Thứ Năm, 1 tháng 11, 2007

Ở chỗ mấy cái lò gạch rìa sông cuối làng gọi là đồng Mả Li


1. Hẹn nhau 9g15, nhưng 9g30 mình mới đến chỗ hẹn được. Vẫn không thấy thằng cu J đến. Đoán là nó sẽ không đến nhưng cứ ngồi chờ 1 tý. Trời HN hôm nay mưa lạnh lất phất. Cái quán nước chè vỉa hè trơ trọi với 1 cái ô to cũ kỹ, nằm chênh chếch dưới chân cầu Chương Dương, gây cho mình sự thích thú. Cái cảm giác co ro trong mưa lạnh, xuýt xoa với chén trà nóng và không chờ đợi gì. Ở cái gầm cầu này có lẽ sẽ rất lâu nữa mới có sự thay đổi. Cũng có nghĩa là nó đã rất lâu rồi như thế này. Từ dưới thấp nhìn lên con dốc, đoàn người cứ hối hả đi trong mưa rét. Đây thì mặc kệ.

Dù vẫn còn ngại nhưng không ngăn nổi việc đốt 1 điếu thuốc. Bập bập cho đỏ lửa và nhả khói. Tự do làm người ta e sợ. Người ta có xu hướng chùng lòng xuống và làm những việc như là bản năng, thói quen.

J sẽ không đến, nó lúng búng trong điện thoại nhưng mình cũng chẳng chờ đợi gì ở nó. Phân vân xem có nên đi 1 mình hơn 20km trong mưa rét và lầy lội hay không. Lúc sáng đã xoay sở mãi với cái áo mưa mà vẫn bị ướt. Nhưng cái ý nghĩ sẽ co ro trong áo mưa, co chân lên cao và thả xe đi miên man dọc bờ đê sông Hồng trong mưa phùn lất phất và gió lạnh lại đang rủ rê mình phiêu lưu. Chần chừ mãi, quyết định quay lại HN mua 1 cái áo mưa to hơn kín hơn rồi sẽ quyết định xem có đi nữa không. Lên xe và quành tay lái. Không hiểu cơn cớ gì mình lại rẽ về phía đê. Và cứ thế đi luôn.

2. Mình nhớ hồi nhỏ những lần bố mẹ chở về quê nội ăn giỗ. Quê nội cách nhà hơn 10km. Bố mẹ chở 2 anh em bằng 2 cái xe đạp và đi tắt lối đường đồng. Con đường đất nhỏ 1 bên là ruộng 1 bên có dòng mương nhỏ. Hai bên đường có phi lao. Những ngày giáp tết mưa liu riu, chui trong áo mưa he hé nhìn ra ngoài, cánh đồng loáng loáng nước một màu trắng đục. Thỉnh thoảng nhìn thấy những cánh cò lang thang. Phải đi qua 1 cây cầu sắt nhỏ. Đầu bên kia có 1 cây đa to. Mỗi lần qua cầu thì mình được dặn ngồi im, bám chắc để bố mẹ dắt xe qua cầu. Lúc đi sẽ là tầm 8 giờ sáng. Lúc về thì xâm xẩm tối. Có lần thằng em mình lúc đấy khoảng 2 tuổi ngủ gật trên xe, bố mẹ phải dừng lại cho nó ngủ. Cả gia đình dừng lại giữa cánh đồng mùa đông, loang loáng nước màu trắng đục và vài cánh có lang bạt.

3. Lang thang vào mấy điểm chưa đến trong những lần trước. Đi vào những con đường đất nội đồng lầy lội đầy rãnh trơn. Đi chầm chậm, thả lỏng tay lái và thõng chân sang 2 bên để chống phòng hờ. Ngày xưa bố bảo là nếu bị lạc ở giữa đồng thì tìm theo những dấu xe lớn mà đi. Hồi bé thì chả lạc bao giờ. Lớn rồi thì những cánh đồng thành ra bé tí tẹo, cũng lại chả lạc được.

Mò đến khu mấy cái lò gạch ở ngã ba sông cuối rìa xã. Hẻo lánh và heo hút. Những mặt nước ngoắt nghéo ngẫu nhiên với những bờ tre um tùm. Cảm giác như đang đi về 1 xứ sở nào đó xa xăm dĩ vãng. Cánh đồng đang gặt dở, vàng xậm, úa màu và rạp xuống nham nhở trong giá lạnh và ướt lướt thướt. Vài người cắm cúi gặt. Cả không gian yên ắng lành lạnh.

Nhà thờ tổ nghề vàng quỳ bây giờ hoá ra là cái hội trường thôn. Người phụ nữ trung trung tuổi chỉ cho mình, thoáng ngạc nhiên và hờ hững. Cái làng này phải kể là giàu có. Bây giờ người ta thờ tổ nghề chung ở ngoài đình-đình mới được tu sửa và lễ hội cũng mới được nhen nhóm lại. Đi dật dờ trong những con dong ngõ nhỏ, mình thoáng thấy khôi hài khi đối nghịch những hình mẫu văn hoá của các nhà nghiên cứu với đời sống thực của người dân quê. Biết vậy nhưng cả 2 bên đều cần 1 cái ảo ảnh văn hoá như thế. 1 đời sống xã hội trù mật và nghiêm cẩn với truyền thống và sự dè dặt của kiếp người trong làng quê sẽ là 1 ảo ảnh vĩ đại nhất. Cuộc sống không hẳn vậy. Nó chuệch choạc, bền bỉ và nhẫn nại trôi qua. Không có cái gì chung cả ngoài sự lộn xộn của tổ mối.


Hình như mỗi lần bọn mình về thì cả UB xã sẽ đánh chén. Tính vào chi phí tiếp khách. Câu hỏi đơn giản, thiết thực và thường trực là "Bao giờ thì dự án sẽ triển khai?".

Hôm nay ăn thịt chó với muối ớt vì đang cấm mắm tôm. Hết 2 chai vodka to cho 6 người. Chiều về cứ biêng biêng trong gió lạnh.

Không có nhận xét nào: