Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

Một số thông tin về ruộng đất của nông dân thời Tây Tấn đến Đường (theo Sử Trung quốc, Nguyễn Hiến Lê)

- Thời Tây Tấn dẹp xong Đông Ngô nước rất nghèo, dân ít mà ruộng hoang nhiều, chính sách triều đình là khuyến khích nông nghiệp: đàn ông từ 16 đến 30 tuổi được mỗi người 70 mẫu ruộng, ngoài ra còn làm 50 mẫu để đóng địa tô cho triều đình; đàn bà được 30 mẫu và 20 mẫu làm địa tô. Như vậy địa tô rất nặng, khoảng 60%, tuy là khuyến khích mà thực ra chỉ là bóc lột.

Theo đoạn sau thì đại khái 40 mẫu là bằng khoảng 20ha. Suy ra ở đoạn trên mỗi nhà tính vớ vẩn 1 đôi vợ chồng phải canh tác trên diện tích 170 mẫu đất, tức là khoảng 85ha đất ruộng (hẳn chủ yếu là ruộng cạn Trung nguyên và vùng phía Bắc, dưới mạn Đông Ngô mới có lúa nước?). Trong đó 40ha là trồng cấy để nộp địa tô cho triều đình. Thế thì cả đời chỉ cắm mặt vào làm nông cũng chả mong ngóc đầu lên được. Đáng tiếc tôi chưa tìm được tư liệu nào phân tích kĩ hơn về năng suất lao động của thời kỳ đó để đánh giá. Tuy nhiên về sau tôi sẽ dẫn Pierre Gourou phân tích đồng bằng châu thổ Bắc Kỳ làm so sánh tương đối. Nếu trồng cấy mà dễ như châu thổ sông Cửu Long thì sẽ còn khả dĩ. Trong việc nghiên cứu đời sống xã hội phong kiến, phép phân tích ruộng đất và năng suất lao động mà làm được sẽ có hình dung rất tốt về thời đại đó.
- Thời Bắc Ngụy theo phép tỉnh điền, chia mỗi trai tráng 40 mẫu ruộng (khoảng 20ha) và 20 mẫu trồng dâu. Tính ra cũng đại khái mỗi đinh canh tác 30ha đất.
- Nhà Đường theo chính sách quân điền từ thời Bắc Triều, Tùy; mỗi tráng đinh được phát một số ruộng (nhiều ít tùy miền và tùy triều đại), không được bán, khi già không làm được nữa hoặc chết trả lại cho triều đình để cấp lại cho người khác; ngoài ra được giữ một số (thường là 20 mẫu thời đó) gọi là ''vĩnh nghiệp'' làm của riêng, có quyền được bán (có sách nói không được bán). Họ phải đóng thuế nhẹ thôi, được giữ một số lúa, vải lụa đủ ăn, đủ mặc, nhưng tráng đinh mỗi năm phải làm xâu ba mươi ngày và đi quân dịch một tháng.
Như vậy có thể thấy đến tận đầu thế kỷ 20 ở Bắc Kỳ việc phân chia ruộng đất cơ bản giống cách phân chia quân điền của nhà Đường: dân vừa có ruộng riêng (bị giới hạn) và vừa có ruộng công bị đánh thuế và phân bổ lại sau một thời gian nhất định. Sự khác biệt mà tôi quan tâm là năng suất lao động và sản lượng lương thực. Vì ruộng đất thời đầu thế kỷ 20 ở Bắc Kỳ cho sản lượng bình quân rất thấp so với ngày nay (từ 1/10 đến 1/2 tùy ước tính và phẩm loại ruộng), nhân công thừa thãi và năng suất lao động quá thấp đến nỗi Pierre Gourou nhận xét là người châu thổ không quan tâm đến sự phung phí sức lao động. Diện tích ruộng đất chia cho mỗi hộ thời đó ở Bắc Kỳ cũng rất ít nếu so với con số bình quân thời Đường ở Trung Hoa. So sánh một chút như vậy để bước đầu hình dung ra cái cơ chế sản xuất và sở hữu ruộng đất đã duy trì tính trạng của làng xã Việt Nam suốt thời kỳ lịch sử trung đại như thế nào. Là cái ý mà tôi đang hình dung cơ bản tại làm hộc máu mà lúc nào cũng chỉ đủ ăn thì còn hơi sức đâu mà thay đổi nên làng xã mới ổn định hàng nghìn năm như thế. Nhưng đến lúc năng suất ruộng đất cao lên, hay khái quát hơn là đô thị hóa xuất hiện thời cận đại thì văn hóa làng biến đổi khẩn trương ngay chứ tôi không tin cái huyền thoại văn hóa làng nước sẽ mãi bất biến như bảo bối giữ nước được.
 
Dân số thời Đường:
 
- Dân số đầu thời Đường là 15 triệu, đời Huyền Tông là 54 triệu, sau loạn An Lộc Sơn chỉ còn 17 triệu. Nhưng con số đó tính theo sổ hộ tịch triều đình lập để thu thuế, cứ mỗi hộ trung bình có 5 người, nhân số hộ với 5 thì được số dân. Nhưng hạng dân có quyền quý được miễn thuế, có hạng bần hàn cũng khỏi phải đóng thuế, lại có hạng lưu vong, có hạng trốn thuế vào ở chùa hoặc làm công trong một đồn điền của một đại điền chủ, những hạng đó đều không được ghi trong hộ tịch, cho nên phép tính trên (nhân số hộ với 5) chỉ cho biết số người phải đóng thuế chứ không phải số dân. Có lẽ từ đời Hán đến đời Đường, những con số về dân số cần nhân gấp 2. (Sử TQ, NHL)

Không có nhận xét nào: