Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

vài tưởng tượng về cộng đồng

(Xét tương quan "Họa sỹ - Bức tranh - Người xem" thì) Sự_thấy bị quy định bởi nhiều yếu tố: (1) trong sự định vị với bản thân người nhìn, (2) ý thức có thể bị thấy, (3) thấy đã là lựa chọn bị chi phối bởi nhiều tiên kiến, xu thế giáo dục, cá nhân tính...(4) hình ảnh là sự tái sản (cả với họa sỹ lẫn người xem). Đặc trưng của thời kỳ xuất hiện camera (tái sản): có thể tái sản hàng loạt dưới nhiều dạng thức, đa điểm nhìn, đa ngữ cảnh...có tính chất của thông tin (ngôn ngữ hình ảnh). Tức là có thể áp dụng nó trong đời sống của mỗi cá nhân, nghĩa có thể bị biến cải hay xuyên tạc. "Nghĩa của 1 hình ảnh bị thay đổi theo những gì người ta nhìn thấy đồng thời bên cạnh hỉnh ảnh đó, hay những liên tưởng mà hình ảnh đó tạo ra". Do vậy nó từ chối thẩm quyền truyền thống, mở ra nhiều cách_thấy. Hồi trước đọc cuốn "Những cách thấy" của John Berger thấy mình có tóm tắt lại mấy ý trên. Nay nhìn thử vào hiện tượng chụp mấy cái ảnh check-in đi ăn cuối tuần thấy có mấy liên hệ khá gắt nhân đang đọc lại cuốn "Cộng đồng tưởng tượng-nguồn gốc và sự lan truyền của chủ nghĩa dân tộc" (Benedict Anderson). - Check-in là một kiểu nghi thức quần chúng gắn với cảm thức về định vị: (1) trong một lịch biểu xuyên qua thời gian đồng_nhất, trống_rỗng; (2) trong một khung cảnh xã hội. Nó vừa riêng tư trên smartphone mỗi người lại vừa ngay lập tức (được coi là) đồng hiện trên dòng tin của mọi người (trong cộng đồng của họ - của người post). - Lớp thông tin đầu tiên thì nó ở ngay bề mặt đấy: ví dụ như cái ảnh đi ăn cuối tuần hôm trước. À thì đại khái kiểu nhà này khá bảnh, gia đình yên ấm, vợ đẹp con ngoan, yêu sách, biết ăn đồ tây...bala bala. Nhưng cũng giống như chụp ảnh cưới ở Bờ Hồ (tình cờ ăn cũng ở Bờ Hồ), thông điệp có thể thể đọc được thì không hẳn chỉ như thế. Ngay cả trong điểm nhìn và cách nhìn đầu tiên này nó cũng không hẳn đã hiển nhiên như thế. Đầu tiên là việc khoe mình đang ăn gì ở đâu ngay_lúc_này mới chỉ trở nên được xem là bình thường, không phải bàn trong thời kỳ mạng xã hội và trên giao diện mạng. Hãy thử hình dung như ngày xưa, kể cả thời ở trong các dãy nhà tập thể là nơi tính riêng tư bị xói mòn nhất thì cũng chỉ có bọn nhi đồng thối tai mới cả gan sang nhà hàng xóm khoe là nhà cháu hôm nay ăn gì. Tại sao lại khoe ăn, và làm sao mà nó lại có thể trông bình thường như thế được chứ? Chụp ảnh đăng facebook trước khi ăn còn hay được mọi người gọi là "cúng facebook". Thật tình cờ, nó - hành động có tính chất nghi thức này - rất dễ làm liên tưởng đến cách nói về hành vi đọc báo hàng ngày trong CĐTT: "Ý nghĩa của nghi thức quần chúng này - Hegel cho rằng báo chí phục vụ con người hiện đại thay cho lễ cầu nguyện buổi sáng - có tính hai mặt." Tính hai mặt này là ở chỗ nó được thực hiện trong sự riêng tư âm thầm nhưng mỗi người chịu lễ đều ý thức rất rõ rằng nghi thức này đang được sao nhân đồng thời bởi hàng nghìn triệu người khác, những người mà anh ta tin vào sự tồn tại của họ, dù không hề có ý niệm về căn cước họ mang. Hơn nữa nghi thức này cứ liên tục lặp lại một hoặc nửa ngày xuyên suốt thời gian lịch biểu. Tức là một minh họa sống động về một cộng đồng tưởng tượng thế tục. (đoạn này tóm lược). Đến đây có thể nói rõ là giả thiết của mình là việc check-in, cúng facebook có tính chất nghi thức, đáp ứng nhu cầu nghi thức trong hình hài mới để thấy mình thuộc về một cộng đồng (tưởng tượng), qua đó chống lại sự bất an và cả sự tự do ý chí. (cont)

Không có nhận xét nào: