Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2009

Ghi chép. Những giấc mơ đã mơ. Ba.


1.
Thay đổi nhịp điệu một chút. Ví dụ như trong một giấc mơ của bạn A có kể đến sự kiện bạn ở trong một cái nhà mà rõ ràng căn nhà thì là nhà ở hiện tại còn cái sân lại là sân của căn nhà cũ (hình như của gia đình). Nếu tìm logic thông thường thì ta không thấy có dấu vết gì nhưng nếu trên giả thuyết về phép tượng trưng của cảm xúc thì ta có thể nhìn ra mấy điều: thứ nhất là căn nhà (của bạn A), sân nhà (của bạn A) gắn với một ấn tượng sâu sắc, mãnh liệt nào trong tâm trí của bạn? Nó liên quan đến sự kiện nào trong kinh nghiệm của bạn. Kinh nghiệm ấy mang lại tâm trạng gì? Bạn có thể dựa vào tâm trạng trong chính giấc mơ để liên tưởng lại. Như sự suy diễn ngẫu nhiên của tôi, tôi có thể cho rằng nội dung căn nhà tượng trưng cho ý thức về bản thân hiện tại của bạn, còn sân nhà cũ là liên tưởng về mối liên hệ với quá khứ của bạn, có thể là với gia đình, với những ẩn ức khát vọng về một tương lai nào đó mà bây giờ nó đang tái diễn trong hiện tại của bạn, nó có thể xứng ý, nhưng cũng nhiều khả năng là không xứng ý...Nhưng trên hết ta sẽ thấy trong hình ảnh phi logic đó tiềm ẩn một logic - logic của cảm nghiệm nội tâm. Đây chính là một phát biểu quan trọng của Erich Fromm trong cuốn "Ngôn ngữ bị lãng quên" mà tôi đang sử dụng phần lớn làm minh họa cho sự suy diễn của tôi.

Ngôn ngữ bị lãng quên đó là ngôn ngữ tượng trưng. Tượng trưng, theo một nghĩa chung nhất đó là "đem một cái gì biểu đạt cho một cái khác". Có 3 loại tượng trưng khác nhau: tượng trưng theo tập quán, tượng trưng ngẫu phát và tượng trưng phổ biến.


Tượng trưng tập quán là tượng trưng trong đó giữa vật tượng trưng và vật được tượng trưng ko có một mối liên hệ nội tại nào. Ví dụ như ngôn ngữ thông thường chẳng hạn, giữ từ để gọi và vật được chỉ là không có bất cứ mối liên hệ nào, mà chỉ là chúng ta chấp nhận một quy ước như vậy. Mặc dù có thể trong nguồn gốc sâu xa của nó, có thể mọi từ đều có mối liên hệ ấy, nhưng với chúng ta trong hiện tại thì dấu vết đó đã mất hẳn. Cờ của một quốc gia cũng là một ví dụ về tượng trưng tập quán. Chúng là những qui ước của một tập hợp các cá nhân nào đó mà người ngoài ko hiểu được.

Tượng trưng ngẫu phát giống với tượng trưng tập quán theo lối ngược lại. Giữa hai vật cũng ko có bất cứ mối liên hệ nội tại nào. Chỉ có người nào đã tham dự vào sự việc có liên quan đến vật tượng trưng mới hiểu được ý nghĩa. Cái này rất nhiều ví dụ. Nếu bạn nhận được lời tỏ tình dưới một giàn hoa lý nào đó thì chắc hẳn cái giàn hoa lý có một ý nghĩa quan trọng đối với bạn trong khi người khác không cảm thấy như vậy! Tượng trưng ngẫu phát xuất hiện rất nhiều trong giấc mơ và thường là chỉ chính bạn mới biết được nó liên quan đến sự kiện nào, tượng trưng cho cảm nghiệm gì!

Tượng trưng phổ biến là tượng trưng mà giữa vật tượng trưng và vật được tượng trưng có mối liên hệ nội tại sâu xa. Ví dụ như những tác động của lửa với thân thể chúng ta luôn theo cùng một lối nên thường cùng đem lại những cảm nghiệm như nhau. Chúng ta cũng biết rằng một vật có thể tượng trưng theo nhiều cách khác nhau và có sự thay đổi nhất định của một số tượng trưng qua các vùng, các điều kiện khác nhau. Ví dụ như "tuyết" của người Eskimo thì chắc là khác với của người VN rồi! Nhưng tổng quát lại thì ngôn ngữ tượng trưng phổ biến là ngôn ngữ chung của loài người, của mọi thời đại. Chính nó đã được sử dụng để viết các câu truyện thần thoại và tôn giáo của chúng ta.

* Đây là một mạch khả dĩ của vấn đề ngôn ngữ. Còn rất nhiều những bất cập và thiếu sót, nhưng trong khuôn khổ topic này thì chúng ta chỉ cần như vậy để triển khai tìm hiểu giấc mơ!


2.
(Năm Mỹ đánh A phú hãn)

Một khung cảnh đám giỗ ở nhà quê. Những người đàn ông ngồi uống rượu với nhau lúc cuộc đã tàn. Mấy người đàn bà ở nhà dưới. Mọi người nói về chiến tranh với sự căm thù và phấn khích. Mình nói cái gì đó. Bố ngồi lặng lẽ, thở dài nói "Chiến tranh không phải là một trò chơi" -bố đã từng trải qua. Chuyển sang khung cảnh là một căn nhà đổ nát, mái bằng đã bị sập lộ ra khoảng trời toang hoác. Những chiếc máy bay của Mỹ to lớn bay rất sát mặt đất, mình với vài người ngước lên nhìn thấy rõ những qủa bom. Một vài người dùng súng Ak bắn lên nhưng không ăn thua. Dùng vũ khí mạnh hơn thì sợ tất cả sẽ nổ tung. Mọi người căm phẫn. Không gian âm u và ngột ngạt. Bỗng chuyển sang khung cảnh một bến sông, trời mưa gió tầm tã. Những người đàn bà đang tiễn con mình đi ra trận. Những đứa trẻ bằng tuổi em mình, vừa chơi trò chơi đuổi bắt bên mé rừng rồi bỗng nhiên bị gọi đi. Một số đứa bị lùa sang phe bên kia. Bỗng gặp mẹ, nói thằng em mình cũng phải đi. Nháo nhác tìm kiếm. Chúng nó có biết gì. Mai kia lại quay súng bắn vào nhau. Những chiếc xà lan (của Nato) chở lính bắt đầu đến. Mình bỗng nhiên oà vỡ, khóc như mưa như gió. Bất lực hoàn toàn và rất trớ trêu. Vô nghĩa...

4 nhận xét:

HY nói...

2.Mơ như phim í :)

Tung H nói...

Hình như cũng có dấu ấn của 1 vài bộ phim hồi đó :D

Chu Chu nói...

đọc thì thấy thích mà hông biết còm gì , :D

Tung H nói...

Còm đọc hông cần có nội dung, cứ đọc có còm là thấy thích :-D