Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

Ngôn ngữ bị lãng quên-Erich Fromm

Nhân comment của bạn Đạn, tôi có đọc qua bài viết của Nguyễn Hoà Vân về Sáng Thế Ký và nhớ đến cuốn sách này của E.F do nó có đề cập đến cách đọc Kinh Thánh, thần thoại và đồng dao cũng như là việc đọc những giấc mơ.

Cách đọc của NHV có được cái bình tĩnh, tò mò, lật lên lật xuống vô tư của người "ngoại đạo". Cũng phải nói ngay rằng bảo người "có đạo" bình tĩnh và đừng đọc như tác giả nhắn nhủ cũng...khó. Có khác gì việc người khác bảo ta coi tổ tiên ta như một nhân vật văn học rồi phê bình tùy hứng :P

Càng đọc thì lại cũng dễ nhận thấy NHV đứng từ hệ quy chiếu Phật học để cảm nhận và giải thích.

Nếu quả thực chúng ta có ý định tìm hiểu các phân tích về Kinh Thánh nói chung, Cựu ước nói riêng-mà có lẽ sẽ rất thú vị vì nó là xuất phát của các Tôn giáo lớn, sẽ có nhiều cách giải thích khác nhau; cộng thêm với những hệ phái anti-thì sẽ có cả một lịch sử 2 ngàn năm châu Âu để tham khảo. Nhưng nếu có mục đích sưu cầu sự suy tư chân chính thì quan điểm của tôi là chúng ta trước hết phải biết từ bỏ giấc mộng tập đại thành "vạn sự thông" hoang đường đi. Tâm trí phải rộng mở nhưng cần thiết bắt đầu trong một mạch nhỏ nào đó mà trải nghiệm và lý trí của mình được đào luyện tinh thuần rồi con đường sẽ mở ra dần dà. Hãy đọc thật sâu một tác gia nào đó mà mình tín nhiệm-do duyên là chính-đối chiếu với trải nghiệm của bản thân để rồi nỗ lực tự mình suy tư đối chiếu. Khi nào dọ được vết tiến thoái của họ thì ta có thể mở rộng phạm vi tìm hiểu ra. Theo nghĩa đó, một tác gia trung bình cũng có thể giúp ta được nhiều. Erich Fromm đối với tôi là một tác gia như vậy, nhưng tầm mức của ông thì ở trên bậc trung nhiều-trung nhân dĩ thượng.

Trong những tác phẩm của E.F mà tôi biết (*) thì cuốn "Ngôn ngữ bị lãng quên" là cuốn sách có vai trò mấu chốt đối với những kiến thức mà tôi thu lượm được về lĩnh vực Phân tâm học-một lĩnh vực hàm hồ đến nỗi hình ảnh quen thuộc của các nhà PTH là kiểu người có thể đắp lên cả quả núi từ số đất moi ra trong hang chuột :D

Trong tác phẩm này E.F trình bày những quan điểm mấu chốt nền tảng về phương pháp phân tích của ông-vốn được xếp chung vào dòng các nhà PTH kết hợp xã hội học-trên cơ sở phê phán những luận điểm của Freud và đối chiếu với C.Jung. Phê bình những luận điểm của ông trong một bài viết ngắn thì tôi không khỏi quá phận nên ở đây xin tập trung tóm tắt vài luận điểm quan trọng của cuốn sách mà tôi thấy thú vị nhất.

Ngay từ đầu, Freud đã từng nhấn mạnh tính phiêu lưu chủ quan đầy bấp bênh của ngành PTH khi mà đối tượng của khoa này là những hoang tưởng vô hình 2 lần chủ quan (người bệnh, nhà PTH). E.F tiếp tục truyền thống nhấn mạnh điều mấu chốt là mối quan hệ giữa nhà PTH và người được trị liệu-từ bệnh nhân không đúng lắm theo cách hiểu thông thường-đối với các nhà phân tâm học thì đa số người bình thường chúng ta mới là bệnh nhân-là lâu dài và mật thiết. Thậm chí như những mô tả của ông thì ta có thể liên tưởng đến quan hệ Thầy-trò trong Thiền tông. Một mặt người bệnh cần có sự tín nhiệm và tương thông với nhà PTH, một mặt nhà PTH phải vượt qua cái thách thức 2 lần chủ quan để đủ thẩm quyền trong mối liên hệ tinh thần nghiêm mật này. Nói đơn giản khi mà theo quan điểm PTH hầu như cả nhân loại đều có tâm bệnh thì ông ta phải khá hơn! Đọc những tự bạch của Freud cũng như của E.F đủ thấy đời sống tinh thần của các vị khốc liệt dường nào.

Nhà PTH dựa vào điều gì để thông liên với người được phân tích? E.F nhấn mạnh đến khái niệm nguyên khởi của ngôn ngữ: những tượng trưng đến từ những kinh nghiệm nguyên thuỷ-ngôn ngữ của cơ thể. "Con người khác nhau theo một lối giống nhau". Ví dụ những trải nghiệm về "lửa" với đa số nhân loại đều có thể tìm được mẫu số chung là: từ kinh nghiệm trực tiếp về sức nóng đến những ý niệm trừu tượng hơn về sự an toàn, hy vọng, sự đe doạ....đến những trừu tượng bội như "sự thanh tẩy"...Tất nhiên phải xem xét trong bối cảnh địa lý, lịch sử, nhân trắc...để phân biệt sự sai khác vùng miền.

Kế thừa các luận điểm của Freud về vô thức, mặc cảm, chuyển di, liên tưởng tự do...khi quan sát các giấc mơ E.F nhận thấy rằng nó được biểu đạt bằng ngôn ngữ của trải nghiệm và nó giống với ngôn ngữ của Thần thoại, Kinh thánh, đồng dao. Khi mơ, chúng ta không bị ràng buộc bởi các quy luật của không gian và thời gian. Đơn giản là logic của trải nghiệm. Nó khác với sự tưởng tượng lúc thức: chúng ta tưởng tượng là đang bay nhưng ta biết là không phải. Trong giấc mơ đơn giản là ta thấy ta đang bay. Ngôn ngữ của kinh nghiệm là những ấn tượng trực tiếp và không lý giải. Đời sống tinh thần của chúng ta tràn đầy những thứ trừu tượng không thể diễn tả bằng lời: bạn có rất nhiều từ để mô tả 1 chiếc xe nhưng sẽ lúng túng ra trò để mô tả tình yêu của mình. Chúng ta chỉ có thể mô tả một kinh nghiệm bằng một kinh nghiệm từ ký ức vô tận của mình. Giấc mơ, thần thoại, đồng dao do vậy là những mô tả trải nghiệm nên cần được đọc theo ngữ pháp của ngôn ngữ tượng trưng chứ không phải theo những phân tích biểu tượng thông thường.

Trong cuốn sách E.F có trích phân tích một ví dụ về Kinh Thánh trong chuyện Jacob. Những hình ảnh và chi tiết trong câu chuyện là những tượng trưng cho trình tự tăng tiến của sức ép của nội tâm cô độc mà cao trào là việc bị nuốt vào bụng cá voi: bị cách ly hoàn toàn với ngoại giới. Chỉ khi Jacob đối diện với vấn đề của mình thì tình trạng mới được giải quyết (**). Và như vậy nếu ta nhìn bằng logic ngôn ngữ thông thường ta thấy những hoang đường, nếu ta nhìn bằng logic trải nghiệm ta thấy một sự liên tục.

Về những giấc mơ, luận điểm của E.F là: những hình ảnh tượng trưng cho những ấn tượng nội tâm. Nguyên nhân trực tiếp có thể từ một sự kiện nào đó ban ngày và giấc mơ tái tạo ấn tượng đó từ kho ký ức tương đồng vô tận của mình. Nhưng chúng ta chỉ mơ thấy những gì thực sự rất quan trọng (trong vô thức) nên tại sao lại là những hình ảnh ấy mới là điều đáng kể. Có một chìa khoá chung là sự tương đồng về kiểu trải nghiệm: có thể là nỗi sợ, sự lo lắng...nhưng cái ẩn chứa được chuyển di mới là cái cần được phơi mở. Ở đây phải vận dụng những kỹ thuật như liên tưởng tự do, những luận đề về ẩn ức, mặc cảm, chuyển di...để có thể tìm hiểu sâu về cơ chế của mỗi giấc mơ.

Một cách thận trọng và để ngỏ, E.F cho rằng có những giấc mơ phản ánh và có những giấc mơ dự báo-trên một cơ chế cảm nhận tinh vi hơn những quan sát hữu thức thông thường. Từ những gì tôi trải nghiệm, tôi không quan tâm đến tính chất dự báo của giấc mơ mà nhận thấy rằng: tất cả các giấc mơ khi đi đến cuối đường đều là quay về đối diện với những điều mình đã lảng tránh một cách vô thức. Có thể hơi chua chát nhưng quả là chúng ta không cần đắm chìm trong những giấc mơ để khám phá bí mật của con người: hãy sống chú tâm, tỉnh thức và chân thực với chính mình.
------------

(*) Tôi liệt kê danh sách những tác phẩm tôi đã đọc, và có thể mua được bản tiếng Việt ở VN cho các bạn nào quan tâm:
- Ngôn ngữ bị lãng quên
- Phân tâm học và tôn giáo
- Phân tâm học và tình yêu
- Trốn thoát khỏi tự do
- và một vài tiểu luận khác

(**) Bài này viết theo trí nhớ nên những nội dung chi tiết sẽ để dịp khác.

4 nhận xét:

Chrys nói...

Thanks anh vì đã share. Ngoài ra còn có quyển "Thăm dò tiềm thức" của Jung do nhà xb Tri thức xuất bản năm ngoái, và quyển "Jung đã thực sự nói gì" cũng rất đáng đọc. Về Jung, có bài rất hay do Ngân Xuyên dịch "Về quan hệ giữa tâm lý học phân tích với sáng tạo văn học nghệ thuật".

Tung H nói...

Vui vì có bạn cùng quan tâm :)

Tôi cũng có đọc một vài cuốn sách của Freud và Jung nhưng nói là đọc kỹ thì mới chỉ có E.F vì cảm nhận được vài điều.

htrang nói...

Chào bác, bác cho tôi hỏi là để mua được quyển "Ngôn ngữ bị lãng quên" thì phải liên hệ ở đâu không bác? Tôi ở TP. HCM. Cảm ơn bác!

Tung H nói...

Chào bạn. Tôi không rõ hiện có tái bản nào không nhưng khả năng cuốn này bạn phải tìm mua theo kiểu sách cũ. Hoặc bạn nhờ các hàng sách cũ, hoặc tìm trên các trang bán sách online. Có thể tham khảo trang sachxua.net để hỏi mua trên diễn đàn.