Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2009

"Tiếp sức mùa thi"

1.
Đang trong vụ tiếp sức mùa thi nên cũng thấy có chuyện để phiếm.

Mấy câu đề Toán đâu có quá khó nhưng cũng nhiều bạn trẻ không làm được. Trừ vài trường hợp đặc biệt xuất sắc còn ra chúng ta ai đi học chả có lúc bí. Kinh nghiệm của tôi ngày trước là: không quan trọng việc giải được hay không giải được mà là suy nghĩ về vấn đề phương pháp và chiến lược làm bài. Khi buộc phải tham khảo lời giải nào đó thì điều quan trọng là sau khi hiểu lời giải rồi thì dừng lại suy nghĩ xem tại sao người ta làm được mà mình lại mắc. Từ điểm nào trong lộ trình suy luận có sự khác biệt. Sự khác biệt đấy có tổng kết lại được không? Sau đó sẽ bỏ bài toán đó lại cho quên bớt đi; một khoảng thời gian sau mới lôi ra kiểm tra lại phương hướng tư duy của mình. Như 3 câu khó hôm nay thì có thể nhận thấy mấy hướng để giải:

- Câu giải phương trình đặc biệt: đơn giản là chuyển dạng hàm có căn thức về dạng mũ quen thuộc bằng phương pháp đặt ẩn phụ. Tối đa là bậc 3 mà các bạn đã có máy tính thì nhẩm nghiệm còn dễ hơn hồi tôi học nhiều :)
- Câu hình: không hề khó, chỉ cần vẽ và tập trung vào các điều kiện đã cho là có thể làm được. Cái cần để ý trong hình học khi đi thi là thường các điểm cần tìm sẽ nằm ở các vị trí đặc biệt, hợp lý chứ không tuỳ tiện (không thì mấy trăm nghìn em làm thế quái nào được (lol)
- Câu bất đẳng thức: mấu chốt là hướng chuyển điều kiện đã cho thành dạng tích và đối xứng. Nên để ý tính đối xứng như nhau về vai trò của thành phần mà biến đổi theo cho phù hợp.

2.
Nên biết tích luỹ tinh thần trước khi thi, tránh các hoạt động vô thức dễ làm tán tâm trước khi vào phòng: nói chuyện, nhớn nhác, vận động thiếu chủ ý. Ổn định nếp sinh hoạt. Giữ cho đầu óc thăng bằng và chỉ suy nghĩ những vấn đề phương hướng. Tránh quá chú ý một chủ đề sẽ dễ bị quên đột ngột một số thứ lúc vào phòng thi. Nhưng nếu làm thử một bài nào thì phải làm như thật về mặt phong thái, cách trình bày.

3.
Nhưng thực ra muốn có lối tư duy chủ động trong học hành thì ngay từ đầu phải luôn chủ động tích cực và thảnh thơi. Chứ học hành lu bù cho đủ giờ bằng bạn bè các kiểu thì lấy đâu ra sự quan sát mà suy nghĩ. Cứ nhìn cảnh đứa cháu tôi chuẩn bị vào lớp 1 mà bố mẹ bắt ngày 2 lớp học thêm thì thật không biết rồi chúng nó sẽ học được cái gì nữa? Tâm thế chủ động và thảnh thơi là rất quan trọng. Thực tế qua rồi nhìn lại thì kiến thức ở phổ thông cũng chỉ là một dúm nhỏ về mặt hướng lớn. Còn ra chỉ là biến tấu.

Không có nhận xét nào: