Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2009

You think you know me?


1.
Mấy hôm rày pót đều nhưng thực ra là tái bản nên cũng còn lẫn cẫn vài ý tưởng muốn ghi ra. Nhưng xét dưới góc độ hiệu quả tương tác thì không nên làm thế :D Lại nghĩ, đành rằng tự sự là chủ đạo, tương giao hầu hú hoạ, nhưng có thể không phải ai cũng hứng thú với mộng mị, nên chèn thêm 1 đoạn này
. Nói rốt ráo cũng lại là về chủ đề tâm lý con người ta.

2.
Thuở còn mồ ma anh Y360 blog, có một bạn blogger trẻ trong friend list hay để câu blast là "You think you khow me?". Bạn này cũng mê rock nên không loại trừ bạn có ý nhắc đến bài hát cùng tên (do mình cẩn thận vừa search ra thôi) đại ý là: You think you know me. You will never know me. You are lost. And scared. You know what I allow you to know. Sau rốt bạn í còn xoá tiệt blog360 của mình đi nữa. Tất cả những việc này gợi ý và cảm hứng cho mình suy nghĩ về chủ đề này "U think U khow me?", về tất cả những sắc thái có thể có của nó; tới hạn độ thậm chí chẳng liên quan gì đến fact của anh giai kia nữa!

Đầu tiên phải nói ngay: về phương diện triết học hầu như ai có chút phản tỉnh đều có thể nhận ra tâm thế của lời bài hát trên kia còn rất đơn giản. Biết người khác đành là khó thật đấy nhưng tự biết mình còn khó vạn bội! "Tôi là ai?" là một câu hỏi đầu tiên và thiết cốt của mọi triết lý cổ kim. Và người đời chỉ chung nhau được một nhận thức kiểu tương đối luận rằng tôi định nghĩa mình trong quá trình tra vấn và tìm kiếm câu trả lời cho "Tôi là ai?" mà thôi.

Nhưng trong hạn độ đời người ba lăng nhăng, tầm phào thì chúng ta vẫn phải thu xếp để mang máng nhận ra đâu là mình, đâu là người và do vậy câu nói trên kia cũng không hẳn đã tầm phào dễ dãi nếu xét dưới những mô tả tâm lý. Việc chúng ta chưa tự biết rõ mình không chỉ là một sự thắc mắc vu vơ, nó chính là một sự kiện thường trực, một động lực quan trọng nhất của đời người nữa. (Cái vụ này có thể quy về khái niệm sự bận tâm của M.H cho nó sang chăng?). Vấn đề tôi muốn soi rọi ở đây không phải sự vụ "You know what I allow you to know" mà là tại sao đương sự lại phản ứng (gay gắt) như vậy? Cái gì trong sâu xa đã bị đụng chạm đến mức nếu ai đó nghĩ rằng he/she khows me thì là đã xúc phạm tôi ghê gớm đến thế? Thậm chí còn có sắc thái sợ hãi cảm giác bị/được hiểu rõ nữa. Nó có thể là một mặc cảm, một dự phóng lo âu hay còn là biểu hiện của một bản chất của cuộc sống đang vận hành một cách thầm kín? Có thể sẽ vừa là thế này vừa là thế kia.


Xét trước hết là khả năng e sợ bị quy chụp vào một khuôn mẫu và qua đó (đôi khi chỉ là một cách vô thức) có nguy cơ bị thao túng (manipulate) tinh thần. Điều này có vẻ đúng với bài hát trên kia: một tình yêu bị biến thành một mặc ước dựa trên những nền tảng sơ sài. Khi đối phương có xu hướng nhân danh tình yêu để thao túng người kia thì phản xạ "U think U khow me?" là tự nhiên. Điều này hé mở về những vận động tinh thần có tính bản chất hơn: bản chất linh động vô hạn của tiềm năng nhân tính ở mỗi bản ngã.


Tâm lý con người có những điểm mâu thuẫn (hình thức) khá buồn cười. Một mặt anh mong mỏi có một tri kỷ tri âm* mặt kia anh sẽ cảm thấy hụt hẫng, bơ thờ và chán nản nếu cảm thấy nội tâm mình bị soi rọi trơ đáy. Lược quy cái nhu cầu có sự đồng cảm, chia sẻ về mức độ nhu cầu giao tiếp xã hội của Maslow thực tế vẫn chỉ là một sự hoán đổi vị trí khái niệm mà không làm sáng tỏ thêm gì cả vì ngay từ đầu con người trước hết là một con người có tính xã hội nên chuyện nó có nhu cầu giao tiếp (càng lúc càng vi tế) là hiển nhiên. Nói đúng hơn, nó chính là biểu hiện bề mặt của cái cảm nghiệm căn bản của nhân sinh mà Erich Fromm đã mô tả và đặt tên là "cảm nghiệm về sự li cách" mà nhu cầu về một tình bạn hay một tình yêu là một đường hướng lành mạnh để vượt qua sự li cách đó**. Nhưng nếu yêu là một động từ thì một tình yêu đúng phải có những yếu tính của hoạt động (action/active) chứ không phải là những đam mê (passion/passive) như Spinoza đã phân biệt. Một đằng là sự thực nghiệm về những hệ quả chủ động và một đằng là sự thực nghiệm những hậu quả bị động!

Khi bản ngã phong phú và linh động vô hạn (trong khả thể) của anh bị giản lược về một sự hiểu biết (dẫu sâu sắc đặc biệt) của một cá nhân, nó sẽ phản ứng gay gắt trước nguy cơ chết khô tồi tàn trong hữu hạn. Thậm chí nó còn khiến chúng ta chán nản bản thân phờ phạc của chính mình: hẳn nhiều bạn chơi blog đã từng có ý muốn xoá béng tất cả những gì từng viết ra! Trong đường lối của một tinh thần nội tâm lành mạnh và hướng thượng thì phản xạ này là chân chính và nó cũng hé lộ cho ta thấy viễn cảnh vơ váo của một "tình thâm giao tri ngộ" khi phải đối diện với con đường gập ghềnh sinh tử quan đầu của nội tâm (chính mình) vươn tới sự hội ngộ với vô hạn. Vì vậy mà vẻ nhẫn tâm khắc nghiệt của chư sư được các pháp tử khóc ròng lãnh giáo***. Nếu anh muốn khai triển bản ngã nhân tính của anh đến vô hạn, anh không thể nuôi dưỡng bất cứ một ảo tưởng huyễn hoặc nào. Chính anh phải tự mình trải qua và đạt đến. Thâm tình chân chính không chấp nhận sự a dua huyễn hoặc nhau để đánh tráo cảm giác an nhiên tự tại bằng sự đồng loã làm hoà.

Nương vào niềm tin về sự vô hạn khả hữu của nhân tính con người, dẫu có thể vĩnh viễn không biết rõ "Tôi là ai" thì điều đó cũng không ngăn tôi chất vấn "U think U know me? U think U know yourself?" chừng nào cả hai còn ý thức mãnh liệt con đường phải đi, cuộc đời phải sống của chính mình. (Nếu không thế thì sự vụ thật bẽ bàng. Chán mớ đời)
-----------
(*) - Tri kỷ khác với tri âm theo cách tôi quan niệm. Người ta có thể không phải tri kỷ nhưng vẫn là tri âm. Và tri âm mới là cái đáng kể. Một cách đồng điệu, Kim Thánh Thán, Lâm Ngữ Đường, Bùi Giáng đều nhân danh tình tri âm này mà nhận cổ nhân làm Thầy, làm bạn.
(**) - Xem loạt bài về Phân tâm học và tình yêu trong nhãn (label/tags) Erich Fromm của blog này.
(***) - Thiền sử và các giai thoại Thiền rất nhiều câu chuyện như vậy nhất là chuyện Lâm Tế với 3 lần thưa 3 lần ăn đòn. Hoặc như câu chuyện một kẻ cầu đạo phẫn chí đòi tự sát, Thầy nói "làm đi"; trong thời khắc hấp hối, Thầy hỏi "Tự sát thì xong rồi nhưng đã Ngộ chưa?".

-----------

3.
Trong những ngày tháng u ám trầm uất của tuổi 20s, những câu thơ của LQV đã là một điểm nương tựa cho tôi nhiều khi. Nương tựa vào niềm đồng cảm rằng kiếp người tuy mang mang nhưng không hẳn là tuyệt đạo. Tôi đơn sơ lại trong cách nghĩ "Đó là một vấn đề và hãy ứng xử như với một vấn đề: xét fact, tìm kiến thức, hỏi người trước, chia sẻ với người sau. Sống như là đi hái thuốc trong rừng tự chữa bệnh cho mình. Mải miết và chăm chú. Không chấp chước. Không thiên kiến.".

Entry này viết cho 1 người bạn. Cũng có thể là không riêng ai cả. Những điều đó tôi không can dự tới :)

...
Những bức tường dựng đứng quanh tôi
Có những lúc tôi xuôi tay đuối sức

Nhưng từ đáy nỗi buồn tôi thăm thẳm

Một cái gì như nhựa thắm trong cây

Một cái gì trắng xoá tựa mây bay

Là hoa gạo của lòng tôi chẳng tắt

Tôi đập tay lên bức tường lạnh ngắt

Dù tiếng tôi chỉ một người nghe

Tôi phải đốt lên một cái gì

Cho sáng rực giữa chênh vênh vực thẳm
Dẫu bao lần người làm tôi thất vọng

Tôi vẫn yêu người lắm lắm người ơi

Tình yêu tôi như một tiếng chuông dài

Làm run rẩy hoa hồng trên ngực nắng.


(LQV, Có những lúc, 1972)

2 nhận xét:

Nhị Linh nói...

không còn điếu thuốc nào đốt lên cho đỡ sợ :)

Tung H nói...

Điều quan trọng nhất ở LQV cũng chính là sự lựa chọn thái độ "có một cái gì tốt đẹp để truyền lại cho nhau" (với tôi, vô tình đúng là từ thế hệ này đến thế hệ kia) sau tất cả những u ám chỉ do/tự mình kia :)