Thứ Ba, 7 tháng 7, 2009

Người xa lạ - A.Camus

1.
Bây giờ mà nhắc tới A.Camus thì đã là rất cũ và cổ (lỗ not điển). Để cưỡng lại cơn lũ của mới khác thì có một cách an toàn là nhận béng rằng mình chậm, cổ và sến là xong. Hơi đỏng đảnh mình tự xếp mình vào một góc riêng: người xa lạ. Vừa may A.C có viết một cuốn "Người xa lạ".

2.
Tôi có một ảo tưởng kiên quyết rằng vẫn còn những tác giả lấy bản thân cuộc sống của mình để thân chứng cho những điều mình viết. Tuy nhiên để phù hợp với thực tế hữu hạn thì vẫn phải dựa vào niềm tin cảm tính mà lựa chọn là chính. Và cũng phải làm nhoè dần những ranh giới quá sắc nét đi. A.Camus là một tác giả mà tôi cảm thấy nằm trong vùng nhoè đấy - một cảm nhận thuần tuý qua các tác phẩm. Thực ra trong những tác phẩm của ông mà tôi đã đọc (Dịch hạch, Người xa lạ, Ngộ nhận, Giao cảm, Bề mặt bề trái, Huyền thoại Syphus, Carnets) thì tôi chỉ thực sự bị cuốn hút với các ghi chép và các tiểu luận của ông là chính. Với những tác phẩm văn học hay kịch khác, tôi có thể gạch ra những điều quan trọng nhưng nó không thể khiến tôi đọc một mạch như những tác phẩm kia. Có lẽ một phần do các bản dịch chưa hợp tạng với tôi. Cũng có thể là tôi chưa quen với cách đọc các tiểu thuyết có tính luận đề thời đó? Thành ra đọc chúng ta có cảm giác thân thiết nhưng mệt mỏi, chán chường. Người xa lạ là một cuốn như vậy.

3.
Nhưng chính vì vậy mà tôi thường xuyên muốn đọc lại Người xa lạ. Bởi tôi cũng biết cái cảm giác lạ lẫm, dưng không. Tôi không biết phải làm sao để đi tiếp nó. Và tôi cũng không cảm nhận hết mạch của cuốn tiểu thuyết mỏng này. Chỉ biết rằng cái hoang tàn trơ lì chỉ là bề mặt của dư dục vô ngôn. Không phải là không muốn nói. Chính là không thể nói khơi khơi. Nhưng lại cũng không thể không nói. Đôi lúc vì tha thiết quá nên lời trịnh trọng thì lập tức ngộ nhận và đập phá tơi bời xảy đến. Cũng phải, ngôn ngữ sống trải đâu phải là thứ để gạch đầu dòng vặn vẹo. Thành thực, độ lượng, phản tỉnh và xác tín. Bấy nhiêu chắc đủ.

Không có nhận xét nào: