Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Đọc Tư duy kinh tế VN 1975-1989. Đặng Phong

(Ảnh ST)
1.
Ấn tượng và ký ức về thời bao cấp trong tôi là khá nhẹ nhàng. Đơn giản vì nó chỉ vừa kịp nằm trọn trong tuổi thiếu niên vô tư lự của thế hệ cuối 7x chúng tôi. Điều khác biệt tưởng nhỏ bé này hoá ra lại rất căn bản khi tôi nhận ra sự khác biệt trong cách nhìn nhận đánh giá về xã hội Việt Nam của mình với những người thuộc thế hệ khác, đặc biệt là lứa đi trước. Về căn bản, chúng tôi lớn lên, thấy những khó khăn, kỳ cục chỉ là những kỷ niệm ấu thơ đáng yêu dễ tha thứ, thấy sự phát triển, thay đổi là điều đương nhiên và xã hội luôn có cơ hội tích cực cho sự thay đổi.

Chúng tôi được đặc quyền nhìn mọi vấn đề của thời bao cấp bằng cái nhìn non nớt như vậy mà không sợ bất cứ chế giễu nào: xét cho cùng thì chúng tôi đâu có hiểu biết gì nhiều nhặn về xã hội thời đó ngoài những trải nghiệm sống của tuổi nhi đồng, thiếu niên. Tuổi trẻ của chúng tôi có quá nhiều điều để khám phá và loay hoay lựa cách thích nghi. Cái loay hoay muôn thuở của tuổi đôi mươi vừa hay cũng trùng hợp với cái loay hoay đôi mươi của một xã hội đang tự vượt lên chính mình những năm 90s. Một cách tự nhiên, thời bao cấp lặng lẽ nằm bên rìa ký ức như một điều đương nhiên.

Nhưng khi đã tiếp xúc với thế giới internet thì tránh thế nào được việc phải có một quan điểm khi mỗi ngày đều tràn ngập trên các trang mạng đang trong trào lưu giải mật chế độ là những tranh chấp (thậm chí thù địch) quan điểm xét lại về xã hội Việt Nam. Dù không cố ý, dần dà tôi chắp nối những sự kiện, những ý kiến thành một nền tảng hiểu biết của mình về thời bao cấp. Sự khác biệt bây giờ trở thành rất quan trọng: tôi luôn nhìn những mâu thuẫn gay gắt như là những mâu thuẫn của nội giới và nhờ vậy thoát ra khỏi sự hằn học bài trừ về mặt quan điểm đối với quá khứ. Khi mình đã từng sống đơn giản, hài hoà với một xã hội; rồi xã hội đó cũng đã đổi thay tích cực hàng ngày thì không thể nào mình tư duy về nó theo kiểu phải cắt đục chỗ này, tiêu diệt chỗ kia, theo lối mày sống tao chết được. Sự chú tâm của tôi ưu tiên cho việc thấu hiểu, đồng cảm và tìm kiếm cơ hội cho sự thay đổi.

2.
Nhược điểm lớn nhất của những thông tin từ nguồn phổ thông trên mạng là tính phiến diện, nhặt nhạnh và có tính chất tin đồn là chủ yếu. Những thông tin như vậy chỉ có thể lặng lẽ theo dõi, để vào một chỗ chờ dịp đủ điều kiện xử lý thì thao tác chứ ít tính xây dựng cho hiểu biết có ích. Trong một bối cảnh như vậy thì cuốn sách "Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989" của Đặng Phong là một tài liệu rất có ích để góp phần định hình cách nhìn nhận đánh giá về thời bao cấp nói chung và về đường lối xã hội thời đó nói riêng.

Việc cuốn sách là một phần của một đề tài cấp Bộ về Tư duy kinh tế VN 1975-2005 dễ khiến người ta liên tưởng đến 02 việc: thứ nhất, nó được tư duy và trình bày theo phong cách, lối viết của nghiên cứu khoa học VN vốn buồn tẻ và dễ đáng ngờ; và thứ hai, nó chỉ nói chuyện kinh tế là thứ không phải hấp dẫn đối với tất cả mọi độc giả phổ thông. Cái hấp dẫn trước đây của thời kỳ bao cấp là những tập quán, lối sống, kỷ niệm buồn vui một thời - mà hầu hết là mang màu sắc tương phản với hiện tại - giống như những hiện vật trong bảo tàng Dân tộc học, hay ở quán cafe Báo phố Trần Quốc Toản hoặc trong những bộ sưu tập tư nhân và trên những trang blog đầy hoài niệm.

Tưởng vậy mà không phải vậy, khi đã bắt đầu đọc cuốn sách là sẽ khó có thể dứt ra được khỏi mạch lạc của nó. Lớn lao hơn rất nhiều hình dạng một đề tài về kinh tế, vốn cũng chính là một lựa chọn rất thông minh, rất đặc sắc của các tác giả, cuốn sách đã tìm ra được lối mạch lạc để xâu chuỗi liên kết các sự kiện, các số liệu, văn bản, nhân vật lịch sử để dựng lên thành một thực tế chính trị - kinh tế - xã hội của cả một thời kỳ lịch sử. Cả những điều nó nói đến và những điều nó không nói đến (lối vòng vo gián tiếp Á Đông) đã cho ta biết được rất nhiều góc cạnh của lịch sử một cách sống động và chính thức. Chính trị, vâng chính là chính trị, được đề cập chính thức, nghiêm túc và có thể hiểu được. Bên cạnh những tiếp cận kiểu tin đồn, thuyết âm mưu mang nặng phong cách Tam quốc diễn nghĩa lâu nay, ở đây chúng ta có thể bình thường mà tiếp cận, suy nghĩ, đánh giá về những cá nhân của lịch sử chính trị Việt Nam một thời kỳ. Vừa mang trong mình khối tư liệu đủ để đứng riêng một mạch lạc, cách trình bày của cuốn sách còn mở ra vô số lối ngỏ để mỗi người tuỳ vào sở thích, hứng thú và hiểu biết có thể tham chiếu, dựng khung bối cảnh, phác hoạ lên tư cách của từng nhân vật lịch sử giai đoạn đó. Thăng bằng giữa cách đọc chính diện và cách đọc giữa những hàng chữ, đó chính là giá trị bút pháp nổi bật của Tư duy kinh tế VN 1975-1989.

(còn tiếp)

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

"Sự chú tâm của tôi ưu tiên cho việc thấu hiểu, đồng cảm và tìm kiếm cơ hội cho sự thay đổi."

Thích câu này! :)

Goldmund nói...

cuốn này hay, hấp dẫn còn hơn tiểu thuyết trinh thám:)

Tung H nói...

@CNC: Tks bác chia sẻ :)
@GM: chẳng phải tự nhiên mà rồi mọi người xếp ĐP vào hàng sử gia kinh tế :)