Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

Ghi chép dọc đường - Sài Gòn. Mộc Châu: phía sau núi lại có chân trời.

by Stephane

1.
Sau khi xác định là không còn công việc nào phải làm nữa là tự nhiên người chùng ra, mệt nhũn. Cả đêm hôm qua vật vờ lơ mơ nửa thức nửa ngủ. Không yên lòng. Ba đêm ở trong này thì một đêm ngủ trên xe, một đêm ngủ trên ghế văn phòng và chỉ một đêm được ngủ trên giường. Đáng được an ủi thì là vì đó là một đêm trăng muộn, ngủ trên nhà sàn giữa thảo nguyên.

Ba ngày chạy xe ngót nghìn cây số. Nhưng thà như thế còn hơn mấy chục phút tắc đường làm quà của SG. Sao người dân ở đây có thể chấp nhận những cái lô cốt lâu đến như vậy. Tư cách lãnh đạo quản lý thành phố kiểu gì cà chớn quá dzậy ^^

Nhưng SG thật đông vui và năng động. Lần sau sẽ cố gắng thu xếp để có thể la cà được chút chút. Tối bay về HN. Tạm biệt SG.

2.
Thêm 1 mẩu chuyện về thảo nguyên. Những đồi chè san sát của cao nguyên Mộc Châu cũng có thể tính là một cảnh đẹp sững người cho những tay nhà quê đồng bằng như tôi. Kỷ niệm và ấn tượng về Mộc Châu hơi nhạt nhoà. Có lẽ vì đã đến đây nhiều lần. Cũng có thể vì những dãy đồi bát úp chưa đủ bát ngát và đường chân trời lại bị vây bởi những rặng núi cao. Không nhìn thấy chân trời thì còn có thể nuôi dưỡng vài ba ảo vọng để sống qua ngày. Nhưng nếu chân trời rốt cuộc cũng chỉ là một ảo tưởng hư hao thì đời nhiều khi cũng là một gánh nặng khôn kham.

Tôi khóc những người bay không có chân trời
Và khóc những chân trời không có người bay
(TD)

Bạn ạ, lỗi không phải tại những chân trời, chân trời chỉ là nơi mặt đất nhẫn nại cho ta biết đâu đâu cũng thể quê xưa chốn cũ. Hãy để bàn chân trần lấm đất và rong chơi. Ta lại có thể đùa vui về những chân trời mê mải. Sống không phải là hoặc thế này hoặc thế kia. Sống hình như là vừa thế này vừa thế kia mà thôi.

3.
(...) Cả một cảnh đời băng giá dưới ánh trăng huyền diệu của văn chương đã được Tố Như giăng giăng phơi trải…Và mọi chúng ta, bước trên con đường bon chen của cuộc sống, dừng lại, đưa mắt bâng khuâng. Thanh thản chợt về lại tâm hồn. Ta soi lại bóng mình. Và thấy lòng yên dạ: cuộc sống vẫn là xô bồ, nhưng bên kia cái xô bồ còn lung linh một bóng hình diễm ảo: cứu cánh của đời thì ra không phải chỉ có lợi, danh, tình…nhưng của phù phiếm ấy có nghĩa gì giữa cuộc sống phù du? Nếu người không biết để lòng mình dạt dào trong một nỗi cảm thông nào cùng trời đất, mà nghìn năm cây lá vẫn ngân vang:

Con là sáo, mẹ là ngàn vạn gió,
Mẹ là trời, con là hạt sương rung
…”
(XD)

Kiều đã sống một cuộc sống giống chúng ta. Nàng đã đau khổ. Như mọi chúng ta thôi. Nhiều hơn một số, và ít hơn một số. Nàng tỏ ra có thiện chí ít nhiều, và nhiều lần tội lỗi. Đời nàng tầm thường là hình ảnh kiếp người tầm thường. Nhưng khi kể lại đời nàng cho ta nghe, Nguyễn Du đã có một giọng điệu nhặt, khoan, trầm, bổng thế nào, và đã làm sáng ngời bài học luân lý. Chúng ta cảm động. Khi lặng nghe Nguyễn Du chậm rãi giọng lời, chúng ta thấy bên kia tối tăm, một kiếp người đang vùng vẫy. Trong tâm khảm ta, từ nay hình ảnh ấy sẽ in sâu, rõ nét, đậm màu. Vì bên tai ta luôn luôn văng vẳng giọng Nguyễn Du. Con người nhỏ bé trong tác phẩm đã cho ta một bài học lớn. Chúng ta thầm tạ ơn tác giả. Giá trị luân lý của Đoạn trường tân thanh không do những hành động vụn vặt của Kiều, mà do lời thuật chuyện của thi nhân, lời đây không phải là lời văn, mà là giọng nói của một tấm lòng. Lời nói mang nặng biết mấy tâm tư: tâm linh của người dân Việt hội tụ lại ở đây, một lần duy nhất: trong sáng hơn ca dao, thâm thuý hơn tôn gíao, diễm tuyệt hơn văn chương, vì cái giọng não nùng của một kiếp sống dở dang trong dòng đau thương của thế kỉ. Dở dang mà không gì nguyên vẹn cho bằng.

(Bùi Giáng tuổi trẻ bình Nguyễn Du - "Giá trị luân lí của Đoạn trường tân thanh hay là Tiếng nói của Nguyễn Du". Ai muốn hiểu BG một cách đơn sơ hơn nên tìm đọc tập sách mỏng này. Lạ là mãi chưa được tái bản)

Không có nhận xét nào: