Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2021

Burnouf phân biệt 2 loại kinh Phật giáo

 "Tôi đề nghị một độc giả có hiểu biết thành thạo về Phạn văn và ngoài ra, [người ấy còn] có thêm sức chịu đựng kiên cố để đọc năm mươi tờ đầu của bộ luận này, rồi sau đó nói xem liệu tác phẩm ấy có phải là một cuốn sách nguyên thủy, một cuốn cổ thư, một trong số những cuốn sách được các tôn giáo dựa vào đó để thành lập, nói tóm lại, là một pháp điển thiêng liêng, liệu người đó có thấy rõ được dấu vết của những nỗ lực truyền giáo; nếu người đó bắt gặp những cuộc đấu tranh của một đức tin mới chống lại một trật tự từ những quan niệm có trước; nếu người đó tìm được trong đó cái xã hội mà nơi ấy việc truyền giáo được khảo nghiệm được môi trường thuyết giảng. Hoặc là tôi đã lầm to, hoặc sau khi đọc như vậy thì người mà tôi nhờ xác chứng sẽ chẳng tìm thấy trong cuốn sách này điều gì khác ngoài những sự phát triển của một học thuyết hoàn chỉnh, đắc ý, tự tin là không có đối thủ, chẳng có gì khác ngoài những khái niệm an lạc và đơn điệu của đời sống trong các tự viện; chẳng có gì ngoài những hình ảnh nhạt nhòa của một tồn tại lý tưởng lặng lẽ trôi vào những cảnh giới hoàn hảo tuyệt đối, tách biệt khỏi sự xao động ồn ào và mê đắm của thế gian. Vì vậy, những gì tôi đã nói về kinh Hoa Nghiêm (Gandavyùha) thì hầu như cũng hoàn toàn phù hợp với những bộ kinh lớn khác, chẳng hạn như kinh Nguyệt Đăng Tam-muội (Samàdhiràja), kinh Thập Địa (Da'sabhùmìs'vara). Và ở các bộ kinh phát triển khác như kinh Phổ Diệu (Lalitavistara) và Thiện Pháp Liên Hoa (The Lotus of the Good Law), xuất hiện điều gì đó có thể đặc sắc và chân thực hơn những đức tính lý tưởng của các vị bồ-tát, kể về cuộc đời của đức Thích-ca-mâu-ni và tường thuật các dụ ngôn đẹp đẽ mang lại một ý tưởng cao vời như thế về sự thuyết giảng của vị Phật cuối cùng, theo tôi, trong các bộ kinh này, những dấu vết của sự phát triển thường khiến chúng dễ bị nhận diện, và khiến ta luôn đi đến giả thiết rằng, những cuốn sách này chỉ là công việc biên soạn lúc thư nhàn dựa trên chủ đề sẵn có.

Đúng, chính ở đây, sự khác biệt và có trước của các kinh đơn giản so với các kinh vaipulya xuất hiện một cách rõ ràng; ta tìm thấy mọi thứ thiếu sót trong loại kinh thứ hai ở loại kinh thứ nhất. Những bộ kinh thông thường tỏ rõ cho ta đức Phật Thích-ca mâu-ni giảng dạy giáo pháp của Ngài giữa một xã hội, mà nếu xét từ vai trò của Ngài được kể trong các truyền thuyết, thì xã hội ấy đã bị tha hóa sâu sắc. Trước hết giáo pháp của Ngài là đạo đức; và dù không bỏ quên siêu hình học, thì chắc chắn nó cũng sẽ chiếm một vị trí ít quan trọng hơn so với lý thuyết về các đức hạnh mà giới luật của đức Phật đã chế định, các đức hạnh nơi đó lòng khoan dung, đức kham nhẫn, và sự trong sạch được đặt lên hàng đầu. Giới luật, như lời đức Thích-ca, trong các sách này không đặt ra một cách giáo điều; mà ở đó hầu hết nó chỉ được nhắc tới một cách mơ hồ, và được trình bày bằng những ứng dụng hơn là các nguyên tắc của nó. Để suy ra từ những tác phẩm như vậy một sự mô tả mang tính hệ thống về niềm tin của những người theo đạo Phật thì cần phải có một số lượng rất lớn các tác phẩm loại ấy; mặc dù vậy, cũng không chắc gì người ta có thể vẽ thành công một bức tranh hoàn chỉnh về đạo đức và triết học Phật giáo bằng cách này, bởi lẽ những niềm tin xuất hiện ở đó, có thể nói như vậy, bằng hành động, và một số điểm quan trọng về giáo lý xuất hiện trên mỗi trang, trong khi các vấn đề khác thì hầu như hoặc hoàn toàn không được nhắc tới. Nhưng trong trường hợp này, dù đối với chúng ta là một khiếm khuyết thật sự, thì nó cũng có những ưu điểm nếu nhìn từ quan điểm lịch sử. Đó là một chỉ dấu nhất định về tính xác thực của những cuốn sách này, và điều ấy chứng tỏ rằng không hề có một nỗ lực mang tính hệ thống để hoàn thiện chúng sau đó, cũng không đánh giá chúng, qua những sự thêm thắt về sau, ở mức độ phát triển mà Phật giáo chắc chắn đạt được qua quá trình thời gian. Xét về mặt giáo lý, các bộ kinh phát triển có một ưu thế rõ rệt so với các kinh đơn giản, bởi lý thuyết ở đó chứng tỏ có sự tiến triển hơn xét từ cả hai quan điểm giáo nghĩa và siêu hình; nhưng chính đặc điểm này đã khiến tôi tin rằng các kinh vaipulya ra đời muộn hơn các kinh đơn giản. Các bộ kinh đơn giản cho chúng ta bằng chứng về sự ra đời và những sự phát triển ban đầu của Phật giáo; và nếu như các kinh đó không cùng thời với đức Thích-ca thì ít ra chúng cũng đã lưu giữ cho ta, một cách hết sức trung thực, truyền thống giáo lý của Ngài. Những bộ luận sớ (i) về loại kinh này chắc chắn được mô phỏng và biên soạn về sau trong sự tịch lặng của các tự viện; nhưng ngay cả khi chấp nhận là ta chỉ có những bản mô phỏng của các bộ kinh nguyên gốc thì mọi độc giả có thiện chí nghiên cứu chúng bằng các thủ bản Sanskrit của Nepal cũng sẽ buộc phải đồng ý rằng, chúng còn gần gũi với lời dạy của đức Thích-ca hơn cả các bộ kinh phát triển. Đây là điểm mà tôi muốn thiết lập ngay lúc này, đó là điểm quan trọng để chống đỡ mọi tranh cãi; bất cứ thời điểm nào, việc nghiên cứu tiếp theo cần phải có ngày đánh giá các kinh đơn giản nhất, dù chúng có quay ngược tới thời các đệ tử đầu tiên của Thích-ca, hay đến tận giai đoạn cuộc kết tập cuối  cùng củ Bắc truyền đi nữa thì cũng chẳng mấy quan trọng; dường như đối với tôi, mối liên hệ hiện có giữa loại kinh này và các kinh phát triển cũng sẽ không thay đổi; chỉ có khoảng cách tách biệt giữa hai loại này là tăng hay giảm mà thôi.

Tôi có mọi lý do để tin, nếu như các quan sát trước đó hoàn toàn có cơ sở thì tôi được quyền nói rằng những gì có chung giữa các bộ kinh phát triển và những bộ kinh đơn giản là cấu trúc, hành động, lý thuyết về các giá trị đạo đức, luân hồi, phước báo và ác báo, nhân và quả, những chủ đề chung của mọi tông phái; nhưng những vấn đề khác nhau này đã được tông phái này và tông phái khác xử lý với tỷ lệ khác biệt khá đặc thù. Tôi đã chỉ ra cấu trúc của các kinh phát triển rộng lớn hơn các kinh đơn giản như thế nào; tức là, loại thứ nhất thì hầu như vô hạn; loại thứ hai thì bì hạn chế chặt chẽ trong các giới hạn của tính hợp lý. Về hành động, dù cả hai phía đều giống nhau, nhưng ở các kinh phát triển thì hành động ấy không phải thực hiện cho cùng một loại thính chúng như trong các kinh đơn giản; người giảng dạy luôn là đức Thích-ca mâu-ni, nhưng thay vì người nghe là những người Bà-la-môn và thương gia mà Ngài đã cảm hóa ở các kinh đơn giản, thì trong các kinh phát triển, thính chúng lại là những vị bò-tát, cũng huyền hoặc như thế giới mà họ xuất phát, đến để hộ trì giáo pháp của Ngài. Bối cảnh của kinh đơn giản là Ấn-độ, diễn viên là con người với một số vị trời bậc thấp, và ngoại trừ thần lực của đức Thích-ca và các đệ tử thượng thủ của Ngài, thì những gì diễn ra ở đây có vẻ tự nhiên và hợp lý. Ngược lại, mọi thứ mà trí tưởng tượng có thể hình dung được như không gian và thời gian thì thật còn quá hạn hẹp so với bối cảnh của các bộ kinh phát triển. Diễn viên ở đó là những vị bồ-tát tưởng tượng có các đức hạnh vô lượng vô biên cùng những danh xưng dài bất tận mà người ta không thể nào đọc nổi, những danh hiệu kỳ quặc và gần như lố bịch, nơi ấy có các đại dương, sông ngòi, sóng, những tia sáng, các mặt trời được kết hợp với những phẩm tính hoàn hảo không tương xứng bằng một cách thức tầm thường non nớt và kém hiệu quả nhất, bởi vì chẳng có chút nỗ lực nào ở đó cả. Không còn ai để cảm hóa; mọi người đều tin tưởng và hoàn toàn chắc chắn vào một ngày kia mình sẽ thành Phật, trong một thế giới kim cương hay lưu-ly. Hậu quả của tất cả những điều trên là khi các bộ kinh càng phát triển thì chúng càng nghèo nàn về những chi tiết lịch sử; và càng đi sâu vào giáo lý siêu hình thì chúng càng xa rời xã hội và trở nên xa lạ với những gì đang xảy ra ở đó. Phải chăng điều ấy đủ để cho chúng ta tin rằng, những kinh sách này đã được viết ra trong những đất nước và thời đại mà ở đó Phật giáo đã đạt tới sự phát triển toàn diện, và nó đảm bảo toàn bộ khả năng khả thủ cho ý kiến mà tôi nỗ lực thiết lập, tức là, các kinh bình thường có trước, điều đó khiến chúng ta quay về những thời đại và những xứ sở nơi mà Phật giáo luôn phải đương đầu với các đối thủ của họ, buộc họ bằng việc thuyết giảng và tu tập đạo hạnh để chiến đấu với những đối thủ ấy.".

Kinh Pháp Hoa, tiểu sử. Donald S.Lopez, Jr. (đoạn trích dẫn Eugène Burnouf, trang 177-183)

Không có nhận xét nào: