Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2009

Ngôn lời

1.
Trong bài "Đọc sách triết học" trên blog của bác Kazenka có 1 comment cho rằng các triết gia (nhiều khi) trình bày những suy tư của họ một cách quá khó hiểu, phức tạp. Tôi nghĩ triết học (thực sự) nếu khó hiểu thì không phải do sự làm dáng lập dị của triết gia mà xuất phát từ một nguyên nhân căn bản hơn: mối tương quan phức hợp giữa nội hàm tư tưởng, phương thức tư duy với phương tiện tư duy (ngôn ngữ?) và với chính chủ thể tư duy nữa*. Triết lý khởi sự từ truy vấn nên "không cái gì là đương nhiên cả". Mỗi triết gia khi triết lý đều suy tư từ khởi nguyên nên dưới hình thức (và thông qua nó) ngôn ngữ, ngôn từ của mỗi triết gia một lần nữa** lại là một hệ sinh thái khép kín. Nỗ lực của người viết là tái tạo lại đường lối suy tư của triết lý chứ không đơn thuần có thể quy giản về những khái niệm khô cứng máy móc. Tất nhiên tầm vóc và ngữ cảnh của mỗi triết gia sẽ dẫn đến những hình thức và mức độ "khó hiểu lập dị" khác nhau. Điều này không có nghĩa nên đem sự u tối oái oăm của ngôn từ ra để đánh giá tư tưởng một triết gia :)
-------------
(*) - Chỉ cần điểm lại lịch sử các trường phái triết học thể kỷ 20 là đủ minh chứng cho điều này.
(**) - Bản thân ngôn ngữ một cách tương đối cũng là một hệ sinh thái khép kín (nhưng vẫn phát triển và thay đổi). Về điều này có thể xem lời tựa trong cuốn "Tư duy Tự-do" của Phan Huy Đường.
-------------

2.
Tôi viết về điều này nhân nghĩ đến việc một số bạn phản ánh cách diễn đạt phức tạp khó lược giản của tôi trong teamwork. Về mặt kỹ thuật quản lý nhóm có lẽ điều này đúng. Nhưng tự kiểm điểm tôi nhận ra rằng vấn đề chính là nằm ở chỗ tôi luôn muốn chia sẻ với mọi người một cách toàn diện, tổng thể để có thể cùng nhau suy nghĩ mà vẫn độc lập. Trên phương diện hợp tác thì điều này vẫn đúng. Nhưng ở phương diện lối sư phạm thì tôi sai. Khi đó phần lỗi còn ở phía các cộng sự từ chối vị thế đối tác tư duy để chấp nhận làm người thừa hành. Nguyên nhân có thể do không cùng sự hứng thú. Ngược lại sự hứng thú cũng thường đến do sự hiểu biết (về chủ đề liên quan).

3.
Trên Tuanvietnam đang có loạt bài về trí thức. Một lần nữa các "trí thức" xét lại vẫn làm việc theo một tác phong rất quen thuộc: không làm rõ mục tiêu và nội dung của khái niệm đem bàn nên bàn ở đây lại vẫn là bàn tán loạn.

Trên blog Minh Biện có bài của Dương Danh Huy nói (theo tôi) khá rõ ràng một tiêu chuẩn của trí thức:

Đòi hỏi từ trí thức

Trí thức phải có chiều sâu và bề rộng.

Chiều sâu là biết, nói và làm.

Không biết thì không phải trí thức. Biết mà không nói và không làm thì cũng như không. Biết và nói thì cũng được, nhưng giống như bàn về một trận đá banh mình xem trên TV. Không phải trí thức nào cũng có khả năng làm, nhưng nếu một nước có ít trí thức có khả năng làm quá thì trí thức nước đó sẽ phải cam chịu số phận suốt đời nói anh này làm sai, anh kia làm say, hay thậm chí bị hai anh kia cấm nói điều đó.

Bề rộng là tất cả các vấn đề của một đất nước: khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thương mại, kinh tế, giáo dục, đạo đức, quản lý, luật pháp, công lý, chính sách, chính trị, quốc phòng, ngọai giao, vv.

Trí thức phải biết, nói và làm liên quan tới tất cả những vấn đề trện.

Nhưng không nhất thiết là mỗi cá nhân trí thức đều phải biết, nói và làm liên quan tới tất cả những vấn đề trên.

Thứ nhất, nếu ôm đồm quá nhiều thì khó mà đạt được trình độ cao trong bất cứ lãnh vực nào.

Thứ nhì, trong một số hoàn cảnh đặc biệt, nếu một trí thức bày tỏ quan điểm X trong lãnh vực Y thì người đó có thể bị mất cơ hội để nói gì hay làm gì trong lãnh vực Z.

Vì vậy, trí thức một nước có thể và có khi cần phải lựa chọn lãnh vực cho mình.

Nếu đánh giá một trí thức, theo tôi không nên đánh giá họ chọn lãnh vực nào mà đánh giá họ có làm gì có ích trong lãnh vực họ chọn hay không.

Nếu đồng ý với những điều trên thì có thể vận dụng nguyên tắc của Mạnh Tử khi bàn về tư cách vị vua để nói: không nên đem tiêu chuẩn của trí thức để bàn về "trí thức".

Không có nhận xét nào: