Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Đọc Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật - Cynthia Freeland. 1


(An Introduction to Art Theory) - Nguyễn Như Huy dịch. (Còn 1 phiên bản với tên "Thế mà là nghệ thuật ư?". NXB Tri Thức)

----------

Nếu ai đó yêu cầu chúng ta tùy tiện kể ra vài tác phẩm nghệ thuật thì hẳn ai cũng làm được - ai cũng có vài thứ để liệt kê dễ dàng. Nhưng nếu bị xoay sang hỏi "Nghệ thuật là gì?" thì sẽ khác hẳn. Nghệ thuật quá đa dạng, quá khác biệt từ chỗ này sang chỗ khác và từ thời nay đến thời xưa. Chưa bao giờ nghĩ đến chuyện khái quát hóa thì cũng là chuyện bình thường, nhưng thỉnh thoảng biết đến, chứng kiến những thực hành nghệ thuật đương đại - vốn dĩ quá xa lạ với những cái biết truyền thống ở VN hiện nay - thì câu hỏi kia lại quay trở lại rất thiết thực; nhất là khi ta biết rằng nghệ thuật được coi là phương thức chúng ta mở rộng và sáng tạo trong cách tri giác thế giới. "Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật" của Cynthia Freeland là một cuốn sách hay, vừa vặn cho những ai không chuyên muốn có một sơ đồ để lần đầu bước vào thế giới rộng lớn của lý thuyết nghệ thuật. Nó hay vì tác giả đã tường giải những khía cạnh rất đa dạng, đối lập của chủ đề một cách khéo léo hấp dẫn mà các đối tượng được trình bày vẫn không bị giản hóa.

Tác giả chọn cách mở đầu gây shock khi dẫn những tác phẩm nghệ thuật hiện đại đã từng gây shock cho công chúng với những đề tài và chất liệu bạo liệt như máu, nước tiểu, xác động vật, sự đau đớn, tính dục...Chương 1, Máu và cái đẹp, trỏ thẳng cho chúng ta một sự thực rõ ràng là từ lâu đối tượng của nghệ thuật không còn chỉ là về cái Đẹp nữa. Nhưng dù vậy, về phía kinh nghiệm cảm thụ đối với nghệ thuật thì vẫn còn mối liên hệ quan trọng với những triết lý khởi nguồn quan trọng của Kant. Di sản của Kant để lại cho hậu thế những phân tích quan trọng về sự hồi phản của chúng ta với nghệ thuật: một hồi phản đặc biệt và bất vị lợi của sự trung tính và cách biệt - hân hưởng có độ lùi. Ngày nay, ví dụ, để bảo vệ, diễn giải một tác phẩm gây shock như bức họa "Đái vào Chúa" của Serrano, một phê bình gia như Lucy Lippard sử dụng phép phân tích 3 tuyến (three - pronged analysis), theo đó cả 3 khía cạnh tiếp cận là (1) các đương lượng hình thứcchất liệu, (2) nội dung của tác phẩm và (3) văn cảnh của tác phẩm, đều quan trọng như nhau và được phân tích diễn giải chi tiết. Nói cách khác, mỗi tác phẩm nghệ thuật đều có nguồn mạch và cần được tường giải để khơi gợi công chúng đạt đến sự hân hưởng.

Trong chương 2, Các hệ hình và mục đích, bằng sự đi lại theo thời gian qua chiều dài lịch sử từ Cổ đại đến khi Andy Warhol trưng bày Những hộp xà phòng Brillo như một nghệ phẩm tại Gallery Stabler ở New York vào năm 1964, Cynthia Freeland đã kể cho chúng ta nghe mối liên hệ đa dạng và nhiều khi rời rạc giữa những diễn giải của các nhà tư tưởng với những tác phẩm nghệ thuật quan trọng từng thời kỳ. Bức ảnh chụp triết gia Arthur Danto đứng trước những hộp giấy đựng xà phòng trong phòng trưng bày có tính chất biểu cảm rất đặc trưng. Nói đứng trước là không chuẩn lắm, ông chắp tay sau lưng, hơi xoay người về phía nghệ phẩm trong xu hướng đi vòng quanh để xem xét. Không giống tư thái hân hưởng thông thường, dáng điệu của Danto trong bức ảnh là dáng điệu của sự chú ý nhưng có gì đó khó xử, đang được lý tính xử lý và tìm diễn giải. Cuốn sách đưa chúng ta đã đi đến điểm nhìn nhận nghệ thuật truyền thông tư duy hay cảm xúc nhờ vào phương tiện trung gian thuộc vật chất. Nhưng vấn đề tường giải về ý nghĩa và giá trị trong nghệ thuật mới chỉ vừa bắt đầu: "nói cái này cái kia là nghệ thuật khác với việc nói cái này cái kia là thứ nghệ thuật hay".

Đi vòng quanh địa cầu trong chương 3, Các giao cắt văn hóa, bằng vào cách xem xét những văn cảnh xa cách nhất, khác biệt nhất với phương Tây như ở châu Phi và Nhật Bản đã giao lưu, "du ngoạn" như thế nào trong thế giới hiện đại - "ngôi làng toàn cầu" - nơi mà "không nền văn hóa nào còn có thể biệt lập và xa cách", tác giả dẫn chúng ta đến những quan sát toàn cảnh về nghệ thuật của các nền văn hóa: bị tách khỏi văn cảnh, bị xung đột và so sánh, bị lai ghép, vay mượn...Liệu chúng ta có thể tìm được điều gì đó tương tự trong nghệ thuật từ mọi nền văn hóa (Richard Anderson) như niềm tin của John Dewey: "nghệ thuật là ngôn ngữ phổ quát" giúp phá vỡ rào cản giữa các nền văn hóa? Có nghĩa là tin vào một sự tiếp xúc trực thời dù sau đó còn là vấn đề "cần phải thụ đắc được ngôn ngữ nghệ thuật". Ý tưởng về tính phổ quát của giá trị và tri nhận là một ý tưởng rất hấp dẫn nhưng sẽ còn phải chống chọi nhiều với những tranh luận đa tạp - hậu-hiện đại đã từng từ chối thẳng thừng cái phổ quát ấy. Cũng cần để ý rằng ý niệm "nghệ thuật vẫn biểu lộ ra đời sống của một cộng đồng" của Dewey sẽ đưa ta đi xa tới câu chuyện về cách nhìn của nhánh Cultural studies (CS) đối với popular culture, về nơi các nhóm xã hội đấu tranh lẫn nhau bằng vũ khí của meanings và representations (quyền được diễn nghĩa thế giới và tái trình hiện hiện thực của các nhóm thiểu số trong mối quan hệ đối kháng với nhóm đa số) (*)

Tình thế ngập ngừng trong cách nhìn mối quan hệ có hay không có sự đối nghịch giữa nghệ thuật và đời sống như vậy hoàn toàn có thể là rất hệ trọng khi quy chiếu về vấn đề sự đấu tranh giữa các nhóm, các giai tầng xã hội - một khái niệm rõ ràng chịu ảnh hưởng bởi Marxism. Có một góc độ khác để rọi chiếu nó (chương 4, Tiền bạc, thị trường, bảo tàng), từ những thực thể có tính định chế cho nghệ thuật: các bảo tàng - chúng định tính, định vị các giá trị; là biểu tượng của cộng đồng và của các nhóm xã hội. Bảo tàng cũng là nơi thể hiện rõ nét mối liên hệ giữa nghệ thuật và tiền bạc - nguồn cơn của sự khước từ bảo tàng về sau này như những gì đã diễn ra với grafitty art hay những tác phẩm không thể bán của Christo và Jeanne-Claude. Quyết liệt hơn nữa, những người đấu tranh cho nữ quyền tấn công định chế bảo tàng từ tận những chuẩn tắc và nêu những câu hỏi về một bản chất nữ (chương 5, Giới tính, thiên tài và các Nữ du kích); qua đó nổi bật lên vấn đề về việc "làm thế nào để diễn giải nghệ thuật?" - là chủ đề của chương 6. Có thể nói, nếu muốn làm biếng thì chỉ cần đọc kỹ chương này và chương cuối của cuốn sách. Thực tế tinh thần của các chương khác đã được xây dựng xung quanh những luận điểm lý luận quan trọng của 2 chương ấy. Chúng đã tạo ra mạch lạc của một bản đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật. Nhưng phải chăng đó cũng là chỉ dấu cho thấy hoàn toàn có thể còn những phiên bản khác để diễn giải bức tranh lý thuyết nghệ thuật, trong một nguồn mạch khác.

(còn tiếp)
----------

(*) Tham khảo ở đây: http://gauxx.blogspot.com/2012/05/cai-oi.html




Không có nhận xét nào: