Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009

Rằm tháng 7

1.
Bây giờ là 2 giờ đêm. Hơi ngạc nhiên vì trăng 13 mà đã chênh chếch phía mé tây. Hà Nội đã có phảng phất hơi thu. Chiều muộn hôm trước đi từ phủ Tây Hồ về thì mù đã lẫn đầy trong gió. Nếu ký ức về đêm sáng trăng ở quê là những ngày trăng non thì ở thành phố sẽ là về trăng hạ huyền. Hôm nay là một ngoại lệ lưng chừng.

Mai đã có thể tính là sang rằm tháng 7. Lại đem hong bài viết cũ làm kỷ niệm mấy blog 360.

2.
Aug 7 2006, 02:31 PM
Hôm nay là tiết Lập Thu. Mùa Thu ở Bắc Việt chỉ thực sự là mấy ngày cuối cùng trước lúc sang đông. Cũng đang là lễ Vu Lan "Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt...". Không quá thê lương, ảo não nhưng bây giờ ngoài kia Hà Nội đang bàng bạc một bầu trời xám. Mặt đường ướt lướt thướt. Những tiếng động dường như cũng có phần thảng hoặc hơn ngày nắng. Thỉnh thoảng tôi lại cảm nhận không gian như vậy: những ngày đông khô khốc, trong cơn mưa miên man, lúc tỉnh rượu nửa đêm...luôn luôn là một không gian trù mật xung quanh, nửa như sương, nửa như một hòa âm miên man. Những lúc ấy cảm giác một mình, cảm giác thế giới của những một mình, thế giới của những ngày trước trở về xoắn xuýt vần vũ trong tâm trí như thể một mình đang đứng chơ vơ giữa cánh đồng hoang dưới bầu trời vần vũ mây đen, trong hơi gió hơi đất hầm hập. Vang vọng tiếng người. Ngồi thu lu bên quán nước chè vỉa hè ngó ra xa, xa chỉ quá dăm bước chân là đã có đấy một thế giới khác, thời gian khác. Bất chợt trong tôi vọng về những cảm xúc, những sự kiện, những ký ức...mà ngày thường không biết xếp nó vào đâu. Nó có vẻ đã từng rất thân thiết mà giờ đây trở thành lạc lõng. Làm người chín chắn, làm người trưởng thành mà lại xa lạ thế này à? Nếu là ngày trước đã mặc một bộ tuềnh toàng, cuốc bộ hay lên xe buýt, những chiếc xe cũ kĩ, nhem nhuốc, chật chội đi vô định đến một xó xỉnh nào đấy, tha thẩn theo vết một con người, một số phận cả một buổi. Có thể là một bà bán nước, một gánh hàng rong, một kẻ ăn mày, một người lơ đãng nào đó trên phố...Hay rủ em đi nhâm nhi rượu nếp cái với khoai tây chiên trên gác 2 nhàu nhĩ Flagon, ngó nước mưa lộp bộp trên tán lá bàng đầy bụi...Hoặc là đi thật xa Hà nội có khi. Để nhâm nhi cảm giác lữ thứ, thú thương đau.

"Rằm tháng 7 có cúng gì không anh?". Tín ngưỡng ở VN từ lâu đã suy biến thành một thứ quy ước, một sự phân công. Người Việt không đắm chìm trong cảm thức tôn giáo nhưng họ vẫn giữ một quan hệ tín ngưỡng bền bỉ. Đàn ông đã nhường quyền giao tiếp với thế giới bên kia cho phụ nữ. Đôi khi còn bài bác nhưng hình ảnh chăm chút cho ngày rằm, ngày đầu tháng của các bà đã quá quen thuộc rồi. Chúng tôi lựa một đĩa hoa quả ít tiền giấy, thắp nén nhang chỉ để hồi hướng về những tình cảm gia đình. Hồi hướng về vệt người đại khái đâu chừng 100tỷ đã lang thang trên mặt đất này. Đốt mấy tờ tiền giấy trên mảnh sân lấm nước mưa là tôi lại nhớ những lần về quê nội giỗ ông bà thưở bé. Trẻ con được gọi ra phụ đốt vàng mã. Quê nghèo và hiu hắt. Ngày giỗ chạp làm ánh lên chút không khí của ngày xưa, thời của đại gia đình, tứ đại đồng đường...Bây giờ con cháu phiêu dạt tứ tán. Xa bằn bặt đến nỗi có khi mỗi lần về lại vắng đi một hai người già. Làng quê ngày nông nhàn vắng hoe. Vài người thơ thẩn chuyện vãn dưới gốc cây. Trong ngày giỗ, mọi người cùng nhau vun lại một tâm tình gia tộc đang ngày càng trở lên xa lạ, hình thức.
--------------

Chẳng biết từ hồi nào. Khoảng năm ngoái chăng?

Bây giờ và ở đây

Ở nhà, mỗi lần thắp hương cúng gia tiên tôi thường phải nghĩ 1 lúc xem sẽ khấn gì. Đầu tiên bao giờ cũng nghĩ đến người thân, mong khoẻ mạnh bình yên. Sẽ lại thoáng nghĩ nếu bình yên có thể xin thì nên xin cho tất cả mọi người.

Lên chùa, tôi lúng túng không biết phải làm gì. Thường cố yên lặng.

Nói với em cốt yếu của Phật Pháp hình như là ở chỗ tự mình. Nên Phật vốn không thể cầu. Nhưng vẫn đưa em lên chùa thắp hương bởi chúng ta là người cần nương tựa vào nhân duyên.

Thắp hương. Cốt ở Tâm nhang. Cây hương thẳng. Khói thơm hoá từ Có sang Không. Chân hương đỏ cốt ở giữ lòng son. Thắp 1 nén hương là để chính cái Tâm mình, chiêm niệm sự Tĩnh lặng.

Hoá vàng. Người chết không hẳn là hết. Nhưng là về chỗ KHÔNG THẤY ĐƯỢC KHÔNG BIẾT ĐƯỢC. Hoá vàng là 1 nghi lễ. Cảm giác bình yên thanh tẩy từ LỬA. HUYỄN HOÁ. Nên thận trọng, chăm chú và tĩnh lặng.

Tất cả đều vốn ở chỗ trở về với khoảnh khắc hiện tiền. Nhân quả vốn chính là trong 1 sát na mà thôi. Làm công quả chưa hẳn là để cho kiếp sau. Cốt đưa Tâm về với Tĩnh Lặng trong sát na ấy mà thôi.

Từ bi có cội nguồn từ trí huệ. Khi ta hiểu rõ, thấy biết như vậy về 1 con người với nhân quả duyên hợp thì ta chẳng thể ghét họ được. Nhưng khi chưa đủ đạo hạnh thì việc thấy biết cõi người quá rõ khiến người ta mệt mỏi tuyệt vọng. Cái này C.Jung gọi là "nỗi buồn của Christ"

Khi ở tận cùng của tuyệt vọng, nếu hợp nhân duyên, có khi VỌNG sẽ tiêu tan.

Hiếu đễ. Người đời vụt chạc nên cổ nhân bầy ra phương tiện mà có lễ Vu lan. Há lòng Hiếu phải để riêng cho 1 ngày? Nhưng bởi chúng ta là người, chúng ta cần hộ tâm nhiếp tâm để giữ cho ngay ngắn. Nho gia hương nguyện thường chê người xuất gia lục thân đều lìa bỏ, không phải là người. Vốn họ không biết Phật đề cao chữ Hiếu vì đâu. Cha mẹ là ĐẠI NHÂN DUYÊN lớn nhất, thiết cốt nhất. Phật pháp chỉ cho ta vào chỗ BẤT MỊ NHÂN QUẢ chứ không phải để có thể BẤT LẠC NHÂN QUẢ. Nếu không làm được chữ Hiếu với cha mẹ thì những điều khác đều là hư vọng cả.

3.
Đang đọc lại Huyền thoại Sisyphe của A.Camus. Có thể thấy Người xa lạ là một minh họa cho những ý tưởng được triển khai trong tiểu luận này.

Trích 1 đoạn:

(...) Một thế giới mà thậm chí người ta có thể giải thích được bằng những lí lẽ tồi sẽ là một thế giới thân thiện. Nhưng trái lại, trong một thế giới bỗng nhiên bị tước đoạt mất ảo vọng và ánh sáng, thì con người cảm thấy mình là một kẻ xa lạ. Cảm giác lưu đày này là không thể cứu vãn được nữa, bởi vì nó không còn có những kỷ niệm về một tổ quốc đã mất hoặc không còn hy vọng về một miền đất hứa. Sự tuyệt giao ấy giữa con người với cuộc đời của anh ta, giữa diễn viên với cảnh trí của anh ta, chính là cái cảm giác về sự phi lý. Vì tất cả những người lành mạnh đều nghĩ đến việc tự tử của riêng mình, cho nên không cần phải giải thích thêm mà chúng ta vẫn có thể nhận ra rằng giữa cái cảm giác đó với khát vọng hướng tới hư vô có một mối gắn bó trực tiếp.

(Lấy trong tập Văn học phi lí-Nguyễn Văn Dân)

Không có nhận xét nào: