(tiếp) "...Rồi thì thế nào chúng ta cũng phải có những ý niệm căn bản về những thứ như cơ cấu tâm thần, mối liên hệ giữa thân và tâm, thực tại, hiện tại ngoại giới và các bản năng....Những khái niệm này đều vay mượn từ PTH phương Tây, nên khi chưa trình bày chặt chẽ thì sẽ có rất nhiều vênh váo, nhưng cứ để cho nó là như thế. Trong một cuộc đối thoại, nếu nhìn chăm chú vào vấn đề thì những hạn chế thiếu sót của một hệ thống đôi khi còn nói cho ta biết nhiều hơn là chính những gì nó cố gắng diễn đạt. Ở đây chỉ chen ngang một nhận xét là có vẻ các nhà PTH trong khi chăm chú soi xét tâm thần người bệnh thì họ lại bỏ quên khái niệm thế nào là "bình thường", chưa kể đến thế nào là "khỏe mạnh". Vì vậy cõi vô thức/ý thức/tiền ý thức...trở nên bí hiểm chập chờn lạ kì! Nếu trung thành với vấn đề và phương pháp, có lẽ ta sẽ có được những góc nhìn tốt hơn để đến với triết học ngôn ngữ hay như Duy thức tông hoặc Thiền định chẳng hạn...
- Có một câu hỏi là: Cái gì là khác biệt lớn nhất giữa trạng thái ngủ và trạng thái thức? Trả lời được câu hỏi này sẽ có được manh mối tìm ra nguyên nhân tại sao ta lại mau chóng quên đi những giấc mơ như vậy? Tại sao nhiều khi giấc mơ lại là những ấn tượng kinh hoàng khó chịu đến như vậy...Và ta có cơ sở cho một phương pháp thao tác với giấc mơ.
Có nhiều ý kiến khác nhau về câu trả lời. Ở đây tôi đi thẳng vào kết luận làm nên phương pháp mà chúng ta sẽ sử dụng. Sự khác biệt căn bản nhất là: ở trạng thái tỉnh thức, chúng ta tồn tại trong trạng thái đối đầu với hiện tại bên ngoài, điều đó qui định phương thức tư duy và phát động các hành động của chúng ta. Ở trạng thái ngủ, chúng ta "không biết đến" hiện tại bên ngoài ta nữa. Tinh thần (tôi tạm gọi để ám chỉ cái toàn thể của hoạt động tinh thần con người, kiểu như Tâm vậy, nhưng Tâm có một logic khác nên chưa đề cập ở đây) vẫn hoạt động với một thực tại khác - thực tại nội tâm của chúng ta. Tất nhiên vẫn phải kể đến những tiếp xúc được duy trì ở mức tối thiểu với hiện tại bên ngoài và cũng không loại trừ những chi phối kích động từ bên ngoài hiện tại vào thực tại nội tâm của ta.
Hệ quả của luận điểm này là gì? Nó chỉ ra rằng khi thức tỉnh tâm trí chúng ta vận hành theo cái cách thích nghi với cách mà hiện tại chi phối chúng ta, theo logic của không gian và thời gian. Chúng ta tư duy theo cách mà chúng ta sẽ có thể thao túng vào hiện tại. Chúng ta có thể tưởng tượng nhưng vẫn tưởng tượng theo lối đó. Ví dụ như ta có thể nghĩ "Nếu tôi là hắn.." nhưng trong giấc mơ, ta chỉ đơn giản "thấy" rằng "tôi là hắn..". Trong giấc mơ chúng ta không bị logic của không gian và thời gian chi phối. Điều này phổ biến đến mức không ai phải phản bác gì cả.
Nếu tập trung vào các sự kiện trong giấc mơ, ta nhận thấy chúng đều là những hình ảnh đi kèm với ấn tượng cảm xúc mạnh mẽ. Ngôn ngữ của giấc mơ là ngôn ngữ của cảm xúc được biểu tượng qua các ấn tượng tri giác mà kinh nghiệm của nó đã lưu lại. Tất nhiên có thể đặt câu hỏi về hiện tượng những hình ảnh kỳ quái, những thứ chưa thấy bao giờ..chúng từ đâu đến? Còn nữa, nếu giấc mơ có logic, vậy thì ý hướng của nó là gì? Cái gì đã chi phối thúc giục nó? Ta cứ để những điều này sang một bên hẵng. Ở đây bắt đầu xuất hiện nhu cầu minh bạch về cơ cấu tâm thần: chỗ nào cho ý thức, cái còn lại là gì, cảm xúc để ở đâu, ý chí...chúng phân chia nhau hay chúng là những tầng lớp khác nhau, hay chúng là những mặt khác nhau của một thực tại duy nhất mà hiện tại chúng ta phải chấp nhận như khi chúng ta gặp phải nan đề lưỡng tính sóng-hạt? Về điều này quả là các nhà PTH có cố gắng nhưng có vẻ không được hiển ngôn cho lắm, nên tôi cũng áp dụng chiến thuật của họ, đi vòng để nhòm trộm vào tâm thức!"
2.
Gặp một người bạn, cố gắng giải thích cho anh ta về Thiền nhưng không được. Thấy mình đang lên một dốc núi rất dốc bằng một chiếc xe tải. Dọc đường có những thiền sinh mặc áo màu xám bạc đang đi lên. Họ đi khó khăn vì chân buộc những cái xích rất to đeo theo những qủa tạ tròn và còn giăng với nhau. Chiếc xe tải rất khó điều khiển. Một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Có nguy cơ xô vào các thiền sinh vì đường hẹp, buộc lòng giật mạnh tay lái vào bên trái, phía vách núi. Xuống xe đi một lúc thì gặp một vị sư quen biết. Thầy ta nói sẽ dẫn lên núi gặp một người. Đi theo lên đến nơi, trong một khuôn viên thì tự nhiên thấy mình đứng một mình. Một vị sư già đi ra, hình dung cổ quái. Nghe loáng thoáng mọi người nói ông là Long Thọ. Ông nhìn mình. Mình kể lại chuyện lên núi. Ông cười "Việc tu Thiền là chuyện đối diện với sinh tử".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét