Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2009

Ghi chép dọc đường - Bình Thuận. Đồng cỏ khô.

1.
Trên bản đồ đất nước đoạn miền Trung về phía nam, khi cạnh bờ biển chuyển từ phương thẳng đứng sang phương ngang thì đó bắt đầu là tỉnh Bình Thuận. Theo Wikipedia thì ngay cả trong các văn bản chính thức người ta cũng không rõ ràng trong việc xếp Bình Thuận vào vùng duyên hải Nam Trung Bộ hay vùng Đông Nam Bộ. Trong quá khứ, việc chuyển đi rồi chuyển lại từ Trung Kỳ sang Nam Kỳ cũng đã từng có tiền lệ. Một khu vực ở ranh giới vùng đồng nghĩa với việc tính đồng nhất của các yếu tố tạo vùng ở đó so với trung tâm là thấp nhất. Nhìn từ mặt khác của vấn đề, nếu một địa phương chấp chới giữa ranh giới 2 vùng cho thấy nó cũng có thể là do bản sắc của nó khó có thể xếp loại. Câu hỏi đầu tiên bật ra với tôi khi nhìn địa thế của Bình Thuận trên bản đồ là "Bình Thuận có gì khác biệt?".

Với tôi sự khác biệt nổi bật nhất đó chính là đường chân trời dăng dăng bát ngát của những địa hình đồng cỏ khô (xavan). Bình Thuận cùng với Ninh Thuận ghép chung một hình ảnh về kiểu khí hậu khô cằn nhưng ở Ninh Thuận địa hình nhiều núi gấp hơn, mọi thứ cũng khắc nghiệt hơn. Đứng ở chân núi Chúa người ta dễ cảm nhận thấy sự e ngại trước những vạt rừng cây thấp kết tán dày đặc bao phủ toàn vùng rộng lớn. Nhưng khi đứng trước những đồng cỏ khô miên man ngút ngát vào lúc hửng sáng, rõi theo cuộc dạo chơi của thứ ánh sáng mát lành trên những triền địa hình nghiêng nghiêng đang chuyển dần từ sẫm tối sang vàng sáng hơi biêng biếc của cỏ và cát, ta bất giác thảng thốt. Khi đứng trong gian nhà gỗ nhìn xuyên qua khung cửa về phía chân trời mê hoặc đó, đứa trẻ châu thổ trong tôi vụt muốn băng một mạch về phía những giấc mơ tuổi nhỏ. Những vạt cây rừng lác đác, những khe trũng bất ngờ và dáng núi Tà Cú hùng trầm phía xa tạo cho khung cảnh ở đây có nhiều sức gợi riêng có.

Tất cả chỉ là luật tương phản của trải nghiệm cảm xúc. Nếu so sánh theo kiểu đo đếm thì dẫu thế nào những đồng cỏ của nơi đây cũng không là mảy may với những xavan của châu Phi hay những thảo nguyên hùng vĩ Trung Á. Nhưng trong chiều kích hiện hữu của một cá thể, thiết tưởng tính trữ tình của không gian hầu như phụ thuộc vào vần luật trải nghiệm trên con đường ta đã đi qua. Cùng chiều kích một vùng đất, một cuộc đời, mỗi con đường có một tình điệu riêng ai qua nấy biết, chỉ có thể khơi gợi mà chẳng thể truyền trao. Phải chăng vì thế những tác phẩm lớn thường có giọng điệu ngậm ngùi kể lể chyện nhân gian?


Những cơn gió nóng mùa hè, những cơn gió bấc mùa đông xoáy xiết không gian chập chờn khắc khoải

Giật tung những cánh cửa im lìm
Gió tạt vào mặt vào miệng vào những kẽ tay
Nước mắt dàn dụa lưỡi nghe vị mặn của biển, ẩm ướt của rừng lẫn trong mùi hăng thảo nguyên mùi khét sa mạc
Nghe tận cùng...vị ngái của mùa thu

Và kiệt sức, khốn cùng, quỵ giữa cánh đồng hoang

Anh bật cười, rao bán những giấc mơ.


Thảo nguyên ướt đẫm và vang vọng, tha thứ cho ta già béo bụng phệ không còn muốn chạy miên man nữa. Nhưng ta hãy còn những giấc mơ...

2.
Lâu rồi chưa đọc lại Luận ngữ. Cảm giác đáng kể nhất là sự thăng bằng điều hoà giản phác.

Tử viết: Hưng ư Thi, Lập ư Lễ, Thành ư Nhạc.
Thi ca làm phấn phát tinh thần. Lễ điều hoà con người và xã hội. Con người thành tựu tinh thần như Nhạc.

Và thành tựu cao nhất của Nhạc là ở những di âm vang vọng mãi. Tinh thần nhờ đó hoà nhập đến chỗ không có hình dạng.

2 nhận xét:

sonata nói...

mình rất thích giọng văn bạn tả, trong sáng và đẹp đẽ, nhất là khi tả cảnh, hay lắm.

Tung H nói...

Cảm ơn chị. Tiếng hát át tiếng bom, mình xấu nên mình tập trung luyện giọng chị ạ :D