Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Mùa thu câu cá


Về quê thú nhất là ra bờ ao. Câu cá hay chỉ là ngồi liu tiu dưới gốc mít cũng thú. Sau đợt trước bắt hết mấy con cá chim trắng thì ao nhà giờ lại đầy cá to nhỏ các loại. Ông bà nội Gấu bảo cá đấy lâu rồi nhà không phải thả, mà là cá giống tự nhiên ngoài sông nó vào theo dòng nước triều lên. Hệ thống ao ở khu xóm nhà mình đều liên thông với sông qua cái mương nhỏ. Đây chính là mô hình lý tưởng cho một hệ sinh thái tự nhiên khép kín cổ điển của nông thôn ngày xưa.

Thực tế, mô hình làm sạch nước ngoài môi trường hiệu quả nhất chính là kiểu tự làm sạch của hệ sinh thái. Với hệ thống ao sông liên thông thì sẽ hoạt động như kiểu công nghệ lagunage (hệ thống hồ tự lắng). Bản thân cái ao là một hệ sinh thái rất phong phú với hàng mấy chục loài khác nhau. Đáng tiếc là vì đất đai ngày càng hẹp, người thì càng ngại lội vét bùn hàng năm nên bây giờ hầu hết các bờ ao đã bị xây gạch. Thiệt hại sinh thái là rất to lớn: lượng cua, ốc, tôm tép, hầu như còn rất ít. Cá thì cũng sứt đầu vì không làm tổ được. Tuy vậy vì còn có nước sông vào nên cũng vẫn sinh động dù vẫn nhớ mấy thể loại rau bè ven bờ ngày xưa. Sáng nay nhẩm đếm không ít hơn ba chục loại cây, rau các loại ven quanh quanh bờ. Nếu tính cả toàn bộ thì trên 600m2 đất thổ nhà mình phải có tầm trên một trăm loại thực vật khác nhau: hệ sinh thái rất chi phong phú.

Cảm giác giật được con cá to rất sướng. Ngày xưa mình hầu như không câu cá, mặc dù cũng biết cảm giác giật cá lên thì thích lắm. Hồi đấy thấy việc sát sinh, hay ít nhất là làm đau con cá (câu rồi thả) để mua vui là việc tệ hại nên không thích cầm cần câu. Bây giờ sát nghiệp ngày càng nặng, ít lăn tăn mấy vụ đó nữa thì thích câu. Hồi đầu chưa có kinh nghiệm, chả câu được gì. May nhờ có chú em hàng xóm điểm hóa cho thành ra tốt nghiệp lớp vỡ lòng. Thực ra cũng đơn giản: đó là cách làm mồi và nắm mồi cho vừa, cho chặt. Vừa và chặt thì cá đếch rỉa được phải đớp. Đớp thì giật cho nhẹn!

Lúc câu cá đầu óc rất thư thái, gần giống với thiền định. Mắt mình nhìn kiểu buông hờ phía trước, thần trí tĩnh lặng, vô tâm, hơi thở nhẹ và sâu. Chả trách khoảng khắc giật được cá lại chấn động toàn thân như hốt nhiên đại ngộ :P Chính quả và chiến quả thì cũng đều là công quả cả. Tuy nhiên cũng như thiền định và khí công: trong thời công phu vì các chân lông mở nên nếu thời tiết bất lợi thì dễ bị cảm mạo. Cá mà cắn nhiều quá thì cũng không tốt vì tâm khí không đều. Cá mà không cắn thì lại bị chấp vô, thành ra cũng không tốt. Tốt nhất là vừa vừa phai phải.

Ở một bề khác của tâm thức kẻ đi câu là cái cảm giác được cô độc ngạo thị giữa thiên nhiên một cách hợp lệ. Biết bao lần khi lướt xe dọc hồ Tây lúc mưa gió, mình đã ngưỡng mộ và thèm được như cánh đi câu cá chuyên nghiệp đang hành tẩu. Họ đứng đó, trong gió mưa, mũ lá và áo mưa trông như nhung y đại hiệp (nhất khoác nhung y năng đảm thế gian nan sự - Lê Thánh Tông), vươn ngọn cần dài ra mặt hồ vô định - thật tiêu sái cô ngạo. Ngày xưa hay ở trong phim chưởng thì cứ hiên ngang tỏ vẻ, nhưng trong thời hậu hiện đại thì không thế được, thiên hạ cười chết; vì vậy trong việc đi câu ta tái hiện và nhập vai vừa khít giữa thực tại với cái nhu cầu đành hanh kín đáo kia mà không phải ngượng.

Như vậy đấy, đi câu, nhất là câu cá mùa thu trong mưa ngâu, vừa vặn ta trải nghiệm cảnh Phật, cảnh Tiên - còn cái thú nào hơn. Những cần thủ hẳn đều ủng hộ ý kiến với mình. Và trong không khí phấn khởi của quần hùng, cũng xin thú nhận là cái lạc thú của Ngạ quỷ cũng rất sướng khoái: giữa đêm khuya thanh vắng, ngó quanh không bóng người, mình khoan khoái đái một bãi tướng xuống ao. Tiếng nước rào rạt như tiếng lòng kẻ sỹ câu cá trong thu lạnh.


3 nhận xét:

HY nói...

Haha, cảm xúc chảy thành dòng giữa đất trời :D

Bên này bọn mình cũng đi câu cá :)

Nhị Linh nói...

Ôi thu thu đã thu rồi/Tôi đem ch.(ân) đứng giữa trời mà rung :p

Tung H nói...

@HY: ở bên đấy rét chắc là các cần thủ khó thi triển món công phu kia rồi :P

@NL: Hay là mình đem nốt Freud ra phân tích môn này xem sao bác nhỉ ^^