Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

Phong cách mỹ thuật đồ họa của các bộ môn thiết kế: công trình, cảnh quan và quy hoạch

Trong triển lãm của sinh viên ĐH Kiến trúc Quốc gia Normandie “Vẽ ghi và gợi tả đặc trưng của một cảnh quan: thành phố Dieppe”, có một điểm vốn tưởng hiển nhiên mà đột nhiên tôi thấy chú ý là các nhà cảnh quan (hay kts) dùng thủ pháp đồ họa phong cách gì để gợi tả lại đặc trưng cảnh quan? Vì cái mà họ rút tỉa ra từ cảnh quan sẽ ảnh hưởng (thậm chí quy định) ngược trở lại giải pháp thiết kế mà họ đề xuất để can thiệp vào cảnh quan. Nhưng rồi chúng ta sẽ thấy vấn đề không đơn giản như thế.
Hầu hết các thủ pháp trình bày có dấu ấn của phong cách kiểu hội họa từ ấn tượng, lãng mạn đến biểu hiện. Tức là những phong cách tuy vẫn dựa vào hiện thực nhưng chú trọng biểu đạt cảm xúc và ý niệm chủ quan của người nhìn (tức là người vẽ lại). Điều này dễ hiểu vì cảnh quan là đối tượng không có ranh giới cũng như luôn biến đổi theo người nhìn: sự thay đổi góc độ, vị trí khi di chuyển trong không gian, thời gian; cũng như việc nhìn thấy cái gì lại là những lựa chọn đầy chủ quan "chịu tác động từ toàn bộ các tiền giả định về nghệ thuật mà họ đã từng được dạy dỗ" (như các tiền giả định về cái đẹp, sự thật, tài năng thiên bẩm, sự khai hóa văn minh, hình thức, địa vị xã hội, khiếu thẩm mỹ...) (John Berger, Những cách thấy, bản dịch của anh NNH, Nxb Thế giới, 2017). Nhưng một đồ án thiết kế cảnh quan lại sẽ có tham vọng tiến tới sự khách quan - một cảnh quan cho cộng đồng nào đó. Vậy làm thế nào để có được sự đồng thuận?
Trong khía cạnh này, có lẽ vấn đề của thiết kế cảnh quan nằm lưng chừng ở giữa 2 điểm mốc là thiết kế công trình và thiết kế quy hoạch.
Người KTS công trình khi hành nghề chuyên nghiệp sẽ sớm nhận ra và hiểu rằng một công trình hình thành trên thực địa là một kết quả hợp tác của ít nhất là những chủ thể chính như chủ nhà, người thiết kế, người thi công, bảo trì và người cấp phép. Một mặt người ta thường so sánh nó với "giấc mơ" đã thành hiện thực của chủ nhà, của kts...nhưng trên thực tế, để thuyết phục, thường nó được trình bày theo lối càng "giống thật" càng tốt (chủ nghĩa hiện thực).
Nhà quy hoạch thì đối diện với vấn đề "nảy sinh từ khi một người nào đó, với những lí lẽ có thể là đúng hoặc sai, cho là cần phải thực hiện hay khuyến khích một hoạt động nhằm biến đổi cách sử dụng mặt bằng để đạt tới "một tình thế được coi là tốt hơn"...Cho nên vấn đề là cách thức lựa chọn của một chủ ý hành động. Quy hoạch là một hành động của quyền lực, một công cụ để ra quyết định chính trị, do đó, "cách thức chọn quyết định, xét cho cùng, có tầm quan trọng lớn hơn nhiều so với bản chất của chính quyết định ấy" (Jean-Paul Lacaze, Các phương pháp QHĐT, Nxb Thế giới, 2002). Hình thức trình bày đồ họa của quy hoạch luôn tỏ ra có tính kỹ thuật hết mức (tuy nó có nhiều đặc điểm của 1 ngành khoa học nhưng nó chưa bao giờ là một khoa học thuần túy).
Trong tình cảnh ấy, có thể hình dung các nhà cảnh quan phải khó khăn thế nào để đạt được sự thừa nhận của xã hội theo nghĩa rộng nhất của nghề. Những khung cảnh luôn vừa hiển nhiên vừa phù du. Vừa của tất cả mọi người vừa chả phải của riêng ai. Những giá trị mà họ theo đuổi lại thất thường theo các giá trị chủ quan. Những ưu tiên mà cảnh quan đề xuất chỉ thỉnh thoảng được chính giới vay mượn ở những chỗ tiện dùng làm điểm nhấn cho chính tích trái ngược với những mong muốn đa cảm của nhà cảnh quan.
Mặc dù vậy, chính phương pháp luận mà bộ môn nghiên cứu cảnh quan đem lại là cái đang cần thiết nhất cho những xã hội như Việt Nam hiện nay. Cái cách người ta trải nghiệm, đo đạc, ghi lại những ấn tượng, giá trị có tính cá nhân...lại là thứ dễ thấu cảm được đến tinh thần của nơi chốn; là cách để một cộng đồng duy trì và lưu giữ ký ức cộng đồng. Những giá trị này hư vô, phiêu miểu, hiện rất khó thể hiện trong các đồ án quy hoạch vì nó không tiện dùng cho nhà quản lí đô thị.
Nhưng chính càng là như vậy, phân tích và am hiểu cảnh quan sẽ là phương cách tốt để khai minh cho xã hội đang trên đà đô thị hóa một cách man rợ. Việc học cảnh quan sẽ làm cầu nối và bổ trợ rất sâu sắc cho cả thiết kế công trình hay quy hoạch đô thị.
(Hình chụp từ một đồ án trong triển lãm)



Không có nhận xét nào: