Thứ Hai, 28 tháng 9, 2009

Ghi chép. Những giấc mơ đã mơ. Bốn: Ba giấc mơ.


1.
Tản mạn một chút về những vấn đề rải rác của ngôn ngữ. Ở trên kia chúng ta đã lấy ví dụ về tượng trưng tập quán bằng ngôn ngữ. Trong đó nói rằng mối liên hệ nội tại sâu xa đã bị mất đi và chúng ta - người đương thời - không cần biết đến chúng. Chính ở chỗ gián đoạn này, nếu đẩy sâu được hơn nữa sẽ mở ra những vấn đề rất rộng lớn và phức tạp. Chúng ta đều biết "ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy". Vậy tìm hiểu ngôn ngữ tức là tìm hiểu giới hạn của tư duy, trả lời câu hỏi "Tôi tư duy - nhưng vậy đã đủ chưa?" Tư duy có phản ánh hết hiện sinh của ta ko nhỉ?...Như chính Nietzche đã phát hiện ra rằng nếp gấp tư tưởng của chúng ta nằm ở những thành kiến ngôn ngữ. Khi có thành kiến thì người ta không tư duy nữa. Vì vậy nó dẫn đến một cái gọi là hiện tượng "lại giống" trong triết học. Và người ta dễ liên tưởng đến hình ảnh một hệ sinh thái ngôn ngữ xuất phát từ hệ sinh thái ý niệm từa tựa như một hệ sinh thái tự nhiên! Khi ngôn ngữ học cấu trúc tách bạch ngôn ngữ với các hoạt động tổng thành của ngôn ngữ thì hẳn là sự nhất quán nhất sẽ dẫn đến một độ vênh nhất định. Phan Huy Đường khi dựa vào những nghiên cứu của Trần Đức Thảo về sự hình thành của ngôn ngữ có đề cập đến ý chung trong ngôn ngữ nhưng có vẻ quá tập trung vào ý tưởng về một cộng đồng tư tưởng chung của loài người xuyên thời gian đã không làm rõ các vấn đề của ý chung. Ý chung cũng giống câu chuyện ngôn ngữ tượng trưng mà chúng ta đang đề cập. Ngôn ngữ nó sống động và biến đổi, vì vậy cách mà TĐT phát kiến theo con đường hình thành ngôn ngữ của một cá nhân để phỏng chiếu về sự hình thành và quy luật của tư duy là rất đặc sắc và gợi mở...Những vấn đề này tôi chưa nắm bắt được, và nhất là chưa tiếp cận được triết học ngôn ngữ của Đức nên chỉ là gạch đầu dòng ba láp đây để làm mốc cho việc tìm hiểu sau này. Trên diễn đàn có topic về vấn đền này nhưng tiếc là ko có bác nào phát triển lên. Ở VN vấn đề này rất mới mẻ.

2.

Quay trở lại với những giấc mơ. Chúng ta biết đến 2 trường phái đầu tiên và quan trọng là Freud và Jung như là hai quan điểm trái ngược nhau trong giải thích giấc mơ. Vắn tắt lại thì theo Freud, giấc mơ là sự thụt lùi lại nguyên thủy của người nằm mơ mà cơ chế chủ yếu là cái libido, và bản năng chết. Giấc mơ là hình thức thỏa mãn những dồn nén vô thức và phi lý tính...

Theo Jung thì giấc mơ lại là biểu hiện lý tính của một tri giác siêu việt. Hai ý kiến trái ngược này gián tiếp nói lên một sự thật là giấc mơ có cả hiện tượng phi lý tính và cả những hiện tượng đầy lý tính. Có nhiều khi trong giấc mơ chúng ta lại sáng suốt, đạo đức hơn hẳn lúc tỉnh thức! Và chúng ta cũng biết đến năng lực dự kiến của các giấc mơ. Đây chính là giả thiết của E.F trong những phân tích của ông. Nó giải tỏa được mâu thuẫn "Nếu tỉnh thức là tốt thì giấc ngủ là tồi tệ và ngược lại". Cùng với lý giải về phương thức suy tư của 2 trạng thái trên, hệ quả là: ý thức và vô thức là đối xứng nhau, 2 trạng thái của một thực tại nội tâm duy nhất. Đối với cái này thì cái kia là vô thức và ngược lại. Điều này được minh họa bởi sự kiện chúng ta mau chóng quên đi những gì ta nằm mơ. Vì khi tỉnh thức ta tư tưởng theo một phương thức khác, trái chiều.

Một cách giản lược thì chúng ta tạm mô hình hóa mối liên hệ giữa tâm trí và hiện tại bên ngoài như thế này cho dễ vận dụng (chỉ là sơ đồ do tôi bịa ra cho dễ dùng!):

Lúc tỉnh thức:

Hiện tại bên ngoài -> Tổng hợp cảm quan -> Tổng hợp tri giác -> Moi (tâm thức)

và phản ứng lại:

Moi -> "suy luận, diễn dịch, phát động.." -> Hành động phản ứng -> Hiện tại bên ngoài.

Lúc ngủ, hiện tại bên ngoài ko được biết đến:

Thực tại cảm nghiệm nội tâm -> "vận động suy tư, diễn dịch, cảm nghiệm.." -> Moi

Moi -> "hoạt động tư tưởng, cảm nghiệm.." -> giấc mơ.

Dữ kiện nội tâm của ta trong lúc ngủ có thể là những cảm nghiệm, những ấn tượng...trong ta mà ban ngày chúng ta không ý thức được, không nhận ra. Chúng ta không nhận ra được bởi vì một khi con người xao lãng khỏi chiều hướng nhân bản chính của mình trong khai triển các tiềm năng nhân tính khả hữu thì con người sẽ chịu những sức ép dồn nén và lệch lạc nhất định. Chúng ta lại chịu rất nhiều những âm thanh tạp âm quấy nhiễu: truyền hình, quảng cáo, tập quán, sinh nhai...chúng làm ta khó tự chủ và sáng suốt để cảm nhận thực tại.

Khi ngủ, hiện tại nhân văn vắng bóng và tâm trí tự do trở nên mẫn cảm, "sáng suốt" hơn. Và sẽ xuất hiện những điều chúng ta chưa biết đến của chính chúng ta.


Tạm dừng ở đây và chúng ta thử bắt tay vào thao tác với một giấc mơ cụ thể xem còn thiếu sót, sai lầm gì thì sẽ bổ sung. Kết luận mà tôi sẽ sử dụng ở đây (theo ý hiểu của tôi) là trong giấc mơ tâm thức chúng ta vận động thao tác với những cảm nhận, kinh nghiệm sâu xa theo lối mà nó phản ứng không chịu sự ngăn trở nào của những nhiễu từ bên ngoài. Thứ hai là chúng ta đi đến kết luận rằng mỗi hình ảnh tượng trưng cho một kinh nghiệm hiện có trong nội tâm ta theo lối ngẫu phát có thể cả là phổ biến. Chúng ta biết rằng ngôn ngữ bất lực trước cảm giác. Chúng ta có thể nói tràng giang về một kiểu xe mới nhưng chỉ có mỗi một từ để nói là chúng ta "yêu". Hình ảnh trong giấc mơ mô tả tất cả những gì ta kinh nghiệm, trực tiếp và đầy đủ. Đến nỗi khi tỉnh lại ta không thể diễn đạt hết được những điều đó.

Cuối cùng, có một hệ quả đáng buồn cho những người đang hy vọng vào một điều thần kỳ là: chúng ta, rốt cuộc, nếu thành công trong giải mộng, thì chỉ biết thêm được về chính mình trong hiện tại, một cách đầy đủ hơn, "khách quan" hơn. Nó không hứa hẹn điều gì như số mệnh hay siêu nhiên cả!

3.

Một bộ 3 giấc mơ.

Đây là một ví dụ về việc ghi chép lại một giấc mơ điển hình. Mặc dù hệ biểu trưng là ngẫu phát vì những nội dung là riêng tư, nhưng cũng có thể thấy được mấy nét đặc thù là: những ấn tượng cảm xúc sâu sắc, mãnh liệt được ghi lại bằng những ngôn ngữ hình ảnh tượng trưng - ở đây khá thú vị là những hình ảnh tượng trưng hầu hết được lấy từ những kinh nghiệm từ trước tuổi thành niên, có màu sắc hơi ấu trĩ so với những gì ý thức bình thường lưu tâm, cho thấy sự mạnh mẽ của những ấn tượng ấu thời. Có thể nhận ra dấu vết của một câu chuyện kiếm hiệp (@Hoàng Ly), một chút truyện trinh thám (SlockHom), một bộ phim dựng lại từ truyện của Dumas...Trong cái nền đó có thể thoáng nhận ra những tình thế đấu tranh, loay hoay giằng xé giữa oán giận, trả thù, những thúc bách đạo đức, xu hướng tâm linh, những cảm nhận về hiện tại của bản thân người nằm mơ...(C'est moi) 3 giấc mơ này liên tiếp cùng trong một giấc ngủ chập chờn và thống nhất về nội dung với nhau...


Giấc mơ đầu tiên.


(Không khí như trong điện ảnh, như trong truyện chưởng, như phim cổ điển ma quái châu Âu).

“Đôi trai gái trẻ, yêu nhau – người con gái hình như có mang. Bị một thế lực lãnh chúa xua đuổi. Họ kiệt sức (người con gái gần như ứa máu (nhạt); người con trai gần như đã chết. Mình gặp – trông thấy. Họ cưỡi hai con tuấn mã rất đẹp và có thần lực (một con màu đen (nâu?), của chàng trai, con màu trắng của cô gái).

Rồi hai con ngựa thất lạc nhau. Con màu đen bỏ đi về phía mông lung: đồng cỏ, ven rừng, chân trời. (Bối cảnh đêm mưa gió, sấm chớp huyền hoặc). Bọn người đuổi theo không phát hiện được nữa – cho là đã xong rồi bỏ đi. Con ngựa trắng từ từ đưa cô gái với hận thù và cái thai trong bụng, dưới ánh chớp và bầu trời vần vũ, đi vào một cái hang ma quái (không ai dám vào). Dường như có một thế lực đen tối hắc ám đang chờ sẵn. Mây đen rẽ lòa, mưa ngừng rơi: hé ra một khỏang sáng từ trên trời cao xuống đồng cỏ - huyền ảo, thiêng liêng. Cô gái và con ngựa tiến vào hang: từ trong hang có ánh sáng màu hồng nhạt ma quái hắt ra.

Nhiều năm sau, trong nhà lãnh chúa xuất hiện một con chó màu đen – hoang dã, khôn kinh khủng và thần bí. Mọi người thích nó, mình “biết” nó.

Mình và nó đi săn ở cánh đồng cỏ năm nào. Cũng hơi mưa gió. Nó tiết lộ thân phận và mối hận thù. Mình nhận ra câu chuyện xưa – nó có vẻ là hóa thân của đứa con mới đẻ vào con ngựa trắng – thêm chất hận thù ma quái. Cả đàn chó nhà ùa tới tấn công 2 người (mình và con chó đen). Con chó đen tiến ra trước – mắt ngầu sáng, điên dại và uy lực làm bầy chó kia hoảng sợ chạy đi. (Mình cảm nhận được ánh mắt này). Sau đó, bọn người nhà lãnh chúa đến: thấy đã xong thì hơi ngạc nhiên nhưng không sao. (Mình dường như một kiểu quản gia – một hàng xóm – sống trong khuôn viên câu chuyện nhưng độc lập – và được sự tin tưởng của phía lãnh chúa, lại được ơn của phía con chó đen – vì là chứng nhân của câu chuyện. Mình vừa thân thiện, vừa hơi e ngại năng lực đen tối phá phách và thù hận của con chó đen – nhưng không thể hiện ra). Rồi về nhà mình, hình như con chó đen đã hơi lạm dụng sự thân thiết và tin mình đồng lõa với nó. (Mình có chính kiến và thái độ ôn hòa).

Xuất hiện một chàng trai dễ ưa trong nhà lãnh chúa. (Chính là con chó đen hóa thành).
Chàng ta dắt một người mệnh phụ cưỡi trên một con ngựa trắng (họ giống như những nhân vật trong truyện cổ Châu Âu thời Trung cổ). Mệnh phụ phục sức lộng lẫy và con ngựa mặc áo khoác da màu nâu, chàng trai phục sức kiểu hiệp sỹ. Xuất hiện trong đêm mưa gió, có bầu trời vần vũ mây đen và ánh chớp trên đồng cỏ xa van. Họ đến từ trong hang núi (các linh hồn của các nhân vật đi trả thù – cô gái, con ngựa, đứa con). Sự ma quái và năng lực của con ngựa hình như ở trong đứa con – cô gái tràn ngập hận thù và dự tính cho mọi chuyện.

Họ giả bộ lỡ đường và xin được trú ngụ trong khuôn viên lãnh chúa. Mệnh phụ sống âm thầm kín đáo, kiêu kỳ trong một khu riêng biệt. Con ngựa không còn vẻ thần kỳ nữa (đã truyền sang chàng trai).

Chàng trai đến thăm mình. Mình biết họ sẽ trả thù nên có ý khuyên ngăn. Rồi có lúc chàng trai biến thành con chó đen, lúc là con ngựa trắng, hình như trăng tròn trong đêm mưa gió. Nhà mình ở ven dòng sông nhỏ. Bờ bên kia xuất hiện con ngựa đen năm xưa: vẫn thần kỳ dũng mãnh. Nó nhận ra con ngựa trắng và mình chạy sang – nó vẫn tinh anh và thiện. Có lúc nó hóa thành con chó màu nâu, có lúc thành một người anh em của chàng trai kia. Hai người đang biến hình thành kiểu người thú – người sói. Một người vẫn còn thân thiện, người kia (con chó đen) thì đầy dã tâm trả thù – đang chờ biến hình xong..

Đoàn người lãnh chúa đi vào khu có cái hang, mọi người tiến vào: thấy một bộ xương cô gái (còn xiêm y), một bộ xương ngựa trắng và một bộ xương trẻ con nằm trong bụng ngựa trắng. Ở chỗ trái tim đứa trẻ còn một cục, không rõ hình dạng, đầy mạng nhện, phát ra ánh sáng hồng, phập phồng. Không mấy người để ý và định quay ra. Có một đứa trẻ con vô tình cầm lấy và cắn vào một miếng.

Chàng trai biến hình (con chó đen) chợt đau ở não. Cúi gập người xuống – những móng tay và bộ lông đang mặc dở - nếu miếng kia bị tan ra thì nó sẽ chết. Nó uất ức vì không trả được thù – định nhanh chóng quay về hang động để cứu vãn thì đột ngột giấc mơ chuyển sang cảnh khác...”

“Mình về Quảng Ninh (hình như có anh C). Cô N có ý dỗi – cái khu làm mới có vẻ phải bổ sung – cô định phá ra, mình ngăn lại bảo chỉ cần cắm cọc. Hình như có cả mẹ ở đấy, cả chú H. Chuẩn bị ăn cỗ. Có con chó đen xô tới, mọi người sợ định đuổi. Mình bảo để mình: mình tiến ra, đôi mắt mình ngầu dại, sáng và uy hiếp, những con chó hoảng sợ bỏ chạy. Mọi người ngạc nhiên. Mình cười (hơi kiêu hãnh) vẻ bí mật. Thằng T (con cô N) hấp tấp lanh chanh kể với mẹ nó. Mọi người không hiểu sao, cũng không ấn tượng lắm. Mình úp mở: mình có khả năng huyền bí ấy...”
(Bối cảnh giấc mơ làm mình nhớ đến một giấc mơ : mơ đi Tây Bắc, lại lạc qua Lào, lên một ngọn đồi, thấy khu nghĩa trang liệt sỹ, biết mình lạc đường giữa rừng, rất xa xôi (như sang Trung Quốc). Gặp một nhân vật nào đó; rồi quay lại, rồi đi qua khung cảnh như đoạn QL5 đi Hải Dương, rồi nhà máy gạch giữa cánh đồng, rồi ngôi nhà ven đường...)

6 nhận xét:

Chu Chu nói...

tui rất thích tranh của Gauguin.:)

Tung H nói...

Tui cũng nghĩ là tranh của Gauguin thì không cần chú thích :D

Chu Chu nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Chu Chu nói...

sửa lại cho nó nhứt wán: nhà bà ngoại tui ở gần đường Năm, đoạn cầu Phú Lương, gần nơi gia đình Lưu Quang Vũ mất.
mà mơ gi dài wá dạ, chắc phải ngủ liên tục 18 tiếng mới mơ được mấy tập như dậy.:D

Goldmund nói...

thò con chuột vào hình thì cũng biết là tranh Gauguin

Tung H nói...

@CCM: giờ không nhớ chắc nữa nhưng cũng đã từng có lúc như thế thật :)