1.
Không biết tại sao sáng nay lại tỉnh dậy với giấc mơ về gia đình nọ. Tôi không biết diễn tả bằng từ nào để trỏ chính xác một cách ngắn gọn mối quan hệ của tôi với họ. Đó là một gia đình đã cùng ở trong một dãy nhà khu tập thể cấp 4 đến hơn chục năm tuổi nhỏ của tôi. Vậy trước hết họ là hàng xóm cũ. Lại có quan hệ cùng làm việc giữa những người lớn với nhau - mặc dù nó rất lỏng lẻo, tôi sẽ kể sau - nhưng tôi thấy hơi là lạ khi dùng từ hàng xóm cho những gia đình sống cùng một khu tập thể, cộng đồng này mới hơn bản thân từ "hàng xóm" và trong cuộc sống chúng ta cũng vẫn thường gọi đơn giản họ là "những người sống cùng khu tập thể". Tôi bằng tuổi thằng út-thằng Bé, chúng tôi chơi với nhau thứ tình bạn của trẻ nhỏ như bao đứa bạn khác nên cũng có thể coi nó là bạn cũ của tôi. Nhưng thậm chí ngay từ ngày đó việc tôi chơi với nó cũng không khác gì chơi với các thành viên khác trong gia đình họ nên cố định mọi người theo cách "gia đình người bạn cũ" lại thấy thiên lệch. Đây đâu phải trò chơi chữ, nhưng sự loay hoay này chính là cái cách để tôi bắt đầu những ký ức về họ, một gia đình mà tôi có mối quan tâm thật khác biệt.
Để rành mạch có lẽ phải kể đôi điều về khu tập thể, cái ốc đảo giữa nông thôn của chúng tôi ngày đó. Ký ức gia đình của tôi về nơi đó thường đọng lại bằng mấy hình ảnh "Căn nhà, Vườn điền thanh và Ô cửa sổ" nhưng với những người hàng xóm cũ sẽ thiếu sót rất nhiều nếu không nhắc đến hàng hiên và khoảng sân trước dãy nhà. Cũng như cho lũ trẻ sẽ là hàng xoan ở bờ mương đầu hồi. Tôi chép lại đây một đoạn ký ức cũ.
Khu tập thể 1 tầng 10 căn nhưng căn đầu vốn là nhà trẻ sau đó để hoang. Còn lại là 9 gia đình. Mỗi gia đình ở trong 1 gian nhà rộng khoảng 3,5m sâu độ 10m. Bếp nằm phía sau, ở giữa có 1 giếng trời khoảng 2m. Đằng trước chỉ có 1 cái cửa 2 cánh ở chính giữa. Phía sau có cái cửa sổ mở ra giếng trời. Góc giếng trời có 1 cái bể nước có nắp khoảng 1m3. Hàng ngày phải gánh nước đổ vào bể. Cạnh bể nước, bên dưới cửa sổ để 2 cái xô. Trong bếp gần 1 nửa bên tay trái là chuồng lợn, phần còn lại gồm 1 chỗ để trấu và củi, 1 phần là bếp củi. Cũng có thời gian nhà đắp bếp lò nhưng ít thôi. Trước mỗi nhà là 1 khoảng sân có chiều rộng khoảng hơn 3m. Thường là làm giàn mướp ở bên trên. Mỗi nhà thường trồng 1 cây gì đó, phần nhiều là xoan để có thể kết hợp bắc giàn mướp. Tiếp theo nữa là 1 mảnh vườn dài, chia làm nhiều phần, gần nhà trồng rau, tiếp theo có thể trồng khoai lang. Tiếp nữa là mảnh đất trũng ngập nước thường để hoang hay trồng điền thanh. Khu tập thể nằm giữa vùng đất trống. Một phía là cánh đồng, 1 phía là phía sau bệnh viện, gần nhà xác. Hồi bé lũ trẻ con chúng tôi thường ra rình ở đấy để được xem người chết hay mổ pháp y.
Khu tập thể ngày đó là như vậy, nó là một cộng đồng khá khép kín với vùng nông thôn xung quanh nhưng những sự kiện bên trong bản thân nó thì lại liên thông đến toang hoác. Nhưng gia đình mà tôi đang nhắc đến đây lại gần như khu biệt với mọi người do hoàn cảnh khá khác biệt của họ. Họ hầu như chỉ là một thứ họ hàng xa của cộng đồng (với người lớn, còn bọn trẻ con chúng tôi thì không có vấn đề ấy). Vì họ có hoàn cảnh khác biệt.
