Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

Ghi chép. Những giấc mơ đã mơ. Năm: Ba giấc mơ. thứ hai và thứ ba.


1.
Tản mạn vài điều về những hình ảnh tượng trưng. Qua một vài ví dụ chúng ta cũng đã có thể thấy là nếu không bám sát các dữ kiện thì rất dễ sa vào mê lộ của các liên tưởng. Cái quan trọng ở đây là gì: đấy là các hình ảnh tượng trưng trong giấc mơ là tượng trưng ngẫu phát, nó liên hệ trực tiếp và duy nhất với người nằm mơ (không kể vài ngoại lệ). Trong phương pháp phân tích trên có một điểm nhất quán: hình ảnh tượng trưng cho kinh nghiệm nội tại. Nếu không bám sát giả thuyết này thì chúng ta sẽ gặp những trường hợp rất khác nhau như Freud và Jung: cả hai ông dù trái ngược nhau về quan điểm nhưng đều lược quy mọi hình ảnh biểu tượng thành tượng trưng của một tượng trưng khác! Sau đó mới là cảm nghiệm nội tại. Trong trường hợp theo Freud lại càng chặt chẽ hơn: chỉ những cảm nghiệm tính dục ấu thời mới quan trọng. Hệ quả là hệ biểu tượng của ông khá đơn giản: chỉ được phân chia thành những cái gì tròn tròn, rỗng, chứa đựng được và ngược lại! (Nếu cứ theo phép lược quy này thì (trộm vía) hình ảnh cưỡi máy bay về quê trong giấc mơ của bác X rất đặc sắc! . Hay như giấc mơ lội giữa cánh đồng nước tung tóe, ngổn ngang xác người của M thiếu hiệp cũng rất hào hùng, đầy khí phách!!!

Cũng nên liệt kê ra đây một số loại giấc mơ điển hình hay gặp. Loại thứ nhất là giấc mơ thấy mình trần truồng. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể nó có thể là một giải tỏa dồn nén hay đơn giản là một nhu cầu thành thực. Câu chuyện "Bộ quần áo của hoàng đế" của Anđecxen đã từng được phân tích dưới những góc độ rất khác nhau giữa Freud và E.F! Trung thành với nhãn quan duy vật sinh lý của mình, F đã phân tích hình ảnh câu chuyện theo góc độ: hoàng đế là nhu cầu giải tỏa của người nằm mơ, bộ quần áo là sự kiểm duyệt và giấc mơ là bản thân người nằm mơ. Nhưng E.F lại căn cứ trên sự kiện rất hiển nhiên của tình tiết để đi đến kết luận là ý nghĩa ở chỗ tố cáo khả năng bóp nghẹt, làm sai lệch các phán đoán của uy quyền tuyệt đối. Chỉ những người không chịu sự áp chế mới nhận thức đúng được sự vật!

Loại giấc mơ thường thấy thứ hai là giấc mơ lặp đi lặp lại. Một số người thường xuyên mơ thấy một giấc mơ như nhau trong rất nhiều năm. Bản thân tôi cũng có một giấc mơ như vậy. Đại loại nó liên quan đến một hành trình đi qua những địa điểm mà tôi thấy hết sức quen thuộc, với những con người rất quen thuộc như từ tiền kiếp vậy, nhưng không thể nhớ ra là cụ thể là gì, lúc đầu còn không nhận ra mối liên hệ gì với các kinh nghiệm đã trải qua. Tôi còn vẽ lại được toàn bộ bối cảnh trên một tờ giấy, rẽ phải rẽ trái, xuyên đồng, qua làng qua chợ, ghe bến sông, qua con phố nhỏ, leo núi lên rừng thế nào...!!! Những giấc mơ như vậy thường liên quan đến một ấn tượng, sự kiện sâu sắc đối với người nằm mơ nhưng lúc tỉnh thức rất khó ý thức được nó là gì!

Cũng phải kể đến những giấc mơ liên quan đến tình trạng thể chất và những tác động vật lý từ môi trường bên ngoài tác động đến người nằm mơ. Trạng thái trước khi ngủ rất ảnh hưởng đến tình hình giấc mơ. Thậm chí Luật của người Do Thái có quy định cụ thể về trường hợp giấc mơ ngoại tình mà trong trường hợp nào thì bị kết tội thật và trường hợp nào thì được miễn trừ! Một trường hợp hay gặp là những giấc mơ đánh thức chúng ta tỉnh dậy khi cơ thể quá mức chịu đựng về một khả năng nào đấy. Tôi hay gặp tình huống này đó là khi nằm mơ thấy những hình ảnh quen thuộc của khu hố xí công cộng trong khu tập thể ngày bé! Cảm giác kinh tởm luôn ngăn chặn mọi sự trút xả và tất nhiên tỉnh dậy cái là phải chạy đi ngay rồi!

Một loại giấc mơ nữa mà tôi có thời kỳ đã thường gặp phải, là mơ thấy mình bị dồn vào đường cùng, bế tắc. Luôn luôn là do hoàn cảnh xô đẩy, mình vì tự vệ mà gây ra tội ác, kiểu như phim hình sự, sau đó là lẩn trốn, bỏ chạy trước sự truy đuổi. Luôn luôn kết thúc trong bí bách cùng quẫn tuyệt vọng. Có lần gí súng vào đầu bóp cò, đầu giật căng lên rồi tỉnh dậy, có lần phải nhảy từ nhà cao tầng xuống. Thường xuyên cheo leo trên miệng vực, tiến thoái lưỡng nan! Khỏi phải nói đấy cũng là giai đoạn bế tắc, trầm cảm trong tư tưởng của tôi. Lúc tỉnh thức cũng rất hắc ám huống hồ là lúc mơ!

Nói đến chuyện giấc mơ bay. Tôi tự xét thấy mình cũng là dạng người "bay bổng" vậy mà từ rất lâu rồi tôi mong mình có thể mơ thấy bay được, thế mà chả bao giờ xảy ra. Hồi trước còn ở nhà, đêm nhìn lên trời khuya nghĩ rằng nếu bay được thì sẽ thế nào nhỉ? Nhưng trí tưởng tượng không đáp ứng được nên tôi trông chờ vào giấc mơ, nhưng không thể. Mãi sau này, khi tinh thần nhẹ nhàng ít nhiều thì mơ được hai lần: một lần ôm cái gối, phải vịn vào nó mới bay được, hơi chập chờn nhưng tỉnh dậy rất sảng khoái. Lần thứ 2 là đạp xe đạp mà bay được nhưng không hấp dẫn bằng lần trước, chỉ hơi la đà thôi. Nhưng kể từ sau khi đã đi máy bay rồi thì những giấc mơ bay được trở nên bình thường. Bay dễ dàng nhưng cũng không còn ấn tượng gì đặc sắc! Có thể thấy rằng dù gì thì rõ ràng giấc mơ chỉ có thể diễn đạt những cảm nghiệm mà chúng ta đã trải qua trong thực tế thôi.

Về sau này thì lại hoàn toàn khác, gần đây tôi thường mơ những giấc mơ có nội dung mạch lạc, suy nghĩ rất vô ngã, sáng suốt và "khách quan". Thậm chí có hiện tượng như là mình làm tiếp một việc, hay một hành động gì đó thật đến nỗi chả còn biết là tỉnh hay mơ nữa! Tất nhiên vẫn xen kẽ những mộng mị khác. Lại có hiện tượng đang mơ, gặp tình huống quẫn bách thì tự nhủ rằng chắc chắn đây là mơ, ví dụ như có lần sau khi quá hoảng sợ trên mép vực một hồi lâu tôi đã quyết định rằng đấy chỉ là mơ và nhảy thẳng xuống!

Không thể không kể đến những giấc mơ đẹp, nhẹ nhàng, lãng mạn, mạch lạc. Có lần tỉnh dậy còn thấy môi miệng thơm tho sảng khoái nữa!


2.
Giấc mơ thứ hai.

“Nửa như một trò chơi, sau lại hóa thật. Trò chiến tranh – mình có súng – súng loại hỏa lực mạnh. Bối cảnh khu phía sau của công ty D cũ (khu sản xuất). Có một vài người quen thời ấy (họ đối với mình như không còn nhỏ nhưng chưa lớn hẳn). Chủ yếu là như trò chơi giữa cùng lứa với nhau. (Có một lần đã mơ tương tự, tưởng tượng sự quyết chiến của hai phe cũng ở chỗ này – mình luôn ở khu sau, nhà cấp 4). Có lúc nguy cấp, địch áp sát – dùng tên lửa bắn ra để đuổi – đuổi được nhưng nó bay vòng xuyên làm hỏng cổng hậu (phía sau của trận địa). Mình lo lắng mặt sau và phương pháp sử dụng vũ khí hạng nặng như vậy, nhưng mừng là thoát nguy – tống được kẻ địch đi. Luôn cẩn thận sợ mọi khả năng. Bố trí người ra các nơi (không tin ai cả là có đủ yên tâm cho mỗi vị trí). Tự mình phân ra có thành từng cặp coi mọi phía – một người dùng tiểu liên, một người dùng súng hạng nặng, kiểu B40 – hơi yên tâm. Lại sáng kiến ra phương pháp trèo ra phía khu BV, lên áp mái khu kho rồi tiến về phía thuận lợi bí mật bắn tỉa quân địch, tuy nhiên nếu bị phát hiện thì khó sống.

Lần mơ này không tự tin được như lần trước. Địch mạnh hơn (như Mĩ và LHQ) và mình dùng trung liên, có lỗi do hết đạn. Thỉnh thoảng bắn lên những chiếc máy bay lớn trên trời nhưng không tới. Nhưng cuộc chiến có vẻ chưa bắt đầu – chỉ hơi xuất hiện. Hơi lo vì phía mình chưa hoàn toàn chuẩn bị. (Có cả cảm tưởng như mình đối đầu với người quen, bạn học).

Nhớ ra (trong mơ) phía có thể bị tập kích bí mật trên mái nhà trong giấc mơ trước – lại nghĩ hình như địch một người, ta một người đều đã lên đấy (ta – là bạn mình T). Vẫn quyết định bắn lên trên tiêu diệt – không biết có phải quân mình không?

Rồi không khí xuống đêm đen, mọi thứ lắng xuống như là kết thúc một phen lao đao, nhưng giống hơn là kết thúc trò chơi trang lứa. Về phía khu tập thể và sang phần mơ sau...”

Giấc mơ thứ 3.

“Không khí gia đình, căn hộ tập thể cấp 4 của gia đình (đã hoang, không còn ai ở lại). Một sự trang hoàng bằng những thứ tận dụng trong nhà (giấy khen cũ, treo ngược, ẩm mốc), khung linh tinh, chữ nho (mình cũng không biết nghĩa), vải cũ, xanh da trời pha xám, dây điện cũ linh tinh, nhiều đoạn. Không khí bạn bè cũ gặp nhau (T, T...). Ồn ào, phô trương, huênh hoang, tự giễu. Mẹ tin và phục. Mẹ hỏi có được không (trang trí). Mình bảo, không thực chất nhưng cũng cần thiết đôi khi, nói chung là được. Nhìn kỹ thấy sơ sài quá, hỏi mẹ ai làm khéo thế, có cả chữ nho – “Dì đấy !”.

Chuẩn bị dọn, bác M đến chơi. Mẹ có ý khoe, bác khen. Bỗng phát hiện có hòn đá (dị vật) biết nói, có vẻ quái dị, ma quái. Bác sợ (mình hơi sợ trong lòng). Vội mang lên bàn thờ (ông bà) thắp hương. Mình không thích. Làm như cũng vái nhưng lại cố dùng ý chí xua đuổi nó đi. Nó biến mất. Mọi người (2 người) trầm trồ. Mình huênh hoang giảng giải (Khổng tử nói: không liên quan mà thờ cúng là nịnh bợ), dù trong thâm tâm biết là mình ăn may. Bỗng bác M thấy tất cả (hương nhang và cả chân hương) cùng biến mất lại xuất hiện dưới nền nhà từ phía sau mọi người. Vật quái dị biến mất, có vẻ nhập vào hình ảnh mấy nén hương. Mình hơi lo nhưng quyết không chịu, bèn lại dùng phương pháp cũ: đầu tiên là chắp tay lại dùng ý chí xua đuổi, tiêu diệt. Rồi còn quỳ xuống nữa (dùng hình thức như trân trọng nhưng lại có ý chí tiêu diệt). Mình cũng không chắc có được không – cũng hơi sờ sợ - nhưng nhất định không chịu khuất phục chấp nhận. Mẹ cũng đồng tình, mang mấy thứ (có vẻ như mấy cái ví da, màu xám, màu nâu...của H cho) ra (lúc ấy mình nhớ như là cũng là những thứ bị ma ám vào; mình đã xua vào đấy). Mình dùng ý chí (không tận lực lắm) quyết diệt. Ngọn lửa bùng lên và đốt chát tất cả - đám cháy không mạnh lắm nhưng có vẻ đã xong (hình như còn sót một phần). Bác M nói “Cháu cứ lạm dụng cách này thì sẽ bị suy sụp tinh anh, giảm trí tuệ, tuổi thọ đấy” – Mình phản đối yếu ớt, nhưng lo lắng trong lòng. Lại dọn – mình lên chỗ ngủ của mình, có cảm giác hơi sờ sợ, rồi định ngủ với bạn bè chung...Tỉnh dậy sờ sợ câu nói suy giảm trí tuệ, đặc biệt là rút ngắn tuổi thọ...

3 nhận xét:

Chu Chu nói...

bên canh tranh của Gauguin, tui còn thích tranh của Van Gogh nữa, bác này sao lại thích tranh giống tui dậy?:D

Nhị Linh nói...

đang rất trông chờ bác phân tích một loại giấc mơ nhiều người có nhưng không phải ai cũng có mà e thẹn quá không dám nói ra :) hôm nay mát giời em đề nghị bác nói về loại giấc mơ để lại di chứng vật chất ở dạng lỏng kết tinh đi bác

cái lỏng ở dạng kết tinh đó có thể coi là một phương thức (nhìn thấy được và gây ra cảm giác trong khi tỉnh - sợ hãi, nhục nhã, bồi hồi sung sướng etc) nối liền cái mơ và cái tỉnh không ạ?

Tung H nói...

@CCM: vì tranh là người, khí chất họ tương đồng nên gu giống giống nhau là dễ hiểu mà. Tranh ở đây cũng có minh hoạ cho truyện.

@NL: em kính chuyển bác cho cụ Freud. Phần em sẽ cố gắng quay lại 1 chút sau loạt ghi chép này.