Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009

Ghi chép. Những giấc mơ đã mơ. Một.

Enso - Đông Lãnh Viên Từ

1.
Nhân chủ đề mộng mị và comment của bạn Chrys, tái bản (@aka GM) lại mấy biên bản lập ngày trước những lúc tỉnh mộng. Toàn những chuyện hơn mười năm tình cũ cả. Mỗi lần sẽ gồm 1 đoạn dẫn giải và 1 giấc mơ.

2.
Trích 1 đoạn từng viết trên 1 forum về cách ghi lại một giấc mộng.

"
- Trước hết là chúng ta phải quan niệm đúng về khái niệm giấc mơ khi 2 người nói chuyện với nhau. "Giấc mơ" ở đây là giấc mơ được người nằm mơ kể lại. Có nghĩa là ngay cả khi người nằm mơ hoàn toàn nghĩ là mình đang kể đúng những gì diễn ra thì thực ra bản thân họ cũng biết có rất nhiều điều đã bị giản lược, hay đúng hơn họ vừa bị đẩy ra khỏi ký ức về nó vừa bất lực trong việc sử dụng ngôn từ để diễn đạt những gì đang diễn ra.

Vậy tất nhiên cái chúng ta hướng tới là giấc mơ thực sự chứ không phải là cái chúng ta đang tưởng là giấc mơ. Huống hồ bản thân giấc mơ chân thực lại chứa rất nhiều những tượng trưng, chuyển di, thay thế...vừa mơ hồ vừa phi logic. Vì thế để có được một tài liệu sát với kinh nghiệm nhất, điều đầu tiên là chúng ta phải làm sao sao chép lại ký ức về giấc mơ càng đúng càng tốt. Dĩ nhiên là ngôn từ ở đây hơi lủng củng với những khái niệm này rồi. Tạm để như vậy đã.

Điều cần làm là gì? Ngay khi bạn vừa nhận ra là mình vừa nằm mơ thì hãy đừng làm gì thay đổi tư thế, trạng thái của bạn vội, giữ cho đầu óc lơ mơ ngái ngủ chập chờn một chút, thả lỏng tâm trí và nhẹ nhàng hồi tưởng (không được cố gắng) lại những cảm-xúc vừa trải qua. Các hình ảnh, sự kiện sẽ loáng thoáng hiện qua trong tâm trí. Nhưng đừng tập trung quá vào một chi tiết nào của giấc mơ vì sẽ có nguy cơ là nhớ được một thứ thì sẽ quên tất những thứ còn lại. Cái quan trọng là gì? Đấy là các hình ảnh đi kèm với cảm xúc/ấn tượng của bạn. Nhớ là các ấn tượng và cảm xúc, tâm trạng...

Sau đó tất nhiên là vơ lấy giấy bút, mắt nhắm mắt mở cố gắng nguệch ngoạc những gì đã diễn ra cả hình ảnh, cả tâm trạng, cả liên tưởng bất chợt...Xong bước đầu tiên!

Điều chúng ta vừa làm là một kiểu của phương pháp tự do liên tưởng, khi nó được sử dụng giữa nhà phân tâm và bệnh nhân thì sẽ rất khó khăn để phân biệt thực giả, nhưng làm với chính mình thì khá dễ dàng vì với chính mình chúng ta ít đề phòng hơn, ít có phản ứng kháng cự hơn. Tất nhiên, phải là lúc chập chờn nửa mê nửa tỉnh. Tỉnh rồi thì cũng cứng đầu lắm, không thừa nhận cái gì mấy đâu!
"

3.
“Một bối cảnh có màu, như phim Mỹ vậy. Một hoàn cảnh ứng xử: một cô gái gặp khó khăn gì đấy, mình tiến lại với ý định giúp đỡ-bị hiểu lầm là định tấn công (hình như lúc đấy, bộ dạng mình giống một kẻ lang thang, hippy), cô gái kêu cứu (có người bà của cô ta gần đâu đó). Họ gọi cảnh sát, xe cảnh sát xô tới. Mình sợ, bỏ chạy qua một lối đi tựa như hàng cây trong công viên rồi dẫn đến một khung cảnh khác..

..Một con đường đất nhỏ dọc qua triền cỏ rộng, phía trái là triền sông: có bãi dâu và 3 bà cụ hiền từ đang nhặt trái. Mặt đường đất hơi nâu đỏ, phơn phớt trắng (mình vẫn đang chạy, vừa tới thì dừng lại). Mình ngó 3 người. Một bà cụ như biết mình có điều muốn hỏi, tiến ra hỏi (hai người kia mình tự biết là họ sẽ không nói gì với mình, không có ý quan tâm đến mình). Không hẳn là bà cụ hỏi mà như là tiếp tục một câu chuyện dang dở với mình lúc này đang băn khoăn..”Cháu lên núi thì đi lối này”-cụ chỉ về phía trước của con đường (mình còn nhìn rõ khuôn mặt hiền từ, nụ cười cảm thông và cả giỏ dâu nữa). Bà cụ đi cùng mình, ngang qua một đồng cỏ úa vàng hơi xơ xác như ở sa mạc-có một bầy mèo (rõ ràng là sư tử mà lúc ấy mình chỉ thấy là những con mèo to như sư tử)-Những con bố mẹ nằm chơi khoan thai, còn lũ con thì vẫn nhỏ như mèo thôi (quả thực chúng là sư tử và những con mèo long vàng trắng). Mình e sợ, dù cũng hơi vững tâm vì có bà cụ bên cạnh, bà cụ hiểu ý, nhìn mình cười nói “Mình không có ác ý thì không sao”, rồi bế một con con lên và bảo mình thử. Mình rụt rè đưa tay chạm vào lông của nó, khẽ vuốt ve (trong lòng có đôi chút âu yếm). Rồi thôi. Bà cụ cười, thả xuống rồi đi tiếp cùng mình lên phía trước-một triền đất dốc, là bìa rừng với bãi đá lởm chởm. Từ phía rừng sâu (âm u, hoang sơ) có những con thú chạy ra: gồm lũ thỏ và lũ trăn rắn, lớn bé khác nhau.. đủ loại (có con vằn vện). Lúc đầu bình thường. Mình còn hơi vững tâm vì đã có kinh nghiệm lúc trước và có bà cụ bên cạnh. Bà cụ nhìn mình như khuyến khích thử chạm vào lũ rắn: “Cứ coi nó như mình thì sẽ không sợ gì cả!”. Nhưng mình không dám thử. Bỗng nhiên, lũ trăn rắn chuyển động loạn lên và săn đuổi lũ thỏ. Chúng chạy nháo nhào, loăng quăng vào phía chân mình. Mình hoảng. Bà cụ nói “Mình không đụng đến nó thì nó cũng không đụng đến mình đâu!” Nhưng mình không còn tin mà làm theo được, vội cầm lấy một que tre nhỏ (màu vàng khô) vẽ một vòng tròn quanh mình với niềm tin là sẽ ngăn cách được. Nhưng vòng tròn không hoàn hảo và có một con rắn đã vào. Mình bỏ chạy-vẫn còn nghe tiếng bà cụ vọng theo “Nếu chạy thì chạy cho mất dấu đi”. Những bước sải rộng, hơi hẫng-mình chạy ngược lại con đường-giống hệt như 1 cảnh quay ngược. Khung cảnh cũ vẫn bình yên, 2 bà cụ, lũ mèo (sư tử) bình thản nhìn mình. Rồi con đường, rồi lại khung cảnh thành phố, cảnh sát, cô gái, bà già…(Đoạn đầu khung cảnh sáng sủa, con đường hơi sẫm, cánh đồng xanh bình yên, khu bìa rừng xám xịt, u ám).



3 nhận xét:

Chu Chu nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Chu Chu nói...

em chưa đi máy bay bao giờ, vậy mà có những lần nằm mơ thấy mình bay trên những ngọn cây và nóc nhà, với phối cảnh y như thật, em thich cảm giác được bay đó lắm, làm sao để mơ lại những giấc mơ mình thích hả bác?

Tung H nói...

Giấc mơ tượng trưng cho tâm trạng của bạn và lấy từ ký ức tinh thần của bạn. Suy ra muốn mơ lại giống thế thì phải khơi lại tâm trạng cũ.

Thường là một ám ảnh khôn nguôi :P