Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

cafe - báo chí - blog



Bên blog của bác Gauxauxi (tên gì mà kỳ nha, nhân danh thằng cu ở nhà, em xin tuyên bố không phải Gấu nào cũng xấu :) có bài "Sợ viết" đáng chú ý nên tranh thủ viết thêm đoạn ngắn, cóp vài đoạn dài hòng câu khách chút xíu - mình không phải dịch giả nên mình không cần giữ hình ảnh, mình thích là mình tám thôi :P

Bài viết như thường tình của các bác phong độ cao có khả năng trong một đoạn ngắn chất chứa rất nhiều ý tưởng và thuật ngữ. Không phải cái gì cũng hiểu được nhưng mà em mang máng đồ rằng bác đang rất băn khoăn với vấn đề "blogging or not blogging?" của bản thân. Nói luôn cho nó vuông, bác cứ yên lòng, em cá là blogger nào cũng rứa cả thôi, khác chăng là mật độ và âm mưu :) Ví như mình cần mò cua bắt ốc thì mình cứ blog thôi.

Nói vậy nhưng thực ra thì đã hì hục cả buổi để tìm lại 1 đoạn diễn đạt những suy nghĩ về tương quan của cơ chế viết và cơ chế đọc nhưng đành chịu không tìm ra. Đấy, thực tế viết cũng chính là suy nghĩ mà nhiều khi nghĩ ra rồi cũng có nhớ đâu, nên phát minh ra giấy và chữ viết là cực kỳ quan trọng các bác thấy không? Bây giờ em chỉ nhớ đại khái ý tưởng là "thực tế người ta đọc không giống như người ta tưởng-nên viết sai một thì đọc sai hai. Nhưng rốt ráo, nghĩ thoáng ra, tất cả đều là hiện sinh của ta cả nên làm quái gì có sai với đúng mãi đâu". Ghi chú nhỏ là em dùng từ "hiện sinh" cho nó sang chứ cả Hiện tượng học với Cấu trúc luận em đều không thông :)

Cũng nhân tiện tập hợp những ý tưởng rải rác lại thành một tagg về blog. Bài sau là từ lâu lắc bên Y360. Còn ngay đây là 1 ý nhỏ nữa:
Một tôi khác

Thế giới blog là thế giới ý niệm. Nó được chọn lựa và sắp xếp.

Có một sự nhập nhằng ở đây: phần nhiều các ý niệm được khơi lên trong lúc viết chứ không hẳn là sự toan tính từ đầu. Nhưng hiển nhiên blog không phải là tôi như tôi là lúc bạn tiếp xúc ngoài đời thực-nếu đủ lâu để không phải là 1 tình cờ. Diễn đạt một cách gần chính xác thì đó là những phương thức tồn tại khác nhau của một cái Tâm.

Vậy liệu blog có phải là một kiểu đạo đức giả? Không phải vậy trong bản chất. Mục đích thế nào thì nó là thế ấy. Nó là biểu hiện của 1 phương thức giao tiếp. Không hơn không kém. Miễn đừng đồng nhất nó với đời thực thì ổn. Điều này không đồng nghĩa với việc cự tuyệt những giao lưu trong đời thực. Nhưng phải tự giới hạn nó như khi chúng ta giải bài toán hộp đen trong vật lý-trước khi mở cái hộp bí ẩn ấy ra.

Không chờ đợi thì không hối tiếc. Không tưởng tượng thì không thất vọng.


--------------
Cafe - báo chí - blog

1. Cafe.




Một thời, "đi
cafe" là thú vui ồn ã của tớ. Lang thang tất cả các quán xá "có nét riêng". Ngày có thể đi đến 5-6 lượt là thường. Đen, không đường. Nhâm nhi cho tới khi biết đến vị ngòn ngọt the the ở đầu lưỡi. Còn nhớ Hà nội về đêm thủa đó hầu như chỉ có 1 quán "Cây bàng đổ" ở gần khách sạn Hà Nội là có thể ngồi đến tận 2-3 giờ sáng. Tiếc là quán đó đồ uống cái gì cũng dở, trừ...bia. Bạn bè có hợp nhau mới hay rủ nhau đi cafe. "Hợp nhau" có nghĩa là có thể ngồi lặng im đốt thuốc hoặc lan man tán nhảm rồi về. Dĩ nhiên mỗi người mỗi kiểu, mỗi quán nhưng tựu trung lại thì đa phần đi cafe là để thấy thời gian trôi đi theo cách nào đó. Các câu chuyện thoảng qua và ít khi là chuyện gì trầm trọng. Bây giờ vẫn vậy, ở HN hầu như giải trí chỉ là cafe, bia hơi, trà đá...là đã gần hết các thú vui rồi. Cái kiểu la cà quán xá của ta hình như cũng hiếm có. Hiếm bởi chỉ có nhịp sống chậm và uể oải mới dung thứ được văn hoá cafe này. Với nhiều người, đi cafe như là một thói nghiện, một kiểu "ngồi đồng". Khi internet chưa phát triển ở Vn thì hầu như quán cafe là chỗ để cho người ta trải nghiệm, gặm nhấm cảm giác "cô đơn giữa chốn đông người"...Một lần cuối, ngồi với bạn trên Hàng Hành, nhìn những người xung quanh ngồi đờ đẫn vô vị với tờ báo trên tay tớ bỗng nhiên thấy chán ghê gớm. Từ đó tớ hầu như bỏ hẳn thói quen đi uống cafe. Cũng 3-4 năm rồi. Bây giờ nhấp một ngụm là mất ngủ ngay. Nhiều lúc thấy cuộc sống trơn tuột, vô vị, muốn được như trước gặp bạn bè để vu vơ đôi chút mà cũng khó. Mỗi người mỗi lúc càng khác. Mình cũng khác. Chỉ có điều, vu vơ trong một ngày nhiều khi vẫn có giá trị của nó.


2. Báo chí.



Có một câu nói nổi tiếng về báo chí là "báo chí là viết ra để cho người ta đọc và quên đi trong một ngày". Có vẻ như nấp sau nhu cầu thông tin thực sự là một thói quen nghiện ngập muốn lấp đầy tâm trí bằng sự bận rộn của người hiện đại. Triệu chứng để chẩn đoán điều này là khi ta đọc rất nhiều nhưng không có gì phản hồi hay đọng lại trong suy nghĩ của ta cả. Mấy trăm người chết ở Iraq cũng không khác gì chuyện một cô ca sỹ nào đó không mặc quần lót ra đường. Khi nào có biểu hiện như thế thì nên biết là chính mình đang có vấn đề. Mội chuyện trở nên tầm phào, nghe đó để đó - đấy là cái bẫy nguy hiểm của báo chí, cho cả người viết và người đọc.


Ngày trước báo chí từng là mong muốn đầu tiên khi suy nghĩ về nghề nghiệp của tớ. Ngày đó suy nghĩ đơn giản: nghề nào có đủ các tiêu chuẩn như tự do, độc lập và phong phú và hay xê dịch là tốt nhất. Sau này đơn giản vì tớ không thể bỏ từ khối A sang khối khác để mạo hiểm được nên đi theo hướng khác. Cùng nguyên tắc nhưng vẫn không hết suy nghĩ và quan sát về nghề báo. Kể mình cũng vô duyên với các bạn báo nhiều. VTV3, HHT, Đẹp. Mọi câu chuyện đều dở dang vì mình không tài nào làm các bạn hiểu được là bản thân chấp nhận trả lời bảng hỏi của các bạn đã là chấp thuận một logic ẩn tàng rồi. Hơn nữa, những bạn báo mà mình biết dần dần gây cho mình một ác cảm ngày càng rõ rệt. Mình biết nghề báo là một nghề rất mệt...Chỉ cho đến khi đọc những bài viết của tác giả Nguyễn Hiến Lê mình mới thấy củng cố thêm chút tin tưởng với nghề báo. Cũng không định thêm chút phê phán làm gì vì mọi người nói quá nhiều rồi. Bản thân việc đọc báo chí ở VN cũng là 1 nghệ thuật mà muốn phân tích phải làm 1 bài dài. Điều mà gần đây mình quan tâm là dù sao báo chí vẫn là công cụ hữu hiệu trong nhiều trường hợp - và còn nhiều người có tâm huyết và tài năng trong báo giới. Nhưng nhiều lúc cũng nản. Những bài báo dù hay, xúc động đến mấy cũng thường khi là bị chìm vào cơn lũ của những rác thông tin ồ ạt sau 1 vài ngày và cũng bởi thói quen đọc cho vui của độc giả.


3. Blog.




Blog có thể được coi là có được cả hai thú vui của cafe và báo chí...Nó vốn là một hình thức "nhật chí" (từ của Trang Hạ), tức là ghi chép cá nhân nhưng dành cho nhiều người đọc. Viết blog trước hết là để cho người khác đọc. Ngay cả khi bạn không có một cái nick nào trong friends list thì thâm tâm bạn vẫn thừa nhận rằng viết là đẩy những suy nghĩ ra khỏi mình - như 1 sự trình hiện. Cập nhật theo ngày (thời sự của cá nhân) và trình bày trước 1 công chúng nhất định (bao gồm cả chính ta như một người khác) - cái đặc tính của thể loại "chí" này làm cho blog giống với báo chí. Nhưng hơn cả như thế, blog còn có sự tương tác mở giữa cá nhân với cộng đồng, kiểu tương tác chính phụ rất rõ nét. Nhưng đồng thời trên bình diện chung thì các blogger lại là đẳng lập với nhau. Blog mang trong mình cái thú vị được thu mình trong một thế giới "theo ý thích" với một đám đông nhất định cùng với cái thú vui gần giống như là kiểu nhàn đàm giữa bè bạn - mà Lâm Ngữ Đường đã đặc biệt ca ngợi trong "Sống đẹp" - những điều này trước đây vốn chỉ thường thấy trong nét văn hoá cafe của chúng ta. Tớ không có ý phân tích tâm lý hiện tượng blog ở đây mà chỉ khu biệt nó lại trong việc so sánh những cảm giác có thể có được khi blogging với thú vui đi cafe và đọc báo mà thôi. Cũng khoan nói rằng hiện tượng này rốt ráo là tốt hay xấu. Hiển nhiên nó bao hàm cả hai và tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Điều này cũng giống như cái cơ chế ngầm ẩn phía sau của tất cả quá trình trên: tính hai mặt biện chứng của nhu cầu giao tiếp cộng đồng hay bản năng bầy đàn của con người. Cùng một cơ chế tâm lý nhưng khi ta nói về bản năng bầy đàn là có hàm ý phê phán cũng như ngược lại khi ta nói nhu cầu giao tiếp là hàm ý tán thành. Giao tiếp cộng đồng là khái niệm được rút ra từ bản năng bầy đàn nhưng trong chiều kích của con người. Có điều, trong đời sống thực của mỗi cá nhân, cái ranh giới này thật mong manh nhoè nhoẹt. Cũng may là hình như tâm lý cá nhân nó cũng có cơ chế tự điều chỉnh: khi mọi việc đã đi quá đà thì tự nhiên sẽ có xu hướng dừng lại. Sân khấu kịch cần đổi vở khi nó đã trở lên nhàm chán với công chúng (trước hết từ mình)! Ở giữa 2 vở là một khoảng lặng. Màn hạ.




Ý tưởng về blog của tớ là: về căn bản, bởi vì chúng ta là những con người bình thường nên chúng ta cần những thú vui thường nhật
. Chúng ta đi cafe với bạn bè, đọc báo, xem thời sự và bàn tán. Ý kiến của chúng ta nhiều khi vô thưởng vô phạt nhưng nó không ảnh hưởng gì vì nó là câu chuyện giữa bè bạn với sự thông hiểu lẫn nhau. NHƯNG. Nhưng chúng ta còn muốn trở lên "giống như một CON NGƯỜI" nên chúng ta cần thêm vào những cố gắng để ngày càng làm rõ thêm cái ranh giới nhoè nhoẹt giữa bầy đàn và cộng đồng kia. Đây cũng là câu chuyện dài bất tận nhưng chúng ta có thể khởi đầu bằng những bước ngắn, những việc cụ thể. Tập cho mình thói quen quan tâm thực sự đến các vấn đề xã hội, có chính kiến để hướng tới hành động đúng đắn. Một bài viết về các vấn đề xã hội có ích cho cộng đồng dù hay đến mấy cũng sẽ chìm lãng đi sau 1 vài ngày. Nếu mỗi blog thêm vào thói quen điểm báo, giới thiệu những bài viết tốt trên những entry của mình thì hiệu quả sẽ lan rộng hơn rất nhiều. Nó tích luỹ trong ta cái cơ sở nền tảng làm người mà nền GD còn chưa giúp gì nhiều nhặn cho chúng ta. Tự giáo dục mình là việc làm chông chênh khó khăn bội phần. Phải cố thôi :-)

4 nhận xét:

doanh nói...

hân hạnh được bác nhắc tên và có í khen tặng nữa :)

cái này không rõ là 1 hay 2 bài đây? nhưng đọc bác thấy 1 sự nhẫn nại, tường minh, và xác tín sâu sắc với điều mình nói/viết ra.

à, còn cái tên của blog thì chỉ nói đến 1-con-gấu-xx thôi, không nói các con gấu đều xx :)

chuyện blogging thì có lăn tăn, nhưng không 'rất băn khoăn' đâu bác. Blog mà, em quan điểm là có thể suy tư, nhưng ko toan tính để (có thể) viết được trung thực với bản thân.

Just us nói...

Lâu nay bận bịu không ghé thăm nhà anh Tung H.
Đọc xong của anh và của bác Gấu cũng muốn còm nhưng phần bình luận cho ít chữ quá, em chuyển thành một thứ khai trương cho nhà mới của mình. Mời anh ghé chơi.

Tung H nói...

Bài này thực chất chỉ là khều áo các bác friends "í, em cũng có suy nghĩ về vấn đề này" nhằm câu page view chứ chưa thực sự comment các luận điểm của các bác xoay quanh chủ điểm "sợ viết". Sẽ thử triển khai nó ra vào 1 lúc nào đó(*), "em thề em hứa em đảm bảo(**)" :P
-------
(*)Thực tế 2 khía cạnh của 2 bác đề cập là hơi khác nhau, trong khi em lại toan tính gộp thử xem sao.

(**)Bác Gauxx: câu ấy là câu hot trong phim truyền hình trên VTV3, bác ở nước ngoài nên em ghi chú :D

Mà bác nên đổi thành Gauxx nghe nó xx hơn :D

Just us nói...

Nói ngắn gọn, ý niệm và cái được viết ra là 2 phần tiếp nối hoàn toàn logic của cùng 1 quá trình phóng chiếu.
Ý của em là một vay mượn tạm bợ từ bác Gauxauxi và của anh Tung H, để phát lên tiếng nói của mình. Thậm chí có thể nói là đã bị lệch chủ đề. hehe. Cũng có thể xem là điển hình của thất bại hoàn toàn trong tiến trình cố gắng thao túng ý tưởng.