xét trí thông minh.

66- Âm nhạc hay nhất: thứ âm nhạc tác động đến ta nhiều nhất->luôn ở mãi trong đầu óc và "không bao giờ quên".

71- Di âm và tác động của nó dẫn ta từ 1 phương thức còn cảm nhận được-> đến 1 phương thức nắm bắt thực tại tinh tế hơn, cơ bản hơn.

91- Thơ ca được dùng để nắm bắt cái vô hình thông qua cảm quan, để gợi lên cái hư vô từ những hình ảnh.
->"Bầu khí quyển" lan toả trên cả bài thơ.

92- Chiều sâu cảm xúc, tính khôn lường, khả năng vươn tới vô hạn.

93- Sức nguyên lai-cái Nhạt-Sự phong phú tế nhị.

106- Cảm động là "phản ứng" với kích thích bên ngoài, kích thích này làm ta rung chuyển bên trong.
->Cảm động càng sâu sắc thì nó ít có tính cá nhân hơn->giúp ta cảm nhận được sự phong phú của mối dây ràng buộc ta với thế gian và cho ta thấy ta gắn liền với quá trình chuyển biến vĩ đại của sự vật như thế nào.

110- Gắn liền với sự dung dị, cả 2 coi sự hài hoà là cái thiết yếu.

115- Thơ phải gần mà không nông cạn, phải tiến về phía xa không còn biên giới: lúc đó ta nói được rằng ta có sự tuyệt vời về phía bên kia âm hưởng (Tư Không Thự)

119- Cái nhạt của thơ sở dĩ có được là do nghĩa của thơ không xuất hiện (theo cách này hay cách khác) nó thể hiện qua liên tưởng và tình huống mà không bao giờ áp đặt cho ta.

- Nguy cơ các hiện tượng không đổi mới được.

120- Tô Đông Pha- "ngôn ngữ nhà thơ sinh ra tựa như luồng hơi nước trút ra từ viên ngọc chôn vùi dưới đất trong cánh đồng xanh dưới ánh mặt trời ấm áp: người ta chiêm ngưỡng luồng hơi ấm nhưng không thể nhìn rõ nó".

122- Tuồng như đó là dấu vết mơ hồ của nguồn cảm hứng từ chốn xa, đường nét ấy chỉ được cảm nhận như là "dấu vết", 1 sự khước từ được gợi lên từ đó để tôn vinh thứ thư pháp như gợn sóng trong sự cô đơn.

129- Bên kia cái Nhạt là tâm của Vị.

133- Vị ở thế trung tâm: ta chỉ thưởng thức được vị ở thế trung tâm nếu ta biết cách không để cho 1 vị cá biệt bất kỳ nào đó hạn chế, ám ảnh mình; ta cũng không loại bỏ vị cá biệt đó.
->Sẵn sàng thưởng thức các vị như nhau->thoải mái với bất kỳ vị nào.

134-
*Sự vượt quá diễn ra như thế nào?
->Hy lạp: sức căng từ ngữ-mục tiêu hình ảnh trải ngược-ít dễ hiểu-buộc vượt lên trên từ ngữ trước mắt-cắt đứt với cảm xúc trực tiếp để nâng ta lên cái lý tính.
*Cái Nhạt
- Sự vượt lên trên này khởi từ việc khiến ta giải thoát mình khỏi tính dị biệt chủ nghĩa->không tạo ra sức căng->tạo ra sự hoà dịu->làm cho lương tri thanh thản.

140- Trước khi có sức mạnh hài hoà của cái nhạt người ta thấy sức bật của sinh lực.

141- Nghệ thuật, đó là phản ứng tự phát của xúc cảm bên trong được những thay đổi của thế giới bên ngoài gây ra.

142- Tràn đầy sức sống-khiến ta mê mẩn.

143- Có đúng dửng dưng dập tắt nhân cách?

144- Trực cảm về sự trống vắng không ngăn ta tiếp cận với xúc cảm->vì cảm xúc không tác động ta nữa nên ta nắm bắt nó tốt hơn, rồi ta có thể thưởng thức nó trọn vẹn.
- Cuộc sống cảm xúc được chắt lọc.

147- Hướng về phương xa vời mà chúng không với tới được-Cây cỏ diễn tả cường độ nội tâm->Cơ sở của cái nhạt là "cái tự nhiên".

- Thâm ý của cái nhạt: yên tĩnh, mơ hồ, cô đơn, cảm giác bị ruồng bỏ.
->Tính không thể bị kết thúc.

148- Phẩm chất của cái Nhạt-sự biến hoá.

150- Cái đậm: trong những khúc gãy vỡ, ta còn tìm thấy được những mảnh vụn có dáng thẳng, trông y như những tế bào rời rạc trong 1 thế giới cong queo: trong mỗi mảnh vỡ ta thấy hình như có ai đó cư ngụ, cô đơn và dửng dưng.

154- Cái nhạt-đòi hỏi sự chuyển hoá cuộc sống->1 cuộc thử nghiệm với lương tri toàn vẹn->thể hiện cái ta tồn tại trên nhân gian một cách triệt để nhất.

155- Về thơ Verlaine: Cảm giác về cái khắc khoải mất cội nguồn khác sự hấp dẫn của cái vẹn toàn (cái tổng thể chưa bị phân rã).

157- Phép nói giảm, ngôn ngữ mơ hồ->cái dửng dưng giả tạo->bãi mìn của ý đồ chiến thuật.

158- Verlaine muốn lập lại mối quan hệ với thực thể, muốn thoát ra khỏi cái bi kịch khó chịu về tình trạng rối loạn sự vật, trong đó ông cảm thấy ý thức mình tan biến->từ bỏ cái nhạt->chuyển mình theo cái siêu việt.

Hiểu theo lối trước là chẳng phải

http://dantri.com.vn/c20/s20-304607/cau-sieu-cho-cac-huong-hon-tai-cho-1912.htm
Cầu siêu ở chợ 19/12.

Chỉ cần google với từ khoá "cầu siêu" sẽ điểm lại 1 loạt "đại lễ" trong 1, 2 năm vừa qua. Việc không có gì đáng nói nếu nó không được hậu thuẫn từ chính quyền và báo chí gây cho người ta cảm giác đấy là 1 việc đương nhiên của PG.

Trong thời đại khủng hoàng niềm tin, có vẻ ĐCS muốn đồng nhất với những giá trị tôn giáo chăng, cụ thể ở đây là PG. Người ta xưng tụng Hương Vân Đầu Đà, Trúc Lâm Đầu Đà, Điều Ngự Giác Hoàng thành Phật Hoàng. Tôi không hiểu tường tận nghĩa Hán tự của từ này lắm nhưng điều đó cho thấy người ta vô tình hoặc cố ý muốn nhấn mạnh cái khía cạnh vua-phật phật-vua của ngài. Một đại lễ hoàng tráng kỷ niệm 700 năm ngày mất của "Phật Hoàng". Trăm người biết vạn người hay. Không biết liệu có bao nhiêu người muốn và có tìm hiểu về những ngày cuối đời của "Phật Hoàng" còn ghi lại rõ ràng trong chính sử cũng như phật sử? Đọc đối chiếu giữa những ghi chép trong "Đại Việt sử ký" và trong "Thánh đăng ngữ lục" (theo Trần Nhân Tông toàn tập-Lê Mạnh Thát) gợi ra nhiều điều thú vị đáng suy nghĩ.

Các nhà Phật học nhiệt tình thường rất ủng hộ những Thiền phả liên tục và lâu dài được ghi trong các tài liệu Phật sử. Ví dụ như hầu hết các vua và đại thần triều Lý đều nằm trong dòng truyền thừa "tâm truyền tâm" của các thiền phái bắt rễ đến tận Lục tổ Huệ Năng (coi như chưa kể 28 chư Tổ truyền đăng từ Bồ đề Đạt Ma). Căn cứ vào hành trạng của họ (vua quan triều Lý) còn ghi trong sử, lại đối chiếu với những gian nan sinh tử để giác ngộ còn ghi trong Thiền sử (Trung Hoa và Nhật Bản) tôi hoài nghi sâu sắc mức độ giác ngộ của những Thiền sư-hành chính này. Có thể đó là sự giảm nhẹ tiêu chuẩn giác ngộ trong thời Tượng pháp. Có thể là sự tô vẽ của những môn đồ nhiệt tâm cuồng tín đời sau. Có thể sự tỏ ngộ là phổ biến, nhưng giác ngộ sâu sắc để được đưa vào mạng mạch truyền đăng thì tôi hoài nghi những điều ghi chép đó.

Lẽ tự nhiên khi mới tìm hiểu về Trần Nhân Tông tôi cũng tiếp tục giữ sự hoài nghi như vậy về yếu tố chính trị-tôn giáo trong giới cầm quyền. Trong khi thực sự tôi lại rất tin tưởng vào những tri kiến của Trần Thái Tông còn ghi trong ngữ lục-vị vua khá thầm lặng khi so với Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Nhưng khi đọc về những ngày cuối đời của Trúc Lâm Đầu Đà được ghi trong sử và trong ngữ lục thì chính từ những độ vênh của 2 văn bản lại đem cho tôi thêm nhiều tin tưởng nhiệt tình. Bỏ qua những chi tiết tô vẽ trong Thánh đăng ngữ lục đượm màu huyền thoại hoá của đời sau thì ít nhất ta biết được mấy sự kiện này:

- Từ sau khi xuất gia, hành trạng của Thượng hoàng Trần Nhân Tông ngày càng ít can thiệp vào việc triều chính và chuyên chú trong hạnh đầu đà. Người ngày nay khi trèo lên sườn Tây của dãy Yên Tử (chính là khu vực mới phát lộ gần đây bên phía tỉnh Bắc Giang, cũng chính là cơ sở chính thời Trần của Trúc lâm phái) còn thấy cheo leo thế nào thì hẳn chúng ta thêm kính mộ việc Trúc Lâm Đầu Đà thực hiện thệ nguyện chỉ đi bộ, từ bỏ võng kiệu, ngựa xe.

- Hoạt động của Trúc Lâm thiền phái không hẳn được triều đình và giới trí thức Nho gia thông hiểu hoàn toàn cũng như ủng hộ sâu xa. Một mặt PG vẫn giữ ảnh hưởng lên đời sống quốc gia nhưng ở bình diện 1 thứ tôn giáo hình thức chứ không phải người người thâm chứng, nhà nhà giác ngộ như mô tả đời Lý. Một mặt trong thiền phái những mô tả còn lại cho thấy thực sự tồn tại 1 đời sống đào luyện tâm linh rất miên mật khắt khe theo đúng tông phong.

- Pháp Loa và các đệ tử thậm chí đã hoả thiêu vị Trúc Lâm Đầu Đà theo đúng các nghi thức PG trước khi thông báo về triều đình. Thật là 1 sự kiện kỳ lạ và khá tự tiện! Chính sử còn ghi lại sự giận dữ và nghi ngờ của triều đình trước hành vi của Pháp Loa và chỉ khi có 1 sự kiện có tính chất mầu nhiệm (thấy xá lợi trong áo hoàng tử Mạnh-Trần Minh Tông sau này) mới hoá giải được tình thế. Dù thế nào ta cũng ghi nhận 1 sự kiện là giới PG Trúc Lâm đã hành xử trên 1 thái độ rất xuất thế gian! Và cũng không khí của những sự kiện này cho thấy bắt đầu bàng bạc dấu hiệu suy tàn của thời "tâm truyền tâm" trong thiền phái.

Thời mạt pháp vạn sự đảo điên. Với cái nhìn của người học Phật, tôi thực sự nghĩ rằng nếu Đầu Đà có biết được, ngài cũng bó tay với sự màu mè vô lối của hậu thế. Heidegger đã từng nói đại ý "khi 1 tư tưởng bị ngộ nhận và mọi việc trở lên đảo điên thị phi thì duy nhất chỉ có thể sửa chữa chính bằng 1 lối tư tưởng chân chính và tận căn nguyên". Dầu sao đi nữa phải nhận rằng thời đại này là thời đại mà "tác giả đã chết!" đó sao?

Quay lại chuyện chính quyền và tôn giáo ở VN ngày nay, đừng nói tại sao Công giáo VN lại có phản ứng mặc cảm thiểu số với chính quyền. Gần đây những việc tưởng như đương nhiên này có phần bị lạm dụng. PG đang có vẻ muốn trở thành 1 thứ quốc giáo chăng. Nhẹ nhàng hơn thì người ta gọi là PG "mặt trận", sư "mặt trận". Trong cuốn "Nguồn gốc văn minh" của W.Durant, tác giả có nhận xét rằng một nền văn minh muốn ổn định và phát triển thì cần có tôn giáo, để người ta tin vào những điều cao siêu, huyền bí-để đạo đức được tuân thủ như là 1 nghĩa vụ chứ không phải là kết quả của toan tính. Nhìn lâu vào giữa 2 hàng chữ, khi mà tôn giáo đồng nhất với mê tín dân gian, khi mà cả xã hội phải đồng thanh học tập gương đạo đức của 1 cá nhân cụ thể thay vì những nguyên tắc công chính-thì phải chăng xã hội đó đã xuất hiện những chỉ dấu đáng lo ngại về sự khủng hoảng và suy tàn từ trong căn cốt?


.....

Bèn đứng lên nói:
- Đại tôn đức lừa người để làm gì?

Điều Ngự bèn thở dài. Vị tăng ngẫm nghĩ. Điều Ngự liền đánh. Vị tăng lại định đi ra hỏi. Điều Ngự liền hét. Vị tăng cũng hét.
Điều Ngự nói:
- Lão tăng bị ngươi hét một tiếng, thì hét hai tiếng rốt ráo thế nào? Nói mau, nói mau.

Tăng ngẫm nghĩ.
Điều Ngự lại hét một tiếng, nói:
- Con hồ tinh hoang kia vừa mới đến liến thoắng, nay ở chỗ nào rồi?

Tăng lạy và rút lui.
(trích Bài giảng tại chùa Sùng Nghiêm)

Bài nói chuyện về Thiết kế cảnh quan-Paysage

Rà soát lại các ghi chép thấy có mấy thứ thú vị, đây là nội dung ghi chép tóm tắt từ 1 bài nói chuyện về paysage-cảnh quan của 1 paysagiste Bỉ, các bạn KTS có thể tham khảo. Nội dung ngắn gọn nhưng khá tổng thể và rõ ý về quan điểm/phương pháp luận/kỹ thuật/hiệu quả. Tôi sẽ còn quay lại với chủ đề này với mong muốn chia sẻ trao đổi với những bạn quan tâm và tóm tắt những kiến thức căn bản dễ xử lý đối với cả người nghiệp dư :)

-----------------

1. Khái niệm lịch sử

- Bắt đầu từ thời Phục Hưng, paysage xuất hiện trong các khung tranh chân dung như là 1 bối cảnh. VD với Leonardo de Vinci. Đặc điểm: 1 đối tượng, 1 cách nhìn.

2. K/n đương đại

- Cách chúng ta nhìn: cái nhìn chủ quan-> biến đổi tuỳ theo đối tượng quan sát và bị ảnh hưởng bởi văn hoá của người quan sát.

- Hình ảnh ta nhìn thấy chỉ là 1 phần của phong cảnh: nó bị giới hạn bởi khung nhìn, tầm nhìn và thay đổi theo chuyển động của mắt.

-> Cảnh quan biểu hiện văn hoá vùng đất, cái được nhìn phụ thuộc văn hoá người nhìn.
-> Có những yếu tố rõ ràng với người này nhưng không rõ ràng với người khác.

- Cảnh quan biến đổi theo mùa-yếu tố thời gian.
- Cảnh quan không quan tâm/không có ranh giới-con người sống trong đó-nó biến đổi trong không gian (kể cả trong lòng đất/bắt nguồn từ lòng đất).
- Cảnh quan xây dựng cảm xúc.

- Cây xanh là dấu hiệu của sự hiện diện của nước-ngay cả khi không có nước mặt.

*Nhận diện khu vực:
- Địa mạo & cây xanh-mặt nước.
-Hoà mình cảm nhận cảnh quan. (Cảnh quan thay đổi theo chuyển động của người nhìn, cảnh quan là hình ảnh chủ quan).

3. Cách nhìn đương đại về cảnh quan

- Cảnh quan là sự chồng lớp của thời gian: ngày hôm qua giải thích ngày hôm nay.
- Đồ án thiết kế (cảnh quan) là lồng vào trong quá trình -> sự cần thiết hiểu biết quá trình để xác nhận tính hợp lý của đồ án-mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên.

- Cây xanh: kiến tạo không gian/thay đổi theo thời gian/liên hệ với con người.
- Ẹnjeu: hoà hợp với thiên nhiên hay chinh phục thiên nhiên.

- Cảnh quan có tính nhạy cảm: nhất thời và biến đổi. Tính thời gian rất quan trọng. (Liên quan đến vật liệu của cảnh quan là cây xanh).

- Không gian có thể từ mở sang đóng theo: (1) Chu kỳ của thực vật (nhiều năm), (2) hay theo đối tượng (hoa, quả), (3) hay theo mùa.
->> Trách nhiệm của con người với tương lai xa.

*Tóm tắt: Kiến tạo cảnh quan phụ thuộc:

(1) Quan điểm,

(2) phông văn hoá,

(3) tính thời gian-tiến trình,


(4) trách nhiệm.

--------------

Giới thiệu 1 dự án ở Lille-tìm lại bản sắc.


1. Liên hệ vùng:

- Vấn đề qui mô vùng: cửa ngõ ra châu Âu.
-> Đặc trưng: đa tâm-trung tâm cổ-trung tâm vệ tinh-trung tâm đại học. Qui mô thành phố: cấp 4 (Pháp). Qui mô vùng: chỉ sau Paris.

-> Ẹnjeu: Khôi phục lại vị thế của Lille. (Tỷ lệ thất nghiệp cao).
- Tuyến TVG quốc tế chạy qua Lille (1986), ga đặt ở trung tâm: động lực phát triển trung tâm tầm cỡ châu Âu.

2. Còn 1 vùng đất hoang 120ha nằm ở trung tâm (đất cổ)

- Mô hình kết hợp đầu tư giữa NN và khối tư nhân.
- Cuộc thi quốc tế: tầm nhìn vượt ra ngoài khu vực. Chú trọng phát triển hạ tầng. Chú trọng phát triển tiện nghi đô thị.

- Giữa 2 khu vực: sự đứt đoạn về tỷ lệ và phong cảnh.

3. Giới thiệu dự án: 3ha.

- Các hình ảnh đặc trưng, tiêu biểu->nhận diện khu vực.
- Tiếp nối 1 khu vực khác thường, gián đoạn!
->Kết nối không gian.
- Vai trò của ga TGV.

*Thú vị:
- Sự đa dạng, nhập nhằng không gian-thêm mặt bằng->nhìn từ trên cao.
- Khung cảnh với nền cây lớn.

*Mục tiêu:
- Giữ cây to. (Đánh giá cây bị bệnh)
- Xây được 50.000m2.

*Sơ đồ đánh giá hiện trạng:
- Loại cây, kích thước, hình dáng.
- Tình trạng cây.
- Sự liên kết.

-> Liên quan đến các lớp đất bên dưới.
-> Sơ đồ cây giữ lại.
-> Sơ đồ phân biệt cây xanh và đất trống.
-> Phân loại cây: cây to độc lập/cây thấp kết mảng->cấu trúc thú vị.

- 3 yếu tố thành phần: điểm/tuyến/mảng
- Cao độ: phải giữ lại cao độ để bảo tồn cây.


- Cơ sở xây dựng: mặt bằng tổng thể, mặt cắt dự kiến địa hình.
- Do sự đa dạng của mặt cắt->cách hoạt động trong cấu trúc công năng nhà->biến đổi đa dạng.
-> Liên quan thiết kế cả mặt bằng cây xanh tầng mái.
-> Tạo ra đặc trưng nhỏ của từng khu vực.

- 2 tuyến giao thông ô tô và đường zigzag đi bộ.
->Nhiều cách tiếp cận không gian xanh.

- Sự đa dạng của cấu trúc mặt nền: cây trồng sẵn làm thay đổi cách trồng cây. Tính toán phương án cho 30 năm sau: cùng phát triển.


-> Bảo vệ cây trong quá trình thi công công trình.

-> Nhiều hạng mục cây xanh liên kết khu vực.

- Ví dụ về hiệu quả thị giác như 1 công trình điêu khắc: Hình và nền/Bóng đổ/mảng+diện+chất cảm vật liệu/tỷ lệ.
-> đưa vào mặt đứng công trình: mặt đứng công trình làm nền cho cây xanh.

-> hình ảnh tương lai của phong cảnh: khi cây lớn lên và liên kết phong cảnh.
-> Vấn đề thoát nước bề mặt.

- Ví dụ: không gian đường dạo thay cho không gian quảng trường:
-> Thay đổi cảnh quan
-> Thích hợp tỷ lệ công trình
-> Gần gũi với con người

- Các lớp cây phong cảnh.
- Sử dụng chất liệu khác nhau: có thể giúp thấm nước và thay đổi màu sắc.
- Khu vực trồng cây tạo thành tuyến sau này. (Yếu tố tạo tuyến).

Bài học lịch sử

Những năm gần đây có thể thấy phong trào "khôi phục văn hoá truyền thống, trở về nguồn cội" ngày càng phát triển mạnh. Khắp nơi xây chùa dựng tượng. Thảy đều muốn to nhất, nhiều nhất, đắt tiền nhất. Làng quê gầy dựng, tạo mới những lễ hội; những phong trào mới lồng vào tập tục cũ. Xu thế này có thể cho thấy vấn đề của xã hội VN một thời đã/đang qua đi.

Tỉnh giấc mê thường hoang mang, sau cơn say là hối tiếc. Việc tìm cách định vị mình trong 1 bản sắc (cho dù là ảo ảnh) nối dài với một nguồn cội là cách tự nhiên và cần thiết cho từng cá nhân cũng như với 1 xã hội, nhất là trong thời khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng giá trị hiện nay. Nhưng trên cái bình diện rộng lớn về quy mô, phong phú về kiểu loại hoạt động "về nguồn" lại thấy cồm cộm lên một cảm giác: tất cả lại giông giống nhau về cách thức-vá víu và làm lấy được.

Khi thực hiện các dự án có liên quan đến yếu tố văn hoá thường thì khâu khó nhất chính là thông qua hội đồng phản biện. Văn hoá có cái oái oăm là ai cũng cảm thấy mình có quan niệm, có quyền và có khả năng trình bày về nó, dầu ít dầu nhiều. Không vượt qua được thì sẽ thành đẽo cày giữa đường. Một cách tự nhiên các dự án về đề tài này đều bộc lộ rất hiển nhiên và mạnh mẽ cái nhu cầu khẩn thiết (một cách thầm kín) về một sự "xác tín có tính chất quyết định luận về văn hoá".

Nhu cầu về một viễn tượng văn hoá huy hoàng, có trước có sau, lớp lang, tầng bậc này càng khẩn thiết hơn nữa khi cần phải triển khai các luận điểm văn hoá thành các chủ thể vật chất không gian như trong các dự án du lịch văn hoá. Cách dễ dàng và thuận tiện nhất chính là một kiểu chiết trung thập cẩm. Bất cứ cái gì thuận tiện cho mục đích khai thác mà lại mang màu sắc văn hoá đều sẽ được huy động.

Có thể điểm ra 3 đại dự án đại diện cho 3 miền: phía Nam có "Lạc cảnh Đại Nam văn hiến", ở miền Trung có "Trung tâm du lịch tâm linh Quán Thế Âm", ngoài Bắc thì phải kể đến "Khu văn hoá tâm linh núi chùa Bái Đính". Một đặc điểm chung dễ thấy của các dự án này là: lấy to lớn, duy nhất để trấn áp, tập đại thành để hấp dẫn đại chúng và đồng nhất với vai trò đại diện quy mô quốc gia.

Will Durant đã đúng khi nhận rằng cần có tôn giáo để đạo đức là một nghĩa vụ chứ không phải một toan tính hơn thiệt. Việc chọn mẫu ví dụ chỉ là ngẫu nhiên nhưng cũng phải nhận rằng cả nhà nước và nhân dân đều đang về nguồn; bằng cách đó nhân dân thấy được an ủi và nhà nước được lợi từ việc lồng ghép sự tuân phục của quần chúng với sức mạnh nhiếp dẫn từ những tục lệ văn hoá xa xưa. Nói cách khác, có thể là vô tình, cảm thức bầy đàn đang được khơi dậy theo một cách mới. Nó khiến mọi người vô thức đều hướng tới và lựa chọn những tập đại thành về văn hoá, phong phú và cổ xưa bất kể nó có vá víu hay không: cái cần là làm phải (lấy) được.

Vậy có thể bỏ qua tiểu tiết để ước lượng một viễn cảnh xa hơn mà thử đặt câu hỏi: nói cho cùng, một cách thực dụng, cách mà xã hội đang vận động như thế có đem lại một hệ quả nào "hấp dẫn" không?
Có thể "cùng tắc phản", sẽ lại xuất hiện những xu thế phản tỉnh mà có thể kể một bài báo về "Thiều Chửu-nhân vật Phật giáo xuất chúng" là một ví dụ cho tinh thần tương phản với các ví dụ tôn giáo kể trên kia.
Có thể khối đại đoàn kết được củng cố-một ngày nào đó tất cả các sắc dân thấy việc xây dựng hàng loạt các Đền thờ Hùng Vương là bình thường. (Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Ai thành công? Thành công cái gì?)

Nhưng có qủa thật là một khối mê sảng được dẫn dắt khôn khéo là tốt hơn một đám đông tranh cãi liên miên? Có điều gì cố kết được đám đông kia thành "một khối" bền vững không? Tôi nghĩ là có. Nếu mỗi cá nhân đều thức tỉnh, được giáo dục và cùng nhau nuôi dưỡng cái tinh thần đã sáng tạo nên văn hoá nhân loại. Theo Will Durant thì tinh thần sáng tạo ấy cần có những điều kiện này: Khi sự sợ hãi được khuất phục, lòng hiếu kỳ và tính xây dựng được tự do, và con người bước qua khỏi xung lực tự nhiên để tiến tới sự hiểu biết và và tô điểm đời sống.(1) Cái chúng ta thiếu và cần hướng tới trong câu chuyện "về nguồn" này chính là những tâm thế biết hoài nghi phản tỉnh, ngay cả sau những nỗ lực tìm kiếm chân thành và hùng vĩ nhất chứ không phải một ảo tưởng về nguồn cội huy hoàng, thiêng liêng và cổ xưa-"tận mấy nghìn năm".


Khi bàn về sử gia Will Durant học giả Nguyễn Hiến Lê đã có lần nhận xét đại ý "Một người đã dành cả đời để soạn lịch sử nhân loại thì dù muốn hay không cũng đã có cái nhìn của triết nhân". Để kết thúc, không gì tốt hơn là nghe chính sử gia có tinh thần triết nhân này bày tỏ về tâm trạng hồ nghi của mình khi nhìn lại toàn cảnh lịch sử nhân loại:

Sử gia, khi làm xong một công việc nghiên cứu nào rồi, thường tự hỏi câu này: công lao khó nhọc của mình có cống hiến được chút gì không? Hay là mình chỉ tìm thấy được cái thú kể lại những thăng trầm của các dân tộc, các tư tưởng, chép lại những “truyện buồn về cái chết của các vua chúa”? Mình đã hiểu bản tính con người hơn những người thường chưa bao giờ đọc một trang sách nào không? Lịch sử có giúp mình hiểu thêm được thân phận con người không, có hướng dẫn mình trong sự phán đoán và hành động không, có chỉ cho mình cách đối phó với những sự bất ngờ trong đời sống hoặc những nỗi phù trầm của thời đại không? Trong sự liên tục của các biến cố, mình có tìm được những nhịp điệu đều đều giúp mình tiên đoán được những hành động sau này của nhân loại hay vận mạng của các Quốc gia không? Hay là rất có thể, rốt cuộc, “lịch sử chẳng có ý nghĩa gì cả”. Chẳng dạy cho ta được gì cả, mà thời dĩ vãng mênh mông chỉ là một chuỗi dài chán ngắt gồm những lỗi lầm sau này sẽ tái hiện nữa một cách đại qui mô hơn?

Đôi khi chúng tôi có cảm tưởng đó mà đâm ra hoài nghi. Trước hết, chúng ta có biết thực sự dĩ vãng ra sao không, cái gì đã thực sự xảy ra không, hay là lịch sử chỉ như “một ngụ ngôn” không hẳn ai cũng “chấp nhận”. Bất kì là về biến cố nào, sự hiểu biết của chúng ta về dĩ vãng luôn luôn thiếu sót và có phần chắc là sai lầm nữa: Nó dựa trên những chứng cứ hàm hồ, khả nghi của những sử gia thiên kiến, và có lẽ nó còn chịu ảnh hưởng những ý kiến chính trị hay tôn giáo của chính ta nữa. “Phần lớn lịch sử là những điều phỏng đoán, phần còn lại là những thành kiến”. Ngay một sử gia tự cho rằng mình đã vượt được những thiên kiến về xứ sở, chủng tộc, tín ngưỡng hoặc giai cấp, cũng để lộ những thiên ái thầm kín của mình trong cách lựa chọn tài liệu và dùng hình dung từ. “Sử gia luôn luôn đơn giản hoá quá mức (các biến cố) và trong các đám đông tâm hồn và biến cố phức tạp mênh mông không làm sao bao quát được, ông ta đành phải vội vàng lựa chọn một số nhỏ sự kiện và nhân vật dễ sử dụng, trình bày”. (2)


---------
(1)-W.D, "Văn minh là gì?"
(2)-W.D, "Bài học lịch sử"

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

"Phố vô lý" và "Chiều vô nghĩa" của Trần Dần

Tiện tay nhấc comment về thơ Trần Dần bên blog bạn Lê về đây vì trót viết dài, với lại để bớt hình trên giao diện entry blog. Thật lòng cụ này mình không tâm đắc nhiều nhưng không hiểu sao lại rất thích bài thơ 1 câu sau:

Mỗi người
------------thăm thẳm
-------------------------một
------------------------------chiêm bao.

=========

Phố vô lý

Hai chân chọ chẹ
Vườn hoa vô lý
Cặp đùi vô ý
Ngôi sao vô vị
Phố dài vô lễ
Chiều xanh vô nghĩa ...
Ôi chao! Thu rồi! ... Bất tử
Đại - lộ - thi - sĩ
Sương sa lia lịa
Hành trình

Chiều Vô Nghĩa

Gió thổi qua tay
Lạnh cây Bàng bé
Chiều thu cổ lỗ sĩ
Công viên đông chí
Sương sa cà khịa
Cho tôi một ngày chức năng vô lý!
Để tôi ngồi vô nghĩa nhất
Vô tri...


Đọc bài "Phố vô lý", mình thấy tất cả đều liên tục, không hề gián đoạn. Điểm quán xuyến toàn bộ là cảm thức xao xuyến, bất an đi cùng với tâm thế suy tư, phản tỉnh. Đi-trên 1 con phố-đáng ra phải đến 1 đích nào đó như phàm lệ. Nhưng khi đi chỉ để đi và dội lại trong tâm thức sự tư lự về Con Đường thì rời rạc nhắc nhở liên lỉ, trần trụi nhắc nhớ cao xanh. Hoài vọng tuyệt đối-bất tử. Nhưng cũng chỉ là Đi mà thôi. Ảnh hưởng của tinh thần tượng trưng vẫn còn nhiều nhưng tiết chế và tinh tế hơn. Cái thêm vào theo mình chính là sự trung thực với tâm thế-cảm xúc khi mà sự phản tỉnh, cái nhìn theo-rõi từng ý niệm, có hơi hướng "giễu nhại" riết róng theo từng nếp mòn tiềm tàng của tư tưởng-điều mà sẽ phát triển hơn trong bài Chiều Vô Nghĩa. Câu "Đại-lộ-thi-sĩ" nếu bỏ đi các dấu gạch sẽ nhẹ hều! Những dấu gạch tích tụ lại những vang vọng của từng ý niệm ngổn ngang từ cái vô cùng. View cuối hơi thu lại ở cái tượng trưng độc hành trong sương táp. Từ "lia lịa" láy lại cái tương quan thực tại-lý tưởng-phản tỉnh, làm cân bằng cả đoạn cuối để không bị hút vào cái đơn nghĩa về Tuyệt đối.

Chữ "Thu rồi" quả có gợi lại tính chu kỳ nhưng trong 1 tâm thế riết róng với chính sự bất an thì mình nghĩ tính chu kỳ không phải là cảm hứng chủ đạo của bài thơ-nhà thơ-này. Từng từ, từng hình ảnh, ý niệm đều dội vọng cặp đôi tâm thức bất an-hoài vọng vĩnh cửu nên tính chu kỳ trong thơ TD gần như không cần nói vì đã có rồi!


Bài "Chiều Vô Nghĩa" là sự tiếp nối cái tâm thức xếp lớp bộ 3 thực tại-siêu hình-phản tỉnh ở trên đã nói (cái siêu hình đôi khi gần như trùng nấp sau cái thực tại có tính tượng trưng). Có điều mặc dù đã có 1 thực tại cụ thể "Gió thổi qua tay " để mở đầu và ý niệm "Vô tri" để giải toả cho sự đơn điệu 1 chiều chung của cả bài nhưng ở đây khác với Lê, mình chỉ thấy toàn bài là 1 sự xoay sở mỏi mệt với thực tại và lý tưởng của tác giả. Chữ "vô tri" thậm chí còn phản lại dụng ý xoay sở của tác giả-nó chỉ đem lại cho mình cảm giác trơ cứng, vật vạ. Bảo là tác giả dụng tâm tái tạo lại trong người đọc cảm xúc của mình thì đúng là ông thành công. Nhưng điểm chung của cả 2 bài thơ này làm mình không thích lắm chính là gờn gợn cái cảm giác đối diện với 1 con người mệt mỏi với chính mình trong quyết liệt. Cái thiêu thiếu của tính thơ-như thông thường-điều làm cho những bài thơ của TD có nguy cơ giống những bức hoạ hoặc những băng ghi âm chính là sự hé lộ cho thấy sự thoát vượt của tinh thần nội tâm TD-trong khi về mặt kỹ thuật quả thực có những nỗ lực rất ghê gớm.

Nhưng cũng phải nói, điều làm cho bài "Phố vô lý" thơ hơn bài sau (theo mình thôi) chính vì nó hình thức gần với thể Hứng trong thơ cổ (Kinh Thi). Mặc dù sự liên tục trong logic cảm xúc làm cho nó có bản chất gần với thể Tỷ nhưng chính sự đứt đoạn hình thức làm nó giống thể Hứng-khi mà cảnh có vẻ không ăn nhập với tình. Bảo mới thì Kinh Thi cũng có cái mới ấy. Cho nên mình không hứng thú lắm với những khái quát quá to lớn về những thứ như thơ chẳng hạn. Bình về 1 bài thơ tốt nhất hãy hoạ lại 1 bài-hoặc 1 cái gì đó như thơ.

Phê bình thơ có cái gì đó "đúng nhưng mà không hay" :P

Bên cạnh đúng-sai

Suy nghĩ bất chợt về nghệ thuật


Nghệ thuật, cốt yếu ở chỗ tái tạo cảm xúc và bắt đầu từ cảm tính. Không hẳn ý nghĩa đến sau mà có vẻ nó đến trong nhập nhằng. Khi xem 1 vũ công khiêu vũ trên băng thì cảm hứng mỹ cảm đến trước hết với tôi. Nhưng cũng có thể vì tôi chưa am hiểu và có kinh nghiệm về kỹ thuật của bộ môn này. Lại là nói về sự đào luyện. Rõ ràng những người có kinh nghiệm luyện tập trong 1 bộ môn nào đó sẽ thường có khả năng cảm nhận tinh tế hơn về bộ môn đó. Phải chăng ngay cả xúc cảm thẩm mỹ cũng chỉ quy về việc "tập và quen" trong 1 ngữ cảnh văn hoá nhất định?

"Mọi sự miêu tả cảm tính bất kỳ một vật thể sống hay hiện tượng nào từ giác độ trạng thái cuối cùng của nó, hay là dưới ánh sáng của thế giới tương lai, sẽ là tác phẩm nghệ thuật.” - Soloviev.





Dụng học của tri thức tự sự


Dưới hình thức 1 Báo cáo thẩm định nhưng sự thực thì cuốn "La condition Postmodern"/Hoàn cảnh hậu hiện đại-của F.L có tính chất như 1 đề cương lớn cho những ai muốn tìm hiểu những điều ông đã thực sự phát biểu trong những dòng giản lược. Nhưng hễ có thân phận con người thì thảy đều có quyền triết lý (K.Jasper), cuốn sách vạch ra những khía cạnh căn bản của 1 tổng thể tri thức thời đại (1979).

F.L tiếp cận vấn đề bằng k/n "các trò chơi ngôn ngữ" (ngữ dụng học, Wittgenstein hậu kỳ-theo BVNS) và nếu chấp nhận sự tiếp cận này thì sẽ đi cùng ông đến các khái niệm về "tri thức tự sự", "tri thức khoa học", "phát ngôn sở thị", "nhận thức"...Theo cách này tôi thấy rõ ràng hơn khi nhìn lại câu chuyện về "học lệch" rất phổ biến ở VN (mà trong 1 entry của chị HY có đề cập đến-trong câu chuyện với con trai). Bản thân tôi cũng có những kinh nghiệm khá sâu sắc với chuyện này. Từ hồi cấp 1, các giáo viên trường tôi luôn vận động các học sinh khá giỏi rằng "học năng khiếu là học lệch".

Bệnh thành tích của GD địa phương đã sáng tạo ra những giải pháp chiết trung tiện lợi: chúng tôi thường tham gia "thi hộ"-"thi cùng" với các đội tuyển của trường NK. Coi như là học sinh của cả 2 trường. Càng học lên thì tâm lý "môn chính-môn phụ" càng nặng nề. Lễ, Tết theo đó cũng có nặng nhẹ khác nhau. Còn nhớ năm lớp 7, cô giáo Sinh và thầy giáo Hoạ có phê phán công khai chúng tôi trước lớp về tâm lý này. Ông thầy có nói 1 câu "sau này ra đời chưa chắc các em sẽ sống bằng kiến thức Văn, Toán. Rất có thể là Nhạc, Hoạ. Lúc đó hãy kiểm nghiệm lại lời tôi.". Điều này kể cũng có tác dụng phản tỉnh và cuộc sống về sau cũng cho những phản tỉnh thường xuyên.

Nhưng có 1 điều canh cánh mơ hồ thường trực là cảm giác hình như câu chuyện có cái gì đó lệch dòng, chệch choạc khi tri thức được phân chia thành các ngăn riêng rẽ. Sau này lại thấy thêm 1 cái gì đó chệch choạc hơn nữa khi mọi thứ (chủ yếu ở VN) đều tìm cách hợp thức hoá bằng mấy chữ "có tính khoa học". Ngay cả các ngành nhân văn cũng tìm cách "khoa học hoá" bộ môn của mình. Xa hơn nữa thì là câu chuyện lược quy chân lý vào Logic hình thức. Định lý bất toàn của Kurt Godel trong Toán học thường được viện dẫn trong nhiều diễn ngôn phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong mục 6 "Dụng học của tri thức tự sự", Lyotard phân biệt các khái niệm "nhận thức", "tri thức", "khoa học" đồng thời bàn về các hệ tiêu chí khác nhau. Theo ông, "tri thức không đồng nhất với khoa học, đặc biệt dưới dạng hiện nay của nó" và "tri thức nói chung không quy về khoa học và thậm chí về nhận thức". Để hiểu rõ điều này cần nắm được cách định nghĩa của Aristote về "sở thị": "Mọi lời nói đều biểu thị cái gì đó, nhưng không phải mọi lời nói đều là sở thị. Chỉ là sở thị cái mà có thể nói về nó là đúng hay sai. Nhưng, điều này không phải bao giờ cũng làm được: chẳng hạn lời cầu nguyện là một lời nói nhưng nó không đúng không sai" (Péri herménèias; 4,17a)-(dẫn theo sách).

Nhận thức, do vậy, được giới hạn bằng tiêu chí "có thể qui về đúng sai". Khoa học là tập con của nhận thức. Nó kèm theo 2 tiêu chí là đối tượng mà chúng phản ánh phải dễ đệ qui, và do đó, phải ở trong hoàn cảnh được quan sát rõ ràng; hai là có khả năng quyết định mỗi phát ngôn này là thuộc về hay không thuộc về 1 ngôn ngữ mà giới chuyên gia cho là thích đáng.

Nhưng tri thức thì dù tất nhiên là phát ngôn sở thị nhưng nó được trộn lẫn vào những ý tưởng về tri thức-làm, tri thức-nghe, tri thức-sống...Nó vượt ra ngoài việc xác định và áp dụng tiêu chí chân lý duy nhất. Còn có những tiêu chí về tính hiệu quả (nhân tiện-Bàn về tính hiệu quả; F.Jullien), sự công bằng (Xác lập cơ sở cho đạo đức-F.J) và/hay hạnh phúc, vẻ đẹp của âm thanh/màu sắc..."Tri thức là cái làm cho ai đó có năng lực nói ra được những phát ngôn sở thị "hay", cũng như phát ngôn mệnh lệnh hay lượng định "tốt"->Tri thức cho phép thu được những thành tựu "tốt" về nhiều đối tượng của diễn ngôn: để hiểu biết, quyết định, đánh giá, thay đổi...

Đặc điểm chính yếu của tri thức, do đó, vẫn theo F.L: nó trùng với 1 sự "đào luyện" bao trùm nhiều thẩm quyền: nó là hình thức duy nhất được hiện thân trong một chủ thể, và chủ thể này là 1 tập hợp gồm nhiều loại thẩm quyền khác nhau cấu tạo nên nó. (sdd, tr105)
-------------



Phản tư
Khi xuôi chiều nhận thức thì không có vấn đề gì, nhưng tôi thường có cảm giác truyền thống tư tưởng Phương Tây không thể tách khỏi ảnh hưởng của cái tinh thần "Lời làm nên xác thịt" trong Cựu Ước. "Khởi đầu là Lời.".

Mười phút trước nửa đêm

Phiêu bồng


Phiêu bồng như thể thệ như phiêu

Lạc diệp tòng thu thuỷ thuận triều

Anh giận bà trời sương bách bội

Em thù mặt đất mộng nguyên tiêu

Cái gì như thể xuân đi mất

Ký ức xuân đầu đất nướng thiêu

Quay quắt có chừng em chóng mặt

Bình minh tan rã giữa sương chiều.

(BG)

Hôm trước tự nhiên muốn đọc lại "Những bài thơ không bình một mình". Có một cái gì đó đang ngày càng khô cạn đi. Có phải là tình thương không? Tình thương của tuổi trẻ cao vọng. Những bài viết từ thuở ban đầu. Dè dặt, thân mến và trang trọng. Những lỗi font cũng lấm tấm như bụi trên trang giấy, phải lần giở và ngó coi.

Có những bài thơ không phải lúc nào cũng cảm được. Nhưng bỗng đâu, có thể một chốc lát nào đấy ta đột nhiên đứng giữa nó-một khu vườn yên lặng. Như lúc nọ, tôi thấy mình có thể cảm được bài thơ "Mời trầu" của Hồ Xuân Hương, theo một cách của riêng mình. Một điều gì đó như là nội lực, là cái hoài vọng còn mãi trong lòng người ta từ khi còn trẻ; không chịu để ba đào làm xao xác. Tuổi ba mươi nhìn cuộc đời vừa rộng vừa hẹp. Đôi khi buồn, ngồi ngó quanh trơ trọi. Tất thảy đều như thế sao? Thấy thương mình thương người ngày càng xơ xác chua chát. Thấy mến phục những nghị lực và sức sống lặng lẽ đầy tình thương tiềm tàng trong những trải nghiệm trơ đáy đời thường.

Khung cảnh thật hẹp, thật tối thiểu. Những lời tưởng như không còn có gì hàm chứa được nữa. Làm sao để không chao chát, khinh mạn? Làm sao đi quá sa mạc hư vô? Đấy có lẽ là khi ta chân thực và lặng lẽ đi quả quyết qua những xao xác, để lại đó khu vườn nhỏ - Không hoài niệm, không hối tiếc những chân thành đã trao?


“...Brice Parain thường cho rằng tập sách nhỏ này đựng trọn hết mọi điều tốt đẹp nhất tôi đã viết ra. Parain lầm. Biết rõ lòng chính trực của ông, tôi không bảo vậy do sự áy náy của người nghệ sỹ đứng trước những kẻ đã cả gan chuộng dĩ vãng hơn là hiện tại của mình. Không, ông lầm là bởi ở tuổi hai mươi hai, trừ phi là thiên tài xuất chúng, người ta chỉ biết bập bẹ viết văn.

Nhưng tôi hiểu rõ Parain muốn nói gì. Ông vừa là kẻ thù uyên bác của nghệ thuật, vừa là nhà triết học nghiên cứu lòng trắc ẩn. Ông muốn nói rằng, và như vậy là chí lý, trong mấy trang sách vụng về này, có hun đúc nhiều tình thương hơn là trong những trang sách kế tiếp về sau của tôi.”.




Albert Camus - Tiểu luận: Giao cảm - Bề trái bề mặt. Tựa.

Ngôn ngữ bị lãng quên-Erich Fromm

Nhân comment của bạn Đạn, tôi có đọc qua bài viết của Nguyễn Hoà Vân về Sáng Thế Ký và nhớ đến cuốn sách này của E.F do nó có đề cập đến cách đọc Kinh Thánh, thần thoại và đồng dao cũng như là việc đọc những giấc mơ.

Cách đọc của NHV có được cái bình tĩnh, tò mò, lật lên lật xuống vô tư của người "ngoại đạo". Cũng phải nói ngay rằng bảo người "có đạo" bình tĩnh và đừng đọc như tác giả nhắn nhủ cũng...khó. Có khác gì việc người khác bảo ta coi tổ tiên ta như một nhân vật văn học rồi phê bình tùy hứng :P

Càng đọc thì lại cũng dễ nhận thấy NHV đứng từ hệ quy chiếu Phật học để cảm nhận và giải thích.

Nếu quả thực chúng ta có ý định tìm hiểu các phân tích về Kinh Thánh nói chung, Cựu ước nói riêng-mà có lẽ sẽ rất thú vị vì nó là xuất phát của các Tôn giáo lớn, sẽ có nhiều cách giải thích khác nhau; cộng thêm với những hệ phái anti-thì sẽ có cả một lịch sử 2 ngàn năm châu Âu để tham khảo. Nhưng nếu có mục đích sưu cầu sự suy tư chân chính thì quan điểm của tôi là chúng ta trước hết phải biết từ bỏ giấc mộng tập đại thành "vạn sự thông" hoang đường đi. Tâm trí phải rộng mở nhưng cần thiết bắt đầu trong một mạch nhỏ nào đó mà trải nghiệm và lý trí của mình được đào luyện tinh thuần rồi con đường sẽ mở ra dần dà. Hãy đọc thật sâu một tác gia nào đó mà mình tín nhiệm-do duyên là chính-đối chiếu với trải nghiệm của bản thân để rồi nỗ lực tự mình suy tư đối chiếu. Khi nào dọ được vết tiến thoái của họ thì ta có thể mở rộng phạm vi tìm hiểu ra. Theo nghĩa đó, một tác gia trung bình cũng có thể giúp ta được nhiều. Erich Fromm đối với tôi là một tác gia như vậy, nhưng tầm mức của ông thì ở trên bậc trung nhiều-trung nhân dĩ thượng.

Trong những tác phẩm của E.F mà tôi biết (*) thì cuốn "Ngôn ngữ bị lãng quên" là cuốn sách có vai trò mấu chốt đối với những kiến thức mà tôi thu lượm được về lĩnh vực Phân tâm học-một lĩnh vực hàm hồ đến nỗi hình ảnh quen thuộc của các nhà PTH là kiểu người có thể đắp lên cả quả núi từ số đất moi ra trong hang chuột :D

Trong tác phẩm này E.F trình bày những quan điểm mấu chốt nền tảng về phương pháp phân tích của ông-vốn được xếp chung vào dòng các nhà PTH kết hợp xã hội học-trên cơ sở phê phán những luận điểm của Freud và đối chiếu với C.Jung. Phê bình những luận điểm của ông trong một bài viết ngắn thì tôi không khỏi quá phận nên ở đây xin tập trung tóm tắt vài luận điểm quan trọng của cuốn sách mà tôi thấy thú vị nhất.

Ngay từ đầu, Freud đã từng nhấn mạnh tính phiêu lưu chủ quan đầy bấp bênh của ngành PTH khi mà đối tượng của khoa này là những hoang tưởng vô hình 2 lần chủ quan (người bệnh, nhà PTH). E.F tiếp tục truyền thống nhấn mạnh điều mấu chốt là mối quan hệ giữa nhà PTH và người được trị liệu-từ bệnh nhân không đúng lắm theo cách hiểu thông thường-đối với các nhà phân tâm học thì đa số người bình thường chúng ta mới là bệnh nhân-là lâu dài và mật thiết. Thậm chí như những mô tả của ông thì ta có thể liên tưởng đến quan hệ Thầy-trò trong Thiền tông. Một mặt người bệnh cần có sự tín nhiệm và tương thông với nhà PTH, một mặt nhà PTH phải vượt qua cái thách thức 2 lần chủ quan để đủ thẩm quyền trong mối liên hệ tinh thần nghiêm mật này. Nói đơn giản khi mà theo quan điểm PTH hầu như cả nhân loại đều có tâm bệnh thì ông ta phải khá hơn! Đọc những tự bạch của Freud cũng như của E.F đủ thấy đời sống tinh thần của các vị khốc liệt dường nào.

Nhà PTH dựa vào điều gì để thông liên với người được phân tích? E.F nhấn mạnh đến khái niệm nguyên khởi của ngôn ngữ: những tượng trưng đến từ những kinh nghiệm nguyên thuỷ-ngôn ngữ của cơ thể. "Con người khác nhau theo một lối giống nhau". Ví dụ những trải nghiệm về "lửa" với đa số nhân loại đều có thể tìm được mẫu số chung là: từ kinh nghiệm trực tiếp về sức nóng đến những ý niệm trừu tượng hơn về sự an toàn, hy vọng, sự đe doạ....đến những trừu tượng bội như "sự thanh tẩy"...Tất nhiên phải xem xét trong bối cảnh địa lý, lịch sử, nhân trắc...để phân biệt sự sai khác vùng miền.

Kế thừa các luận điểm của Freud về vô thức, mặc cảm, chuyển di, liên tưởng tự do...khi quan sát các giấc mơ E.F nhận thấy rằng nó được biểu đạt bằng ngôn ngữ của trải nghiệm và nó giống với ngôn ngữ của Thần thoại, Kinh thánh, đồng dao. Khi mơ, chúng ta không bị ràng buộc bởi các quy luật của không gian và thời gian. Đơn giản là logic của trải nghiệm. Nó khác với sự tưởng tượng lúc thức: chúng ta tưởng tượng là đang bay nhưng ta biết là không phải. Trong giấc mơ đơn giản là ta thấy ta đang bay. Ngôn ngữ của kinh nghiệm là những ấn tượng trực tiếp và không lý giải. Đời sống tinh thần của chúng ta tràn đầy những thứ trừu tượng không thể diễn tả bằng lời: bạn có rất nhiều từ để mô tả 1 chiếc xe nhưng sẽ lúng túng ra trò để mô tả tình yêu của mình. Chúng ta chỉ có thể mô tả một kinh nghiệm bằng một kinh nghiệm từ ký ức vô tận của mình. Giấc mơ, thần thoại, đồng dao do vậy là những mô tả trải nghiệm nên cần được đọc theo ngữ pháp của ngôn ngữ tượng trưng chứ không phải theo những phân tích biểu tượng thông thường.

Trong cuốn sách E.F có trích phân tích một ví dụ về Kinh Thánh trong chuyện Jacob. Những hình ảnh và chi tiết trong câu chuyện là những tượng trưng cho trình tự tăng tiến của sức ép của nội tâm cô độc mà cao trào là việc bị nuốt vào bụng cá voi: bị cách ly hoàn toàn với ngoại giới. Chỉ khi Jacob đối diện với vấn đề của mình thì tình trạng mới được giải quyết (**). Và như vậy nếu ta nhìn bằng logic ngôn ngữ thông thường ta thấy những hoang đường, nếu ta nhìn bằng logic trải nghiệm ta thấy một sự liên tục.

Về những giấc mơ, luận điểm của E.F là: những hình ảnh tượng trưng cho những ấn tượng nội tâm. Nguyên nhân trực tiếp có thể từ một sự kiện nào đó ban ngày và giấc mơ tái tạo ấn tượng đó từ kho ký ức tương đồng vô tận của mình. Nhưng chúng ta chỉ mơ thấy những gì thực sự rất quan trọng (trong vô thức) nên tại sao lại là những hình ảnh ấy mới là điều đáng kể. Có một chìa khoá chung là sự tương đồng về kiểu trải nghiệm: có thể là nỗi sợ, sự lo lắng...nhưng cái ẩn chứa được chuyển di mới là cái cần được phơi mở. Ở đây phải vận dụng những kỹ thuật như liên tưởng tự do, những luận đề về ẩn ức, mặc cảm, chuyển di...để có thể tìm hiểu sâu về cơ chế của mỗi giấc mơ.

Một cách thận trọng và để ngỏ, E.F cho rằng có những giấc mơ phản ánh và có những giấc mơ dự báo-trên một cơ chế cảm nhận tinh vi hơn những quan sát hữu thức thông thường. Từ những gì tôi trải nghiệm, tôi không quan tâm đến tính chất dự báo của giấc mơ mà nhận thấy rằng: tất cả các giấc mơ khi đi đến cuối đường đều là quay về đối diện với những điều mình đã lảng tránh một cách vô thức. Có thể hơi chua chát nhưng quả là chúng ta không cần đắm chìm trong những giấc mơ để khám phá bí mật của con người: hãy sống chú tâm, tỉnh thức và chân thực với chính mình.
------------

(*) Tôi liệt kê danh sách những tác phẩm tôi đã đọc, và có thể mua được bản tiếng Việt ở VN cho các bạn nào quan tâm:
- Ngôn ngữ bị lãng quên
- Phân tâm học và tôn giáo
- Phân tâm học và tình yêu
- Trốn thoát khỏi tự do
- và một vài tiểu luận khác

(**) Bài này viết theo trí nhớ nên những nội dung chi tiết sẽ để dịp khác.

Ngoại đạo

Dạo này nhân việc xử phúc thẩm vụ Thái Hà, trên các diễn đàn lại thấy rộ lên những tranh luận liên quan đến tôn giáo. Và như thông lệ, những tranh luận thường rất nhanh chóng rơi vào cảm tính và định kiến. Ngay cả những người có ý định tranh luận nghiêm túc cũng nhanh chóng mất bình tĩnh. Một lần nữa cho thấy những tranh luận trên diễn đàn thường là chẳng đi đến đâu. Vì sao vậy? Tôi nghĩ có mấy ý sau:


- Bản chất của những hình thức forum-diễn đàn phổ biến (trừ một số ít rất chuyên sâu trong những lĩnh vực dễ định lượng đúng sai kiểu như về vấn đề toán học hay kỹ thuật) là 1 loại sân chơi để "nhàn đàm"-như Lâm Ngữ Đường từng mô tả trong cuốn "Sống đẹp" (NHL dịch). Tức là nó không nặng về đúng sai bằng việc chia sẻ, khơi gợi và dựa trên sự thông cảm nhau ít nhiều. Không thông cảm được thì sẽ có thành viên ra đi. Nên nói chung rồi một ngày các forum cũng sẽ chìm lắng xuống trong một không khí "cộng thông" nhàn nhạt bạn bầy.

Hiện tượng này theo tôi xuất phát từ đặc điểm của internet: nó hình thành quá nhanh và trước hết là để giao tiếp, chia sẻ thông tin. Nếu người ta thực sự nghiên cứu và tranh luận học thuật thì sản phẩm sẽ là những cuốn sách hay những bài báo trên tạp chí chuyên sâu. Nên lẽ tự nhiên đến với các forum người ta chủ yếu chỉ dừng lại ở hành trang là những ý tưởng cùng những cảm xúc-thường mang đậm tính thất thường của đời sống từng ngày. Hệ quả tự nhiên những người "chơi 4rum" đều đồng ý rằng "để thư giãn"-để lại sau vô số ví dụ về những rắc rối do đồng nhất net với life. Một số ít đủ tự tin thì lui về làm hot blogger. Hot 1 thời gian rồi khăn đóng áo the lên báo lên sách :P

- Một điểm cũng phải nhắc tới nữa là khía cạnh tâm lí của các "công dân mạng"-từ trỏ những người thường xuyên lang thang trên net, tất nhiên là có làm việc :D Người ta đã nhận thấy ở nhóm đối tượng này những biểu hiện vấn đề tâm lí của chứng nghiện: bồn chồn, mất khả năng tập trung, khó kiểm soát cảm xúc...Trong một bối cảnh người ta mặc định phải "cộng thông" mà lại muốn kèm thêm ý định tranh luận-thường lại là những vấn đề to tát vĩ mô (chính trị-tôn giáo-triết lý)-gay gắt nhưng gói gọn trong vài dòng, vài trang thì việc không đi đến đâu là dễ hiểu. Nhất là khi hành trang chỉ là những ý tưởng, luận chứng rời rạc nặng cảm tính.


Quay trở lại với chủ đề tôn giáo. Muốn minh bạch thì phải có một sự rõ ràng về định nghĩa từ đầu. Nếu lấy cơ sở là đức tin (hiển nhiên tôn giáo gắn với đức tin-cho dù nó mang sắc thái và được đưa đến bằng con đường nào) thì thậm chí người ta có thể nói về một tôn giáo mà ở đó người ta "không tin gì". Cho rằng mình không tin gì thì cũng chỉ là một niềm tin mà thôi! Nhưng từ "đức tin", "xác tín"...đến "mê tín" là cả một phổ rất dài. Cơ hồ định nghĩa như trên cái được cũng ngang với những cái mất nếu chẳng may nổ ra 1 cuộc tranh luận giữa các giáo dân.

Nói về đặc điểm tâm lí của những người "có tôn giáo thực sự" Karl Jasper có đề cập đến một đặc điểm-chính ông cũng né tránh cái bẫy logic luẩn quẩn của việc 1 định nghĩa (như trên) không loại trừ cái gì này bằng cách nói "dường như"-là sự phổ biến và tương đồng trong các mô tả về những "trải nghiệm tâm linh" của họ. Một cảm giác "đồng nhất", "hiệp thông", "tràn ngập", "thấu thoát"...vượt qua khỏi giới hạn của nhân ngã nhỏ nhoi (*). (Mô tả tốt nhất cho điều này có lẽ xin giới thiệu cuốn sách của Eckhart Tolle "The power of Now-Sức mạnh của hiện tại"). Bất chấp việc những từ như từ "thẩm quyền" đã bị ô nhiễm khỏi ngữ cảnh tâm linh đến thế nào thì cũng có thể tạm dùng nó ở đây như thế này: Chỉ khi xuất phát từ những thẩm quyền tâm linh như thế, những bàn luận tâm linh-hay tôn giáo, một khái niệm cũng đã bị suy thoái trầm trọng-mới có thực chất và ích lợi. Và những bậc Thầy như Eckhart cũng luôn thống nhất ở một điểm: luôn phủ nhận việc thông điệp chỉ đơn giản nằm trong lời nói hay ngữ pháp của chữ viết. Ngón tay trỏ mặt trăng không phải là mặt trăng. Lĩnh vực tâm linh là lĩnh vực của trải nghiệm. Và việc hoằng đạo là việc khơi mở những trải nghiệm tâm linh tự thân chứ không phải là "rao giảng".


Có điều oái oăm là: một khi đã tự tách mình ra khỏi lĩnh vực cứng nhắc của logic thì sẽ rơi vào cái cảnh huống trớ trêu: mở miệng đã là sai rồi. Bạn sẽ dễ dàng phản công tôi bằng chỉ một câu ngắn ngủi: nói nhiều thế làm gì? Hình như với những người có cùng trải nghiệm họ có thể nhận biết được nhau nên không cần nói. Ví dụ như những mô tả trong cuốn "Thiền trong nghệ thuật bắn cung" (NTB dịch)-một bậc Thầy sẽ nhận ra khả năng của người khác qua động tác giương cung của anh ta. Nhưng những mức độ phân biệt vi tế nông sâu, nghi ngờ, khảo nghiệm, ấn chứng...trong vấn đề trải nghiệm tâm linh này thì Thiền sử cũng tràn ngập các câu chuyện ví dụ.


Đến đây mới nhận thấy cách phân chia định vị khái niệm "Tôn giáo" như của Erich Fromm trong cuốn "Phân tâm học và Tôn giáo" là có ích lợi nhất-cho những người có ý định tìm hiểu nội tâm mình: mình có tôn giáo không? Tôn giáo nào?

E.F phân biệt tôn giáo thành 2 loại: Tôn giáo chối bỏ tiềm năng nhân bản cuả con người để thừa nhận những thẩm quyền phi lí và thứ Tôn giáo tin vào thứ thẩm quyền duy nhất là thẩm quyền của chính bản thân con người tiềm tàng bên trong mỗi cá nhân. Và như vậy, con đường đúng đắn là con đường tự soi vào chính nội tâm mình, không tìm kiếm đâu xa ngoài chính bản tâm mình.

Ở VN người ta hay dùng từ "ngoại đạo" để chỉ kẻ không trong lĩnh vực, tôn giáo với mình. Tuỳ từng tôn giáo mà có thể là những kẻ từ bàng quan đáng thương hay thậm chí là "phải đoạ địa ngục". May mà chúng ta chưa gặp mấy bạn Hồi giáo kiểu Thái Lan cho mình cái quyền chặt đầu người khác! Một lần tôi đọc 1 tài liệu cố gò cái nghĩa "ngoại đạo" thành ra là "đạo tìm kiếm ở bên ngoài" để đối lập với con đường của Phật giáo "đạo tìm ở trong chính mình"-Đạo nội. Tôi không am tường Hán văn nhưng cảm thấy việc gán ghép này không theo ngữ pháp thông thường. Vả lại nói rốt ráo, chân tâm linh nào chẳng phát xuất từ bên trong? Nhưng khi theo dõi những tranh luận về tôn giáo, tôi thường nhớ đến từ "ngoại đạo" như là một phản nghĩa của cái cảm giác thiếu vắng những trải nghiệm tâm linh đích thực. Sinh ra trong một tôn giáo đâu có nghĩa là sẽ sống tâm linh trong tôn giáo đó? Chẳng phải Phật, Jesu, Mohamed...đều như thế sao. Và con đường nội tâm là con đường bấp bênh gian nan khắc khoải sinh tử quan đầu chứ có phải thứ quà tặng dễ dãi được ban phát trưởng giả, phách lối đâu.

Đời sống nội tâm và ngoại cảnh bồng bềnh

Đều như cây cầu khỉ đối với người mù

Mà kẻ dẫn đường tốt nhất là tinh thần quyết vượt

(Bạch Ẩn Huệ Hạc)
---------------

(*) Thực ra cái nhu cầu hiệp nhất, cảm thông, đồng nhất hoá, trở về với bản lai...vốn là xuất phát điểm chân thực, suối nguồn duy nhất của đời sống tinh thần và không phải độc quyền của riêng Tôn giáo. Mọi Triết lý nói chung đều xuất phát từ đấy. Bởi "Khổ", "Bất An", "cảm thức chia cắt", "những câu hỏi về vô hạn, toàn thể", "mong muốn dự đoán được, kiểm soát được"...là cái SỰ THẬT thứ nhất, căn bản và hiển nhiên của mọi thân phận con người trong mọi thời đại.

Thường xã hội quy ước cứ 18 tuổi thì có quyền công dân, 30 tuổi ở phương Đông là lập thân, lập chí. Nhưng không đơn giản như vậy: người ta có quyền không đồng nghĩa với có khả năng. Các nhà Phân tâm học nhận thấy một cách có phần chua chát rằng về mặt tâm lí, đại đa số nhân sinh mắc kẹt lại ở khoảng tuổi 16 mà không lớn thêm được bao nhiêu suốt chặng đời còn lại. Nhưng cũng phải thôi, làm bất cứ việc nhỏ nhoi nào cũng phải học nhưng có đại sự nhân sinh lớn nhất thì tuyệt đại đa số lại học không được bài bản lắm.

Một cách hình ảnh, nếu mỗi một chu trình hoài thai của một sinh linh đều lặp lại hình ảnh tiến hoá của loài thì sau khi sinh ra cũng vậy: người ta bắt buộc phải đi lại bằng đấy đoạn trường để trưởng thành. Để trở thành "người_thật_là_người" như cách Nhượng Tống dịch chữ "chân nhân" của Trang Tử. Và trên con đường này, một cách cá nhân, tôi cho rằng bản sắc là thứ tầm phào, không cần phải cố.

Entry for April 02, 2009

Cuối ngày, rồi cũng có 1 điều gì đó vọng lại.
Hình như là mười hai năm.

Lâu lâu thấy tên chị trên phần biên dịch một bộ phim mới thì chút cảm giác hoài niệm về một giai đoạn lại vương vất. Không biết một người như vậy bây giờ cuộc sống có ổn không. Chắc là ổn, mọi người đều nghĩ thế.


Có những điều vu vơ lại rất dễ trở nên đặc biệt, nhiều khi nhìn thoáng qua thì chẳng có lý do gì khả dĩ. Những ký ức hồi đó trở nên riêng biệt vì nó gắn với những ngày đầu bỡ ngỡ vào đời. Một làng ven đô. Một khu vườn rộng bên nhà thờ cổ và cả một cánh đồng. Mười năm dĩ vãng đã lên hương. Mỗi lần chạm lại ký ức này thường vọng lại trong tôi những câu thơ của thời đó-cho chính mình.

Bây giờ dựa gió xiêu xiêu
Thoảng xanh nhạt trắng men chiều bước đi

Căn nhà mà chúng tôi ở trọ rất rộng. Nó đủ cho gần hai mươi người thuê nhưng là kiểu nhà nông thôn chứ không phải loại nhà xây theo dãy. Chủ yếu là sinh viên, từ năm nhất năm hai cho đến những sinh viên đã chuẩn bị ra trường. Cũng có người đã đi làm. Cũng có anh bộ đội, chú thợ xây và bà giáo già đi buôn gạo. Do kiểu không gian sinh hoạt không quá chia tách nên mọi người sống với nhau chia sẻ và chan hoà như một gia đình lớn. Khi tôi chuyển đến thì mấy người bọn chị chuẩn bị ra trường đi làm. Quãng thời gian 6 tháng tuy không dài nhưng đủ để chiếm 1 đoạn quan trọng trong ký ức.

Chị học ngoại văn, đi làm thêm từ sớm. Phiên dịch triển lãm, gia sư cho người nước ngoài nên biết nhiều chỗ mà bình thường sinh viên như chúng tôi khó tự nhiên mà đến được. Một lần nhờ chị đưa vào bên trong khách sạn Daewoo để ngó nghiêng tôi phải đi mượn 3 chỗ cho đủ một bộ tham quan chỗ sang trọng! Lúc vào thang máy thấy trịnh trọng mà hồi hộp gì đâu :) Về rồi còn suy nghĩ bâng khuâng mãi-người nông dân phải làm gì, làm gì?

Anh chàng người nước ngoài mà chị dạy tiếng cho thuộc dạng rất quái. Hắn sang VN từ vài năm trước và trở thành một dạng thổ địa. Tự mày mò để mở thị trường trong mấy năm chứ cũng chẳng làm cho hãng nào. Hắn thích chị còn chị thì bảo "Thằng đấy nó quái lắm". Mô tả tính cách của chị trong vài dòng cũng khó, nhưng đó là một tuýp người mà càng va chạm cuộc sống nhiều ta sẽ càng cảm thấy quý mến: họ chân phương mà không đơn giản. Họ xử sự trực tiếp thẳng thắn mà lại có vẻ như không thực sự ý thức về những nguyên tắc hành xử của mình. Hình như là một kiểu người hành động. Tôi cũng không chắc lắm nhưng cảm giác về những người như chị là cảm giác thoải mái, có thể tin cậy và muốn giúp đỡ lại họ. Đa số bọn chúng tôi lúc đó cũng không thích anh chàng kia vì sợ hắn chỉ tìm cách "xây dựng cơ sở cách mạng" ở VN. Nhưng anh ta cũng chịu chơi và biết cách hoà đồng. Chạy xe MZ khuềnh khoàng và sẵn sàng ngồi đến cuối những cuộc rượu tào lao của sinh viên. Luôn biết cách nói chuyện thẳng thắn chia sẻ với chị và giao tiếp vừa thân thiết vừa chừng mực với những người xung quanh là chúng tôi - xét ra thì cũng chỉ là một bọn bàng quan thường xuyên thay đổi quan niệm tuỳ theo những thông tin thất thường thỉnh thoảng tiếp nhận được. Chuyện này cũng chưa bao giờ là chuyện chính yếu của khu nhà.

Cuối cùng thì thợ cưa cũng hoàn thành công cuộc phá rừng vĩ đại bằng một sự kiện lãng mạn kinh người. Nhà chủ luôn khoá cửa vào lúc 1og tối để đi ngủ nên mọi hoạt động lách luật của chúng tôi hồi đó chủ yếu là trèo rào. Nhưng rào rất khó trèo và phải có người hỗ trợ từ bên trong. Một tối mưa tầm tã, cả bọn đang đi xem bóng đá thì hắn phóng xe đến, say nhoè. Không còn giữ ý như mọi khi, hắn đập cổng ầm ầm gào toáng lên "T ơi, anh yêu em". Chủ nhà nhất quyết không thèm để ý còn hắn thì nhất quyết không đi đâu rồi lăn ra ngủ ngay dưới mái hiên hẹp ngoài cổng. Lúc chúng tôi về thấy hắn ngủ say như chết; chị thì kê ghế ngồi khoác chăn thu lu bên trong để canh chừng. Hẳn là sau vụ đó thì nghiệm thu công trình liên doanh này. Vài năm sau nghe nói chị cưới xong chủ yếu ở nhà trông con. Rồi thỉnh thoảng cộng tác biên dịch phim cho đài truyền hình. Cuộc sống như vậy coi như cũng ổn.


Lần đầu cầm tay con gái thì còn mãi sau này :) nhưng còn nhớ lần đầu đi chơi với con gái là "đi chơi" với...chị. Để trong ngoặc kép vì thực ra là làm xe đạp ôm chở chị đi việc gì đó lòng vòng gần hết 1 ngày. Buổi trưa ngồi nghỉ ở bờ hồ Gươm thì cũng tính là đi chơi hoành tráng rồi. Thời gian nghỉ vừa đủ để tôi dịch cho chị nghe lời bài "That's Why" của Micheal Learns To Rock.


Tại sao bây giờ lại hay nhớ lại chuyện này? Có lẽ là vì bây giờ thì những hoài bão, cao vọng tuyệt đối trong sáng nhưng chân thành một cách cởi mở cả tin đã có màu dĩ vãng. That's WHY!




but there is something left in my head

Phiếm

Hỏi: Cuộc sống là để làm gì và tại sao ta lại sống cơ chứ?

Đáp: Cuộc sống của mình là để tìm cách tự trả lời cho mình câu hỏi này. Còn cuộc sống của bác thì em không biết!

Bình: 9 điểm, vì cái tội không biết cuộc sống của người khác
.

Đoạn phiếm đàm nhân bàn về 1 cuốn triết học nhập môn trên không hẳn là vô vị. Bạn hỏi tại sao? Là vì:

- Câu hỏi kia là một kiểu nhại hỏi có hơi hướng hài hước-một vấn đề hệ trọng của nhân sinh cổ kim nhưng đã thành sáo rỗng trong ngôn ngữ đương đại-nhưng nó đẩy người ta vào chỗ khó xử kinh điển. Có mấy khả năng:

1-Trả lời bột phát theo kiểu triết lý tạm. Tức là thể hiện chưa bao giờ suy tư nghiêm mật về vấn đề này. Chỉ là những ý tưởng bột phát mang tính cảm xúc cá nhân.

2-Nếu quả thực đã từng suy nghĩ nghiêm túc về nó thì khó lòng thoát khỏi một trình bày dài dòng đầu đuôi về nó. Nhưng thường thì nó cũng sẽ chuội đi và tạo cơ hội vặn vẹo phản bác cho người hỏi. Chẳng phải thiên kinh vạn quyển cổ kim đều là vì nó?

3-Nếu có một xác tín trong kinh nghiệm thì thường sẽ chẳng có lý luận gì đi kèm thoả đáng. Cũng lại rơi vào bẫy của trò chơi ngôn ngữ luẩn quẩn.

4-Nếu đơn giản là lảng tránh nó hay là hoà theo tầm phào nó thì sẽ thú nhận một tình trạng mất phương hướng và 1 thái độ hời hợt thiếu trách nhiệm. Ngay cả hỏi ngược lại thì cũng cùng bản chất.

5-Im lặng vì biết trước những khả năng của tiến triển Hỏi-Đáp: một nhát xoáy sâu vào tính thoả hiệp âm thầm trong lòng mình. Thất bại hiển nhiên trước mục tiêu của người hỏi.


- Lời Đáp thoạt nhìn có vẻ chỉ là một trò chơi chữ vì chỉ xoay sở lại các mệnh đề. Nhưng cũng không hoàn toàn là như vậy.

1-Ngữ cảnh là đang bàn về một cuốn Triết học nhập môn. Mục tiêu của nó không phải là giải quyết tất cả các vấn đề triết học mà là ở chỗ hướng người ta đến một lối ý thức về hiện sinh và những lối suy tư khả dĩ có ích. Câu hỏi có ý nhắm vào chỗ người đáp có nắm được mục đích của cuốn sách này không. Câu đáp cũng nhắm vào trình bày những chỗ tinh yếu khởi đầu của triết lý mà thôi.

2-Ý đầu tiên là sự phân biệt rõ ràng cuộc sống "của mình" với "của bác/người khác" và không đề cập gì đến "cuộc sống" nói chung. Vì hỏi ý nghĩa của "cuộc sống là để làm gì" là không có nội dung logic.

Đặc trưng nổi bật của tình thế hiện sinh là bất chợt người ta nhận ra mình có những thắc mắc cần giải quyết. Khởi nguồn của triết lý là một kinh nghiệm nhân sinh căn bản-một nhu cầu kinh điển: tự ý thức về bản ngã, đồng nghĩa với cảm thức phân ly, nhu cầu hiệp nhất với toàn thể, cảm nhận sự hữu hạn và hoài vọng cái siêu việt...Giống như phản xạ gương đánh dấu khả năng tự nhận thức sơ đẳng, con người triết lý bắt đầu với sự nhận ra tình thế phân ly và hoài nghi về cuộc sống của mình-hiện sinh của mình trong mối tương quan với những "cái khác".

Suy tư về cuộc sống một cách triết lý không bắt đầu bằng những suy luận logic như về "cuộc sống" nói chung mà nó bắt đầu từ một nghiệm sinh về hiện sinh của mình! Và do vậy, triết học có thể là cái học Công truyền nhưng triết lý là cái học Tâm truyền.

3-"Tự mình tìm cách...cho mình" xác định một tâm thế, đường lối suy tư cụ thể. Vì triết lý khởi đi từ nghiệm sinh của mình nên mục đích của triết lý không phải là một hiểu biết-connaissance- mà là một nhận thức-conscience-do đó nó hẳn nhiên tiên quyết phải do mình và cho mình. Tự mình còn nhắm tới cái ý hướng soi xét bản tâm, rõi theo từ căn nguyên: có thể là đặt lại nghi vấn về Bản thể học như M.H đã làm; có thể là những mối nghi đầu tiên như mệnh đề của R.D "Je pense donc Je suis"; có thể là phép quán, chỉ, định của Phật gia.

4-"Không biết" cuộc sống của người khác không hẳn là không biết. Nó trỏ vào cái tình thế phân ly của thực tại. Cái khởi đi là cái cảm giác "không biết", muốn biết người khác, cái khác. Nó cũng nhắc lại nghi vấn giữa tồn tại và ý thức chủ quan. Nó cũng nhắc đến cái thứ tự ưu tiên "từ mình, do mình, cho mình". Nó nhắc lại chuyện ẩn thân hàng chục năm của Huệ Khả, Huệ Năng sau chứng ngộ. Cái triệt để tiên quyết là biết mình đã trước khi định ấn chứng cho kẻ khác. Một dấu hiệu để nhận ra những nôn nóng của các "tà kiến" :)


- Lời Bình không hẳn là vô vị. Nó là một cú vớt vát hạng trung để tránh sự đơn giản hoá logic trao đổi. Nó nhắc chuyện "chót cùng đầu gậy trăm thước còn một bước nữa".

-------

Mỗi lần đưa ra một lần mới

Thơ và tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương

Nhân entry trước nhắc đến NBP nên mới nhớ đến việc tìm đọc thơ của tác giả này. Phải nói NBP là tác giả VN của trong khoảng chục năm gần đây khiến tôi chú ý nhất và có ý thức theo dõi đọc toàn bộ các tác phẩm-như một cách thu thập chứng từ để phân tích hơn là sự hâm mộ phong cách. Tôi đã đọc các cuốn: Trí nhớ suy tàn, Thoạt Kỳ Thuỷ, Những đứa trẻ chết già, Vào cõi. Hình như cũng chỉ còn thiếu cuốn "Ngồi" là chưa đọc. Nhưng thơ của NBP thì tôi chưa đọc lần nào. Một phần vì trước đây chưa biết cách tìm trên mạng cũng như có lần tìm mà không thấy. Lần này thử tìm lại thì có rất nhiều kết quả. Tôi nghĩ nếu chưa đọc thơ của NBP thì chưa thể cảm và hiểu hết được tiểu thuyết của Nguyễn.

Trừ sự say mê có phần hơi dễ dàng với những loang đổ của tuổi 20s trong Trí nhớ suy tàn thì ở những cuốn tiểu thuyết về sau của tác giả này là từ sự ham thích truy tìm logic của cảm thức mà tôi đã bắt đầu với những giấc mơ. Ở mỗi cuốn sách tôi đều cảm nhận được hình như mình có thể thâm nhập vào logic riêng của nó, nhưng thú thực sự tò mò chưa lần nào át được chức trách của lối mòn cảm hứng thẩm mỹ cá nhân nên ý định làm một phân tích nhỏ về tiểu thuyết của NBP vẫn còn là...ý định. Một phần cũng còn là vì chưa tìm được tập thơ nào của tác giả này (cho đến tận lần này).

Theo cách phân chia dưới ảnh hưởng của khoa Ký hiệu học (hay xa hơn là từ Ngôn ngữ học của Saussure) thì "Thơ" và "Văn xuôi" nằm trong sự chi phối của hai hình thức tu từ đối lập nhau (*):

1-Trật tự Ẩn dụ: Thay thế biến hoá (paradigmatic substitution) liên quan đến một tri giác về sự tương đồng, từ đó sinh ra Ẩn dụ.

Những đặc trưng của nó là: "biến hoá", "thay thế", "lựa chọn"-xuất hiện trong đặc tính của: Thơ/Các bài hát trữ tình/Chủ nghĩa lãng mạn/Điện ảnh/Chủ nghĩa siêu thực.

2-Trật tự Hoán dụ: Tổ hợp cú pháp (Syntagmatic combination) liên quan đến một tri giác về tính tiếp cận (contiguity), từ đó sinh ra phép Hoán dụ (metonymy-dùng một thuộc tính hay một thứ "ăn theo" để gọi tên vật chính ta cần nói. VD "sân cỏ" để chỉ bóng đá), hay phép Cải Dung (synecdoche), lấy bộ phận để chỉ toàn thể (VD "ngọn buồm" để chỉ con tàu).

Những đặc trưng của nó là: "cú pháp", "tổ hợp", "tiếp cận"-xuất hiện trong đặc tính của: Văn xuôi/Sử thi, anh hùng ca/Chủ nghĩa hiện thực/Dựng phim(**)/Báo chí

(*)-dẫn theo cuốn Nhập môn Hậu Hiện Đại, tr63. Sự phân biệt này khác với quan niệm của khoa phê bình văn học truyền thống vốn cho rằng Ẩn dụ và Hoán dụ là những hình thức tu từ có liên quan với nhau. Nó dựa trên nhận thức rằng có 2 dạng hoạt động tâm thần đối lập "giật dây" trong việc sử dụng ẩn dụ hay hoán dụ.


(**)-Chưa hiểu rõ lắm việc phân biệt "điện ảnh" với "dựng phim"-có thể do vấn đề dịch, cũng có thể do tính tương đối của việc phân chia trên 1 vài tiêu chí phân tâm học
.

Dựa vào những ý tưởng này tôi có nhận định rằng trong những tiểu thuyết của NBP thực tế đã chịu sự "giật dây" của một hoạt động tâm thần vốn dĩ dành ưu thế cho Thơ (***). Tôi thấy truyện của NBP tràn ngập những chi tiết/sự kiện/hình ảnh có tính chất gây ấn tượng mạnh trong cảm thức. Nó có điểm tương đồng với logic của những giấc mơ theo những phân tích của Erich Fromm trong "Ngôn ngữ bị lãng quên". Điều đó dẫn đến một logic chủ đạo khác trong cấu trúc tiểu thuyết của NBP: logic của cảm xúc và liên tưởng tự do. Vấn đề còn lại là tìm hiểu cấu trúc và văn phong của loạt tiểu thuyết là sẽ có một ý hướng khả thi cho việc tìm hiểu một tác giả khá khác biệt của văn học VN hiện nay.

(***)-khó mà có thể chờ tác giả giải thích tác phẩm nhưng tôi cho rằng kiểu chồng lớp và tái cấu trúc này hẳn là một việc làm có ý thức hơn là những sáng tạo tuỳ hứng. Do vậy việc cảm thụ và phân tích sẽ không đơn thuần là nhảy lùi sang bờ bên kia của đối lập-Thơ/văn xuôi-để phân tích là xong.

Nếu áp dụng kỹ thuật của Phân tâm học, tự nhiên sẽ còn một câu hỏi căn bản và thú vị về tiểu thuyết của NBP là "Vậy cái gì là tôtem trong những tiểu thuyết-giấc mơ kia?". Tôi nghĩ đây là chiếc chìa khoá quan trọng để hiểu vì sao từ những bài thơ dễ cảm lại chuyển sang bình diện của những "chuyện kể" oái oăm u uẩn kia.
-----------
Một bài thơ ngẫu nhiên của NBP

Chơi với con


e ò e ò e tí toe ngo ngoe vò vẹ
tôi đấu trán vào các đầu ngón chân
rồi lăn
óc ách tiếng gì chiều nay sót lại
một con suối hay cánh rừng tím tái?

lăn qua thuốc súng tôi rền vang tôi
tôi đánh rơi ở nơi không tìm thấy

hai đứa trẻ hai vì sao nhấm nháy
giòn và thơm trong đêm giữa hạ

tôi bị vướng vào thế giới ba tà
con voi bé nhỏ, con ve kềnh càng, con báo lù lì, con rùa vĩnh cửu
tôi xung phong làm cái chảo nấu ăn
hai đứa trẻ hai vì sao mằn mặn
vừa xào xáo vừa cười lơ cười lắc

khuất trong góc nhà tôi có cả ta cả giặc
bánh xe màu lục, viên đạn vô hình
khẩu súng ấy trắng bong như bột lọc
tôi bắn gục thời gian không thèm tiếc

trên đầu tôi hai vì sao lẫm liệt
hai đứa trẻ nhò nhè bé ti hi

tôi cù kì ku ki cũ kỹ
bình minh mọc lên một cái mào
thế là cù kì bỗng dưng thèm gáy
thèm thăng lên mấy chục tầng trời, thèm ngủ dưới mấy ngàn ngọn nước
và tôi lạc vào quyển sách của tôi
ai đó viết ra ở chân trời khác

tôi chạm tới buổi chiều nghệch ngạc
bập bềnh trôi bên cạnh những dấu trừ
một cái gì tròn vo như lạc thú
lim dim chờ cú sút
lao thẳng vào khung thành mù sương

hai đứa trẻ vò tai tôi sung sướng
ngân nga ba đứa ba quả chuông

NBP.