Thứ Tư, 13 tháng 7, 2022

Phàm phu văn hóa

 
Hannah Arendt quan niệm về phàm phu và văn hóa:
Kẻ phàm phu (philistine) và kẻ phàm phu văn hóa (educated philistine) khác nhau ở thái độ của hai kiểu người này với văn hóa. Nếu phàm phu coi khinh tất cả những gì không có lợi ích trực tiếp: tác phẩm nghệ thuật, tri thức, thì kẻ phàm phu văn hóa lại vồ vập với những vật phẩm như trang sức cho địa vị xã hội để tạo ra sự tách biệt tầng lớp.
Với người phàm phu thì thời gian dành cho văn hóa chỉ có thể cấu thành và hiểu qua hình thức giải trí. Điều này đến từ việc cân nhắc lợi ích của giải trí và nghỉ ngơi nhằm cân đối cuộc sống và công việc. Văn hóa cho số đông vì thế phục vụ nhu cầu giải trí, nhu cầu cần thiết cho tiến trình sinh học của mỗi người. Cũng bởi vậy mà văn hóa đại chúng không bao giờ là văn hóa chính vì mục đích sinh học của nó. Tục hóa và đơn giản hóa các tác phẩm, và thông qua đó là sự phá hủy cấu trúc của tác phẩm, với mục đích giáo dục cao đẹp nhằm rộng mở với công chúng thực chất không tạo ra văn hóa mà tạo ra sản phẩm giải trí, mà mục đích để lấp đầy thời gian nghỉ ngơi và hấp thụ văn hóa như thực phẩm trong việc tái tạo lại sức lao động.
Trái lại, kẻ phàm phu văn hóa (educated philistine) lại mượn văn hóa như cách họ sở hữu vật quý trưng diện trong sa lông. “tác phẩm được dùng một cách sai lệch nhằm mục đích giáo dục hay hoàn thiện cá nhân, với bất kì mục đích nào thì cũng lệch lạc hết cả. Có thể thì cũng hữu dụng, cũng chính đáng khi ta ngắm tranh để hoàn thiện cách hiểu về thời kì nào đó, và cũng hữu dụng và chính đáng y như khi ta đem tranh để che một lỗ thủng ở trên tường. Trong hai trường hợp, ta dùng tác phẩm vào các mục đích thứ cấp. Vẫn không sao nếu ta còn nhận thức rằng các cách sử dụng này, dù chính đáng hay không, đều không phải là quan hệ phù hợp với nghệ thuật. Điều chán ngán với những người phàm phu văn hóa không phải là vì họ đọc những tác gia kinh điển, mà họ làm điều đó vì động lực thứ cấp nhằm hoàn thiện cá nhân, họ không mảy may nhận thấy rằng Shakespeare hay Platon có thể nhắn nhủ những điều chả liên quan gì với việc làm thế nào để tự hoàn thiện mình.”
Nguyên do sâu xa trong việc hai thái độ vị lợi hay tiêu thụ này đều không phù hợp với quan hệ với nghệ thuật và văn hóa chính vì nghĩa gốc latin của từ văn hóa, cultura, đã bị quên mất. Trong cách dùng của Ciceron, văn hóa, cultura animi, có nghĩa bảo tồn và nuôi dưỡng những giá trị thừa kế. Hiểu trong cái cách của dân tộc nông nghiệp (agriculture) bám vào đất và lao động để vun xới cho cây trồng. Do đó có thể coi Văn nhân, cultura animi, là người chọn những người bạn đồng hành cho mình, ở trong số những người đương thời và đã mất, đối thoại và do đó gìn giữ di sản của thế giới.

Không có nhận xét nào: