Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Trùm chăn luận kiếm ^_^

1.
Vợ vắng nhà.
Con đã gửi ở quê.
Đêm đông lạnh, khoá chặt cửa phòng, ngồi trong giường mở máy tính nghe ngâm thơ và viết blog thì còn cái thú nào hơn!

Lúc chiều ghé hiệu sách cũ chơi, tình cờ thấy mấy cuốn Anh hùng xạ điêu thế là nổi hứng phi một mạch lên Nguyễn Xí mua cho đủ bộ về đọc. Vụ này thực ra đã toan tính từ lâu. Cứ mỗi lần ốm đau chán chường thì vấn đề lớn nhất là nhìn cả kệ sách to đùng mà không tìm nổi một cuốn muốn đọc. Những lúc ấy chỉ muốn có cuốn truyện chưởng trong nhà để đọc một mạch cho rỗng rang đầu óc. Nhưng mỗi lần đi mua sách lại tiếc tiền, còn bao nhiêu thứ muốn mang về nhà. Haizz mới hay dẫu biết nhân sinh nhược đại mộng mà cái gì là quan trọng cũng có rành mạch được đâu! Em thân yêu, anh quyết định rồi, cứ hết một chương anh lại quay sang viết blog rồi lại một chương nữa. Cho tan nát cái u sầu tương tư dằng dặc này mới thôi :)

2.
Mấy hôm trước cho Gấu về quê trước với ông bà xong tự nhiên hai vợ chồng thấy hoang mang kinh khủng. Ngày thường thì cứ đùn cho nhau chơi với Gấu để bố mẹ còn...chơi. Gấu đi vắng rồi mới thấy cuộc sống của mình ngổn ngang lổn nhổn chả đâu vào đâu. Chính Gấu làm cho cuộc sống của mình trở thành chấp nhận được mà mình còn không biết điều nữa. Con là cái dây, vợ là ống sáo cho lá diều đời ta vi vu lãng đãng là đây chứ còn gì nữa!

3.
Trên facebook có một bác hiệu là Thái Phong Quyền, võ lâm cao thủ lại kể chuyện rất duyên, thâm sâu mạc trắc. Hôm nay đọc thấy bác ấy bình về chuyện luyện quyền thuật trong võ thuật nên tôi cũng phát sinh tình cảm tự nhiên muốn mặc kệ bác ĐHP, thản nhiên tung ra vài chiêu luận kiếm cho thoả :D

4.
Giống như bộ phận khá đông đảo các thanh niên Việt Nam khác, tôi cũng có một thời trẻ (đẹp) trai, cũng từng thích đọc truyện chưởng. Tôi thấy những người không thích đọc truyện chưởng (ví dụ như cụ Nguyễn Hiến Lê chẳng hạn) có một điểm rất khác với những người thích đọc truyện chưởng: họ không chia sẻ được cái kiểu tâm thế "tin là thiêng". Đọc truyện chưởng là phải có cái tâm thế ấy - tin là thiêng - không so đo gì sất. Tức là mình thuộc cái nòi cảm tính, ưa làm theo ý thích, thường thì lười nhưng nhiều cao vọng nên mộng toàn chuyện viển vông thôi :P

Trong hàng tác gia cao thủ kiếm hiệp thì nổi bật là Kim Dung và Cổ Long. Hai người họ nổi lên theo hai thái cực khác hẳn nhau. Kim Dung viết theo thủ pháp biên kịch điện ảnh, giàu bố cục tình điệu lớp lang, dựng phim rất dễ. Nhân vật sung mãn, kiến văn dồi dào, phong cảnh hùng vĩ, võ thuật bác đại tinh thâm chiêu chiêu thức thức đều độc đáo li kỳ mà vẫn gắn liền với những triết lý thâm sâu của phương đông. Cổ Long bắt chước lối viết truyện trinh thám hiện đại, tránh sở đoản học thức của mình nên ưa đặc tả tâm lý, tình huống, suy luận. Có khi đọc cả chục trang giấy thì dễ nhưng bảo dựng thành phim thì đố mà dựng nổi. Võ công các nhân vật của Cổ Long không có lộ số nhất định, đặc kiểu choảng nhau đường phố (Cổ cũng xuất thân từ đây), miễn giết được đều là võ nên ai đọc Cổ Long thì phải tin ngay vào chất võ tả mồm này thì mới thiêng. Bằng không đang quen từng chiêu từng thức tinh kỳ của Kim Dung sang gặp Cổ Long thấy cứ tức anh ách.

Nhờ lối đặc tả võ công thâm thuý của mình nên các tuyến nhân vật của Kim Dung được khắc hoạ tính cách rất đặc sắc sống động. Nhân vật của Cổ Long thì được đặc tả thiên về tâm tính, triết lý rồi dựa vào tình tiết mà biến ảo. Nếu bảo là thích thì tôi thích đọc Kim Dung hơn, nhưng nếu nói về phân tích bút pháp thì tôi từ lâu rất muốn thu xếp một phen những suy nghĩ của mình về trường hợp Cổ Long. Nhưng hãy để dành vào dịp khác, hôm nay là muốn luận bàn chuyện luyện quyền, luyện khí, luyện tâm trong võ thuật theo mạch của bác Thái Phong Quyền đã nêu ở trên: quyền thuật (kata) chả có ích lợi gì rõ ràng trong đối kháng thực chiến cả!

Tôi tuy không phải loại tiên thiên bất túc nhưng xin trình bày ngay đầu tiên là thân thể hư nhược, tính tình dát chết ngại va chạm chứ đừng nói chuyện đã từng tập võ. Vậy nên luận kiếm ở đây là đánh võ mồm cho thoả đêm đông, không sợ sai không cầu đúng làm một phiên mãi võ mua vui cuối năm.

5.
Người đọc Kim Dung đều biết đến võ công của Lệnh Hồ Xung học được là thứ võ công vô địch thiên hạ. "Vô chiêu thắng hữu chiêu" của y được người đời nhắc đi nhắc lại trong nhiều cảnh huống khác nhau, phần vì nó cũng bàng bạc như đạo lý vi vô vi của Lão Tử khó hiểu dễ dùng trong cõi đời bung xung thường nhật. Trước đây tôi cũng không nghĩ ngợi gì nhiều cho đến khi có một lần tự nhiên nằm nghĩ ra một ý: người tập quyền thì đánh theo lộ số, án chiếu vào mình trong khi thực chiến là đánh vào đối phương. Đối phương thì gầy béo cao thấp bất định, nhảy nhót biến hoá liên tục. Vậy thì đạo lý của thực chiến phải là án vào tình thế chứ! Đến đây thì vỡ lẽ ra cái món Độc Cô Cửu Kiếm của Kim Dung cũng không đến nỗi không tài nào hiểu được. Cũng giống như thi đấu thể thao, đánh nhau theo quy củ, đối thủ đánh đòn gì đều có ước định, chỉ còn lại là chuyện nhanh chậm biến hoá thêm thắt nữa thôi. Đến hồi thực chiến gặp phải đối phương không thèm quy củ gì cả, chiêu nào cũng độc địa tất sát thì có mà quy củ vào mắt. Đạo lý này thực ra rất bình thường nhưng lâu nay cái bầu không khí mê ảo ngập tràn các từ Hán Việt nó làm ý thức của mình bị gấp nếp, không để ý hay suy nghĩ gì nữa.

Nhưng vậy các tác gia như Kim Dung có biết việc này không, tả như vậy có phải là sai hay không thì xét về phương diện văn học lại chẳng sai tý nào cả. Cũng giống như võ thuật trên phim ảnh, chúng là thứ ngôn ngữ trình diễn để truyền tải. Chúng tuân theo luật tượng trưng là chính. Khán giả cần theo dõi được, hiểu được diễn tiến, đủ để cảm thụ được các động tác theo kiểu thưởng thức màn vũ đạo (ở đây là múa thôi :) Ví dụ như trong chụp ảnh thể thao, chụp ảnh trình diễn thời trang, các bức ảnh đẹp đều là những bức ảnh nắm bắt được khoảnh khắc điển hình nhất, mô tả rõ nhất thần thái đặc trưng của bộ môn. Thô thiển hơn, kỹ thuật thuần tuý thì các nhiếp ảnh gia tổng kết lại rằng chụp ảnh phải chụp đúng được lúc người mẫu đang chân vung tay quăng thì ảnh thể nào cũng đẹp. Có một sự hội tụ ở đây: tính thẩm mỹ của động tác, tính có thể nắm bắt, tính triết lý trong biểu tượng...tất cả đóng vai trò như những đơn vị nghĩa trong một diễn ngôn. Nó dùng để "đọc" theo nghĩa rộng nhất của từ này. Muốn choảng nhau ngoài phố ngàn vạn lần không nên học theo kiểu Kim Dung!

(còn tiếp)

4 nhận xét:

Unknown nói...

sao lại mặc kệ ĐHP, luận kiếm hay thế phải cho ĐHP vào chăn luận với chứ. Có bài hưởng ứng bác bên nhà đấy :)

Titi nói...

Thích cái tít và cái văn phong bài nài quóa :-D

Tung H nói...

Hầy da, còn tiếp còn tiếp! xin các bác thưởng cho chút tiền còm (men)

pq nói...

luận tiếp đi bác Tung H ơi