Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2009

Chuyện một gia đình - p2: Đứng ở đằng sau

Minh hoạ phục vụ tưởng tượng của bác NL
Nguồn: http://www.writers-free-reference.com/selfpublishing.htm

2.
Tôi đã đọc quá một nửa số sách thời trẻ con bằng tư thế đấy: đứng ở đằng sau, hơi khom lưng và nhìn qua vai người lớn để đọc ké. Phần lớn các cuốn truyện tôi được đọc thời đó là từ nhà bác T mà có. Ở khu tập thể cũng có một vài người lớn nữa hay đọc sách nhưng bác T là người thường xuyên có sách mới để đọc nhất. Hầu hết tất cả đều là sách mượn ở đâu đó về, có vẻ những người lớn họ trao đổi sách với nhau, nên nếu như mình không theo dõi kịp thì có nguy cơ sẽ không đọc hết được cuốn truyện. Vì với một đứa trẻ 7, 8 tuổi thì chẳng mấy ai thèm cho mượn sách nên tôi chỉ có một lựa chọn duy nhất là đọc ké sau vai người lớn. Nói chuyện cái vụ đọc ké này, hẳn ai mà đã trải qua cảnh mình ngồi đọc mà có đứa nó cứ thập thò đằng sau, khụt khịt rình rập thì nó khó chịu đến mức nào. Tôi cũng biết thừa điều đó nhưng cứ trơ mặt ra đánh bài lì kết hợp với những bày tỏ khá nhún nhường nhằm tìm kiếm sự đồng ý của người lớn.

Đọc ké là một nghệ thuật và với những nỗ lực lớn lao, phải nói tôi cũng dần trở nên thành thục bộ môn này. Cần phải tối thiểu hoá thời gian đứng gần người lớn nên phải đọc thật nhanh, nhanh hơn họ để họ có lúc không thấy mình bên cạnh. Không được đứng sát quá. Cũng không được gây ra nhiều tiếng động làm phân tán sự chú ý của họ. Không được tỏ thái độ sốt ruột khi chờ họ giở trang. Thế đấy, phần thưởng là bây giờ tôi không chiến tự nhiên thành, luyện được phép đọc chụp ảnh* với tốc độ đọc nhanh gấp khoảng từ 3 đến 5 lần người đọc bình thường. [Tự kiểm duyệt: Phong cách lịch duyệt tinh tế rộng lượng phi phàm ngày nay có khi cũng từ đó mà có được. Chưa kể óc tưởng tượng suy luận ngang ngửa lung tung cũng nhờ những lúc tận dụng thời gian chờ giở trang mà phát triển lạ thường ^^]. Tất nhiên phương pháp này chỉ nên áp dụng để đọc những thứ như báo chí, văn chương các loại chứ không nên áp dụng trong việc đọc sách thuốc chẳng hạn.

Có một khoảng thời gian hiếm hoi cũng có thể cầm được cuốn sách tự đọc, đó là khi người lớn họ đi đâu có việc hoặc đơn giản là đến giờ ăn cơm. Tôi thường ăn cơm nhà rất nhanh để chầu chực những khoảng thời gian đó. Không phải lúc nào họ cũng để lại cuốn sách đang đọc dở ở chỗ cho mình tuỳ tiện cầm lấy, nhưng dần dà phải nói mọi người cũng nể tình lì lợm của mình mà ý nhị vứt lại đấy cho. Cũng vì vậy mà mình luyện được cái tính dịu dàng ý nhị với sách. Phải cầm cuốn sách nhẹ nhàng, không bẻ gập, đọc thật nhanh để tiết kiệm thời gian và cũng để tý nữa cho họ nghỉ ngơi một lúc mà không có mình đứng kè kè ở bên. Lúc đó thì mình sẽ rình rập từ xa, căn xem khi nào đến trang mình đọc dở thì lại rón rén tiến đến. Mọi việc lại lặp lại chu trình trên và chuyện này kéo dài độ 2-3 năm cho đến khi tôi tạo được tín nhiệm để có thể đàng hoàng hỏi mượn mang về nhà.

Nhà bác T đông lượt người đọc nên thường tôi không mượn được mà phải tận dụng tối đa việc xem ké. Bù lại bác là người dễ tính nhất trong việc cho phép tôi thập thò ở bên cạnh mà không bày tỏ thái độ khó chịu. Nhà bác cũng thường là chỗ tụ tập của bọn trẻ con cả khu tập thể nên việc lân la chơi để chờ đọc sách cũng không có gì là khó khăn lắm. Cái lợi của trẻ con tập thể là do nhiều lứa tuổi tập trung chơi với nhau nên chúng tôi biết được nhiều trò chơi từ rất sớm so với các bạn đồng lứa. Từ năm lớp 5 là tôi đã biết chơi cờ vua, cờ tướng và đánh bóng bàn. Tất nhiên những môn đại trà khác như đá bóng, đá cầu, chơi bi, đánh gấc, câu tôm, câu cá...thì không thèm tính. Tất cả những trò đấy tôi đều học từ những lần lân la chơi chung bên nhà bác T. Không hẳn vì chỉ từ những người trong nhà mà thực ra vì mọi người hay tụ tập chơi ở đó. Nơi duy nhất có thể chơi bài đến 12 g đêm-một thời gian biểu xa xỉ với bọn trẻ con. Cũng là hiên nhà duy nhất đêm sáng trăng có thể ngồi hóng những câu chuyện chiến trường của mấy người đã từng đi bộ đội. Đôi khi là những chuyện ma quái, chuyện cười, chuyện bốc phét của mọi người. Cứ như vậy, bọn trẻ con chúng tôi bỏ ngoài tai những càm ràm của người lớn về chất lượng vệ sinh của cái sân chơi kỳ thú này.

Căn hộ bẩn thỉu và rách rưới một cách vô phương cứu chữa. Bằng những kiểu khác nhau nhưng cạnh bàn, nền nhà, mép chăn hay mặt chiếu đều đen bóng đến chai lì. Mùi thuốc lào lẫn với mùi mồ hôi lâu ngày quyện lại thành một thứ không khí khai khai khen khét ở bất cứ đồ vật nào nếu ghé sát mũi. Nhưng vì chỉ đến chơi ở đây nên với chúng tôi mọi thứ chẳng có vấn đề gì nếu như không chui đầu vào đống chăn chiếu nhà họ. Một cách cố ý, mấy bố con kẻ sỹ cũng thường tỏ ra rằng khi bẩn một cách kỷ lục thì nó cũng là bản sắc dẫu điều này hơi có hại cho bản sắc thầy lang của bác T - một chủ đề để giễu cợt (dù không ác ý lắm) của những người xung quanh.
...
Cứ như vậy, gia đình bác tồn tại trong lòng khu tập thể một cách cân bằng khéo léo giữa sự khác biệt có phần thua thiệt (dẫu rằng cái thời bao cấp nghèo khó đấy thì hầu như ai cũng như ai) về gia cảnh với sự hoà hợp và thu hút với lũ trẻ con chúng tôi. Nhiều năm qua đi nhưng cái thiện cảm trong tôi vẫn dành cho những ngày tháng được vui chơi và khích lệ một cách độ lượng trong căn hộ gia đình bác hàng xóm. Một tâm thế rộng rãi, hài hước, hơi lãng mạn và nhiều khi hoang đường phóng túng có lẽ đã bắt rễ từ những ngày xưa thân ái ấy...
---------------


(*) - Đọc chụp ảnh là đọc cả đoạn chứ không đọc từng từ. Khi đọc mỗi mắt nhìn một góc đường chép khung nhìn, đảo đi đảo lại như rang lạc (dành cho bạn nào chưa biết phương pháp này)

6 nhận xét:

sonata nói...

Thật thú vị khi gặp lại những gì đã từng trải qua ở đây, mình vẫn yêu quý cái thời "khổ sở" ấy vì thế, cái thời sách vở là niềm hạnh phúc phổ biến cho hầu hết, và khu tập thể là ngôi nhà thân ái chẳng nơi nào bây giờ sánh được :)
Thành ra cũng thật khó để nhận ra hạnh phúc nếu cứ bắt buộc phải theo kịp thời đại !

Tung H nói...

Chào mừng chị ghé thăm :)

Với em thời gian đó nó nằm ở tuổi thơ nên nhắc lại thường nhuốm màu trìu mến. Có điều bây giờ mà muốn thảo luận về quá khứ và "hạnh phúc" thì e là phải mở một đề tài mới :D

Thực ra đây là một câu chuyện sẽ kết thúc một cách rất u tối.

Just us nói...

Thích những bài như thế này. Không biết anh Tung H thế nào, với cá nhân, tuổi thơ và những thứ kỳ vĩ như sách truyện, âm nhạc, cái chết ... luôn để lại một dấu ấn sâu đậm.
Nhân nói về hồi ức, có một đoạn hồi ký Quách Tấn kể về Nguyễn Hiến Lê khá hay: http://gvietmathnet.wordpress.com/2009/04/11/nguy%E1%BB%85n-hi%E1%BA%BFn-le-qua-quach-t%E1%BA%A5n/

Tung H nói...

Những điều bạn nói về dấu ấn, tôi nghĩ còn nhiều người giống vậy.

Nhưng trong cuộc đời, sẽ có lúc chúng ta lật tung tất cả lên để hồ nghi và phản tỉnh. Chắc cũng nhiều người như vậy.

Riêng tôi nghĩ, dù thế nào cũng nên sống trọn vẹn với thời điểm của mình: tra vấn bản thân, quá khứ để khỏi huyễn hoặc mình; nhưng để nhìn về phía trước chứ không phải trò ngoái lại phân vân. Như vậy sẽ không phải hối tiếc không đâu.

Cảm ơn bạn về đường link. Cụ NHL luôn là tấm gương tri-hành về những người tự học tự biết mình.

Unknown nói...

Đọc thấy tuổi thơ mình ở đó: đọc sách ké, nhà tập thể...Coi ké: ở miền Tây kêu bằng coi cọp. Tích này cụ Sơn Nam giải thích bằng một chuyện khá cảm động về những người đầu tiên đi mở cõi ở miền Tây. Đại khái là chuyện về đi coi hát, những ghe hát thời đó neo dưới bến, diễn trên ghe, người đi coi cầm theo 1 cây tầm vông cắm chung quanh chỗ diễn để đề phòng bị cọp vồ. Những con cọp không dám nhảy qua hàng rào tầm vông cứ ngồi ở ngoài cho đến hết buổi diễn, giống đi coi ké. Riết rồi có thành ngữ: coi cọp.

Tung H nói...

Thanks bác đã ghé thăm và chia sẻ :)