Hồi xa lắc, nhà họ chưa ở trong khu tập thể từ đầu mà còn ở biệt lập ngoài phía bờ sông, cạnh đường cái. Căn nhà mái ngói cũ rích mà tôi còn nhớ rất rõ những viên gạch đỏ loét gần như mủn ra trên những bức tường của nó sau khi lớp vữa đã bong tróc hầu như toàn bộ. Nhưng hồi đó khuôn viên của nó lớn hơn điều kiện căn hộ của chúng tôi nên nó thật đáng chú ý. Bác gái vốn là nhân viên sơ cấp của Hiệu thuốc (hình như còn gọi là Cửa hàng Dược) nhưng đã nghỉ mất sức từ rất lâu vì bị tâm thần nhẹ. Suốt ngày ngồi thơ thẩn và cười vu vơ. Chỉ luôn luôn như vậy và cũng vẫn hơi biết làm việc nhà cũng như vẫn nhận được mọi người quen xung quanh nhưng hình như không còn khả năng phán đoán về họ nữa. Nhà có đến bốn người con, một gái thứ nhì và ba trai; anh lớn nhất hơn tôi 7 tuổi đến đứa út thì cùng tuổi tôi. Khi tôi biết nhớ thì họ đã ở đấy rồi, trong căn nhà bờ sông, và còn có bà nội của thằng Bé. Lúc đó bà đã quá già và mất sau đó không lâu nên những điều tôi nhớ về bà thật ít ỏi: một cụ già răng nhuộm ăn trầu chống gậy tre với cái lưng còng sát đất, khá nhanh nhẹn mặc cho khuôn mặt đã móm mém và nhăn nheo hết sức. Bà hiền lành, cư xử hiểu biết thân thiện với mọi người; hàng ngày tất bật đôn đáo việc nhà thay cho con dâu ở cái tuổi đã ngoài 80. Nhưng tất cả những điều đó chỉ làm nổi bật sự tương phản buồn rầu trong một bức tranh tối mầu có bối cảnh ngổn ngang mà bà chỉ như một vệt sáng mờ phía hậu cảnh. Bác T là con trai duy nhất của bà, một người con rơi đối với ông bố hình như làm đến tận hàm tướng ở trong miền Nam. Thậm chí hình như bà là vợ cả nhưng điều đó đã không có ý nghĩa gì từ rất lâu và không còn tồn tại bất cứ mối liên hệ nào giữa họ nữa.
Không hưởng chút lợi ích nào từ ông bố tướng quân, bác T đi hết cuộc chiến tranh và giải ngũ với chân lính trơn và một nghề tay ngang là làm thầy lang-nhưng hầu như chúng tôi không thể biết bác cắt thuốc cho ai. Trong mắt những người cùng khu tập thể Dược bác đơn giản chỉ là một ông lang băm, không hơn. Có thể hoàn cảnh đã tạo ra tính cách của bác, một tính cách rất khó chịu với những người xung quanh: một kẻ tự cao không phải lối, rách bươm nhưng luôn tỏ vẻ kẻ sỹ bất cần, không lánh nghèo. Nhưng hình ảnh một kẻ sỹ mặc áo bộ đội cũ xách cái cần câu cá chuối với đàn con lộc ngộc lang thang ven sông bờ ao khuyến mại thêm bà vợ thất thần bên hiên nhà thật thảm hại và quá lố với mọi người xung quanh, bất kể những thiện cảm mà bà cụ đã cố gắng giữ được với họ. Tên thằng Bé là do bà đặt cho nó, một nỗ lực ngăn cản tính khí ngạo ngược của ông con trai khi khai sinh cho thằng út cái tên Trần Thế Thần Thánh! Một hồi bà gọi nó là thằng Thiện nhưng rồi mọi người quen hơn với cái tên hèm là thằng Bé. Thằng Bé lớn lên cùng chúng tôi và đương nhiên tất cả lũ chúng tôi tuyệt không bao giờ thèm để ý đến việc thực ra nó là Thần Thánh. Bà cụ mất trước khi chúng tôi đi học nên có lẽ cũng như mọi người bà lúc đó cũng đã không phải phiền lòng nghĩ đến việc có lúc thằng Bé sẽ gặp trở lại vấn đề của Thần Thánh.
Thật lạ, có những con người bằng lối sống chân thành tận tâm của mình, dù chỉ phớt qua trong cuộc đời một đứa nhỏ bốn năm tuổi, cũng có thể để lại những thiện cảm sâu xa và lâu dài trong tâm trí người khác đến vậy.
Toàn cảnh cuộc chiến tại Myanmar – Phần cuối
-
Tuy nhiên, những rủi ro liên quan đến việc thực hiện giải pháp này là rất
lớn. Trung Quốc từ lâu đã coi sự ủng hộ của phương Tây dành cho các nhóm
ủng hộ d...
6 giờ trước
5 nhận xét:
lâu lắm rồi mới nghe thấy từ "điền thanh". Hồi đó thật là khổ thân những thằng nào lỡ tên là Thành :)
chứng tỏ là bác già lắm rồi ấy nhỉ
Em già bằng bác :D
vầng thế tức là già khú cú dỉn rồi hehe
Đọc bài này thấy nhớ ngày xưa thế. Mình cũng không biết sao nhân vật ngày xưa mình hay nghĩ đến, và trở đi trở lại trong giấc mơ lại là một chị câm, chị này thậm chí không có tên hoặc có cũng như không vì người ta toàn gọi là cái câm, chị câm.
Em đang suy nghĩ không biết làm sao để có thể kể tiếp (liên quan đến sách vở) mà không bị quy thành phần là hâm và dễ dãi cùng 1 số bạn :P
Đăng nhận xét